150 năm Hồng Ân Dòng Salêdiêng - Don Bosco
WGPSG-- Lúc 11:05 ngày 18/12/2009, tại Trụ sở Don Bosco Xuân Hiệp, Thủ Đức, Thánh lễ trọng thể do Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn chủ sự cùng hai Đức cha Bùi Chu và Thái Bình và hơn 100 linh mục đồng tế tạ ơn bế mạc Năm Thánh Mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Dòng Don Bosco.
Trong Thánh lễ hôm nay có sự hiện diện của quý bề trên, quý tu sĩ Nam Nữ, quý ân nhân, thân nhân, các ông bà cố, cộng tác viên và đông đảo giáo dân tham dự, khoảng 1200 người. Đây cũng là dịp canh tân lời khấn và nhận đơn xin truyền giáo của các ứng sinh của Hội Dòng.
- Sau khi đón khách, 8 giờ 45, cộng đoàn cùng hiệp ý và Dâng Hương tại Vườn hoa thánh thiện để tri ân Đấng Sáng Lập trên quãng đường 150 năm, đứng trước thành quả Tu Hội chúng ta đang có được, chúng ta cảm thấy mình bất xứng, như lời Thánh Phaolô nói: "Chúng tôi chứa bảo vật đó trong những bình sành, để minh chứng quyền năng cao trọng đó là do Thiên Chúa, chứ không phải tự chúng tôi mà có”
- 9 giờ, Cha Giám tỉnh Giuse Trần Hoà Hưng đã trình bày về lịch sử phát triển của Tu hội và 10 năm truyền giáo của Salêdiêng Việt Nam.
Nghe Audio:
- Nhập lễ
- Tin Mừng & Giảng lễ của ĐGM Nguyễn Văn Đệ
- Canh tân lời khấn & hứa trung thành & nhận đơn xin đi truyền giáo
- Cha Giuse Trần Hoà Hưng, Giám tỉnh Don Bosco VN cảm ơn
- ĐHY GB Phạm Minh Mẫn ban huấn từ
Phần Diễn nguyện
“Cảm tạ Chúa quả là hồng ân” là chủ để mở đầu phần diễn nguyện, hợp xướng ấn tượng do Linh mục nhạc sĩ Kim Long chỉ huy và dàn dựng qua tác phẩm THẮP SÁNG CHO ĐỜI, cũng là sáng tác của các anh em SDB, nói lên ước muốn của toàn thể anh chị em Salêdiêng khát khao theo gương Thày Chí Thánh Giêsu, làm men muối và ánh sáng cho đời. Được nghe phần hợp xướng này, dù cho ai đó có là kẻ ngoại đạo với âm nhạc, cũng cảm nhận được một điều gì đó rất mênh mông cao vời, những cũng thật gần gũi biết bao như Thiên Chúa và con người vậy. Thiên Chúa vô hình, nhưng hình ảnh của Ngài đang hiện diện lúc này và tại đây, rõ lắm…
GIẤC MƠ 9 TUỔI, là phần diễn xuất trẻ trung của các người trẻ Slêdiêng, diễn tả thị kiến Gioan Bosco được Thiên Chúa tuyển chọn, để trở nên vị mục tử chuyên chăm lo cho các trẻ em nghèo và bị bỏ rơi, và người cố vấn gần gũi nhất, Bà giáo thân yêu nhất, người trợ thủ nâng đỡ đắc lực nhất, không ai khác hơn chính là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Không chỉ trẻ em nam, Don Bosco còn được nghe tiếng gọi thống thiết của thanh thiếu nữ, thế là Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ ra đời, dưới sự quan phòng của Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Sứ mệnh của Don Bosco không gói gọn trong một thành phần giới trẻ hay trong một giới hạn nào của biên giới, mà sứ mạng và với phương pháp giáo dục ấy, đã được chia sẻ cho các nhà giáo dục và tất cả những ai khát khao hướng dẫn người trẻ, trở nên những con người phát triển toàn diện trong một thế giới đảo điên hôm nay, để trở nên những công dân Nước Trời đích thực ngay tại trần gian đầy biến động này. Một lực lượng đông đảo các nhà giáo dục theo gương Don Boscô gồm 27 thành phần, như những cánh tay nối dài làm nên Đại gia đình Salediêng Don Bosco.
Những ý nghĩa trên đã được thể hiện qua tiết mục “Cùng chia sẻ Tông đồ Đức Ái” của chị em Con Đức Mẹ phù hộ, FMA.
Thừa và thiếu. Hai kiểu yêu thương
Sau các nghi thức “Canh tân lời khấn” và “Nhận đơn truyền giáo”, Thánh lễ đã kết thúc hồi 12 giờ 10.
Trong phần cám ơn xúc tích phong phú nhưng cũng không kém phần duyên dáng lắng sâu sau Thánh lễ, cha GB Nguyễn Văn Thêm, Giám tỉnh Việt Nam đã nói đại ý rằng, những lời cám ơn trong các dịp này, nói ra thì thừa nhưng không nói sẽ là rất thiếu, cha cảm ơn về tất cả và xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho chúng ta và mỗi người.
Trong phần ban huấn từ nói chung với cộng đoàn, nhưng cũng như những lời nhắn riêng với các ứng sinh xin truyền giáo hôm nay, Đức Hồng y đã kể về chuyến gặp gỡ với Giáo Hội Trung Quốc thời gian qua, dịp này, Đức Hồng y đã được nghe nói về 2 kiểu truyền giáo: một như cha Matteo Ricci, tôn trọng văn hóa bản địa, một đem văn hóa Tây Phương áp đặt lên văn hóa bản địa. Ngài cũng nói đến 2 kiểu yêu thương, yêu thương tôn trọng và yêu thương áp đặt.
Lược sử Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam
Dòng Salêdiêng Don Bosco, còn được gọi là Tu Hội Thánh Phanxicô Salê, do Thánh Gioan Bosco sáng lập ngày 09-12-1859 và được Tòa Thánh chính thức chấp thuận 19-02-1869, là Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng.
Trên thế giới hiện nay Dòng Salêdiêng Don Bosco có 16.234 Tu sĩ, trong đó có 116 Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục, 10.720 Linh mục, 2.092 Sư huynh và 484 Tập sinh. Đang hoạt động trên 129 quốc gia.
* Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam
1. Những lời mời gọi
- Năm 1926, Đức Cha Constantino Aiuti, Đại diện Tông Toà Đông Dương đã gửi thư xin Cha Giám tỉnh Tỉnh Dòng Salêdiêng ở Trung Hoa gửi các Tu sĩ Salêdiêng đến Hải Phòng để điều hành một trường Công giáo.
- Năm 1936, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, đã xin Cha Carlo Braga, Giám tỉnh Tỉnh Dòng Salêdiêng Trung Hoa, gửi các Tu sĩ Salêdiêng đến điều hành Tiểu Chủng viện, dạy học và điều hành trường dạy nghề. Cha Carlo Braga hứa sẽ đáp ứng trong tương lai gần, nhưng đã không thực hiện lời hứa.
- Tiếp đến, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn đã đến tận Tôrinô, Trung Ương của Dòng Salêdiêng Don Bosco xin Cha Bề trên Cả Philip Rinaldi gửi các Tu sĩ Salêdiêng đến giúp giới trẻ Việt Nam.
2. Những bước đi đầu tiên
- Năm 1940, vì nhu cầu làm Tuyên uý cho các binh sĩ Nhật, một Linh mục Salêdiêng người Pháp, Cha Phanxicô Dupont, vì biết tiếng Nhật, ngài được gửi đến Việt Nam để làm thông dịch viên. Nhưng khoảng một năm sau, nhờ sự can thiệp can thiệp của Đại diện Tông Toà ở Hà Nội, ngài được xuất ngũ.
- Là một linh mục có lòng nhiệt thành, ngài lập tức lao vào các việc tông đồ từ Bắc chí Nam, từ Hà Nội đến Sài Gòn, qua việc giảng các Tuần Đại phúc, giải tội, hội thảo, làm tuyên uý Sinh viên Công giáo, tổng linh hướng các cấp lãnh đạo của Tổ chức Hướng Đạo. Là người con của Cha Thánh Gioan Bosco, ngài có lòng yêu mến giới trẻ nghèo khổ và bị bỏ rơi. Chính vì thế cuối năm 1941, ngài đã cộng tác vào việc điều hành một Cô nhi viện ở Hà Nội.
- Khi có được một Salêdiêng trẻ, Cha Raimond Petit đến hỗ trợ, Cha Dupont ký hợp đồng với Cô nhi viện ngày 18.12.1941. Sau đó Cha nghĩ ngay tới việc lập trường huấn nghệ cho học sinh và dạy Latin để vun trồng ơn gọi cho một số em.
- Vào năm 1945, tình hình Việt Nam mất an ninh. Chính năm ấy, khoảng 23 giờ đêm, ngày 9 tháng 8 tại Kẻ Sở gần Nam Định, Cha Dupont bị một nhóm vũ trang vào trấn áp và bắt đem đi, rồi bắn chết. Cha Raimond Petit không có mặt đêm ấy.
- Cha Petit tiếp tục đảm trách mọi công việc. Tuy nhiên, vì tình hình không cho phép, năm 1947, được phép Bề trên, Cha đưa khoảng 30 em về Pháp để chuyển vào các nhà Salêdiêng ở Nice và Marseille hoặc dần dần hội nhập các em vào những gia đình ở Marseille. Công cuộc Salêdiêng đầu tiên tại Việt nam sau 6 năm khởi động đã kết thúc.
3. Những bước khởi đầu chính thức
- Năm 1932 Đức Cha Paul Seitz Kim sinh năm 1904, thuộc Hội Thừa Sai Paris sang Hà Nội.
- Năm 1940, ngài mua đất ở Ba Vì, Sơn Tây để lập nhà Tĩnh tâm và cắm trại cho giới trẻ. Sau đó, ngài thành lập Gia đình Têrêxa để tiếp nhận các thanh thiếu niên nghèo, vô gia cư và thất lạc gia đình.
- Năm 1946, vì chiến tranh, ngài di chuyển Gia đình Têrêxa từ Sơn Tây về Khu Trúc Lâm ở Hà Nội, một Dinh thự của Phó Vương Hoàng Cao Khải.
- Năm 1950, ngài mua thêm nhiều đất và thành lập Thi Xá Kitô Vương cho các trẻ mồ côi, theo mô hình “Gia đình nhỏ”, tự quản theo đường lối chung.
- Ngày 16.06.1952, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Kontum. Vì vâng lời, ngài đã chấp nhận, nhưng với điều kiện là phải có Dòng Salêdiêng đến iếp nối công cuộc của ngài.
- Chính vì thế ngày 13.7.1952, Đại diện Tông tòa tại Hà Nội đã gặp Cha Bề Trên cả Renato Ziggiotti để xin ủy thác Gia đình Têrêxa cho Dòng Salêdiêng.
- Ngày 18.8.1952, Dòng chấp nhận điều hành Gia đình Têrêxa và Cha Carlo Braga,
- Ngày 03-10-1952 Giám tỉnh Tỉnh Dòng Trung Hoa Hong Kong, đã gửi Cha Antôn Giacomino (người Braxin) và Cha Anrê Majcen (người Slovenia) qua Việt Nam và các ngài đã đến Hà Nội. Kể từ ngày đó Dòng Salêdiêng Don Bosco chính thức có mặt tại Việt Nam.
- Năm 1954: khi Việt Nam bị phân chia, Dòng Don Bosco phải di chuyển vào Miền Nam. Vì không được Đức Cha Cassaigne chấp nhận cho vào Sài Gòn, Dòng đã chuyển các học sinh vào Ban Mê Thuột. Sau một thời gian ngắn, vì không thể sống được ở Ban Mê Thuột, Dòng phải chuyển vào Sài Gòn, lúc bấy giờ Đức Cha Simon Hoà Hiền làm Giám mục Giáo phận Sài Gòn. Trong cuộc di chuyển này, phần đa các học sinh lớn xin ở lại Giáo phận Kontum với Đức Cha Kim, chỉ có các học sinh nhỏ chấp nhận cùng di chuyển xuống Sài Gòn.
- Lúc ban đầu, (năm 1955) chuyển đến Thủ Đức, rồi sau đó khi Don Bosco Thủ Đức trở thành Đệ tử viện dành cho các học sinh muốn đi tu Dòng Don Bosco, còn các học sinh khác chuyển tới Gò Vấp, sau này thành Trường Kỹ thuật Don Bosco Gò vấp.
- Để có thể hoạt động, lúc ban đầu Dòng Don Bosco Việt Nam có nhiều Tu sĩ và Linh mục ngoại quốc, như Nam Tư (Slovenia), Braxin, Ý, Pháp, Trung Hoa, Bỉ, Hà Lan.
- Năm 1957 đã có hai Tu sĩ Việt Nam đầu tiên,
- Năm 1960 đã bắt đầu mở Nhà Tập.
- Năm 1961, Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam mở thêm một nhà nữa ở Trạm Hành (Đơn Dương).
- Năm 1972, mở Học viện ở Đà Lạt.
- Năm 1973, bắt đầu xây một Trường Kỹ thuật nữa ở Đà Nẵng với dự kiến niên học 1975-1976 sẽ khai giảng.
- Nhưng sau biến cố năm 1975, Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam mất nhà Đà Nẵng, Trạm Hành, Gò vấp, Thủ Đức. Nhờ lòng ưu ái và quan tâm của các Giám mục Giáo phận (Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà lạt), Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam có được một số Giáo xứ để có thể tồn tại, hoạt động và phát triển.
- Tuy nhiên, vì bối cảnh xã hội và chính trị, từ năm 1975-1985, các Tu sĩ ngoại quốc đã phải về nước và một số Tu sĩ Việt Nam ra khỏi Dòng, năm 1975 có 120 tu sĩ, năm 1985 chỉ còn lại 78. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trung, Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam không ngừng phát triển về số tu sĩ cũng như về các công cuộc. Hiện nay, Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam có 304 tu sĩ, đang làm việc tại nhiều Giáo phận (Hà Nội, Bùi Chu, Thanh Hoá, Vinh, Kontum, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Xuân Lộc, Bà Rịa, Sài Gòn, Vĩnh Long, Long Xuyên).
* Đặc sủng của Dòng
1. Chương trình và châm ngôn sống
Thánh Sáng lập đã chọn một câu châm ngôn làm chương trình sống và truyền cho Dòng ngài sáng lập. Đó là: “Da mihi animas, cetera tolle – Xin cho con các linh hồn, còn những sự khác xin cứ lấy đi”.
2. Chân tính Người SalêDiêng
Hiến luật Dòng Salêdiêng Don Bosco khẳng định: “Chúng ta, những người Salêdiêng Don Bosco (SDB) tạo thành một cộng thể những người được thánh tẩy, mau mắn vâng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, nguyện thực hiện kế hoạch tông đồ của Đấng Sáng lập trong một hình thức chuyên biệt của đời tu: trong Hội Thánh, các tu sĩ Salêdiêng là những dấu chỉ và người mang tình yêu Thiên Chúa đến cho thanh thiếu niên, đặc biệt những em nghèo khổ nhất (HL 2).
Về hình thức, Dòng Salêdiêng Don Bosco là Dòng Giáo sĩ, thuộc quyền Giáo hoàng, gồm có giáo sĩ và giáo dân sống cùng một ơn gọi trong sự bổ sung huynh đệ, (HL 4).
3. Linh đạo Hội Dòng
Theo Hiến luật đầu tiên, mục tiêu của Dòng Salêdiêng là giúp các Hội viên nên thánh qua việc thực hành đức bác ái đối với nhau, nhất là đối với thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Trong Hiến luật được canh tân theo Công Đồng Vatican II, mục tiêu đó được tái khẳng định: “Trong khi chu toàn sứ mệnh này, các tu sĩ Salêdiêng tìm được con đường nên thánh cho mình” (HL 2)
4. Sứ mạng của Hội Dòng
Rao giảng Tin Mừng cho thanh thiếu niên, cách riêng những em nghèo khổ; đặc biệt chăm sóc các ơn gọi tông đồ; giáo dục đức tin trong các môi trường bình dân, đặc biệt với việc truyền thông xã hội; loan báo cho các dân tộc Tin Mừng mà họ chưa được nhận biết. (xem HL 6)
Để thực hiện sứ mạng này, Dòng Salêdiêng tổ chức các công cuộc và hoạt động sau đây: nguyện xá và trung tâm trẻ, trường học thuộc mọi cấp và trung tâm huấn nghệ. Các trường nội trú và các nhà mở cho các trẻ em gặp khó khăn, các trường đại học, các trung tâm giáo lý và mục vụ. Công cuộc Salêdiêng chủ yếu nhắm đến các thanh thiếu niên.
* Bổn mạng Hội Dòng
Bổn mạng chính của Dòng là Mẹ Maria Phù Hộ và Vô Nhiễm, Thánh Cả Giuse, Thánh Phanxicô Salê và Cha Thánh Gioan Bosco.
* Địa chỉ
- TRỤ SỞ TRUNG ƯƠNG
DIREZIONE GENERALE OPERE DON BOSCO
Via della Pisana, 1111
00163 Roma – Bravetta – ITALIA
ĐT : (+39) 06.656.121
Fax : (+39) 06.656.12.556
- TRỤ SỞ TỈNH DÒNG VIỆT NAM
54 Đường Số 5, Khu Phố 4, Linh Xuân, Thủ Đức
Tp. Hồ Chí Minh – VIỆT NAM
ĐT : 08.37240.473
Fax : 08.37240 647
Email : sdbvn@vnn.vn
* Bề Trên đương nhiệm
- BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN
LM. PASCUAL CHÁVEZ VILLANUEVA, SDB
Sinh ngày 20-12-1947, tại Real de Catorce, Mêhicô
Khấn dòng năm 1964
Linh mục : ngày 08-12-1973
Bề trên Cả : 2002-2008.2008-2014
- BỀ TRÊN TẠI VIỆT NAM
LM. GIUSE TRẦN HÒA HƯNG, SDB
Sinh ngày 20 - 11 - 1958 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khấn lần đầu ngày 14 - 08 - 1977.
Thụ phong Linh mục ngày 28 - 10 - 1995.
Giám tỉnh : 2009-
Kính Xin mượn phần kết của Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ SDB để kết thúc:
Kính thưa cộng đoàn, qúi bề trên, anh chị em tu sĩ SDB
Hoà chung với niềm vui đại gia đình SDB, trên thế giới hôm nay tổ chức lễ Tạ ơn bế mạc Năm Thánh chúng ta hãy cùng quyết tâm như Cha Bề Trên Cả đã nhắn nhủ:
1) Tuyên xưng lại và sống lời khấn thánh hiến Dòng của mình
2) Quyết tâm canh tân đời sống thiêng liêng mỗi Salêdiêng và mỗi cộng đoàn
3) Hướng về tương lai dấn thân không mỏi mệt, sống sứ mệnh Salêdiêng, phục vụ giới trẻ, Da mihi Animas xin cho tôi các Linh hồn
4) Không có Mẹ Phù Hộ, Dòng Salêdiêng Don Bosco chỉ là số không
Xin Mẹ Phù Hộ, Bà giáo của Don Bosco, chúc lành và hướng dẫn Tỉnh Dòng SDB/VN ngày càng phát triển phong phú hơn, chất lượng hơn, tinh tuyền hơn theo đúng mục đích, tôn chỉ, đối tượng mà Chúa Kitô mục tử, Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo hữu, và Don Bosco mong muốn.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12