Anh em làm chứng cho Thầy
Chúa Nhật thứ 33 Thường niên, Năm C,
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Lời Chúa: Lc 21, 5-19
Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Ðức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu.”
Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
Suy niệm
1. Giêrusalem
Chúa Giêsu đã tiên báo về sự tàn phá đền thờ Giêrusalem, cũng như về ngày tận cùng của vũ trụ vật chất.
Trước ngày trọng đại ấy sẽ có những biến cố xảy ra: nào là các tiên tri giả xuất hiện, nào là chiến tranh, động đất, bệnh tật và đói kém, nào là bắt bớ và cấm cách cho những người môn đệ của Chúa. Tuy nhiên điều làm cho chúng ta tò mò và băn khoăn hơn cả đó là bao giờ thì ngày trọng đại ấy sẽ đến?
Đứng trước câu hỏi này Chúa Giêsu đã không trả lời, vì đó là một bí mật, một mầu nhiệm trong quyền năng của Thiên Chúa. Thế nhưng chúng ta thường phản ứng ra sao, chúng ta thường sống như thế nào trước vấn đề này? Trải qua dòng lịch sử chúng ta có thể ghi nhận được ba loại phản ứng, ba kiểu sống khác nhau.
Kiểu sống thứ nhất của những người cho rằng đó chỉ là một câu chuyện viển vông, bịa đặt. Họ sống như là không phải chết bao giờ, và vũ trụ này sẽ tồn tại mãi mãi. Họ bình thản lặn ngụp trong tội lỗi và thoả sức thực hiện những mưu đồ gian tham của mình, để rồi cuối cùng, bừng con mắt dậy thấy mình tay không, họ sẽ mất cả chỉ lẫn chài, cả vốn lẫn lãi, cả đời này lẫn đời sau.
Kiểu sống thứ hai của những người cho rằng ngày tận thế sắp đến nơi rồi, và họ trở thành như tê liệt, không còn thiết tha gì đối với cuộc sống hôm nay. Việc quan trọng đối với họ đó là chờ đợi ngày Chúa sẽ đến. Đây cũng là thái độ của một số các tín hữu sơ khai, làm cho họ trở thành bi quan và chán nản.
Kiểu sống thứ ba phải là kiểu sống của chúng ta. Vậy thì kiểu sống ấy như thế nào? Trước hết chúng ta xác tín rằng: Bản thân chúng ta cũng như vũ trụ vật chất này, đã có một khởi đầu thì cũng sẽ có một kết thúc. Bao giờ thì kết thúc ấy sẽ xảy ra, thiết tưởng chúng ta không cần biết đến, điều quan trọng trong giây phút hiện tại đó là chúng ta phải biết chuẩn bị để chúng ta sẽ không trở thành những kẻ bị thua lỗ khi ngày trọng đại ấy xuất hiện.
Chúng ta chuẩn bị bằng cách khử trừ thói hư tật xấu. Chúng ta chuẩn bị bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương giúp đỡ những người chung quanh. Làm như thế, chúng ta tích góp phần xây dựng cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp, cũng như nhờ đó mà chúng ta thực hiện được mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta, là sẽ được trở về cùng Chúa trên quê hương Nước Trời.
Như thế, niềm tin tưởng vào Chúa lại đến trong vinh quang, sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, hay thất vọng chán ngán, trái lại sẽ làm cho chúng ta thêm hăng hái, thêm phấn khởi để chu toàn những bổn phận trần thế của mình bởi vì hiện tại sẽ xác định cho tương lai. Ngày mai của chúng ta có tươi sáng hay không là do tất cả những gì chúng ta đang cố gắng xây dựng trong hiện tại, trong hôm nay, bởi vì tương lại phải được bắt đầu từ hiện tại và ngay mai phải được bắt đầu từ hôm nay.
2. Dòng máu cứu độ
Kiên trì trước sức tàn phá: Trong tác phẩm ngư ông và biển cả, văn hào Hemingway mô tả một ông lão nghèo khổ, khô gầy, chân tay nứt nẻ vì cọ sát dây câu… Hàng chục ngày câu cá, không được con nào. Lão còn bị bọn dân chài chế nhạo. Lão không nản chí, quyết câu được cá to. Lão ra tít mù khơi, thả câu, chờ tới chiều, bỗng dây câu giựt mạnh. Lão xuýt té, bám lấy mạn thuyền, thuyền bị kéo chạy phăng phăng. Lưng, vai, tay lão bị dây xiết chặt, lão vừa đói khát, vừa mệt lử. Có lúc lão thiếp đi. Ba ngày sau, cá đuối sức, lão đâm, chém, đập xiên xọc cho cá chết, rồi buộc vào mạn thuyền, lôi về. Con cá kiếm dài hơn thuyền, nặng tới sáu bảy tấn. Lão vui mừng, khỏe hẳn lại. Ngờ đâu bọn cá mập đánh hơi thấy mùi máu tanh nhào lại rúc rỉa. Lão chống trả quyết liệt với bọn sư tử biển này. Bọn cá mập bỏ chạy. Nhưng cá kiếm của lão chỉ còn lại bộ xương. Lão kéo lên bờ. Người ta trầm trồ trước bộ xương vĩ đại với đuôi cá khổng lồ. Còn lão, lão ngủ thiếp đi trong giấc mộng lởn vởn lũ sư tử biển.
Mỗi người chúng ta là một lão ngư ông trên biển đời mà Đức Giêsu đã diễn tả trong bài Tin Mừng cho chúng ta thấy những sức mạnh tàn phá kinh khủng của nó.
1- Trước hết là sức mạnh tàn phá của thời gian: thời gian sẽ tàn phá hết mọi sự trên đời, mà đền thờ Giêrusalem là một điển hình. Người ta trầm trồ khen ngợi đền thờ Giêrusalem kiên cố, đồ sộ, còn mới nguyên, được trang hoàng bằng cẩm thạch bóng loáng, chạm vàng óng ánh và trầm hương thơm ngát. Nhưng Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết. Không còn tảng đá nào trên tản đá nào.”
Lịch sử đền thờ Giêrusalem đã trải qua những bước thăng trầm để rồi bị tàn phá hết. Đền thờ thứ nhất được Vua Salômôn xây cất kỳ công kiệt tác để rồi Vua Nabucôđônôsô kéo quân đến tàn phá và bắt dân Do Thái đi đầy ở Babilon. Đến thời Vua Kyrô và Darius nước Ba tư cho dân về xây cất lại đền thờ dưới quyền chỉ huy của Zorababen (năm 520-515), đây là đền thờ thứ hai rất sơ sài, sau lại bị quân Anticô IV chiếm cứ tế thần Zeus Olympic, năm 169 anh em Juda Macabê nổi lên đánh đuổi bọn xâm lăng tà thần và tẩy uế đền thờ năm 164.
Đến thời Hêrôđê đại đế xây lại nguy nga lớn hơn đẹp hơn, để rồi quân Rôma do tướng Titus đến đốt sạch, phá hết vào năm 70 sau Đức Giêsu.
Cuộc đời con người còn mong manh, mỏng dòn, dễ bị tàn phá hơn đền thờ rất nhiều.
2- Thứ đến là sức tàn phá của lừa gạt, giả dối, giả mạo. Mấy anh Việt kiều kể: Có giáo phái giúp đỡ những Việt kiều rất tử tế để theo họ, khi theo rồi phải đóng thuế nặng như đóng thuế cho nhà nước. Nhiều người đã mắc bẫy lừa gạt như vậy.
Lịch sử còn cho biết: Bao nhiêu dân lành đã thiêu thân trong những cuộc chiến đẫm máu vì những lời lừa gạt; chiến đấu vì bảo vệ tôn giáo, chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ dân tộc, chiến đấu cho tự do, dân chủ… Những khẩu hiệu đẹp đẽ lừa gạt đó ngầm chứa những tham vọng cá nhân làm bá chủ, độc tài, gia đình trị như Napolêon, Hitler, Polpôt…
Thời xưa, tiên tri Mikayahu cảnh báo Vua Akhab chớ xâm chiếm thành Ramat Galaat. Akhab không nghe, ông triệu tập được bốn trăm tiên tri giả đã nịnh bợ bảo vua: “Tiến lên, Đức Chúa sẽ nộp thành trong tay đức vua.” Akhab đi đánh bị quân Ramat bắn chết (1V. 22, 5-37)
Tiên tri Gêrêmia cũng nói thật với vua Sêđêquia chớ liên minh với Ai Cập. “Nhưng các tiên tri giả vô đạo, ngoại tình, dối trá, chúng củng cố lũ ác ôn của nhà vua bằng những lời lừa gạt rằng: “Thành Giêrusalem sẽ được bình an vô sự, không có tai họa nào cả.” Chẳng bao lâu quân của vua Nabucôđônôsô kéo đến phá tan thành vì đã liên minh với Ai Cập chống lại Babilon. Và tất cả dân chúng bị bắt đi đầy sang Babilon.
Người ta vẫn nói: “Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn tán bang.” - Một lời nói làm cho đất nước hưng thịnh, một lời nói có sức phá tan nát đất nước. Trước sức mạnh tàn phá của lời nói lừa gạt, Đức Giêsu dậy các môn đệ và chúng ta phải hết sức đề phòng những tiên tri giả, những lời dụ dỗ đường mật, những lời mị dân, những lời nịnh bợ, lôi cuốn chúng ta vào mê hồn trận, khiến chúng ta kiêu ngạo, lầm lạc nâng mình lên, sẽ bị ngã nhào: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: Chính Ta đây, anh em chớ theo họ.”
3- Sức tàn phá thứ ba là sự khủng bố của con người: Sau giai đoạn lừa gạt thì đến khủng bố. Theo kẻ lừa gạt hay không theo thì cũng chết: “Anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Người ta sẽ bắt và ngược đãi anh em… Họ sẽ giết một số trong anh em. Sự khủng bố này được mô tả bằng thù ghét, bắt bớ, ngược đãi, xét xử, tù đầy và giết đi. Sự khủng bố này do tất cả mọi hạng người từ vua chúa quan quyền, các người của hội đường, của nhà tù, và đau xót hơn nữa, có cả những người thân yêu ruột thịt như cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu nhúng tay vào bắt nộp. Họ khủng bố anh em chỉ vì lý do anh em đã được theo Thầy, vì danh Thầy. “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”. Đây là cơ hội bằng vàng để anh em nên giống Thầy: Thầy đã biến thân xác loài người nên thân xác Đấng Cứu thế, đã biến khổ giá thành giá cứu chuộc, khiến lưỡi đòng thâu qua trái tim cho máu và nước chảy ra rửa sạch tội loài người, cho trái tim mở ra yêu thương loài người, cho mạo gai thành triều thiên, cho sự chết thành sự sống lại. Anh cũng phải biến thân xác mình thành của lễ hy sinh, biến ngược đãi thành yêu thương, biến khổ hình thành Thánh giá, để làm chứng về Thầy. Cố kiên trì làm chứng như thế, anh em mới giữ được mạng sống mình trong vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu cuộc đời con lênh đênh giữa những sức tàn phá của biển đời. Xin cho con luôn nghe được tiếng Chúa nói: “Thầy đây đừng sợ” để con vững tin sống xứng đáng là chứng nhân của Người. Amen.
Cầu nguyện:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh