Ảnh hưởng của Di dân đến các Gia Đình trên Thế giới

Ảnh hưởng của Di dân đến các Gia Đình trên Thế giới

Ghi chú của Tòa Thánh Vatican nhân ngày Gia Đình của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc

Sự gắn kết của gia đình tạo nên phương tiện tối quan trọng để bảo tồn và truyền tải các giá trị.

WGPSG/ZENIT -- THÀNH PHỐ VATICAN, ngày 17/05/2010. Đây là phần dịch thuật của thông điệp được gửi về từ Hội đồng Giáo hoàng về Di dân và Du lịch và Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, nhân dịp mừng Ngày Quốc tế Gia đình, được Liên hiệp quốc triệu tập và được quan sát vào ngày 15-5. Ngày này có chủ đề là “Ảnh hưởng của Di dân đến các Gia Đình trên Thế giới”.

***

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền thừa nhận rằng gia đình là "yếu tố tự nhiên và căn bản của xã hội" (điều 16), và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI khẳng định rằng gia đình "là nơi, là nguồn tài nguyên của văn hóa cuộc sống và là yếu tố hội nhập các giá trị" (Thông điệp cho Ngày Thế Giới Di dân và Tị Nạn năm 2007), vì vậy đây chính là đối tượng cần được bảo vệ và giúp đỡ nhiều nhất (Công ước về Quyền Kinh tế Xã hội Văn hoá, Điều 10).

Gia đình có một vai trò không thể thay thế cho hạnh phúc của các thành viên, cho hòa bình và sự gắn kết xã hội, cho sự phát triển giáo dục và sự thịnh vượng chung, cũng như cho sự tăng trưởng kinh tế và hội nhập xã hội. Sự bền vững trong mối quan hệ gia đình, trên thực tế, đảm bảo sự ổn định, giữ gìn sự cân bằng xã hội và thúc đẩy phát triển. Sự gắn kết của gia đình tạo thành phương tiện tối quan trọng để bảo vệ và truyền tải các giá trị, tạo nên các hoạt động bảo vệ bản sắc văn hóa và sự liên tục xã hội; nó đảm bảo một môi trường thuận lợi để học tập và cung cấp các biện pháp hiệu quả cho công tác phòng chống tội phạm và phạm pháp.

Do đó, bên cạnh những vấn nạn và khó khăn, xã hội dân sự và cộng đồng Kitô hữu cũng nhận được những giá trị và tài nguyên do các gia đình mang lại.

Tuy nhiên chúng ta thấy rằng, các phong trào di cư tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử hiện tại của các dân tộc và thành phố ở nhiều đất nước và lục địa. Điều này ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, cả dân bản địa lẫn di dân. Trên hết, nó ảnh hưởng đến gia đình. Do đó, trong bối cảnh di cư, gia đình trở thành thách đố và triển vọng, không chỉ đối với di dân và người thân của họ, mà còn đối với cả những nhóm người ở nơi cũ của họ và những nhóm người ở nơi họ đến.

Trong thực tế, bên cạnh truyền thống di cư chủ yếu là nam giới, số lượng nữ giới di cư cũng tăng lên theo cấp số nhân; họ rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống phù hợp hơn, ước mơ sẽ đưa chồng con mình và họ hàng mình sang theo. Trẻ vị thành niên và người lớn tuổi cũng là những đối tượng đáng chú ý của làn sóng di cư hiện nay; họ mang theo mình sự mất mát, cô độc và bị bỏ rơi, và đôi khi sự mất mát gia tăng do bị bóc lột và bị sách nhiễu.

Do đó, những gia đình bị tan rã bởi những kế hoạch di cư, mong mỏi ngày đoàn tụ và muốn có được sự hòa nhập tốt với xã hội mới.

Vì những lý do này, chúng tôi hy vọng rằng các tổ chức có thẩm quyền sẽ xây dựng các chính sách gia đình một cách có trách nhiệm, trong đó tạo điều kiện sum họp; điều này cho phép những người di cư trái phép thoát khỏi tình trạng nặc danh và bấp bênh nhờ những biện pháp thiết thực, và họ sẽ bảo đảm cho mọi người có quyền tham gia vào cộng đồng xã hội và mang lấy tránh nhiệm chung do được công nhận quyền công dân.

Cuối cùng, tôi khuyến khích việc áp dụng các biện pháp thích hợp để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiếp nhận người nhập cư và gia đình họ vào trong cấu trúc xã hội, mặt khác, tạo những cơ hội tốt cho sự tăng trưởng - cá nhân, xã hội và giáo hội - dựa trên sự tôn trọng các dân tộc thiểu số, tôn trọng các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau, và tạo điều kiện tốt cho việc trao đổi các giá trị.

Giáo dục và hội nhập văn hoá có thể đóng góp để tạo ra một sự nhạy cảm mới, hướng tới thiết lập quan hệ thân thiện hơn giữa các cá nhân và gia đình, nơi học đường, nơi sinh sống và làm việc, với ưu tiên cho trẻ em, thanh thiếu niên, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Liên đới và hỗ tương, trong sự tôn trọng những khác biệt hợp pháp, là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo sự tương tác hòa bình và một tương lai tươi sáng cho xã hội dân sự và cộng đoàn Giáo hội của chúng ta.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình
Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Veglio
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ cho người Di dân và Du lịch
Thành phố Vatican, 14 tháng 5 năm 2010


bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top