Bách hại đến từ bên trong Giáo Hội
Bách hại đến từ bên trong Giáo Hội
Cuộc họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
WHĐ / Tổng hợp (12.05.2010) – Thứ ba 11-5-2010, trên đường tới Lisbon, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi của các nhà báo. Một cách ngắn gọn, ngài mời mọi người nhìn vụ lạm dụng tình dục qua lăng kính của các thị kiến tại Fatima: “Các vụ tấn công ngày nay chống lại giáo hoàng, chống lại Giáo Hội, các khổ đau của Giáo Hội, không chỉ đến từ bên ngoài Giáo Hội, mà cả từ bên trong, từ tội lỗi hiện nay trong Giáo Hội. Cuộc bách hại lớn nhất chống lại Giáo Hội không đến từ các kẻ thù của Giáo Hội ở bên ngoài mà là ở bên trong. Cuộc bách hại thực sự khủng khiếp.”
Trở lại các chủ đề của thư gửi người công giáo Ái Nhĩ Lan, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Phương dược để sửa chữa tình trạng này nằm trong sự sám hối, trở lại, thanh luyện, cầu nguyện. Nhưng chúng ta cũng biết rằng sức mạnh của cái tốt cũng có đó. Chúa hiện diện và đang hoạt động giữa chúng ta.” Ngài nói rõ: “Sự tha thứ không thay thế công lý.”
Về cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm rúng động châu Âu hiện nay, Đức Thánh Cha gợi lại học thuyết xã hội của Giáo Hội: “Cuộc khủng hoảng này mang một yếu tố luân lý. Ngày nay, chủ nghĩa thực chứng kinh tế không thể bỏ qua thành tố con người. Nền đạo đức không thể nằm ngoài nền kinh tế. Một chủ nghĩa thực dụng kinh tế loại bỏ thực tại con người chỉ có thể tạo nên những vấn đề không giải quyết nổi. Cần phải có một nền đạo đức bên trong chủ nghĩa duy lý kinh tế.” Đức Thánh Cha đã vắn tắt đề cập đến nội dung của thông điệp Caritas in Veritate [Bác ái trong Chân lý] của ngài.
Khi máy bay tới gần bờ biển Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha nhớ đến “tình nhân loại sâu sắc của dân tộc Bồ Đào Nha, lòng tin công giáo dũng cảm, thông minh, sáng tạo, lan rộng trên toàn thế giới, tại Brasil, châu Phi, châu Á.”
Được hỏi về sự thách thức của hiện tượng tục hóa, Đức Thánh Cha nhận xét đây không phải là một cái gì mới mẻ tại nước này. Nhưng ngài cũng coi đây là “một thách thức đồng thời cũng là một khả năng lớn.” Bởi vì “không thiếu những con người để dựng nên những cây cầu, để đi vào cuộc đối thoại. Phong trào tục hóa là một hiện tượng bình thường, nhưng phải chấp nhận cuộc đối thoại với lòng tin.” Trở lại các chủ đề yêu thích của mình, Đức Thánh Cha kiêm thần học gia nói tiếp: “Lý trí cần phải mở ra trước sự siêu việt. Sứ vụ của châu Âu ngày nay là tạo ra cuộc đối thoại, đưa tính lý tính và niềm tin vào trong một nền nhân học duy nhất.”
Đón tiếp tại phi trường Lisbon
Đức Thánh Cha đã tới phi trường Lisbon lúc 12 giờ. Ngài đã được Tổng thống Cộng hòa Bồ Đào Nha, Anibal Cavaco Silva, tiếp đón tại phi trường. Ngài Tổng thống là một người công giáo thực hành, trong bài diễn văn chào mừng, đã nhấn mạnh đến cội rễ Kitô giáo của “gia sản” và “văn hóa Bồ Đào Nha”, điều “tốt lành” Giáo Hội thực hiện trong xã hội. Ngài Tổng thống cũng khẳng định rằng thế giới ngày nay, đặc biệt do “cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới” đang cần có một lời về “hy vọng”, “công bằng” và “tình liên đới”.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng ghi nhận ngay rằng Bồ Đào Nha năm nay mừng kỷ niệm lần thứ nhất “một trăm năm ngày tuyên bố Cộng hòa.” Ngài gửi lời chào toàn thể mọi người, không phân biệt niềm tin và tôn giáo, và khẳng định ngài đến “hành hương kính Đức Mẹ Fatima, với nhiệm vụ do Đấng Tối Cao trao cho là củng cố anh em mình đang tiến bước trong cuộc hành hương về Trời của họ.”
Đức Thánh Cha nói đến việc Đức Mẹ hiện ra như “một cánh cửa hy vọng Thiên Chúa đã mở ra vào lúc con người đóng cửa không tiếp nhận Người”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Thông điệp mời gọi thiết lập, giữa lòng gia đình nhân loại, các sợi dây ràng buộc của tình liên đới huynh đệ đặt nền tảng trên sự cùng nhìn nhận cũng một Cha duy nhất, đó chính là kế đồ yêu thương của Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha cũng đặt cuộc viếng thăm của ngài dưới dấu chỉ của đối thoại và hợp tác: “Được đặt trong lịch sử, Giáo Hội sẵn sàng hợp tác với những ai không gạt ra bên lề hay không đẩy vào lĩnh vực riêng tư mối quan tâm thiết yếu về ý nghĩa con người của cuộc sống.”
Ngài bác bỏ mọi “đối nghịch đạo đức giữa một hệ thống trần thế và một hệ thống tôn giáo” và nêu lên “vấn đề về ý thức” đặt ra cho “tự do của mỗi người.”
Ngài cũng nhấn mạnh đến sự kiện “Việc chuyển sang chế độ Cộng hòa diễn ra một thế kỷ nay tại Bồ Đào Nha, đã mở ra, qua sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước, một không gian mới của tự do đối với Giáo Hội.”
“Sống trong sự đa dạng của các hệ thống giá trị và tiêu chí đạo đức đòi hỏi phải đi tới tâm điểm của cái tôi và của Kitô giáo, để củng cố tính chất của chứng từ tới mức thánh thiện, và tìm ra các con đường của sứ vụ tới mức triệt để của sự tử đạo”.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19