Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm C
Lc 19,1-10
"Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này,
bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham." (Lc 19,9)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Cha Tiến Lộc có một bài hát mà cha rất thích và cha nghĩ cũng có rất nhiều người thích: Đó là bài hát "Gặp gỡ Đức Kitô", Chúng con biết không?
- Thưa cha, chúng con biết.
Vậy chúng ta cùng hát nào:
Gặp gỡ Đức Kitô.
Biến đổi cuộc đời mình.
Gặp gỡ Đức Kitô,
đón nhận ơn tái sinh,
Gặp gỡ Đức Kitô.
Chân thành mình gặp mình,
Gặp gỡ Đức Kitô
Nảy sinh tình đệ huynh.
Chúng con hát rất hay cha khen chúng con.
1. Gặp gỡ Chúa, biến đổi cuộc đời mình.
Ông Giakêu là người như thế nào thì Tin Mừng đã cho chúng ta biết. Ông là người thu thuế và là một người thu thuế rất giầu có. Ông bị mọi người ghét bỏ. Lý do tại sao thì có lẽ nhiều người cũng biết. Nhưng sau khi được gặp Chúa, ông đã trở nên một con người hoàn toàn. Ông đã được biến đổi trở nên một con người mới.
Ernest Gordon cô viết cuốn sách nhan đề "Ngang qua thung lũng sông Wai", trong đó ông mô tả chuyện thật xảy ra tại trại tù binh Nhật dọc bờ sông Wai trong thế chiến thứ hai. Tại đây 12 ngàn tù binh chết vì bệnh tật và vì bị đối xử tàn nhẫn trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa. Họ làm việc cực nhọc dưới nắng nóng gần 50 độ, đầu trần, chân đất, quần áo tả tơi!...
Nhưng điều đau khổ nhất không phải do lao động mà do họ cư xử xấu với nhau. Họ chỉ điểm nhau, trộm cắp của nhau, đánh đập chửi, mắng nhiếc nhau như cơm bữa!....
Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức học hỏi Kinh Thánh với các tù nhân khác. Nhờ đó họ khám phá Chúa Giêsu đang sống giữa họ, thông cảm với họ, vì Người đã từng chịu đói khát, phản bội, đòn vọt đến chết và chết treo trên khổ giá. Từ đó họ không còn chỉ điểm nhau, thù ghét nhau. Họ hoán cải rõ rệt và bắt đầu cầu nguyện cho nhau. Cả trại biến đổi lạ thường. Không còn tiếng than van oán trách mà chỉ còn lời ca tiếng hát vui vẻ, mặc dầu vẫn phải lao lực cực khổ hằng ngày. Một sự khác biệt giống như cái chết biến hình cuộc sống vậy.
2. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh.
Sau khi được gặp Chúa, thấy được tình thương của Chúa đối với mìnnh, Giakêu đã được thay đổi hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định điều đó: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham."(Lc 19,10)
Sở dĩ Giakêu được Chúa thương như thế là vì Giakêu đã thấy được quá khứ những lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa lại. Từ nay ông đã biết đối sử tốt với mọi người. Lòng tốt của ông làm Chúa cảm động.
Mátcô đi học về. Chợt cậu thấy trước mặt một học sinh cũng trạc tuổi cậu vấp phải một hòn đá, ngã xấp mặt xuống đất, làm tập sách và dụng cụ rơi tung tóe trên đường. Mátcô vội vàng chạy đến giúp và được biết người đó tên là Bin cũng từ trường về. Từ đó hai anh em bắt đầu quen nhau và trò chuyện với nhau thật vui vẻ. Bill tới nhà trước, nên mời Mátcô vào uống nước và tiếp tục câu chuyện. Hai người trở thành bạn thân. Bốn năm sau, trước ngày ra trương Bill mới tâm sự với Mátcô:
- Anh còn nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Hôm đó trên đường về, anh thấy tôi ôm nhiều sách vở và dụng cụ học. Anh có biết tại sao không? Vì hôm đó tôi đã quyết định đem hết sách vỡ vật dụng về nhà, rồi tôi uống thuốc tự tử. Nhưng thấy cử chỉ anh tận tình của anh. Anh đã giúp đỡ và đối xử với tôi thật tử tế, nên tôi đã bỏ ý định đó. Tôi được sống đến ngày nay và học thành tài là nhờ công ơn anh. Anh đã cứu sống tôi, giúp tôi tìm lại được ý nghĩa cuộc đời và niềm vui sống. Tôi chân thành cám ơn anh. Hai người trở nên như ruột thịt với nhau suốt đời.
3. Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh.
Từ lúc gặp Đức Giêsu, Giakêu thấy mình phải thay đổi cách sống. Ông đã chuộc lại những lỗi lầm, đền bù những bất công đã gây ra trong quá khứ. “Tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Nhà văn Pháp St EXUPEY trong Terre des hommes đã viết rất hay: "Chúng ta sống thật là khi nào chúng ta được cột chặt lại với anh em trong một mục đích chung, không riêng cho người nào cả, và kinh nghiệm cho thấy rằng: yêu thương không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng. Chỉ là bạn khi nào mình đã cùng sống với nhau trong một toán, nối với nhau theo một đoạn dây, cùng leo chung lên một đỉnh núi, và khi lên đến đó chúng ta lại gặp nhau".
Thi hào LAMARTINE người Pháp cũng để lại một câu chuyện rất hay:
Ngày xưa, tại một vùng nông thôn giáp kinh đô Giê-ru-sa-lem nước Do-Thái, có hai anh em trai cùng làm ruộng chung trên một thửa đất nhỏ. Người anh về sau đã lập gia đình và con cái ngày một đông, trong khi đó người em vẫn sống độc thân. Thế nhưng cả hi vẫn giữ đúng lời di chúc của cha mẹ, đó là luôn sống bên nhau, cùng ra sức cày cấy trên mảnh ruộng nhà. Tới vụ mùa, họ thu gặt rồi bó những bó lúa thành hai đống bằng nhau, rồi cứ thế để nguyên trên bờ ruộng...
Một năm, gặp cơn mất mùa đói kém, lúa thu về giảm hẳn đi nhưng cả hai vẫn chia đều nhau một cách vô tư. Đến đêm, người em trằn trọc mãi không ngủ được, cậu nghĩ:
- Tội nghiệp ông anh mình phải vất vả. Một tay phải nuôi vợ nuôi con năm sáu miệng ăn, nếu phần thóc lúa thu hoạch của mình mà cũng bằng ngang với phần của anh ấy thì không công bằng chút nào. Vậy mình hãy bí mật ra đồng lấy chục bó lúa trong đống của mình mà bỏ thêm sang cho đống của anh ấy. Anh ấy có lẽ không để ý và không nhận ra đâu!”
Đoạn anh trở dậy, thực hiện ngay ý định dễ thương này..
Cũng đêm hôm ấy, ở gian nhà bên cạnh, người anh cũng trăn trở mãi không ngủ được, anh đánh thức vợ dậy để bàn bạc:
- Mình xem, em trai tôi, chú ấy còn trẻ, lại cứ sống cô độc không có ai giúp đỡ trong công việc nặng nhọc hoặc an ủi chăm sóc chú ấy những khi trái gió trở trời. Cùng làm chung thửa ruộng với chú ấy, mà chúng mình lại cũng nhận số lúa bằng với chú ấy thì coi không được chút nào! Mình nghĩ sao? Hay là tiện dịp đêm nay tối trời không có trăng, để tôi lén ra ruộng, chia thêm độ chục bó lúa phần chúng mình sang cho đống của chú ấy...” Người vợ nhân hậu đồng ý và người anh thực hiện ngay như dự tính...
Ngày hôm sau, cả hai anh em cùng ra đồng thì đều ngạc nhiên thấy hai đống lúa của họ sao lại vẫn cứ bằng nhau y như trước, không thay đổi suy suyển gì như dụng ý của họ. Trong thâm tâm cả hai đều thầm nhủ: đúng là do mình đã quá dè xẻn ích kỷ, chuyển số lúa ít quá, chẳng đáng bao nhiêu!
Thế là đến khuya, người em lại trở dậy, bí mật ra ruộng bỏ số bó lúa nhiều gấp đôi hôm trước sang cho anh. Đến rạng sáng thì người anh cũng nhẹ bước rời nhà ra đồng bỏ số lúa nhiều gấp đôi sang cho em...
Sáng hôm sau, một lần nữa, cả hai lại kinh ngạc vì hai đống lúa vẫn cứ y nguyên như cũ. Họ tự giận mình mà làm đi làm lại như thế mấy đêm liền, nhưng vì người này mang bỏ vào đống của người kia số bó lúa xấp xỉ như nhau, nên hai đống lúa vẫn cứ bằng nhau!
Cuối cùng, một đêm nọ, hai anh em cùng chạm mặt nhau trên bờ ruộng, bắt gặp người này đang lấy lúa mình mà bỏ thêm cho người kia. Họ chưng hửng và chợt hiểu ra tất cả. Họ xúc động ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào trong nước mắt. Từ đó, hai anh em quyết định nhập chung số lúa lại để dùng chung cho cả hai nhà trong thuận hòa hạnh phúc còn hơn cả những ngày trước đó...
Đẹp quá phải không chúng con?
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm B -
Bài giảng thiếu nhi: CN tuần 8 TN năm C (+ video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 14 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Phục sinh