Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm A
CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG
A- Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta câu chuyện về việc Chúa biến hình trên một ngọn núi cao. Đây là một câu chuyện rất đặc biệt cho nên đã được cả ba Phúc Âm nhất lãm: Matthêu, Máccô và Luca đã thuật lại. Nếu đọc lại và so sánh thì chúng ta sẽ thấy cả ba tường thuật lại câu chuyện này theo một bối cảnh chung xuất phát từ truyền thống có trước. Đại cương thì sự việc diễn tiến như sau:
- Phêrô tuyên xưng đức tin.
- Chúa loan báo về cuộc tử nạn và Phục sinh của Người lần thứ nhất.
- Chúa đưa ra những điều kiện để được theo Chúa.
- Chúa biến hình.
- Chúa loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh lần của Người lần thứ hai.
- Chúa lên Giêrusalem để chịu tử nạn và sau đó Chúa Phục sinh.
Câu chuyện biến hình của Chuá xẩy ra vào giữa những biến cố rất quan trọng vào cuối cuộc đời của Chúa. Như vậy nó phải mang một ý nghĩa nào đó. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.
B- Chúng ta tự hỏi: Chúa biến hình để làm gì?
Mục đích của việc Chúa Giêsu biến hình hay hiển dung trên núi trước mặt ba môn đệ không phải là để cho các ông dựng lều ở lại ngay trên đó. Nhưng là để giúp các môn đệ nhận ra thiên tính của một Con Người mà họ đang cùng đồng hành và nói chuyện với họ. Con Người đó không phải chỉ là người nhưng còn là Con Thiên Chúa. Lần thứ nhất Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Con của Ngài bên sông Giođan. Và đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con của Ngài trên núi cao. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ bởi vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa Cha đến đổ máu chết trên thập giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình tỏ vinh quang của Ngài là dấu báo trước chuẩn bị cho cảnh hy sinh trên núi Canvê.
Sau khi chứng kiến Chúa biến hình thì các môn đệ đã có cơ hội biết rõ hơn Thầy của họ thực sự là ai, và họ được hưởng nếm trước cái vinh quang và hạnh phúc đang chờ đón họ bởi việc đi theo Ngài. Đây cũng là sự chuẩn bị tinh thần cho họ để khi Thầy của họ bị xỉ nhục bắt bớ thì họ không bị mất niềm tin mà thất vọng.
Thực ra, thoạt đầu khi bước theo Chúa Giêsu cả ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như các môn đệ khác đã không biết cái giá họ phải trả khi theo Chúa như thế nào. Chính vì thế mà khi được chứng kiến dung nhan vinh quang của Chúa Giêsu trên núi, họ đã sung sướng ngất ngây và muốn ở lại luôn trên đó. Nhưng chương trình của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa không như thế. Ngài đã dẫn họ xuống núi trở lại và ngăn cấm không cho họ nói với ai về những gì họ đã thấy cho đến khi "Con Người từ cõi chết sống lại" (Mt 17,9). Ngài đã trích dẫn lời chép về Ngài, "Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ" (Mt 16,21). Nhưng họ vẫn không hiểu và hỏi nhau, "Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?"
C- Qua việc tường thuật là biến cố Chúa biến hình hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta điều gì? Câu trả lời không khó lắm: Giáo Hội muốn cho chúng ta hãy nghe Lời Đức Kitô
Trách nhiệm của Kitô hữu chúng ta là mở tai, mở lòng và mở trí để đón nhận những gì Chúa Giêsu giảng dạy và làm gương bằng cuộc sống của Ngài. Lắng nghe lời Ngài không có nghĩa là chỉ nghe những gì Ngài nói, nhưng còn phải chú ý đến những gì Ngài đã làm; đi theo con đường Ngài đã đi; bắt chước cách Ngài đã làm trong việc xử sự với Thiên Chúa và với những người khác. Chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài không phải chỉ bằng việc ca hát tôn vinh, xin ơn và tạ ơn. Nhưng còn bằng việc dốc tâm dấn bước sống theo gương của Ngài. Chúng ta đi theo Ngài lên núi để cảm nghiệm niềm hạnh phúc vinh quang để rồi lại cùng Ngài xuống núi trở về với những phận vụ hằng ngày, đi vào vườn cây dầu để đổ mồ hôi máu, hành trình trên khắp nẻo đường để rao giảng Phúc Âm và làm việc thiện. Sau cùng tiến thẳng lên Giêrusalem, nhận lấy bản án, vác thập giá, và tiến lên đồi Canvê để chịu chết.
Con đường Đức Kitô đi đã thay đổi lịch sử nhân loại.
Con đường Đức Kitô đi đã mang lại ơn cứu rỗi cho loài người.
Con đường Đức Kitô đi đã làm thỏa lòng Thiên Chúa Cha.
Con đường Đức Kitô đi đã hấp dẫn nhiều tâm hồn.
Đó cũng là con đường mỗi người chúng ta được mời gọi bước theo.
Việc nghe Chúa, đi theo Chúa dứt khoát phải làm cho chúng ta biến đổi. Biến đổi như thế nào thì thánh Phaolô đã gợi ý: “Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”.
Xin đơn cử một thí dụ để minh họa.
Một nhóm doanh nhân đi dự một buổi họp ở Chicago. Họ đã dặn vợ con ở nhà là sẽ trở về nhà để kịp bữa tối. Nhưng rồi cứ hết việc này lại giây sang việc kia khiến cho cuộc họp kéo dài hơn dự định. Sau khi kết thúc họ đã vội vàng chạy ra phi trường cho kịp chuyến bay. Khi họ hấp tấp chạy tới cổng phi trường thì không may một người trong họ đụng vào một chiếc bàn có để một rổ táo của một cô bé đang đứng bán. Tất cả đã không dừng lại, cứ cúi đầu chạy thẳng để kịp chuyến bay. Khi đến nơi họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi một người trong nhóm đã ý thức được mình phải làm gì để cảm thông với cô bé bán táo kia. Anh đã giơ tay ra chào các bạn và quay trở lại. Anh thấy vui vì đã làm như thế. Anh nhận ra cô bé bán táo là một cô gái mù. Anh đã thu lượm các trái táo đổ lăn trên trên lối đi. Anh nhận ra có một số trái táo đã bị dập bể. Anh liền móc túi lấy bóp ra và nói với cô bé bán táo mù đó rằng, "Đây xin cô cầm lấy 10 dollars để đền bù cho thiệt hại chúng tôi đã gây ra. Tôi hy vọng cô không buồn."
Khi người thanh niên vừa quay bước đi thì cô bé mù đó sửng sốt hỏi: "Thưa ông! Ông có phải là Chúa Giêsu không?"
Câu hỏi đó đã làm cho người doanh nhân suy nghĩ.
Bạn và tôi, chúng ta có phải là Giêsu không? Chúng ta có đi con đường Giêsu đã đi không? Chúng ta có hành xử như Giêsu đã hành xử không?
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020