Bài giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng năm A
Lời Chúa: Mt 11,2-11
"Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?"(Mt 11,3)
A. Gioan Tẩy Giả là một nhân vật quan trọng của Mùa Vọng. Trong Tin Mừng Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe Gioan loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến như là một vị Thẩm Phán chí công, thưởng phạt nghiêm minh. Ngày Đấng Cứu Thế đến sẽ là một ngày kinh hoàng đối với những người gian ác, tội lỗi, không chịu hối cải.
Nhưng rồi, khi Chúa Giêsu đến, xem chừng như Gioan Tẩy Giả đã thất vọng, vì ông chẳng thấy có gì là kinh hoàng, oai phong, bão tố sấm chớp như ông đã loan báo trước. Đang lúc đó thì chính Gioan Tẩy Giả lại phải ngồi tù, vì đã ăn ngay nói thẳng. Thật là trớ trêu!
B. Gioan Tẩy Giả đã loan báo sai chăng?
Phải chăng Chúa Giêsu chưa phải là Đấng Cứu Thế thực sự phải đến mà còn phải chờ đợi ai khác nữa?
Gioan sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một lần cho ra lẽ: Xin Thầy nói thật cho chúng tôi: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa?”
Để trả lời cho Gioan và các môn đệ, Chúa Giêsu đã mượn lời Ngôn sứ Isaia loan báo về Đấng Cứu Thế: “Người mù được thấy, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại…”(Mt 11,5)
Thì ra Chúa Cứu Thế đến “không phải để xét xử luận phạt, nhưng để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư hỏng”(Mt 9,13). “Ngài đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”(Lc 5.32). “Ngài đến để cho con người được sống và được sống dồi dào”(Ga 10,10). “Và Ngài còn đến không phải để được người ta hầu hạ phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống cứu chuộc loài người”(Mt 20,28).
Bao lâu con người còn quan niệm như Gioan Tẩy Giả, còn chờ mong Chúa đến can thiệp kiểu vua chúa trần gian để áp đặt một quyền lực, chúng ta sẽ mãi mãi ảo vọng. Trong khi Gioan Tẩy Giả và Dân Do Thái mong một Đấng Cứu Thế đến tái lập uy quyền và vinh quang Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại chỉ mãi lo cho vinh quang của con người, ưu tiên cho những con người bị coi rẻ nhất: người mù, người què, người điếc, là những người phải ăn mày để sống, ăn mày sự sống với những người quyền thế giàu có vẫn thường khinh bỉ họ, và nắm quyền sinh tử trên họ. Ngài coi đó là trả lại sự sống cho những người sống mà như chết dở, những người cùi hủi, những người bị khinh tởm, bị xua đuổi khỏi xã hội, chỉ được sống giữa những nấm mồ hoang giữa người chết.
Ngày xưa, khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, các luật sĩ và cả Vua Hêrôđê và dân thành Giêrusalem đã không nhận ra Chúa, vì họ đã quan niệm Chúa phải đến oai phong lẫm liệt, phải sinh ra ở lầu son gác tía, chứ đâu phải ở chuồng bò.
Vậy mà Chúa Cứu Thế đã xuất hiện trong cung cách như thế đó. Chính vì thế mà ngày nay chúng ta phải hết sức tỉnh táo mới khỏi đón hụt mất Chúa. Bởi vì, vẫn như ngày nào, Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta; không ồn ào giữa cả đoàn người tùy tùng hầu hạ kiểu vua chúa phong kiến, nhưng ẩn mình trong thân phận những con người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật. Vẫn như ngày nào và sẽ mãi mãi cho đến tận thế, Ngài không dạy chúng ta đón nhận Ngài bằng bất cứ một hình thức nào khác hơn là đón nhận chính con người anh em, những người bé nhỏ, đói khát, mình trần thân trụi, không nhà không cửa, ốm đau bệnh tật, tù đày.
Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn cơm tối. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt để về nhà. Một người xô phải quầy bán táo dạo của một cậu bé. Táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người đều lên được xe buýt, thở phào nhẹ nhỏm.
Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ. Ông thấy cậu bé đang vất vả mò tìm từng trái táo để lượm lại. Thì ra cậu bị mù! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một số tiền rồi ra đi. Cậu bé bán táo hỏi với theo: "Ông có phải là Đức Giêsu không?"
Theo một nghĩa nào đó, ông ta là Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đến để cứu giúp mọi người, đem an vui cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật hồn xác (Theo Sợi Chỉ Đỏ)
Vì vậy, nếu không hết sức tỉnh táo, chúng ta sẽ đón hụt mất Ngài.
Anh chị em thân mến,
Hai ngàn năm rồi, Chúa đã đến, nhưng vẫn còn những người đang mong chờ một Chúa Cứu Thế khác sẽ đến, chứ Ông Giêsu này không phải là Chúa Cứu Thế. Thậm chí có cả những người Công giáo cũng nghi ngờ Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế của họ. Lý do họ đưa ra cũng rất hấp dẫn và xem ra cũng rất hợp lý: Tại sao Chúa cứ bắt tôi phải đói khổ, bệnh tật? Tại sao Chúa không trừng trị địch thù, những bọn gian ác? Chúng tôi phải chờ một Đấng Cứu Thế khác. Ngài sẽ đến thanh trừng với bạo lực, thống trị với quyền năng hiển hách như lời các ngôn sứ loan báo.
Chúa Giêsu Kitô chính là “Đấng phải đến”. Ngài đã đến rồi. Đó là niềm tin của chúng ta hôm nay như đã là niềm tin của thánh Phêrô. Thánh nhân nói: “Ngoài Đức Giêsu ra, dưới bầu trời này, ơn cứu độ chúng ta không có ở một người nào khác, không có một ai khác có khả năng cứu độ chúng ta” (Cv 4,12).
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã đến, đã chết để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và đang sống ở giữa chúng ta. Ngài đã giải phóng chúng ta và bao nhiêu con người khác đang bị giam cầm trong tội lỗi. Chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta đã được Ngài cứu độ và được sống trong Ngài. Chúng ta không phải chờ đợi một ai khác nữa. (Viết theo Cha FX.Lê văn Nhạc)
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020