Bài giảng Chúa Nhật lễ Mân Côi
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN - NĂM A
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Anh chị em thân mến
Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi.
A. Xét về phương diện lịch sử thì việc lần chuỗi đã có từ rất lâu.
+ Ngày xưa ở Roma, khi người ta muốn tỏ lòng biết ơn kính trọng đối với người nào thì người ta thường kết những đóa hoa hồng thành một vòng hoa và đội lên đầu vị ấy.
+ Bắt nguồn từ tập quán tốt lành đó, Giáo Hội cũng có thói quen kết những kinh kính mừng như những bông hồng thiêng liêng làm thành một chuỗi hay một tràng hoa mân côi dâng lên Đức Trinh Nữ Maria để tỏ lòng tôn kính yêu mến Đức Mẹ đồng thời xin Đức Mẹ cầu bầu trước tòa Chúa Giêsu cho Giáo Hội giống như xưa Mẹ đã từng làm trong bữa tiệc tại Cana xưa. (Ga 2,1-11)
+ Việc đạo đức này đã được chính Đức Mẹ chấp nhận khi Người hiện ra với thánh Đaminh vào thế kỷ thứ XIII. Thời ấy bè rối Albigeois tấn công Giáo Hội ở khắp nơi, nhiều tín hữu Công Giáo bỏ Giáo Hội mà đi theo lạc giáo. Tòa thánh đã trao trách nhiệm cho thánh Đaminh để tìm phương đối phó.
Lúc đầu thánh Đaminh cũng chỉ biết đi thuyết giáo cho họ nhưng xem ra công việc không được mấy thành công.
Sau đó Đaminh đã được Đức Mẹ hiện ra dạy cho Ngài phép lần hạt Mân Côi, coi như vũ khí thiêng liêng hữu hiệu để chống lại lạc giáo.
Chính nhờ việc biết kết hợp giữa lời giảng dạy Lời Chúa và việc truyền bá xâu chỗi Mân Côi mà thánh nhân và các anh em trong dòng của Ngài đã thành công trong việc đưa người theo lạc giáo trở về với Giáo Hội. Đó là một kết quả không ai còn dám nghi ngờ. Nhờ việc lẫn chuỗi Mân Côi mà Giáo hội đã đem được con cái xa lạc trở về với mình.
Đó là nguồn gốc xa xưa.
B. Riêng đối với thánh lễ ngày hôm nay thì chúng ta lại thấy có một lý do khác.
Hồi ấy các nước Hồi Giáo liên minh với nhau. Đứng đầu là nước Thổ. Họ đem hàng ngàn chiến thuyền với một đạo quân hùng hậu định tiến về Roma thủ đô của Giáo hội Công giáo. Họ đe dọa sẽ biến đền thờ thánh Phêrô thành cái chuồng ngựa.
Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân địch, các nước Âu Châu Công giáo bó buộc đã phải hiệp lực lại, chiêu mộ các binh sĩ tình nguyện để đi chiến đấu chống lại với quân xâm lược. Họ đã lập được một phòng tuyến ngăn chặn quân địch tại Vịnh Lépante.
Bên cạnh công việc có tính cách quân sự, Giáo hội còn mở thêm một mặt trận thiêng liêng bằng việc kêu gọi các tín hữu ở khắp mọi nơi tham gia vào việc lần chuỗi Mân Côi.
Nhờ ơn Chúa giúp, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ mà đạo quân Công giáo mặc dầu với một số lượng ít hơn đồng thời cũng là một đạo quân rất ô hợp, thế nhưng họ đã chiến thắng như một phép lạ cuộc chiến tại Lépante. Hôm đó là ngày 7-10-1571. Để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Piô V đã truyền lập lễ kính Đức Mẹ Mân côi vào ngày 7-10 mỗi năm.
Kính thưa anh chị em
Quả thực kinh Mân Côi đã giúp Giáo hội vượt qua được rất nhiều khó khăm và thử thách. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II của chúng ta đã nhiều lần kêu gọi con cái của Giáo hội hãy biết dùng kinh Mân Côi như một thứ vũ khí thiêng liêng để nâng đỡ Giáo hội. Tại sao Giáo hội lại muốn chúng ta dùng kinh Mân côi với những mục đích cao trọng như thế.
Theo Đức Thánh Cha Phaolô VI trong tông huấn "Marialis cultus" (việc sùng kính Đức Maria) thì
- Kinh Mân côi là một lời nguyện đơn giản: Kết cấu kinh Mân côi chỉ gồm các kinh Lạy Cha, kính mừng, sáng danh. Do đó kinh Mân côi rất phù hợp với tâm lý của giới bình dân và những người có tinh thần đơn sơ khiêm hạ.
- Kinh Mân côi là một lời kinh chiêm niệm: Khi đọc kinh Mân côi người tín hữu được mời gọi kết hợp với Đức Mẹ Maria chiêm ngắm những mầu nhiệm quan trọng nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu như mầu nhiệm nhập thể, Tử nạn và Phục sinh.
- Kinh Mân côi là lời kinh gắn liền với cuộc sống. Đọc kinh Mân côi chúng ta cùng kết hiệp với Mẹ Maria sống những giờ phút vui - thương - mừng để nhờ đó mà chúng ta biết được cách phản ứng sao cho phù hợp với đức tin mỗi khi chúng ta gặp những biến cố vui - thương - mừng trong cuộc sống hằng ngày.
- Kinh Mân côi còn giúp cho cả việc tu đức nữa. Vì Kinh Mân côi làm sống lại cuộc đời của Đức Mẹ và Chúa Giêsu với tất cả những đức tính cao đẹp của các Ngài trước mắt chúng ta. Đọc kinh Mân côi chúng ta có thể dễ thấy được những đức tính ấy một cách rõ ràng hơn, qua đó chúng ta cũng có thể áp dụng vào đời sống chúng ta cách cụ thể hơn.
Hôm ấy trên chiếc xe lửa đi từ thành phố Lyon về lại thủ đô Paris của nước Pháp người ta nhìn thấy một chàng thanh niên ngồi đối diện với một ông cụ già.
Chàng thanh niên ăn mặc bảnh bao, đúng mốt. Vẻ thanh lịch trí thức được lộ ra từ đỉnh đầu cho đến đôi chân.
Còn ông già thì không được như thế. Xem ra còn có vẻ quê mùa. Bộ quần áo thì lấm đất. Đôi giầy thì đã quá cũ. Mái tóc cắt ngắn và gương mặt có vẻ phong trần. Hai tay ông mân mê xâu chuỗi và miệng ông lẩm bẩm câu kinh, nét mặt ông toát ra một vẻ đạo đức lạ thường.
Chàng thanh niên nhìn ông cụ được một lúc rồi anh ta bước sang chỗ ông cụ và làm như muốn gợi ý nói truyện. Ông già biết ý nên ngừng việc lần chuỗi lại.
Chàng mạnh miệng nói:
- Tôi thấy cụ còn tin tưởng vào chuỗi tràng hạt có từ thời trung cổ này. Vậy chắc là cụ còn tin vào Đức Mẹ đồng trinh và các tín điều mà mấy ông cố đạo dạy chứ?
Ông lão thanh thản trả lời:
- Đúng thế.
Rồi ông hỏi lại:
- Còn cậu thì sao?
Được ông lão chú ý đến chàng thanh niên cảm thấy mình có vẻ quan trọng, anh cao giọng trả lời:
- Tôi ấy à! Tôi mà lại còn tin vào những điều vô lý và dị đoan đó sao. Tôi đã tìm được sự thật ở các đại học. Nếu cụ muốn sống hợp thời hơn, cụ hãy ném cái sâu chuỗi đó đi và ghi tên học một số khoa học tân tiến!
Ông lão tỏ vẻ thắc mắc:
- Khoa học tân tiến? Tôi sợ không hiểu nổi khoa học.
Rồi ông tự nhún nhường nói tiếp:
- Chắc là cậu có thể giúp tôi.
Chàng thành niên đã thấy mình quan trọng lại càng cảm thấy mình quan trọng hơn cho nên anh cao hứng đáp lại:
- Được! Nếu ông biết đọc. tôi rất sung sướng được gửi tặng cụ một số sách.
Ông cụ trả lời một cách quả quyết:
- Tôi biết đọc.
- Rất tốt...Vậy tôi phải gửi cho cụ theo địa chỉ nào đây?
Ông cụ bình thản rút từ túi áo mình ra một tấm danh thiếp và trao cho người thanh niên. Người thanh niên nhìn vào, mặt anh ta bỗng bị tái đi như người bị mất hết máu. Trên tấm danh thiếp anh nhìn thấy mấy dòng chữ này: LOUIS PASTEUR - Viện nghiên cứu khoa học Paris. Thật anh không ngờ anh được giáp mặt với một nhà bác học, một đại ân nhân của cả nhân loại như thế.
Lạy mẹ Maria mến yêu của con
Cách đây gần 2000 năm
Dưới chân cây Thánh giá của Chúa Giêsu
Mẹ đã nhận cả nhân loại làm con của mẹ
Và từ dạo ấy cho đến hôm nay mẹ yêu đã yêu nhân loại chúng con chúng con bằng tấm lòng từ mẫu của mẹ.
Bao nhiêu lần hiện ra
Mẹ đã cho chúng con biết
nhân loại chúng con đã làm phiền lòng Chúa quá nhiều
Đã nhiều lần chúng con đã chọc giận lòng nhân từ của Chúa.
Nhiều lần Chúa đã muốn trừng phạt chúng con
như xưa Chúa đã trừng phạt đám dân cứng đầu cứng cổ trong thời Cựu Ước.
Thế nhưng nhờ Mẹ can thiệp mà Chúa đã nương tay.
Hôm nay chúng con xin nghe lời mẹ
ăn năn về tất cả những lỗi lầm của chúng con
chúng con quyết tâm sửa lại đời sống
và như lòng mẹ mong ước tại Fatima
chúng con sẽ lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày để làm vui lòng mẹ. Amen
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020