Bài giảng Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A
Lời Chúa: Ga 11, 1-45
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.”
(Ga 11, 25)
Phải nói ngay rằng khi đọc câu truyện này tôi cảm thấy rất phấn khởi và vui mừng. Lý do là vì trong câu truyện này tôi gặp được một Chúa Giêsu rất gấn gũi với tôi, với những con người.
1. Trước hết, tôi gặp được một Chúa Giêsu đầy tình người. Chúa đã cư xử rất “người” đối với những con người.
Tôi xin đan cử vài thí dụ:
a/ Khi Lazarô đau, hai chị em của ông đã dùng những lời như thế này để báo tin cho Chúa: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đang đau liệt” (Ga 11,3). "Người Thầy yêu" Chúng ta khó có thể tìm thấy được một kiểu nói nào chân thành và đầy tình người hơn như thế ở trong cả Kinh Thánh chứ không phải là chỉ trong Tin Mừng mà thôi.
b/ Khi được tin Lazarô đau, Chúa nói với các môn đệ của Ngài: “Lazarô, bạn của chúng ta đang ngủ"(Ga 11,11). Lazarô-bạn. Bạn của chúng ta, bạn của Chúa, bạn của cả các tông đồ.
Thật là thân mật! Khó có thể mà tìm được một cách diễn tả thân tình, một cách xưng hô tuyệt vời hơn thế.
c/ Khi biết Lazarô chết, Chúa quyết định đi thăm ông. Các môn đệ can: “Thưa Thầy mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thấy mà Thầy lại còn trở lại đó sao?”(Ga 11,8) nhưng Chúa nhất định cứ đi. Chỉ có những người đã trở thành một lòng một dạ, mới dám sống chết cho nhau, mới có đủ can đảm và dám hy sinh cho nhau như thế.
Bất chấp sự hiểm nguy có thể đe dọa đến cả tính mạng, Chúa nhất định cứ đến, đến để cho mọi người biết cách Ngài đối xử với bạn của mình như thế nào, Ngài yêu thương bạn mình như thế nào.
d/ Lúc đầu khi Chúa tới, chỉ có một mình Martha ra đón Chúa. Chúa chưa vào nhà. Chúa cho gọi Maria ra. Macta vào gọi em. Chị nói: “Thầy đến ở ngoài kia, Thầy cho gọi em.” (Ga 11,28)
Tại sao Chúa lại làm như vậy? Đây là cách đối xử tế nhị: Một chút cách ly trong không gian và thời gian để tránh những xúc động quá đáng có thể phương hại đến sức khỏe. Phải là một người tế nhị lắm mới có thể nghĩ ra được một cách ứng xử đẹp như thế.
e/ Khi gặp Chúa, Maria khóc. Chị khóc rất tự nhiên, rất chân thành, làm cho những người có mặt chung quanh cũng khóc theo. Rồi Chúa cũng xúc động và Chúa cũng khóc theo, khóc rất tự nhiên, rất chân thành. Chúa khóc, khóc với những người đang khóc, khóc với Maria, khóc bằng nước mắt có chất mặn của con người. Những giọt nước mắt trào ra từ một tâm hồn như đang cùng chịu một niềm đau vì có một người thân qua đời. Đó là những gì rất người.
2. Nhưng đàng sau những gì rất người ấy, tôi còn gặp được một Chúa Giêsu là một Thiên Chúa.
Vâng đúng như vậy anh chị em. Tôi đã gặp được một Chúa Giêsu là một Thiên Chúa.
a/ Khi Chúa có mặt, một số người Do thái đã nói với nhau “Ông ấy đã mở mắt cho người mù...mà không thể làm cho anh ấy khỏi chết hay sao ?”(Ga 11,37) Một cách nào đó, họ đã thấy được quyền năng của Chúa.
b/ Khi đến trước cửa mộ, Chúa chỉ vào phiến đá lấp cửa mồ và ra lệnh: “Hãy đem phiến đá đó đi” (Ga 11,39). Thật là không ai dám nghĩ tới điều đó. Đây là một lệnh truyền kinh khủng bởi vì luật pháp Do Thái phạt rất nặng tất cả những ai dám xâm phạm đến mồ mả của người chết. Bởi vậy khi Chúa truyền lệnh phải gỡ hòn đá lấp cửa mồ Lazarô ra thì tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi.
Ở đây lại một lần nữa Chúa làm cho mọi người thấy là Chúa có quyền làm tất cả những gì Ngài muốn vì Ngài là Thiên Chúa. Trước đó khi Martha bày tỏ sự thất vọng của mình: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết”(Ga11,32). Chúa trả lời ngay, như một lời hứa: “Em con sẽ sống lại”(Ga 11,23) và bây giờ thì Chúa sắp làm những gì Chúa đã nói. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và khiếp sợ, Martha đánh bạo thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, em con đã ở trong mồ bốn ngày rồi”(Ga 11,39)
Bốn ngày cho một cái xác chết, không còn có thể làm gì được nữa. Con người hoàn toàn bất lực. Con người hoảng sợ cũng phải vì con người chẳng có thể làm gì cho một cái xác không hồn đã được chôn 4 ngày rồi.
Nhưng với Chúa thì không như thế vì Chúa có quyền. Ngài có quyền vì Ngài là Thiên Chúa.
c/ Khi phiến đá chắn cửa mộ đã được đem đi, Chúa đưa ra một lệnh tiếp theo còn kinh khủng hơn: “Lazarô! Hãy ra khỏi mồ” (Ga 11,43). Đó là một lệnh truyền cho người đã chết và đã được người ta đem chôn 4 ngày rồi, không còn bất cứ một khả năng tiếp thu nào nữa. Vâng, một lệnh truyền cho một con người đã chết, và Phúc âm ghi thật rõ: "Người đã chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn.” (Ga 11,44) "Người đã chết đi ra". Đây không phải là ngôn ngữ của con người nữa, mà là ngôn ngữ của Thiên Chúa. Không ai trong con người dám truyền lệnh cho người đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều kỳ diệu như thế. Thiên Chúa có quyền trên sự chết. Và sự chết phải tuân lệnh của Người.
d/ Rồi bằng một lệnh truyền thứ ba “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11,44), Chúa đã hoàn tất công việc trả lại sự sống cho người đã chết. Trả lại sự sống cho ngưòi đã chết. Đó là một điều kỳ diệu không thể tin được nhưng lại là một sự thật Chúa đã làm trước mặt rất nhiều người. Nếu không phải là Thiên Chúa thì làm sao làm được những diều kỳ diệu như vậy.
3. Tôi không dám dài dòng. Chỉ còn một tuần nữa là chúng ta bước vào cao điểm của năm Phụng vụ, vào những ngày chúng ta cùng được rất gần gũi với mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Chúa. Nhưng làm sao để cho những ngày này thực sự là những ngày đem lại một sức sống mới cho chúng ta. Có nhiều cách, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhắc lại lời tuyên xưng mà Martha đã tuyên xưng cách đây gần 2000 năm. "Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.” (Ga 11,27)
Không có được lòng tin vào Đức Kitô như thế, chúng ta sẽ không thể hiểu được những gì Chúa làm...thậm chí chúng ta còn thấy ghê sợ. Nhưng khi đã tin, mọi sự sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không còn khiếp sợ. Chúng ta sẽ trở nên can đảm và chúng ta có thể làm cho đời sống của chúng ta thành một đời sống thật đáng sống.
Thánh Charles Borromêô sống ở Ý cách đây hơn 400 năm (1538-1584), khi còn trẻ, Ngài có đầy những tước vị, danh vọng, nhưng Ngài đã nhận ra một ngày nào đó, Ngài sẽ phải bỏ lại tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức tranh treo trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức tranh hoàn thành. Họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: Một bộ xương người tay cầm lưỡi hái. Thánh Borromêô nói: đồng ý, nhưng thần chết cũng mở cửa để chúng ta vào nước trời nữa chứ? Tôi đề nghị họa sĩ bỏ chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng. Phải, Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm chìa khóa vàng để mở cửa trời cho những ai đang sống trong ân sủng của Chúa Kitô phục sinh.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020