Bài giảng Chúa Nhật V Phục Sinh năm A
Lời Chúa: Ga 14,1-12
"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống." (Ga,14,6)
A. Chúa nhật truớc Chúa tự xưng : “Ta là cái cửa.” (Ga 10,9)
Hôm nay Chúa tự xưng: “Thầy là con đường.” (Ga 14,6)
Cửa là lối ra vào. Còn con đường là lối đi. Khi mở đường, người ta khai mở một lối đi. Và một lối đi thì thường phải có một điểm tới.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa bảo: "Thầy là đường." (Ga 14,6) nhưng Chúa lại không xác định rõ điểm tới hay nói một cách khác: Chúa có nói nhưng cách nói của Chúa chưa rõ nên các Tông đồ thắc mắc: “Chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm sao chúng con biết đường đi.” (Ga 14,5)
Thắc của các tông đồ rất đúng.
Trước khi nói những lời tâm huyết như trong bài Tin Mừng hôm nay ghi lại, Chúa Giêsu có nói là Ngài sẽ lên Jêrusalem. Hãy tạm coi Jêrusalem là điểm tới. Nhưng tới đó như lời Chúa nói thì chẳng làm sao các tông đồ có thể hiểu nổi.
Tại sao? Tại vì Chúa bảo lên Jêrusalem để bị bắt, bị tra tấn, và cuối cùng bị giết chết. Làm sao mà có thể tin là những việc như thế có thể xẩy ra, nhất là đối với một con người như Chúa.
* Bao nhiêu năm trời theo Chúa, các tông đồ đã có dịp thấy Chúa là một con người thật là vĩ đại và kỳ diệu. Chưa hề bao giờ các ông ấy thấy Chúa có vẻ là một người chiến bại. Hơn nữa cuộc đời của Chúa hãy còn quá sung mãn. Với tuổi đời mới chỉ ngoài 30, cứ lẽ thường mà nói thì cuộc đời đó sẽ còn dài. Với biết bao nhiêu việc lạ lùng Chúa đã thực hiện trong quá khứ, thì tương lai chắc là còn phải huy hoàng và rực rỡ hơn...Vậy mà đột nhiên Chúa lại nói đến cái chết vậy thì làm sao mà tin cho nổi.
Và nếu câu chuyện kết thúc bằng cái chết như thế thì quả thực là không thể nào chấp nhận được.
Vâng quả đúng như vậy. Rõ rệt là Chúa không dừng lại ở cái chết. Sau khi chết người ta đã cẩn thận niêm phong Ngài trong huyệt đá. Người ta đã cắt lính canh chừng. Họ tưởng như thế là đã thành công trong việc kết thúc cuộc đời của một đối thủ mà họ đã cay cú muốn loại trừ từ bao nhiêu năm trời.
Thế nhưng họ đã lầm. Đúng như lời Ngài đã nói. Sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã cho các tông đồ thấy suộc sống đích thực của Ngài là cuộc sống vượt lên trên lằn mức của không gian và vượt ra ngoài giới hạn của thời gian để trở thành vĩnh cửu, trở thành đời đời - điều mà các tông đồ chưa hề bao giờ được thấy.
Như vậy đích điểm con đường Ngài đi không phải là cái chết nhưng là ở một chỗ khác. Đó là nhà của Cha (Ga 14,2). Vâng...nhà của Cha mới là đích điểm cuối cùng Ngài dẫn những kẻ tin Ngài đi tới để ở đó Ngài cho họ điều mà trong suốt cuộc đời công khai Ngài đã nhiều lần đoan hứa với những ai tin Ngài.
B. Vậy bổn phận của con người hôm nay là phải biết tìm đến con đường mang GIÊ-SU để đi. Ngài chính là con đường và Ngài cũng là đích tới.
Hãy nhớ lại: Suốt cuộc đời trần thế, ngoại trừ những năm ẩn dật tại Nazareth, còn thì chúng ta thấy Ngài sống ở ngoài đường hơn là ở trong nhà: "Con chim có tổ, con cáo có hang, Con Người không có chỗ tựa đầu."(Mt 8,20)
- Chúa đã khởi sự cuộc đời của Ngài ở ngoài đường. Hang Belem không phải là một mái nhà.
- Ngài sống ở ngoài đường. Có vào nhà ai thì cũng chỉ là tạt qua chứ không phải lả để cư trú
- Ngài chết cũng ở giữa đường chỗ có nhiều người qua lại.
- Và hầu như những cuộc gặp gỡ giữa Ngài với mọi người cũng được diễn ra ở ngoài đường. Gặp rồi lại đi chứ không dừng lại.
Tại sao Ngài làm thế?
* Trước hết Ngài muốn nhắc nhủ cho mọi người: Trần thế này không phải là chỗ lập cư vĩnh viễn. Nó không phải là quê hương. Một câu mà người ta coi như một châm ngôn được tìm thấy trên cổng của một ngôi thành cổ: "Thế gian như một chiếc cầu, bạn hãy đi qua mà đừng dừng chân lại."
Một Kitô-hữu già cả sắp chết. Một người đến nói:
- Con đọc cho cụ nghe một câu Thánh Kinh ngọt ngào nhất nhé!
- Vâng.
- Trong nhà Cha có nhiều chỗ. Ta đi dọn chỗ cho các con.
- Không, đó không phải là câu ngọt ngào nhất. Đọc tiếp đi.
- ...Ta sẽ trở lại để Ta ở đâu các con cũng ở đó với Ta.
- Đó mới là câu ngọt ngào nhất. Điều tôi cần, không phải là một chỗ, mà là chính Chúa. (Góp nhặt)
* Thứ hai: Trần thế đã không phải là quê hương thì ta phải đi. Muốn đi tới đích thì phải đi trên con đường Chúa đã chỉ, theo lối mà Chúa đã vạch cho.
Trong tập truyện “Thiên đàng là thế đó” tôi được thấy một câu chuyện vui. Câu chuyện như thế này: Có một vị tu sĩ già nọ một đêm kia khi đi vào nhà nguyện để viếng Chúa thì tình cờ gặp thấy một thiên thần đang quì và hí hoáy viết vào một cuốn sổ vàng đặt trước bàn thờ. Với tâm hồn tràn ngập hân hoan vị tu sĩ rón rén đến gần thiên thần và hỏi:
- Ngài đang viết gì trong cuốn sổ vàng này vậy?
Không cần ngước mắt nhìn lên vị tu sĩ, thiên thần rả lời ngay:
- Ta đang viết danh sách những ai yêu mến Chúa.
Vừa lo lắng, lại vừa hồi hộp, vị tu sĩ hỏi thiên thần xem có tên mình trong cuốn sổ vàng đó không. Thiên thần chăm chú mở từng trang, đọc từng dòng nhưng không thấy tên ông đâu cả. Dầu sao thì câu trả lời của thiên thần cũng không làm cho vị tu sĩ già thất vọng bởi vì ông đã nghĩ ra cách khuyến dụ thiên thần để tên của ông được ghi vào sổ vàng. Ông nài nỉ, nói với thiên thần:
- Xin Ngài cứ vui lòng ghi tên tôi vào sổ như là một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến người khác vậy.
Thiên thần chiều ý vị tu sĩ. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Tối hôm sau, ông lại gặp thiên thần một lần nữa....Vừa khi gặp lại vị tu sĩ già, thiên thần đã kêu ông lại, mở cuốn sổ vàng cho ông coi. Vưa liếc mắt nhìn, vị tu sĩ già đã vô cùng bỡ ngỡ vì tên của ông được ghi ngay ở đầu danh sách những người yêu Chúa. Ông thầm cảm tạ ơn Chúa đã nhớ đến ông. Sau một thời gian thì vị tu sĩ già đó qua đời.
Sau khi ông chết, anh em trong dòng tìm được cuốn nhật ký của ông. Vừa mở ra họ đã gặp thấy dòng chữ này: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại thù ghét anh em thì người đó là kẻ nói dối. Ai không yêu mến người anh em mà mình thấy trước mắt thì cũng không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình không thấy được”. (1Ga 4,20)
Đó là lời ông trích từ thư của Thánh Gioan.
Tiếp theo các tu sĩ ấy còn đọc thấy những lời chú giải này: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm kiếm Chúa nhưng Chúa vượt khỏi tầm tay của tôi. Tôi đi tìm người anh em của tôi thì tôi lại gặp được Chúa và gặp được cả Linh hồn tôi”
Vâng kính thưa anh chị em
Con đường yêu thương chính là con đường của Chúa. Tên của Ngài là tình yêu. Tình yêu đem lại sức sống và tình yêu làm cho người thực thi lòng yêu thương có được sự sống đời đời. Amen
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020