Bài giảng Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên - năm A
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Mt 14,22-33
"Cứ yên tâm! Thầy đây đừng sợ."
(Mt 14,27)
Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều như Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước tường thuật, Chúa Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ. Còn Ngài thì ở lại giải tán dân chúng, rồi sau đó lên núi cầu nguyện một mình. Giữa đêm, con thuyền các môn đệ gặp sóng to bão lớn, các ông vô cùng sợ hãi.
Chính lúc đó Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các ông. Ban đầu các ông tưởng là ma nên càng sợ hơn nữa. Nhưng khi đã nhận biết đó là Thầy mình thì các ông bình an trở lại và tuyên xưng “Thật Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33).
Câu chuyện là như thế nhưng chúng ta có rút ra được một bài học nào không? Tôi tưởng có một vài bài học rất cụ thể, rất cần cho chúng ta nhất là trong cuộc sống hôm nay.
1. Đức Tin lúc an bình và khi gặp sóng gió
Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Matthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của “Thiên Chúa ở cùng” luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa có những lúc phẳng lặng như một mặt hồ phản chiếu, trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ thôi cũng làm làm gợn sóng, xao động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.
Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những khó khăn thử thách, những điều bất hạnh, những nghịch cảnh xảy tới - như các môn đệ xưa giữa cơn sóng gió, chúng ta cũng dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Chúa. Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc thật yếu ớt và mong manh!
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia anh ta trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay anh bám được vào một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với anh:
- Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp.
Nghĩ là làm. Anh lấy hết sức lực la lên thật lớn:
- Lạy Chúa!
Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và anh chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn:
- Lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa nữa.
Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao:
- Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế!
- Không! Lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao Danh Chúa cho đến tận cùng trái đất!
Tiếng ấy trả lời:
- Được lắm! Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra!
Người vô thần thất vọng thốt lên:
- Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!
(Trích "Món quà giáng sinh")
Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Đức tin là tình yêu trong hành động chứ không phải trong cảm giác. Sự vâng phục mau mắn, đơn thành, tối mặt, vui vẻ đối với Thiên Chúa là bằng chứng của Đức Tin.”
Có lẽ chúng ta cũng phải xin Chúa một điều như các tông đồ thuở xưa: “Lạy Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17,5)
2. Những người đi trên mặt nước
Đức tin không bảo đảm cho người tin khỏi gặp sóng gió nhưng thêm sức cho người ấy có thể bước đi trên mặt nước giữa sóng gió tơi bời. Hiểu như thế thì không phải chỉ một mình Phêrô, mà còn rất nhiều người có thể đi trên mặt nước mà không sợ hãi.
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình an và hạnh phúc.
Bà hỏi:
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
Trong cuốn ký sự ghi lại những cuộc du hành của Marcô Pôlô, nhà hàng hải lừng danh của Italia vào thế kỷ XVI, có thuật lại cuộc gặp gỡ của ông với một số nhà truyền giáo tại Biển Đen. Các nhà truyền giáo cho biết họ đang trực chỉ đến vùng Tarta. Nhìn chiếc thuyền quá đơn sơ của các tu sĩ, Marcô Pôlô mới buột miệng đưa ra câu nhận xét:
- Có lẽ các ngài chưa lường hết được những hiểm nguy trên biển cả. Với một cuộc hành trình cam go như thế này mà các Ngài lại không mang theo gì hết. Xin các ngài cho biết đã chuẩn bị những gì?
Các nhà truyền giáo mỉm cười đáp:
- Chúng tôi được trang bị bằng đức tin, đức cậy, đức mến, và Chúa chính là Đấng dẫn đường, chỉ lối cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ như thế cũng đầy đủ cho chúng tôi rồi!
3. Tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa
Cách viết của tác giả bài đọc I hàm chứa một bài học sâu sắc về sự hiện diện của Chúa. Khi ngôn sứ Elia đứng trong một hốc núi Horép, ông thấy một luồng gió mạnh xé núi dời non, nhưng Chúa không ở trong đó. Ông lại thấy một cơn bão rất mạnh làm cho đất rung động, nhưng Chúa không ở trong bão. Ông còn thấy lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Cuối cùng ông thấy một làn gió hiu hiu: ông được soi sáng cho biết có Chúa ở trong đó, ông liền cung kính lấy khăn che mặt lại để bước ra khỏi hang diện kiến Thiên Chúa.
Vâng! Thiên Chúa không thích hiện diện trong những thứ ồn ào, uy phong, vĩ đại. Ngài thường hiện diện cách êm ả, âm thầm và nhẹ nhàng trong cái rất bình thường của đời sống.
Chúng ta không nhận ra được sự hiện diện của Chúa bởi vì chúng ta cứ mãi tìm Ngài trong những sự phi thường.
Nhà hiền triết Uddalaka thường dùng những dụ ngôn để dạy cho con ông biết nhận ra Thiên Chúa ngay trong cuộc sống thường ngày. Đây là một trong những dụ ngôn đó:
Ngày nọ, ông nói với con ông:
- Hãy bỏ nắm muối này vào nước và sáng ngày mai hãy trở lại gặp cha.
Người con làm đúng theo lời cha anh dạy. Hôm sau, cha anh bảo:
- Con hãy lấy cho ta nắm muối con bỏ vào trong nước hôm qua.
- Thưa cha, người con nói, con không thể làm được vì muối đã tan trong nước hết rồi!
- Vậy con hãy nếm dĩa nước bắt đầu từ mép bên phải xem -Uddalaka nói- Con thấy mùi vị gì?
- Muối.
- Bây giờ, con hãy nếm phía mép kia của cái dĩa. Con thấy mùi vị gì?
- Muối.
- Con hãy ném cái dĩa đi. Người cha nói.
Người con làm y như thế và nhận thấy rằng sau khi nước bốc hơi, muối lại xuất hiện. Lúc đó Uddalaka bèn nói:
- Con ạ, con không thể nào nhận ra Thiên Chúa ở đây, nhưng thật ra Người luôn có đó.
Lạy Chúa! Xin giúp con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những biến cố của đời con. Xin ban ơn giúp sức cho con để con vượt thắng mọi thử thách trên đường đời. Quyền năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an tâm (Tv 23,4). Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020