Bài giảng Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên - năm A
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Mt 13,24-43
"Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt:
hãy nhặt cỏ lùng trước đã,
bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
(Mt 13,30)
Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba dụ ngôn. Một dụ ngôn dài và hai dụ ngôn ngắn. Dụ ngôn dài được chính Chúa cắt nghĩa. Chúa cắt nghĩa cho các môn đệ nhưng cũng là cắt nghĩa cho chúng ta. Chúng ta cố gắng tìm hiểu cả ba dụ ngôn xem Chúa muốn nhắn nhủ gì với chúng ta.
1. Chúng ta bắt đầu với dụ ngôn hạt cải: "Nước trời giống như một hạt cải" (Mt 13,31)
Qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta về sự phát triển và trưởng thành của Giáo Hội.
* Như một hạt cải thật nhỏ bé được gieo vào lòng đất nhưng khi nó lớn lên nó có thể trở thành một cây thật lớn. Đức Ông Đạo hồi còn ở Roma có gửi cho tôi một ít hạt cải ở Đất thánh. Nó thật nhỏ bé. Tôi có cảm tưởng như nó chỉ bằng một phần tư viên bi ở đầu mỗi cây viết Bic chúng ta sử dụng hằng ngày. Thế nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó từ từ nảy mầm, phát triển và lớn lên....đến độ chim trời có thể tụ tập nương náu dưới bóng của nó.
* Giáo Hội hay Nước Trời tại thế của Chúa cũng giống như thế.
- Nước trời có một nguồn gốc rất khiêm tốn, bắt đầu từ chính Chúa Giêsu mà cuộc đời của Chúa Giêsu xét về phương diện trần thế thì quả thật chẳng có gì đáng giá và hấp dẫn: Sinh ra nghèo khó, sống cũng khó nghèo, đi giảng đạo thì gặp rất nhiều thất bại, rồi cuối cùng chết như một tên tử tội.
- Sau Chúa Giêsu thì một nhóm môn đệ cũng thật nhỏ bé: Chỉ có 12-13 người nếu kể cả Phaolô. Họ là những người như thế nào thì anh chị em cũng đã quá biết. Vậy mà Giáo Hội cứ tự lớn lên xuyên qua thời gian, trải qua không biết bao nhiêu gian nan khốn khó. Theo lẽ tự nhiên mà xét thì quả thật không hiểu nổi. Vậy mà tới hôm nay Giáo Hội đã trở thành một cây thật lớn, đang làm nơi nương tựa cho biết bao nhiêu con người chúng ta. Chúng ta hãy cám ơn Chúa.
2. Nước trời được Chúa ví như men trộn vào bột (Mt 13,33).
* Như một chút men xem ra không có gì đáng chú ý được trộn vào bột...Chúa Giêsu nói đến 3 đấu bột....khoảng chừng 60-70 kilos vậy mà chỉ cần một lượng men thật nhỏ, chúng cũng có thể biến đổi cả một khối lượng bột lớn như thế và làm cho tất cả được dậy men.
* Tin Mừng Nước trời của Chúa cũng có một sức biến đổi phi thường như thế.
Vào những thế kỷ đầu tiên, khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào giữa trung tâm quyền lực của Đế quốc Roma, Hoàng Đế Néron đã thấy được cái "nguy cơ quyền lực của đế quốc có thể bị ảnh hưởng, Ông đã phát động một phong trào trong toàn cõi đế quốc nhằm tiêu diệt hết nhưng người mà ông gọi là theo tên "Kitô"...nhưng rồi ông đã thất bại cho dù là sau đó bao nhiêu bạo chúa ở Roma đã tiếp nối con đường của ông. Sau khi nhìn lại thời gian Giáo Hội bị tàn sát suốt 300 năm, vậy mà Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển, sử gia Tertulliano đã viết lên một nhận xét thật đẹp như thế này: "Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác"
Đó là hai hình ảnh tôi nghĩ là rất đẹp về Giáo Hội hay Nước Trời của Chúa tại trần thế. Thế nhưng bên cạnh hai hình ảnh đẹp đó Chúa lại cho chúng ta thấy một hình ảnh khác chưa đẹp hay không đẹp tí nào.
3. Nước trời giống như một thửa ruộng vừa có lúa tốt nhưng cũng lại có cả cỏ lùng (Mt 13,24-25).
Về ý nghĩa dụ ngôn này thì chính Chúa đã cắt nghĩa. Ở đây tôi chỉ xin có một vài nhận xét thêm.
Thực tại Nước trời trong giai đoạn trần thế là một thực tại pha trộn. Rõ ràng trần thế nơi chúng ta, những con người đang sống là chỗ chung cho cả con cái của sự sáng và con cái của sự tối tăm. Vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây là ai là người được coi là tốt và ai là người bị coi là xấu. Trong bài dụ ngôn Chúa có nói tới tình trạng không khác nhau gì mấy giữa lúa và cỏ lùng và xem chừng Ngài muốn dành độc quyền về sự phân loại cho Ngài khi Ngài đề cập đến vấn đề ấy chỉ xẩy ra vào ngày phán xét. Lúc đó thì mọi sự sẽ rõ ràng . Rồi cũng trong bài Tin Mừng Chúa có nói tới sự kiên nhẫn của Ông chủ mà Ông Chủ ở đây rõ ràng là chính Chúa. Chúa có ý bỏ ngỏ vấn đề để buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Thật khó mà đánh giá được ai là người thực sự tốt trước mặt Chúa và ai là người bị coi là xấu trước mặt Ngài.
Những ai đã từng xem cuốn phim Schindler’s List hẳn đều ghê tởm vai chính của phim đó, tên là Oskar Schindler, một đảng viên Đức quốc xã, đã từng giết hại rất nhiều người.
Thế nhưng nhiều người đã từng biết ông thì lại ca tụng ông như một ân nhân cứu mạng cho hàng ngàn người khỏi bị Đức quốc xã giết. Thậm chí có người còn nói: “Ông ta là cha, là mẹ và là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi”
Sự thật như thế nào? Sự thật, Oskar Schindler không phải là một vị thánh, mà là một con người với nhiều dằng co mâu thuẫn: trước hết ông là một người chồng bất trung đã bỏ vợ và chạy theo một cuộc sống ăn chơi thác loạn; ông cũng là một người công giáo nhưng lại không sống đạo; ông là đảng viên đảng Quốc xã Đức từng tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh do đảng này phát động; chính ông đã thú nhận rằng ông hy vọng khi chiến tranh thắng lợi thì ông sẽ có hai cái rương đầy vàng; ông còn hành hạ nhiều người Do thái...
Nhưng bên trong ông lại có một con người khác. Đó là một người tốt. Nhiều lần đang cư xử như một người xấu ông lại hướng về bên trong con người tốt ấy. Thấy những tù nhân bị hành hạ tàn nhẫn, ông không chịu nổi và nhiều lần dám đứng lên bênh vực họ. Hai lần ông đã bị bỏ tù vì những hành động như thế.
Sự thật về Oskar Schindler là như thế: vừa là quỷ dữ, vừa là thiên thần, trong lòng ông vừa có cỏ lùng vừa có lúa tốt.
Pascal nói: “Thường thì chúng ta hay phân chia con người ra thành hai dạng: Những người thánh thiện và những kẻ tội lỗi. Tôi không dám nói sự phân biệt như thế là sự phân biệt không có cơ sở, nhưng tôi cho rằng sự phân biệt như thế là sự phân biệt rất tương đối và đôi khi có thể là một ảo tưởng. Chính nơi bản thân mỗi người chúng ta, chúng ta thừa kinh nghiệm để thấy rằng sự thánh thiện và tội lỗi đang cùng có mặt ngay trong mỗi người chúng ta”
Chỉ có lòng nhân từ của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta lớn lên trong ân nghĩa với Ngài và Ngài đang chờ đợi chúng ta như Ông chủ ruộng lúa đợi mùa gặt của mình.
Lạy Chúa xin cho chúng con biết sống bao dung như Chúa vì Chúa vừa thấy được cả hiện tại lẫn tương lai, thấy được cả bề ngoài và thấy được cả bề trong.
Và khi cuộc đời của chúng con khép lại, xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020