Bài giảng Chúa Nhật XVII Mùa Thường Niên - năm A
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Mt 13,44-52
"Nước Trời giống như chuyện
kho báu chôn giấu trong ruộng.
Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại,
rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có
mà mua thửa ruộng ấy."
(Mt 13,44)
Mấy tuần nay chúng ta có dịp cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm Nước Trời. Nước Trời hay Giáo Hội ở trần gian được bắt đầu một cách thật khiêm nhường, như một hạt cải, vượt qua mọi khó khăn để thành hình và vươn lên, hiện đang có mặt ở trần gian như men trong bột, thực sự đang có nhiều ảnh hưởng tốt cho trần gian. Tuy nhiên Nước trời ở trần gian chưa phải là một thực tại vẹn toàn. Nó còn là một thực tại pha trộn. Nhưng thử hỏi tình trạng này sẽ kéo dài tới bao giờ thì Bài Tin Mừng hôm nay sẽ hé mở cho chúng ta câu trả lời.
I. "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13,47-48)
Với những lời như thế, Chúa cho chúng ta biết tình trạng pha trộn giữa tốt và xấu sẽ được phân loại một cách rõ rệt và số phận của mỗi hạng người sẽ được phân định một cách dứt khoát không còn có thể lẫn lộn được nữa. Thế nhưng trong giai đoạn tại thế thì Nước Trời hay Giáo Hội của Chúa phải chấp nhận một thực tế pha trộn xem ra có vẻ không tốt lành gì.
Về vấn đề này, Cha Jacques Loew đã có một cái nhìn đáng cho chúng ta suy nghĩ: "Giáo Hội là nơi Chúa chọn để gặp gỡ nhân loại trong suốt dòng lịch sử. Chỉ có chiều kích Tình yêu vô biên của Thiên Chúa mới có thể làm cho một ý đồ như thế trở nên có thể tin được.
Giáo Hội là Mầu nhiệm vì Giáo Hội trà trộn với tội lỗi của con cái mình nhưng coi tội lỗi như một địch thù mà Giáo Hội phải chiến đấu cho đến ngày tận thế.
Giáo Hội là mầu nhiệm vì Giáo Hội thánh thiện nhưng đồng thời không phải là lý tưởng mà là Giáo Hội của Lịch sử, là thân thể của Đức Kitô kéo dài trong nhân loại.
Phải, mầu nhiệm của một Giáo Hội mà thân mình thì liên đới với Lịch Sử thế giới còn ngọn thì ở trên trời. Một Giáo Hội vừa thánh thiện vừa gần với những phần tử tội lỗi"
Vâng Giáo Hội là như thế. Và chúng ta có thể nói đó là ý muốn của Thiên Chúa.
II. Vậy thì chúng ta phải nhìn Giáo Hội với thái độ như thế nào?
Cũng trong bài Tin Mừng Chúa còn nói với chúng ta về kho báu và viên ngọc quí đồng thời ở cuối bài Tin Mừng, Chúa đề cập đến thái độ của những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng như chủ nhà kia biết lợi dụng cái cũ cái mới trong kho của mình.
Lời nói của Chúa rõ ràng khiến người ta liên tưởng đến thái độ khôn ngoan mà Chúa đã đề cập đến ở một nơi khác.
Người nông dân và người lái buôn trong hai dụ ngôn vắn hôm nay rõ rệt là hai người khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa. Đây là thái độ khôn ngoan của người công dân nước trời. Nó khác với thái độ khôn ngoan có tính cánh thế trần như sự khôn ngoan của Salomon mà bài sách thánh thứ nhất hôm nay thuật lại. Salomon xin Chúa cho ông được khôn ngoan, nhưng ông chỉ khoanh vùng sự khôn ngoan trong cách cai trị dân. Ông xin và Chúa đã cho ông điều đó. Về phương diện trần thế thì phải nói là Salomon đã thành công tuyệt vời, nhưng về đời sống đạo đức thì Salomon đã hoàn toàn thất bại. Ông đã quá nhu nhược để cho ảnh hưởng ngoại giáo du nhập tràn lan vào quê hương làm băng hoại nhiều giá trị tốt đẹp của tôn giáo độc thần và đối với đời sống cá nhân của ông, ông cũng đã phạm nhiều sai lầm để rồi sau khi ông chết đi tất cả những công trình của ông cũng bị tiêu tan.
Trong hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí, Chúa cho chúng ta thấy người nông dân và người lái buôn sau khi đã biết được giá trị của kho báu và viên ngọc quí thì sẵn sàng bán tất cả những gì mình có để sở hữu cho bằng được kho tàng và viên ngọc quí đó. Người buôn ngọc chắc phải bán nhiều hơn người nông dân, nhưng cả hai đều phải bán tất cả. Bán tất cả để mua kho báu và viên ngọc quí...đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây.
Nếu giả sử như bây giờ Chúa đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải bán tất cả để mua lấy Nước Trời thì thử hỏi ta sẽ có thái độ như thế nào?
Liệu chúng ta có thể có được thái độ thanh thản như hai người trong bài dụ ngôn hay là chúng ta khó chịu như anh chàng thanh niên giầu có khi Chúa đòi hỏi anh ta phải bán tất cả những gì anh có, chia cho người nghèo khó, sau đó đến mà theo Chúa. Anh thanh niên giầu có đó đã không dám bán. Tại sao thế? Tại vì anh ấy chưa thấy được việc theo Chúa, việc gắn bó với Chúa là một giá trị... Anh ta chưa thấy được Chúa là nguồn mạch sự sống, là sự sống đời đời mà anh đang khao khát tìm kiếm....Và chính vì thế mà anh không dám từ bỏ sự vững chãi của hiện tại để đi theo Đấng mà anh không biết chắc tương lai sẽ như thế nào. Như vậy vấn đề là chúng ta phải biết, phải thấy.
Đức Hồng Y Martini thường hay kể câu truyện sau đây mà Ngài rất tâm đắc: Có một người đến gặp một vị ẩn sĩ ẩn tu ở trong sa mạc và hỏi:
- Thưa Cha, cha là người có nhiều kinh nghiệm, xin cha giải thích cho con rõ tại sao có nhiều người trẻ vào tu trong sa mạc này nhưng sau đó lại có nhiều người bỏ về và chỉ có một ít người bền đỗ?
Vị ẩn sĩ trả lời. Ngài không trả lời trực tiếp như một khẳng định nhưng như một câu chuyện. Ngài nói:
- Chuyện này giống như chuyện một con chó đuổi theo con thỏ, vừa đuổi vừa sủa inh ỏi. Nhiều con chó khác thấy nó sủa và thấy nó chạy liền chạy theo. Nhưng chẳng bao lâu sau những con chó này thấm mệt và bỏ cuộc không còn con nào chạy theo nữa chỉ có con chó đầu tiên lúc nào cũng bám sát đối tượng cho đến khi chộp được con thỏ. Chỉ có con chó này thấy được con thỏ còn những con khác thì không. Cho nên mới có sự bền đỗ hay bỏ cuộc.
Như vậy vấn đề là ta có thấy được nước trời như một kho báu và Chúa Giêsu như một viên ngọc quí hay không. Nếu ta thấy được Ngài như một kho báu hay như một viện ngọc qui thực sự thì vấn đề từ bỏ sẽ không có gì khó lắm. Ngược lại chúng ta sẽ chẳng bao giờ dám.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có được cặp mắt khôn ngoan và sáng suốt để biết nhìn thấy những gì có giá trị thực sự cho cuộc sống của chúng ta và những gì là giả tạo để chúng ta có thể có được những chọn lựa thật chính xác để rồi nhờ đó mà sự sống của chúng ta khỏi bị đánh lừa và nhất là chúng ta sẽ chiếm hữu được Nước Trời mai sau. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020