Bài giảng Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên - năm A
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Mt 14,13-21
"Chính anh em hãy cho họ ăn." (Mt 14,16)
1. Mở đầu bài Tin mừng hôm nay thánh Mathêô ghi lại một hình ảnh thật đẹp về cuộc đời của Chúa. "Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương" (Mt 14,14).
Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Ngài là thương, và vì thương nên Ngài chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn.
Vâng! Chúa thương tất cả mọi người. Mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.
Tin Mừng nhiều lần nhắc tới việc Chúa chạnh lòng thương như thế.
Thấy dân chúng đi theo Chúa vào tận nơi đồng vắng để nghe Chúa giảng, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." (Mc 8, 32)
Chúa thương hai người mù ngồi ở vệ đường (Mc 10,2934)
Chúa thương người kia bị bệnh phong đến gặp Ngài. (Mt 8,14)
Tại Nain, Chúa thương một bà mẹ goá đang cùng với đám đông dưa đứa con trai duy nhất của mình ra nơi an nghỉ cuối cùng. (Lc 7,13)
Vâng! Chúa là như thế, còn chúng ta thì sao?
Cha Anthony de Mello thuật lại một câu truyện có thực. Truyện xẩy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại, ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người qua đường ngỡ ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.
Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công thợ của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.
Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn mày đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương họ, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu được: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.
Ước gì loài người có được nhiều người biết chạnh lòng thương như thế thì cuộc sống của con người trên trần gian này sẽ tốt đẹp biết bao!
2. Hình ảnh tiếp theo mà Thánh Matthêô ghi lại cho chúng ta còn đẹp hơn nữa. Đứng trước cảnh dân chúng đã ba ngày theo Chúa vào nơi đồng vắng để nghe Chúa giảng. Giờ đây họ đã đói. Các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." (Mt 14,15) Đức Giêsu bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." (Mt 14,16)
Thật là một mệnh lệnh vượt quá khả năng của con người.
Rõ ràng là các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người đó. 5.000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn vào lúc trời sắp tối, có nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như bị đóng lại. Các ông muốn thoái thác, phủi tay. Ðó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Thoái thác như thế cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn" (Mt 14,16). Họ đói! Các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim đã thương thì phải bàn tay phải hành động. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là muốn phủi tay chạy trốn trước thách thức khó khăn ấy, để rồi từ đó muốn đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng, còn muốn cả Chúa Giêsu cũng phải làm như vậy: "Xin Thầy hãy cho họ về hoặc vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì ăn qua cơn đói chăng?" (Mt 14,15).
Thế nhưng Chúa lại không muốn như vậy. Điều Chúa muốn là rõ ràng là lo cho dân. “Các con hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16). Phải có một tình thương bao la kinh khủng lắm mới dám nghĩ đến một việc làm như thế. Không thể thoái thác trách nhiệm trước những khó khăn phải đối đầu. Và sau đó là một phép lạ chưa tùng có trên trần gian này.
Tin Mừng ghi lại: "Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con" (Mt 14,19-21). Vâng đẹp quá thưa anh chị em.
Ngày xưa thì như thế còn hôm nay thì sao? Hôm nay Chúa cũng vẫn muốn như vậy. Chúa không chỉ muốn một mình Ngài làm phép lạ mà Chúa còn muốn cả chúng cũng làm phép lạ như Chúa.
Thời vua Louis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo một sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul cũng có mặt trong bữa tiệc đó. Ngài đã nói với bà:
- Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp:
- Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói.
Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em một bài thơ
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là tấm Bánh Thánh
nuôi dưỡng cho con,
Nhưng con lại có thể
bẻ vụn tấm bánh đời mình cho anh em con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Chén Máu Thánh
bổ sức cho con,
Nhưng con lại có thể quảng đại
mời anh em con uống lấy trọn đời con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa
mới trao tặng niềm tin,
Nhưng con lại có thể
làm nên chứng tá sống động
cho Chúa hôm nay.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới gửi đến niềm hy vọng,
Nhưng con lại có thể
giúp anh em con tìm lại nguồn cậy trông.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là sự sống vĩnh cửu,
Nhưng con lại có thể đem đến
cho anh em con niềm vui sống.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Tự Ngài đã thực sự viên mãn,
nhưng Ngài lại ưa thích
cho con được cộng tác
trong công việc của Ngài.
Và Ngài lại ưa thích nương nhờ nơi con
Để cứu độ mọi người.
(Phỏng theo L’INDISPENSABLE PIÈRE)
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020