Bài Giảng của Đức Thánh Cha tại Vận Động Trường Bá Linh (22-09-2011)
Kính thưa Anh Em trong Hàng Giám Mục
và Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến,
Việc nhìn xem Sân Vận động rộng lớn mà số đông Anh Chị Em đang chiếm tất cả khoảng không gian, gợi lên trong Tôi một niềm vui và tín thác thật lớn lao. Tôi chân thành chào thăm tất cả Anh Chị Em: các tín hữu của Tổng Giáo Phận Bá Linh và các Giáo Phận khác của Nước Đức, cũng như số đông các khách hành hương đến từ các Nước lân cận. 15 năm trước đây, lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đã đến thăm thủ đô Bá Linh. Tất cả chúng ta – kể cả chính Tôi đây – đều còn nhớ rõ ràng Cuộc Thăm viếng của Vị Tiền Nhiệm đáng kính của Tôi, Chân Phước Gioan Phaolô II, và Việc Phong Chân Phước Cho Linh Mục quản nhiệm của Nhà Thờ Chính Tòa Bá Linh, Cha Bernhard Lichtenberg – cùng với Cha Karl Leisner – đã diễn ra chính ở chỗ này.
Khi nghĩ tới các Vị Chân Phước này và số lượng đông đảo các Thánh và các Chân Phước, chúng ta có thể hiểu được rằng sống như những cành cây nho đích thực, là Chúa Kitô, có nghĩ là gì, và việc sinh hoa kết quả có nghĩa gì. Bài Phúc Âm hôm nay gợi lại trong tâm trí chúng ta hình ảnh của cây nho này, đang vươn một cách thật rộng lớn từ phía đông và là hình ảnh của sức lực sống động, một biểu tượng cho vẻ đẹp và cho sức năng động của việc hiệp thông của Chúa Giêsu với các môn đệ và bạn hữu, và với chúng ta.
Trong dụ ngôn cây nho, Chúa Giê su không nói : “Anh em là cây nho” nhưng Ngài nói : “Ta là cây nho, các con là cành” (Ga 15, 5). Điều này có nghĩa là “Vậy như các cành cây gắn liền với thân cây nho, cũng thế các con cũng thuộc về Ta như thế! Nhưng khi thuộc về Ta, các con cũng thuộc về nhau, người này với người khác”. Và việc thuộc về nhau và thuộc về Ngài không phải là một mối liên hệ trong ý tưởng, trong trí tưởng tượng, theo một biểu hiệu, nhưng – Tôi muốn nói như thế - việc thuộc về Chúa Giêsu Kitô trong nghĩa sinh vật học, sống động hoàn toàn. Và Giáo Hội, cộng đồng sinh động với và giữa người này với người khác, một mối liên hệ được đặt trên nền tảng trong Bí Tích Rửa Tội và được làm cho nên sâu xa hơn mỗi lần trong Bí Tích Thánh Thể. “Ta là cây nho đích thực” tuy nhiên trong thực tế câu này có nghĩa là “Ta là các con và các con là Ta” – thật là một sự đồng hóa chưa hề nghe thấy giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài.
Chính Đức Kitô, lần đó ở gần thành Đamasco, đã hỏi Ông Phaolô, con người bắt bớ Giáo Hội: ''Tại sao ngươi bách hại Ta'' (Cv 9, 4). Theo cách thế đó, Chúa diễn tả việc chung nhau một số phận phát sinh ra từ sự hiệp thông thân tình trong sự sống của Giáo Hội của Ngài với Ngài, Ngài là Đấng đã sống lại. Ngài tiếp tục sống trong Giáo Hội của Ngài trong thế giới này. Ngài ở cùng chúng ta, và chúng ta ở cùng Ngài. – “Tại sao ngươi bách hại Ta?” – Cuối cùng chính Chúa Giêsu mà các người bách hại Giáo Hội muốn tấn công. Và đồng thời điều này có nghĩa là chúng ta không lẻ loi đơn độc khi chúng ta bị đàn áp vì đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu Kitô ở bên chúng ta và ở cùng chúng ta.
Trong dụ ngôn Chúa Giêsu còn nói một lần nữa rằng: “Ta là cây nho đích thực, và Cha Ta là người làm vườn” (Ga 15, 1), và Ngài giải thích rằng người làm vườn nho lấy kéo cắt tỉa các cành cây khô héo và tưới bón cho các cây nào mang hoa trái để chúng sinh hoa trái dồi dào hơn. Để diễn tả điều này bằng hình ảnh của ngôn sứ Ezechiele, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa muốn cất đi khỏi lồng ngực chúng ta quả tim khô héo chết chóc, quả tim bằng đá, và ban cho chúng ta quả tim tình yêu, quả tim bằng xương bằng thịt (xem Ez 36, 26). Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta một sự sống mới và tràn đầy sức lực, một quả tim yêu thương, quả tim nhân ái và bình an. Đức Kitô đến để kêu gọi những người tội lỗi. Họ là những người cần tới thầy thuốc, chứ không phải là những người lành mạnh (xem Lc 5, 31t. ). Và như thế, như Công đồng Vaticano II nói, Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi” (Hiến chế về Giáo Hội, Ánh sáng muôn dân, 48) hiện hữu vì những tội nhân, ban cho chúng ta và mở ra cho chúng ta con đường canh tân trở về, con đường chữa lành bệnh tật và trao ban sự sống. Đó là sứ mệnh liên tục và lớn lao của Giáo Hội được Chúa Kitô trao phó cho.
Một số người nhìn Giáo Hội nhưng chỉ dừng lại ở bên ngoài mà thôi. Lúc đó Giáo Hội hiện ra với họ chỉ như một trong biết bao nhiêu tổ chức dân chủ, theo những luật lệ và quy định của các tổ chức này rồi, Giáo Hội này cần được phán đoán và cũng được hành xử như một khuôn mặt thật là khó hiểu như là “Giáo Hội”. Nếu rồi người ta cộng thêm vào kinh nghiệm đau thương mà trong Giáo Hội vẫn luôn có cá tốt và cá xấu, lúa mì và cỏ lùng, và nếu cái nhìn chăm chú vào các điều tiêu cực, thì lúc đó người ta không còn thấy hiện ra mầu nhiệm lớn lao và tốt đẹp của Giáo Hội.
Vì thế, không còn hiện lên một niềm vui nào do việc thuộc về cây nho này tức là “Giáo Hội”. Vì tâm trạng không hài lòng và không được thỏa mãn được phổ biến rộng rãi ra, nếu người ta không nhìn thấy thực hiện các ý tưởng nông cạn của mình và sai lầm của mình về “Giáo Hội” và những “mơ ước riêng của mình về Giáo Hội!”. Lúc đó cũng hết bài ca vui tươi “Con tạ ơn Chúa, vì ơn đã gọi con vào trong Giáo Hội của Chúa”, mà từng bao thế hệ người công giáo đã hát với niềm xác tín.
Nhưng chúng ta trở lại với bài Phúc Âm. Chúa Giêsu tiếp tục nói như sau: “Các con hãy ở lại trong Ta và Ta ở trong các con. Như cành nho không thể sinh hoa trái nếu chính nó không ở trong cây nho, cũng thế nếu các con không ở trong Ta . . . bởi vì không có Cha – người ta cũng có thể dịch là ở ngoài Ta – các con không thể làm được gì” (Ga 15, 4).
Mỗi người chúng ta được đặt trước một quyết định như thế. Chúa Giêsu, trong dụ ngôn của Ngài, nói với chúng ta một lần nữa đó là một điều thật là nghiêm chỉnh: “Ai không ở trong Ta thì sẽ bị bỏ đi như cành nho và sẽ khô héo đi; rồi người ta sẽ thu lượm các cành bị bỏ ra ngoài, sẽ ném vào lửa và thiêu đốt đi” (xem Ga 15, 6). Nói về điều này, Thánh Augustino chú giải : “Người này hay người kia nói tới cành cây, hoặc cây nho hoặc lửa đốt, nếu (cành nho) không ở trong cây nho, sẽ bị ném vào trong lửa; và như thế hoặc trong lửa, hoặc trong cây nho” (In Ioan. Ev. tract. 81, 3 [PL 35, 1842]).
Việc chọn lựa đòi hỏi phải có ở đây làm cho chúng ta hiểu, trong cách thế thật là đòi hỏi, ý nghĩa nền tảng của quyết định trong đời sống chúng ta. Nhưng, cùng một lúc, hình ảnh của cây nho là dấu hiệu của niềm hy vọng và sự tín thác. Khi nhập thể, chính Đức Kitô đã đến trong thế gian này để trở nên nền tảng của chúng ta. Trong mỗi lúc cần thiết và cùng cực, Ngài là nguồn suối ban nước uống của sự sống nuôi dưỡng và tăng sức mạnh cho chúng ta. Chính Ngài mang trên mình mọi tội lỗi, sợ hãi và đau khổ và sau cùng, Ngài thanh luyện chúng ta và biến đổi chúng ta cách huyền nhiệm thành những cành cây tốt ban cho ta rượu thơm ngon. Trong những lúc cần thiết, đôi khi chúng ta cảm thấy như là gục ngã dưới ngọn đuốc, như những chùm nho đã bị tuốt lá trơ trụi hoàn toàn. Nhưng chúng ta biết rằng, khi kết hiệp với Đức Kitô, chúng ta trở nên rượu loại đã cũ xưa. Thiên Chúa biết biến đổi trong tình yêu cả những sự việc nặng nề và có sức đè nén trong đời sống chúng ta. Điều quan trọng là “chúng ta ở lại” trong cây nho, tức là trong Đức Kitô. Trong đoạn văn ngắn ngủi này, tác giả sách Phúc Âm dùng từ “hãy ở lại” 12 lần. Kiểu nói “Ở-lại-trong-Đức-Kitô” ghi dấu ấn cho toàn thể bài diễn văn. Trong thời đại của chúng ta, thời đại của lo âu khắc khoải và thời đại chấp bấp cứ điều gì, trong đó biết bao nhiêu người mất đi hướng định và sự nâng đỡ; trong đó sự trung thành của tình yêu trong hôn nhân và trong tình bạn trở nên mong manh và thật ngắn ngủi; trong đó chúng ta muốn kêu gào lên, trong nhu cầu của chúng ta, như các môn đệ đi làng Emmaus: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con vì trời đã chiều tối (Lc 24, 29), phải có bóng đêm chung quanh chúng con!”; trong thời gian này Chúa Phục Sinh hiến tặng cho chúng ta một nơi trú ẩn, một nơi có ánh sáng, có niềm hy vọng và tín thác có bình an và có sự an toàn. Ở đâu có cảnh khô cằn và sự chết đe dọa các cành cây, thì ở đó trong Đức Kitô có tương lai, có sự sống và niềm hoan lạc, ở đó luôn có tha thứ và khởi đầu mới, có biến đổi khi đi vào trong tình yêu của Ngài.
Ở lại trong Đức Kitô có nghĩa là, như chúng ta đã thấy, ở lại cả trong Giáo Hội. Tất cả cộng đoàn các tín hữu hiệp nhất chặt chẽ trong Đức Kitô, là cây nho. Trong Đức Kitô, tất cả chúng ta hiệp nhất cùng nhau nên một. Trong cộng đoàn này Ngài nâng đỡ chúng ta và, đồng thời, tất cả các thành viên cùng nâng đỡ nhau người này nâng đỡ người khác. Cùng nhau chúng ta chống lại các trận cuồng phong và chúng ta cùng bảo vệ người này bảo vệ người khác. Chúng ta không tin một mình, chúng ta cùng tin với tất cả Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời đại, cùng với Giáo Hội trên trời và dưới đất.
Giáo Hội như là người loan báo Lời của Thiên Chúa và người phân phát các Bí Tích hợp nhất chúng ta lại trong Đức Kitô, là cây nho đích thực. Giáo Hội như là “sự trọn vẹn và sự hoàn tất của Đấng cứu thế” – như Đức Giáo Hoàng Piô XII đã gọi - (Pio XII, Mystici corporis, AAS 35 [1943] tr. 230 : “plenitudo et complementum Redemptoris”) đối với chúng ta là bảo chứng của sự sống của Thiên Chúa và là trung gian các hoa trái mà dụ ngôn về cây nho nói tới. Như vậy Giáo Hội là ơn huệ đẹp nhất Thiên Chúa ban cho ta. Vì thế, Thánh Augustino có thể nói : “Mỗi người có được Chúa Thánh Thần theo mức độ mà họ yêu mến Giáo Hội” (In Ioan. Ev. tract. 32, 8 [PL 35, 1646]. Cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội chúng ta có thể loan báo cho tất cả mọi người rằng Đức Kitô là nguồn suối của sự sống, và Ngài hiện diện, rằng Ngài là thực tại vĩ đại mà chúng ta đang tìm kiếm và chính Ngài là Đấng chúng ta mong mỏi tìm kiếm. Ngài trao ban chính mình và như thế Ngài ban Thiên Chúa cho chúng ta, hạnh phúc, tình yêu cho chúng ta. Ai tin Chúa Kitô, thì có tương lai. Bởi vì Thiên Chúa không muốn điều gì cứng nhắc, chết chóc, giả tạo, mà sau cùng bị bỏ ra ngoài, nhưng Thiên Chúa muốn điều gì phong phú và sống động, sự sống tràn đầy, và Ngài ban cho chúng ta sự sống tràn đầy.
Anh Chị Em thân mến, Tôi cầu chúc Anh Chị Em tất cả và cho chúng ta tất cả luôn khám phá ra một cách sâu xa hơn niềm hoan lạc là hiệp nhất với Đức Kitô trong Giáo Hội – cùng với tất cả những điều sáng tỏ và bóng mờ của Ngài – có thể tìm thấy trong những sự cần thiết của Anh Chị Em sự nâng đỡ và ơn cứu rỗi và chớ gì chúng ta có thể trở nên rượu của niềm hoan lạc và của tình yêu của Chúa Kitô cho thế gian này. Amen.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả (Dịch từ bản tiếng Ý)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19