Bài giảng lễ thiếu nhi: Chúa Nhật tuần 16 thường niên, năm A
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A
Mt 13,24-43
"Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt." (Mt 13,30)
Thiếu nhi chúng con yêu quí.
Chúng ta lại vừa được nghe một bài Tin Mừng nữa của Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dùng tới ba dụ ngôn để nói về Nước của Chúa ở trần gian. Vì thời gian có hạn cho nên cha chỉ dừng lại dụ ngôn ruộng lúa có cỏ lùng.
+ Chúng con đã thấy có lùng bao giờ chưa?
- Dạ chưa.
+ Cha cũng chưa thấy tận mắt. Cha mới chỉ thấy trên mạng. Tuy nhiên các hình về có lùng không được rõ lắm. Nhưng cha có thể nói cho chúng con biết:
1. Cỏ lùng là thứ cỏ khi mới mọc lên thì giống hệt cây lúa miến ở đất Do Thái quê hương của Chúa. Khi cỏ lớn lên thì người ta mới có thể phân biệt được. Khi lớn thì cây cỏ lùng có thân rộng hơn và khi trổ bông thì hạt nhỏ hơn. Chính thánh Hiêrônimô, người đã sống lâu đời ở xứ Do Thái cũng cho biết: Ngay cả những người nông dân miền ở đất Do thái cũng khó mà phân biệt được khi chúng còn non chưa đâm bông. Nhưng khi chúng đã đâm bông rồi thì ngay một em bé thiếu kinh nghiệm cũng phân biệt được đâu là lúa, đâu là cỏ lùng.
2. Chúng ta tự hỏi Chúa Giêsu đã muốn gì khi kể dụ ngôn này?
Chúa muốn cho chúng ta hiểu về cuộc sống con người đang sống trên trần gian. Cuộc sống này luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Có mặt phải mặt trái. Có đúng có sai. Có phải có quấy.
Cuộc sống ở đời này người tốt và kẻ xấu luôn có mặt bên nhau. Ngay trong mỗi một con người chúng ta cũng thấy có hai mãnh lực thiện ác cùng tồn tại như thế. Chính Thánh Phaolô đã phải thú nhận: "Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi (2Cr 12,7) Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. (Rm 7,15) Các bậc thánh nhân đã từng ví đời là một cuộc chiến đấu triền miên với chính mình cũng là vì thế.
Dụ ngôn cũng còn minh chứng cho ta thấy rằng: Nước Chúa thiết lập ở trần gian này gồm có hai chặng rõ rệt. Chặng trần thế và chặng thế mạt. Chặng trần thế khi nào chấm dứt thì không ai biết và Chúa không nói. Nhưng mỗi người phải sửa soạn cho ngày mùa thu hoạch. Trong chặng trần thế này, kẻ lành kẻ dữ hằng sống chung bên nhau. Nhưng dù là ai đi nữa thì cũng vẫn thuộc về Giáo hội của Chúa. Thánh Thomas đưa ra những lý do:
Nhờ kẻ dữ mà người lành được khích lệ, được trở nên tốt hơn. Cũng như nhờ trời tối mà một ngọn đèn mờ cũng đủ soi tỏ lối đi.
3. Rồi nhìn cào cuộc sống của con người, chúng con thấy có những người bên ngoài tốt nhưng bên trong thì không và ngược lại. Có người trước tốt sau ra xấu và ngược lại. Cho nên ở đời này mà phân biệt đâu là lành, đâu là dữ thì không nên và cũng không làm được. Có những người trước tốt sau ra xấu như trường hợp Giuđa, như chàng thanh niên giàu có. Ngược lại có nhưng có người trước xấu sau lại nên tốt như đứa con hoang đàng, như người trộm lành, như Augustinô.v.v..
Như vậy bài học ở đây là gì? Thưa là phải biết chấp nhận.
Chúng con hay nghe câu chuyện này: Có một thầy ẩn tu kia hết sức đạo đức thánh thiện tên là Sébastien. Một ngày nọ, sau giờ cầu nguyện, thầy đánh bạo ngỏ ý với Đức Giêsu xin cho mình được thế chỗ của Người trên Thập Giá trong ngôi Nguyện Đường. Đức Giêsu đồng ý nhưng với một điều kiện: "Là phải giữ im lặng tuyệt đối". Thầy Sébastien cam đoan chấp nhận, miễn là được toại ý. Thế là sau đó, mọi sự đã diễn ra đúng như thế mà mọi người đến viếng Nguyện Đường đều không biết gì...
Một hôm, có một ông nhà giàu đến Nguyện Đường đọc kinh, khi ra về thì bỏ quên túi tiền ở lại. Sau đó, một người nghèo cũng đến cầu nguyện, quỳ vào đúng chỗ của ông ta và trông thấy túi tiền. Anh ta mừng rỡ tạ ơn Chúa rồi cầm túi iền ra về. Kế tiếp, lại có một anh thanh niên đến xin Chúa cho đi đường được bình an, anh vừa đứng lên rời Nguyện Đường thì gặp ông nhà giàu vội vã quay trở lại, không thấy túi tiền đâu, bèn nghi cho anh chàng đã lấy cắp, nên tri hô cảnh sát...
Thấy vậy, thầy Sébastien từ trên Thập Giá buột miệng la to: “Này ông kia, dừng lại, không phải như thế đâu...” Sau đó thầy Sébastien kể lại đầu đuôi mọi sự, ông nhà giàu tin ngay vì nghĩ đó là Đức Giêsu, liền chạy đi tìm người nghèo để đòi lại túi tiền, còn anh thanh niên thì sụp lạy tạ ơn rồi lên đường...
Khi Nguyện Đường trở lại cảnh thanh vắng, Đức Giêsu mới hiện ra và bảo thầy Sébastien: “Con hãy xuống khỏi Thập Giá của Ta ngay, con không xứng đáng thay thế chỗ của Ta, chỉ vì con đã không im lặng như đã hứa với Ta!” Thầy Sébastien mếu máo phân trần: “Nhưng Lạy Chúa, làm sao con có thể im lặng trước một sự bất công như vậy?”
Câu truyện nhắc chúng ta nhớ đến phần kết thúc của Dụ Ngôn Cỏ Lùng ( Mt 13, 24 – 30 ): “Hãy cứ để đấy, cho cỏ lùng lớn lên chung với cây lúa cho tới mùa gặt...”
Cuộc sống thì tương đối. Chúng ta phải sống bên nhau, hy sinh cho nhau, chịu đựng nhau, đùm bọc nhau, dẫn nhau về quê Trời. Chính vì thế mà Mẹ Têrêsa nói thật mạnh: "Hãy luôn ghi nhớ rằng cộng đồng của chúng ta không bao gồm những người đã nên thánh, mà gồm những người đang cố trở thành thánh nhân. Vì vậy, chúng ta hãy thật kiên nhẫn với lỗi lầm và thất bại của nhau."
Xin được kết thúc bằng một câu chuyện nữa xảy ra tại một thiền viện.
Một buổi sáng nọ, khi vừa thức dậy, một số thiền sinh phát hiện mình bị mất cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bảo nhau cùng để ý rình rập. Họ đã bắt được quả tang một chú thiền sinh mới đến đang lấy cắp đồ dùng của họ. Họ liền ập vào bắt giữ, giải lên cho thầy viện trưởng. Thầy im lặng, và cho chú thiền sinh nọ trở về phòng.
Ít lâu sau đó, chú thiền sinh lại bị phát giác đang ăn trộm lần thứ hai, và lại bị dẫn đến thầy viện trưởng. Lần này cũng như lần trước, thầy vẫn im lặng, không nói năng gì, chỉ đưa tay ra hiệu cho phép chú trở về phòng. Mọi người đều thấy tấm tức bực bội về thái độ xử lý quá rộng lượng của thầy mình.
Đến lần thứ ba, chú thiền sinh có tật ăn cắp kia lại tái phạm. Tất cả các môn sinh đều tập trung lại, đòi thầy phải có thái độ trừng phạt xứng đáng. Họ đưa ra yêu sách:
- Thưa thầy, hoặc là tất cả chúng con, thầy phải lựa chọn, nếu không chúng con sẽ rời bỏ nơi này ngay lập tức!
Im lặng một lát, thầy viện trương điềm đạm trả lời:
- Tất cả các con đều đã sống tốt lành với nhau, còn chú này thì chưa được như thế. Thầy muốn chú ấy sẽ ở lại với thầy để thiền định tập tành cho được tốt hơn. Các con thì không cần phải làm như thế nữa, các con có thể chia tay với thầy được rồi đấy!
Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu, lần lượt từng người không dám nói gì nữa, lặng lẽ ai về phòng người nấy.
Riêng chú thiền sinh tội lỗi kia vẫn quì đấy, đôi giòng lệ lăn dài trên gò má.
Chúng ta dư sức để hiểu được rằng cuộc sống của em thiền sinh này sau đó sẽ ra sao.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen. (Rabboni)
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)