Bài giảng Thánh lễ làm phép dầu (Nhà thờ Chính toà Sài Gòn 17.04.2014)
LỄ DẦU 2014
(Is 61, 1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21)
Anh chi em rất thân mến,
Trong Thánh Lễ Dầu đầu tiên, mà tôi cử hành cùng với anh chị em hôm nay, tôi xin mời gọi mọi người cùng tôi suy nghĩ về chủ đề “chúng ta là môn đệ và là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô”.
1. Chúa Kitô, là “Thầy và là Chúa của chúng ta”, chúng ta tin vào Người và đi theo Người. Chúng ta tin Chúa Kitô đã được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần tấn phong làm Thượng Tế Giao ước mới và vĩnh cửu, làm Ngôn Sứ loan báo Tin Mừng cứu độ, làm Mục Tử quy tụ và chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa. Chính vì thế mà Người được mang danh hiệu Kitô, “Đấng được xức dầu”. Tin Mừng Luca kể lại câu chuyện Chúa Giêsu vào hội đường Nadaret ngày Sabat, và đứng dậy đọc Sách Thánh. Người ta trao cho Người sách Isaia, Người mở ra gặp đoạn Isaia 61, 1-9, mà chúng ta vừa nghe, tiên báo về “Vị Ngôn Sứ thời sau hết”, thời Đấng Messia. Thời Đấng Messia là thời đại mà Dân Chúa trong Cựu ước hằng khao khát trông chờ. Ngôn sứ ấy đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, yên ủi những kẻ khóc than, cho người mù được sáng mắt, mang niềm vui đến cho mọi người. Ngài đã được xức dầu Thánh Thần, nên được tràn đầy Thánh Thần.
2. Chúa Giêsu, chính là Vị Ngôn sứ ấy ! Thánh Luca viết : “Người cuộn tròn sách lại” và tuyên bố : “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4, 20 -21). Chúa Giêsu Kitô, Vị Thầy yêu dấu và đáng kính của chúng ta là Sứ giả của Thiên Chúa, được tràn đầy Thánh Thần của Thiên Chúa. Người đã được xức dầu vì một sứ mạng, do chính Thiên Chúa trao phó. Sứ mạng ấy được truyền thống của Giáo Hội nhìn dưới ba khía cạnh “Tư tế, Tiên tri và Vương đế” mà sau này Công đồng Vatican II nhắc lại. Lời kinh Tiền tụng trong Thánh lễ hôm nay nhấn mạnh “Chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô”, mà thánh ý của Thiên Chúa muốn cho tồn tại trong Giáo Hội. Chính vì thế mà Chúa Giêsu Kitô, muốn cho mọi môn đệ của Người, mọi Kitô hữu được thông phần vào, trở thành dân tư tế, như lời sách Khải huyền : “Người đã yêu mến chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1, 6).
3. Chúa Giêsu Kitô còn lấy tình huynh đệ mà tuyển chọn một số người, để họ tham gia Thánh vụ của Người, nhờ việc đặt tay. Những người này, theo ý muốn của Thiên Chúa, sẽ nhân danh Chúa Kitô “tái hiện Hy tế Cứu độ”, để cho mọi con cái của Thiên Chúa, là các môn đệ của Chúa Giêsu được tham dự “Bàn tiệc Vượt Qua”, được nuôi dưỡng bằng Lời Kinh Thánh và các bí tích. Các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô ngày hôm nay vẫn được Chúa tiếp tục nuôi dưỡng và giáo huấn, để trở thành sứ giả, tông đồ của Chúa : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20, 21). Người môn đệ tiếp tục nhận lãnh Thánh Thần từ Chúa Kitô và được sai đi. Nói cách khác, người môn đệ vẫn được xức dầu Thánh Thần và sai đi loan báo Tin Mừng Cứu độ. Chúa Thánh Thần là dầu xức dành cho sứ vụ “Tông đồ”, do đó, nếu không “làm tông đồ”, thì không được hưởng dầu xức, không có Thánh Thần.
4. Người tông đồ, dù được sai đi, vẫn tiếp tục là môn đệ có tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sai mình. Bằng không, sẽ không được nuôi dưỡng và giáo huấn, và hậu quả là không có khả năng làm tông đồ, vì không được tiếp sức từ Chúa Kitô, không được nhận lãnh dầu xức, không có Thánh Thần. Mà không có Chúa Thánh Thần, thì không có gì cả : sách Kinh Thánh trở thành chữ chết, Giáo Hội chỉ là cơ chế, Tin Mừng chỉ là quá khứ, phẩm trật trong Giáo hội chỉ còn là chức sắc tôn giáo. Tương quan giữa tư cách tông đồ và tư cách môn đệ là một quan hệ chặt chẽ và hỗ tương, tác động qua lại. Là một môn đệ tốt, gắn bó với Thầy chí thánh, thì sẽ là một tông đồ nhiệt thành của Chúa chí thánh. Một sứ giả hay một tông đồ chính danh, đích thực, luôn là người môn đệ lắng nghe Lời Thầy và thực hiện ý muốn của Thầy.
5. Quan hệ hỗ tương giữa hai tư cách môn đệ và tông đồ, ứng dụng cho mọi thành phần dân Chúa, nhưng ứng dụng cách đặc biệt cho các “thừa tác viên có chức thánh”, là anh em linh mục chúng ta. Là linh mục đạo đức thánh thiện, người môn đệ gắn bó mật thiết với Chúa, thì sẽ là tông đồ hăng hái nhiệt thành, sẵn sàng hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống cho Chúa và sứ mạng mà Chúa trao phó. Người tông đồ hăng say loan báo Tin Mừng, nhất là cho những người nghèo, những người chưa biết Chúa, thì chắc chắn là môn đệ không ngừng tiếp xúc với Chúa và nhận lãnh Thánh Thần từ Chúa.
Anh em linh mục rất yêu quý, mặc dù là một con người rất yếu đuối và tội lỗi, tôi mạnh dạn chia sẻ với anh em : càng tiếp xúc thường xuyên với Chúa, chúng ta càng được tràn đầy Thánh Thần, tràn đầy sức mạnh, tình yêu và ánh sáng của Chúa, và trở nên những tông đồ chan chứa niềm vui và sức sống ! Hãy nhớ chúng ta là những người được xức dầu cách đặc biệt hơn những thành phần khác.
Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, lễ Dầu 17.04.2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020