Bài giảng Thánh lễ Phục Sinh cho Thanh Sinh Công (Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn 20.04.2014)
THÁNH LỄ PHỤC SINH 2014
(Thánh lễ 50 năm Thanh Sinh Công)
Các bạn Thanh Sinh Công (TSC) quý mến, các con thân mến,
1. Hôm nay các con mừng kỷ niệm 50 năm HĐGMVN công nhận TSC năm 1964, và 77 năm ngày TSC đến Việt Nam, cha hân hoan cùng mọi người chúc mừng các con. Thật là tốt đẹp biết bao việc Ban tổ chức đã chọn ngày Lễ Chúa Phục Sinh, để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Ngày hôm nay là ngày hân hoan và vui mừng của toàn thể Giáo hội của Chúa Kitô trên thế giới: mọi Kitô hữu đều vui mừng ca hát Alleluia, vì Chúa đã sống lại thật , như lời Ngài đã phán hứa.
2. Bài Phúc Âm Thánh Gioan tường thuật sư kiện bà Maria Magdala ra thăm mộ Chúa Giêsu vào lúc sáng sớm tinh sương, khi trời còn tối, thì phát giác “cửa ngôi mộ” đã mở toang, và không thấy xác của Đức Giêsu trong ngôi mộ nữa. Bà đã lật đật chạy đi báo tin cho Ông Simon-Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Hai người này liền chạy ra mộ. Người môn đệ Chúa yêu, trẻ hơn, không biết là ai, có lẽ là Gioan, có lẽ là một ai đó trong các con đây, chạy nhanh hơn, nên tới ngôi mộ trước. Nhưng không vào ngay, không phải vì sợ ma, mà vì kính trọng đàn anh, một thái độ thật đáng yêu! Liền sau đó người anh trưởng của nhóm 12 môn đệ, là Simon Phêrô cũng tới nơi và vào thẳng trong mộ, thì thấy mọi sự đã được xếp lại ngăn nắp, nhưng không có thi hài của Chúa Giêsu.
3. Bấy giờ người môn đệ trẻ hơn mới vào, và theo lời tác giả sách Phúc Âm, Ông đã thấy và đã tin. Vậy ông thấy cái gì và ông tin điều gì? Ông thấy “ngôi mộ trống” và ông tin “Chúa đã sống lại”. Tác giả Tin Mừng bình giải: “thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Thánh Kinh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết! Điều này có nghĩa là, trước khi vào mộ, hai ông chưa tin, vì chưa hiểu! Thật là kỳ diệu, Đức Tin của hai ông thật là sáng suốt và nhạy bén, chưa hiểu thì chưa tin; hiểu rồi thì tin ngay! Thật là chắc chắn và kịp thời, các ông không chần chừ, không do dự, không hoài nghi, không giống như nhân vật Tào Tháo, nghi ngờ hết mọi sự, nghi ngờ hết mọi người. Theo như bài tường thuật, người môn đệ Chúa yêu, nhạy bén hơn, nhanh hơn ông Simon Phêrô. Tại sao? Có lẽ vì trẻ hơn, có lẽ vì được Chúa yêu; có lẽ vì cả hai lý do.
4. Người môn đệ Chúa yêu là ai? Tác giả vẫn không nói, cố ý để cho chúng ta suy nghĩ thêm; có thể đó là tác giả, không nói rõ tên mình, vì sự khiêm nhường và kín đáo! Thật là một thái độ rất tế nhị, hiếm thấy trong thế giới người trẻ ngày nay! Có thể đó là một hay là nhiều người trong các con, những người môn đệ trẻ của Chúa! Có thể không? Các con có nhớ câu truyện một người trẻ muốn theo Chúa, nhưng sau cùng rồi bỏ đi, vì Chúa đề nghị “bán hết tài sản anh có, phân phát cho người nghèo, rồi mới đi theo Chúa. Bấy giờ Chúa nhìn anh bằng cái nhìn đầy tình thương mến và tiếc xót! Tiếc xót cho chàng trai trẻ không có can đảm từ bỏ của cải. Các con giống ai, giống người trẻ ở trên trong bài Phúc Âm Thánh Gioan, hay người trẻ không dám theo Chúa trong Phúc Âm Thánh Mátthêu và Máccô?
5. Có thể là người nam hay người nữ? Là bất cứ cô gái xinh đẹp hay người thanh niên tuấn tú nào! Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại ở ngoại hình, vì còn có vẻ đẹp thanh cao của tâm hồn những người trẻ. Có thể lắm, vì những người đi theo Chúa, không phải chỉ có thanh niên và đàn ông, mà còn có cả thiếu nữ và đàn bà. Trong các sách Phúc Âm, có rất nhiều nhân vật nữ, và gần như nhân vật nào cũng rất sáng giá!
Các con có biết ước mơ của Cha là gì không? Là càng ngày càng có nhiều người trẻ trở thành “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến” và tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh! Các con có cùng ước mơ với Cha không? Nếu có cùng ước mơ với Cha, thì trước hết hãy cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tin Mừng về việc Thiên Chúa đã chúc phúc cho Chúa Giêsu và đã dùng Quyền năng vinh hiển mà cho Người trỗi dậy từ trong cõi chết. Tin Mừng về một sự chiến thắng: chiến thắng của Tình Yêu vượt trên hận thù, chiến thắng của Sự Sống vượt trên cái chết, chiến thắng của Sự Thiện vượt trên tội ác, chiến thắng của Thiên Chúa chống lại “Ác Thần”.
6. Đừng ngại ngùng dấn thân trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, đi tu cũng được, ở ngoài đời cũng được. Là môn đệ của Chúa, có nghĩa là bước theo Chúa, đi trên con đường từ thập giá đến vinh quang. Không ái ngại đau khổ, không sợ hy sinh vì Tình yêu đích thực. Trong cơ bản là con đường khổ nạn phục sinh của Chúa, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người. Nhưng trong các chi tiết, thì mỗi người mỗi khác: có thể con đường “từ yêu đến tin”: yêu rồi mới tin, yêu nhiều thì tin nhiều. Có thể con đường ngược lại: “từ tin đến yêu”: nhờ ánh sáng lời Chúa, nhờ ơn Chúa, do nhận lãnh đức tin từ Giáo hội, dần dần, nhờ tiếp xúc với Chúa trong đức tin (cầu nguyện), mỗi ngày thêm lòng yêu mến Chúa. Có những người đi con đường “từ hiểu đến tin”: khám phá ra Chúa, biết Chúa, nên mới tin Chúa và yêu Chúa. Có con đường từ “tin đến hiểu”: nhờ ánh sáng đức tin mà hiểu được Chúa, biết Chúa và yêu Chúa. Có khi ánh sáng đức tin giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, làm cho chúng ta vui sướng và hạnh phúc.
Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, lễ Phục Sinh 20.04.2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020