Bài giảng trong Thánh lễ nhậm chức tân chính xứ Giáo xứ Bình Chánh
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN - B
Đnl 4,1-2.6-8
Gc 1,17-18.21b-22.27
Mc 7,1-8a.14-15.21-23
Anh chị em rất thân mến, sáng nay chúng ta tụ họp nhau lại đây, để cử hành lễ nhậm chức cha xứ mới của giáo xứ Bình Chánh, chúng ta chúc mừng cha và cầu nguyện cho cha.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là là các bài đọc của Chúa Nhật XXII Thường Niên B, chúng ta đã lắng nghe Lời Chúa cách chăm chỉ, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Lời Chúa, để có thể đem ra thực hành.
1. Đoạn Phúc Âm theo Thánh Marcô tường thuật cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và một số người biệt phái có thói quen sống giả hình. Và Chúa đã kết luận trước đám đông dân chúng: không có cái gì từ bên ngoài con người vào bên trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế (dơ bẩn) được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (x. Mc 7,15). Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, tham lam, độc ác, xảo trá, kiêu căng, ganh tị… (x. Mc 7,21-22)
2. Lời của Chúa Giêsu hết sức đúng đắn và thực tế, mọi người chúng ta ít nhiều gì đều có kinh nghiệm. Người Phật giáo cũng có kinh nghiệm tương tự, ca dao tục ngữ Phật Giáo Việt Nam có câu: “Ngoài miệng thì nói Nam mô, trong bụng thì chứa một bồ dao găm”. Những điều xấu phần lớn đều phát xuất từ trong lòng chúng ta. Có những lúc gặp quá nhiều khó khăn, chúng ta nghĩ rằng những khó khăn ấy là từ bên ngoài; nhưng thực chất chúng phát xuất từ lòng người; nếu không phải từ tâm hồn chúng ta, thì là từ tâm hồn người khác. Mọi người đều có “nội tâm”, và cái xấu, cái tốt đều phát xuất từ nội tâm. Vậy chúng ta hãy gột rửa từ bên trong, thay vì quá chú trọng tới bên ngoài. Người Công giáo chúng ta được mời gọi không ngừng thanh tẩy và hoán cải nội tâm.
3. Nếu chúng ta không chú trọng đủ tới nội tâm, Chúa Giêsu sẽ khiển trách chúng ta: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6). Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, đã dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta. Thánh Giacôbê khuyên chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận Lời Chúa đã được gieo vào lòng chúng ta, vì Lời ấy có sức cứu độ linh hồn chúng ta (x. Gc 1,21). Và chúng ta hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông (x. Gc 1,22). Nếu chúng ta lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, thì theo sách Đệ nhị luật, Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta, mỗi lần chúng ta kêu cầu người (x. Đnl 4,6-7).
4. Hôm nay cha xứ mới nhậm chức, cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về vai trò của cha xứ trong đời sống của một xứ đạo. Trước hết cha xứ là một mục tử; mục tử tốt lành bao giờ cũng hết mình chăm sóc “đời sống nội tâm” của giáo dân. Đời sống nội tâm thường được gọi là “đời sống thiêng liêng” gồm ba nhân đức đối thần là “Tin - Cậy - Mến”. Khi nào đời sống đức tin của anh chị em lung lay, cha xứ phải tìm cách chữa chạy, củng cố. Lúc nào anh chị em bị cám dỗ tuyệt vọng và buông xuôi tất cả, cha xứ tìm cách khơi lại niềm hy vọng. Những khi anh chị em tỏ ra thiếu lòng bác ái, cha xứ phải nhắc nhở anh chị em, làm nổi bật cho anh chị em thấy Đạo của Chúa Giêsu là Đạo yêu thương.
5. Cha xứ còn là người rao giảng Lời Chúa cho anh chị em, để cho ánh sáng Lời Chúa chiếu dọi vào tâm hồn anh chị em, để Lời Chúa nuôi dưỡng đời sống nội tâm của anh chị em. Chính vì thế mà cha xứ phải dọn bài giảng thật kỹ lưỡng: suy niệm Lời Chúa, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi giảng. Cha xứ sẽ không để cho anh chị em bị suy dinh dưỡng về mặt thiêng liêng, mà tìm cách bồi dưỡng cho anh chị em không ngừng, bằng giáo lý và bằng gương sáng.
6. Cha xứ còn là người tế lễ, dâng hy tế của Chúa Giêsu lên Thiên Chúa. Hy tế đó trước hết là Hy tế Tình yêu, phát xuất từ Trái Tim của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đổ máu đào để chuộc tội loài người chúng ta, để máu ấy rửa sạch tội lỗi giết chết linh hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu trong lòng Chúa Giêsu đã thúc đẩy ngài dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa và tự hiến mình cho loài người chúng ta. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, anh chị em hãy cố gắng kết hợp lòng trí anh chị em với việc cử hành của linh mục, để Thánh lễ thực sự làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho anh chị em.
Giáo xứ Bình Chánh, Chúa Nhật ngày 30-08-2015
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020