Bài giảng trong Thánh lễ Tạ Ơn: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống nhận nhiệm vụ mới (28.8.2009)

Bài giảng trong Thánh lễ Tạ Ơn: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống nhận nhiệm vụ mới (28.8.2009)

 WGPSG -- Vào lúc 9:30 thứ sáu 28-8-2009, cộng đoàn dân Chúa TGP.TPHCM, đã hiệp dâng Thánh lễ tại Đại Chủng viện TGP.TPHCM để cùng với vị chủ tế là ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, tạ ơn Chúa nhân dịp Đức Cha Giuse nhận nhiệm vụ mới. Đoàn đồng tế gồm Đức Hồng Y, các Giám Mục phụ tá, và khoảng gần 200 linh mục. Sau phần Công bố Lời Chúa, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chia sẻ Lời Chúa, nguyên văn được ghi lại dưới đây:

 
(Nghe audio Bài Giảng: "ĐGM Phêrô chia sẻ về ĐGM Giuse")

 

 

Khung cảnh Thánh Lễ hôm nay xem ra có cả buồn vui lẫn lộn. Buồn vì kể từ hôm nay, cộng đoàn giáo phận Thành phố ít có dịp gặp vị giám mục thân thương của mình, một giám mục trẻ trung sinh động với lối nói văn hoa dí dỏm, với giọng hát mượt mà truyền cảm. Cũng sẽ gặp thôi, vì như Đức Hồng Y đã nói ở đầu Thánh Lễ : Đức Cha Giuse sẽ còn đi đi về về Sàigòn trong nhiều dịp. Nhưng chắc chắn là sẽ không thể thường xuyên gặp ngài được, và vì thế, không thể không buồn. Thế nhưng lại vui vì Đức Cha phụ tá của giáo phận chúng ta được Toà Thánh tín nhiệm trao cho nhiệm vụ mới, nặng nề hơn nhưng cũng xứng với khả năng và tầm vóc của ngài hơn. Đó là niềm vui thừa sai và là niềm vui chung của cả giáo phận vì chính giáo phận chúng ta đã cung cấp cho Giáo Hội một người anh em như thế. Chính vì thế, các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa đều có mặt ở đây để cùng với ngài dâng lời tạ ơn Chúa.
 
Tạ ơn bao giờ cũng gắn liền với ký ức và tưởng niệm, vì ký ức cho ta thấy lý do tại sao phải tạ ơn. Cử hành Thánh Lễ là cử hành lễ tế tạ ơn và khi tạ ơn, ta nhớ lại cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, qua đó cảm nghiệm tình yêu của Đấng Thiên Chúa đã hiến ban Người Con Một cho chúng ta, và đó chính là lý do của tạ ơn. Cũng trong dòng chảy đó, khi họp nhau tạ ơn Chúa trong dịp Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống rời Sàigòn để nhận nhiệm vụ mới, cho phép tôi nhớ lại đôi nét về vị giám mục thân yêu của tất cả chúng ta. Tôi muốn nói đến cung cách sống, hay mạnh mẽ hơn, một linh đạo mà ngài phác hoạ cho ta, ít nhất là qua ba điểm này.
 
Trước hết, đó là linh đạo được gọi tên Nút vòng xoay.* Ở Sàigòn, tại những trục lộ giao thông phức tạp với nhiều con đường dọc ngang lên xuống, người ta thiết lập những nút vòng xoay như ở Hàng Sanh, Ngã Sáu… Nút vòng xoay có mục đích điều tiết giao thông. Giao thông có thể bị chậm lại đôi chút nhưng tránh được sự ùn tắc và nhất là tránh được tai nạn giao thông. Cuộc sống của một cộng đoàn, nhất là cộng đoàn lớn như một giáo phận cũng thế. Cuộc sống ấy bao gồm những tương quan đa chiều, và trong mỗi tương quan, lại có những khuynh hướng, lập trường, suy nghĩ và phán đoán khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau. Vai trò của người lãnh đạo là điều tiết giao thông, làm sao để mỗi người, mỗi cộng đoàn có thể phát huy đặc sủng của mình, làm sao để mọi đặc sủng cùng quy về lợi ích chung, đồng thời tránh được những va chạm và tai nạn không cần thiết. Nói theo ngôn ngữ của Đức Cha Giuse, “điều quan trọng là biết tôn trọng cái ‘khác’, và đừng bao giờ chuyển thể thành cái ‘khắc’. Những nét tương đồng sẽ giúp hiểu nhau, còn những nét khác biệt lại cần để yêu thương và hợp tác với nhau” (Trả lời phỏng vấn báo CG&DT). Một nhiệm vụ hết sức phức tạp và tế nhị, đòi hỏi sự nhạy bén và khôn ngoan đúng mức. Trong vai trò là giám mục phục tá của Đức Hồng Y TGM, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã tích cực góp phần vào việc điều tiết giao thông, kiến tạo sự hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận. Đó chính là linh đạo Nút vòng xoay của ngài.
 
Linh đạo ấy còn có một khía cạnh khác được gọi là Từng bước một thôi. Hồng Y John Henri Newmann, người đã can đảm giã từ vinh quang của một linh mục Anh giáo nổi tiếng tại đại học Oxford để trở thành chủng sinh trong một chủng viện công giáo, rồi làm linh mục và là nhà thần học công giáo nổi tiếng trước khi được nâng lên hàng hồng y. Trong bước chuyển dịch đầy đau đớn từ Anh giáo sang Công giáo, có những lúc ngài cảm thấy tăm tối bao trùm chung quanh, không biết phải đi đường nào, và từ đó, ngài viết ra lời kinh nổi tiếng “Lead, kindly Light” với điệp khúc “One step enough for me” :
Dẫn con vững bước trên đường,
con không cầu thấy chân trời xa xôi.
Dẫn con,
dẫn con từng bước,
từng bước một thôi.
(Bản dịch của Cha Cố Đaminh Trần Thái Hiệp)
 
Xin Chúa dẫn đi từng bước thôi. Và khi bản thân người mục tử cảm nhận những tăm tối trong đời để xin Chúa dẫn mình đi từng bước một thôi, thì người mục tử cũng tìm cách dẫn đưa người khác từng bước một thôi. Không vội vã, không nặng nề nhưng nhẹ nhàng từng bước một thôi. Thiết nghĩ đó cũng là lối sống và cung cách làm việc của Đức Cha Giuse trong tư cách mục tử của Dân Chúa. Thế nên ngài thích những từ như Đôi khi, Chút chút, Chút xíu thôiĐôi khiChút chút nhưng mưa giầm thấm lâu. Nếu hình ảnh Nút vòng xoay nói đến trách nhiệm lãnh đạo là điều tiết giao thông, thì lời thơ Từng bước một thôi lại cho thấy ngài đã góp phần vào việc điều hành giáo phận bằng cung cách sống nhẹ nhàng, vui tươi, dí dỏm của ngài. Còn nhớ khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Sàigòn, tôi vẫn đang đi học bên Hoa Kỳ. Khi Đức Hồng Y đi công tác ghé thăm, tôi hỏi thăm về Đức Cha phụ tá, ngay lập tức Đức Hồng Y khen Đức Cha Giuse hết lời : ngài khéo lắm, rất nhẹ nhàng, không đụng chạm đến ai, ngài mới giảng tĩnh tâm cho các cha xong, các cha thích lắm. Nhận xét đó đủ nói lên cung cách sống và làm việc của Đức Cha Giuse.
 
Vẫn chưa hết, linh đạo của Đức Cha Giuse còn có một nét đẹp nữa, xin được gọi là Hạt nắng vô tư. “Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư?” Một nhạc sĩ đã cất lên tiếng hát như thế, và dù không biết nhạc sĩ này có phải là người Công giáo hay không, nhưng lời hỏi ấy và tiếng hát ấy gọi ta về với chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu khi Người dùng ngôn ngữ hình ảnh để nói đến tình thương của Cha trên trời: Mặt trời mọc lên cho kẻ lành cũng như người ác, mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Anh sáng mặt trời chiếu soi trên tất cả mọi người và mọi miền, dù là người giầu hay người nghèo, người công chính hay người gian ác, kẻ lòng ngay cũng như kẻ bất lương. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ấy để diễn tả về tình thương không tính toán, tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Và chính hình ảnh ấy cũng soi rọi lối sống của Đức Cha Giuse: không tính toán thiệt hơn, cứ chiếu soi ánh sáng, cứ làm tất cả những gì mình xác tín là tốt. Vô tư.
 
Những phác hoạ trên đây nhằm nhớ lại phần nào cung cách sống và linh đạo của Đức Cha Giuse. Nếu hiểu linh đạo là đường thiêng liêng thì đối với người Kitô hữu, chỉ có một con đường duy nhất là chính Đức Kitô. Mỗi linh đạo có thể làm nổi bật một nét đặc trưng nào đó nhưng tất cả đều quy vào Chúa Kitô. Cũng thế, ba nét linh đạo vừa trình bày đều phát xuất từ một động lực duy nhất là “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” , cũng là khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Giuse. Còn nhớ khi được Chúa gọi làm giám mục, Đức Cha Giuse đã viết lá thư tâm tình với những người anh em bạn bè thân thiết rằng : “Hơn 15 năm trước, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, mình đã dấn bước vào đời sống linh mục; bây giờ, cũng tình yêu Chúa Kitô thúc bách mình dấn bước vào đời sống giám mục”. Thiết nghĩ nếu hôm nay có ai hỏi, ngài cũng sẽ trả lời như thế : vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, ngài đón nhận nhiệm vụ mới. Chắc chắn rằng khi một mục tử đón nhận nhiệm vụ chỉ vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chứ không vì bất cứ tính toán hay ham muốn nào khác, thì mục tử ấy sẽ tận hiến đời mình cho đoàn chiên theo gương Vị Mục Tử nhân lành và theo châm ngôn của thánh Augustino mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ : “Với anh em, tôi là Kitô hữu; cho anh em, tôi là giám mục”. Và cũng chắc chắn thêm một điều nữa : khi ra đi vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách thì đi đâu và làm gì, người tông đồ cũng bình an thanh thản vì có Chúa đồng hành và trợ lực.
 
Xin tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho giáo phận Thành phố một mục tử như thế. Xin cảm ơn Đức Cha Giuse vì đã cống hiến trọn vẹn năng lực, thời giờ và trí tuệ cho giáo phận thân yêu này. Và xin cầu chúc Đức Cha lên đường trong bình an và thanh thản, trong mừng vui và hi vọng.
 
 Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục phụ tá TGP. Tp. HCM
 
 * Những từ được in nghiêng là tên những tác phẩm của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top