Bài tham luận của ĐGM Bùi Văn Đọc tại Đại hội X FABC
I. Nhìn lại: Ba hướng đối thoại (triple dialogue)
Đề nghị: Bốn hướng đối thoại (quadruple dialogue)
Khi ôn lại quá khứ, FABC nhắc đến hướng đi được vạch ra ngay từ thập niên 70 là đối thoại trong tương quan với ba lãnh vực: với người nghèo, với các nền văn hóa, với các tôn giáo (số 5). Thiết tưởng nên ghi nhận vài điểm sau đây:
1/ Tại Á châu, sự phân biệt giữa văn hóa và tôn giáo không đơn giản. Về một phương diện, sự phân biệt này thật hữu ích: một Kitô hữu không thể theo một “tôn giáo” khác (thí dụ Phật giáo), nhưng có thể theo một “văn hóa” khác (thí dụ văn hóa Nho giáo). Phải hiểu tôn giáo như thế nào? Không nên bỏ qua “tín ngưỡng dân gian” với những ưu điểm và khuyết điểm của nó.
2/ Các giám mục miền Nam Việt Nam đã là thành viên của FABC ngay từ khi thành lập. Tuy nhiên, vào năm 1975, chưa đầy một năm sau Đại hội lần I, toàn bộ Đất Nước Việt Nam thống nhất dưới danh xưng “Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là dịp để Giáo hội suy nghĩ về sự hiện diện và sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình. Chúng tôi mong rằng FABC có thể góp phần vào nỗ lực suy nghĩ của chúng tôi. Xã hội vô thần duy vật có nằm trong các lãnh vực đối thoại của FABC hay không? Nếu có thì trong lãnh vực nào: người nghèo, văn hóa, tôn giáo? Có nên nới rộng “cuộc đối thoại ba mặt” (triple dialogue) thành “bốn mặt” (quadruple) không? Có thể nói theo cách của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: mở rộng “Sân chư dân”? Hay nói theo kiểu Bộ Loan Báo Tin Mừng về những “diễn đàn mới” (the new forums, les nouveaux aréopages)?
3/ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã vạch ra cho chúng tôi một hướng đi tích cực, hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng; trong Huấn từ dịp Ad Limina ngày 27 tháng 06 năm 2009 cho các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài nói: “Anh em cũng như tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo hội và Cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Giáo hội có thể góp phần mình vào đời sống của Đất Nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” (trích Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho các giám mục Việt Nam, bản dịch của Ban thư ký HĐGMVN).
4/ Từ 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi lớn trên bản đồ chính trị thế giới, với sự sụp đổ bức tường Bá Linh. Biến cố này cũng gây ra ít nhiều ảnh hưởng đối với các nước xã hội chủ nghĩa tại Á châu. Người ta không còn bám sát vào chủ nghĩa mác-xít một cách giáo điều như trước, nhưng đã vận dụng chủ nghĩa mác-xít một cách linh hoạt sáng tạo vào những hoàn cảnh mới. Nhờ những cuộc giao dịch thương mại kinh tế (đánh dấu bằng việc bãi bỏ cấm vận), các chuyến du lịch và đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội, người Việt Nam đã tiếp nhận nhiều trào lưu tư tưởng mới của nước ngoài, và có dịp để đối chiếu với những giá trị văn hóa cổ truyền, những chủ trương của Nhà Nước. Nói chung, người dân ít khi đặt vấn đề các trào lưu đó có hợp với văn hóa cổ truyền hay không, miễn là đáp ứng những khát vọng của họ là đủ. Nhưng cũng có nhiều người trí thức quan tâm tới việc tiếp nhận văn hoá nước ngoài sao cho phù hợp với truyền thống dân tộc.
II. Thách đố: + Thế tục hoá và hậu thế tục hoá (secularization and “post-secularization”)
Tài liệu làm việc của FABC (số 17) đã nói đến một nền văn hóa mới đang lan rộng tại châu Á và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, do ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa (globalization). Từ đó số 17 nói đến não trạng “tục hóa, duy vật, tiêu thụ, tương đối” (secular, materialist, consumerist and relativist culture). Những điều tương tự cũng được đọc thấy trong số 52 tài liệu làm việc của khóa họp Thượng hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hoá (New Evangelization)[1]. Tuy nhiên, bên cạnh những triệu chứng tiêu cực, cả hai bản văn đều nhận ra những điểm tích cực của thời đại. Như vậy phải chăng cần một sự phân định mà các chủ chăn là chúng ta, có bổn phận cung cấp cho Dân Chúa, và cho xã hội nữa.
1/ Khi nói đến “tôn giáo” và “thế tục”, thiết tưởng chúng ta nên lưu ý đến một vài quan điểm khác nhau giữa văn hóa Tây phương và Đông phương, đặc biệt là tại những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
a) Tại những quốc gia này, sự phân biệt giữa “triết học” (văn hóa) và “tôn giáo” không phải là dễ dàng. Phật giáo có tổ chức giáo hội và việc phượng tự, tuy không chặt chẽ như chúng ta. Khổng giáo, Lão giáo đều có đưa ra những vũ trụ quan và nhân-sinh-quan, nhưng không dẫn tới một thứ “phụng vụ” (liturgy), cũng không tổ chức một cách chặt chẽ thành “giáo hội”(Church). Từ đó, người ta không có ý niệm rõ rệt mình“thuộc về” (belonging) một đoàn thể tôn giáo cố định. Hơn thế nữa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo có những yếu tố tương hợp, nên ở Việt Nam người ta kết hợp cả ba thành “Tam giáo hòa đồng”. Cả ba được vận dụng để giải thích những vấn đề về vũ trụ, nhân sinh và cuộc sống. Ý niệm “tương đối” tiềm tàng trong các “tôn giáo” Á đông. Người dân thường quan niệm Đạo nào cũng tốt! Có những người vừa đi chùa lễ Phật, vừa đến văn miếu Khổng, vừa thực hành các nghi lễ thuộc Lão giáo v.v…, và sau cùng, lại theo một tín ngưỡng dân gian là “đạo ông bà”, có liên quan ít nhiều đến các học thuyết của Tam giáo.
b) Có thể hiểu hiện tượng “thế tục hóa” theo một nghĩa khác với lịch sử xã hội châu Âu.
– Ở Việt Nam, trước thời Pháp thuộc, không có sự phân biệt rõ rệt giữa “giáo quyền” với “chính quyền”, vì không tôn giáo nào giữ địa vị độc tôn (ngoại trừ Phật giáo vào thời Lý, Trần). Không có chuyện chính quyền muốn thoát ly khỏi giáo quyền, cũng như không có vấn đề khoa học thoát ly khỏi đức tin.
– Trên bình diện khác, có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, tôn giáo ở Việt Nam mang tính cách “thực dụng”: đi chùa đi lễ cốt để cầu xin cho an cư lạc nghiệp, làm ăn phát tài… chứ chưa đi vào chiều sâu của lòng đạo, nhằm đến lý tưởng cao siêu huyền bí. Một số người nghĩ rằng chán đời mới đi tu, chứ không phải vì được thu hút bởi lý tưởng Tuyệt đối. Điều này thường đưa đến hậu quả là tín ngưỡng ít ăn nhập với lối suy tư hay hoạt động thường nhật của con người.
2/ Từ hơn hai thập niên qua, chế độ chính trị tại Việt Nam, tuy vẫn khẳng định mình là Mác-Lê, nhưng chú trọng nhiều hơn tới sự phát triển kinh tế, và đã du nhập một loại “kinh tế thị trường”, khiến cho mọi người đều bị chi phối như nhau. Hiện tượng “tục hoá” ảnh hưởng tới mọi người, người theo ý thức hệ hay người theo các tôn giáo. Người ta coi nhẹ các giá trị văn hóa cổ truyền. Các trẻ em lớn lên trong một xã hội càng ngày càng bị tục hoá, không tránh khỏi bị lây nhiễm bởi những tư tưởng thế tục. Sự lây nhiễm xảy ra trong trường học, nơi chợ búa, tại các trung tâm giải trí, mua bán. Thanh niên thiếu nữ càng bị chi phối nhiều hơn, vì nhu cầu quan hệ rộng rãi hơn. Cha mẹ, vì kế sinh nhai, cũng không thể nào cưỡng lại được.
a) Thay vì nói đến “tục hóa”, ngày nay người ta thường nói đến những “thần tượng” (idols) mới [2] giống như bên Mỹ. Đây là não trạng “mới nhất” mang tên là “hậu hiện đại”, “hậu thế tục”. Người ta đi tìm một thứ “hạnh phúc” ngay trước mắt (danh giá, khoái lạc, thành công), hơn là một lý tưởng đòi hỏi nỗ lực để xây dựng. Người ta quan tâm đến sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân, hơn là thiện ích chung của cộng đồng. Người ta hoài nghi những chân lý tuyệt đối, tuy không ngần ngại theo đuổi mơ ước trong thế giới ảo.
b) Do ảnh hưởng của hiện tượng “toàn cầu hóa”, những nét mô tả não trạng thời đại, đặc biệt nơi giới trẻ, có phần giống nhau ở các nước Tây phương và ở Việt Nam. Càng ngày càng có nhiều người nghĩ rằng những điều linh thiêng thì xa vời, đang khi thực tại trần thế thì trước mắt và đụng chạm hằng ngày. Người trẻ lưu tâm tới quá nhiều thứ, nhiều chỗ, nhưng Thiên Chúa thì không có chỗ, hay mất dần “chỗ đứng”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người ta còn cảm thấy nhu cầu tâm linh, được biểu lộ qua các lễ hội tôn giáo cũng như những tục lệ mê tín dị đoan. Cách riêng, đối với người Công giáo, việc tham dự vào sinh hoạt cộng đoàn vẫn còn cao, cũng như số ơn gọi tu sĩ và linh mục vẫn còn nhiều.
III. Suy nghĩ và cầu nguyện:
Đại hội FABC diễn ra trong Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vatican II, 20 năm xuất bản Sách Giáo lý Công giáo, và liền sau khóa họp Thượng hội đồng giám mục thế giới về “Tân Phúc âm hoá”.
Đây là cơ hội thúc đẩy chúng tôi tái khám phá ý nghĩa của đức tin: tin không chỉ là chấp nhận đạo lý, nhưng tiên vàn là tín thác vào Đấng đã yêu thương chúng ta. Chúng tôi cần phải “trở về” với Chúa Kitô (Porta fidei, số 6), thay đổi “tâm não” còn bị vướng mắc bởi những yếu tố trần tục (tiền bạc, danh lợi, lạc thú), còn vương vấn một thứ “Mêsia trần thế” (earthly Messianism), chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tìm kiếm sự khôn ngoan của thập giá.
Chúng tôi cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng tôi: xác tín rằng Tin mừng Chúa Kitô có thể mang lại cho Dân Việt Nam nhiều điều mà họ đang khát mong: sự tự do trọn vẹn, hạnh phúc đích thực, sự tôn trọng phẩm giá con người, sự liên đới xã hội. Đạo Chúa Kitô mang lại sự thăng tiến cho con người toàn thể và cho tất cả mọi người.
Chúng tôi không để bị đè bẹp bởi mặc cảm “đạo ngoại lai”, bởi vì dân tộc Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón nhận các giá trị của Tây phương (bắt nguồn từ Kitô giáo): “bình đẳng, tự do, huynh đệ”. Thực tế, Kitô giáo đã đóng góp rất nhiều cho dân tộc Việt Nam. Người công giáo là những người đầu tiên đã du nhập “mẫu tự latinh” để viết ra chữ quốc ngữ như đang được sử dụng trong tiếng Việt ngày nay. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì những chứng tá của các tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) trong việc thăng tiến cuộc sống dân nghèo, mở mang dân trí, xây dựng xã hội. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì nhiều tấm gương của các Kitô hữu quan tâm đến những người sống bên lề xã hội, các bệnh nhân phong cùi, SIDA, những thiếu nữ lầm đường, những dân tộc thiểu số (xem “Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa”).
Chúng tôi cố gắng làm chứng tá cho Tin mừng của Tình Thương và Công Lý. Trong một thế giới dần dần thiên về chủ nghĩa cá nhân khiến nhiều người dễ bị tuyệt vọng trong cô đơn, thì các cộng đoàn của chúng tôi chứng tỏ cho thấy tình liên đới của gia đình thiêng liêng. Phải nhìn nhận rằng tại Việt Nam, Giáo hội Công giáo có một tổ chức rất quy củ, với sinh hoạt cộng đồng rất cao. Chúng tôi cố gắng xây dựng những cộng đoàn đích thực: những cộng đoàn cơ bản, các hiệp hội đoàn thể, các cộng đoàn giáo xứ, các cộng đoàn tu sĩ, các cộng đoàn giáo sĩ. Tất cả đều được xây dựng trên đức tin vào Lời Chúa, được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh Chúa, và được linh hoạt nhờ Chúa Thánh Thần.
Xã hội cổ truyền được tổ chức theo hàng dọc, ra như chỉ chấp nhận lệnh từ trên xuống. Quan niệm này đã bắt đầu bị lung lay trước những khuôn mẫu văn hóa Tây phương. Đời sống của Giáo hội trước đây chịu ảnh hưởng của mô hình kim tự tháp. Nhưng mô hình “Hiệp Thông” của Giáo hội có khả năng dung hòa giữa yêu sách về quyền bính trong bất cứ cộng đồng xã hội nào, với sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.
Trong lúc xã hội gặp khủng hoảng về các giá trị đạo đức, Giáo hội Công giáo là trường đào tạo những công dân tốt nhờ chú trọng về đạo đức. Chúng tôi cố gắng vun trồng đời sống tâm linh, trong một xã hội mà không ít người đang trên đường tìm kiếm tâm đạo. Làm thế nào để cho thấy rằng con đường Bát Phúc thật sự mang lại hạnh phúc chân chính, thay vì những hạnh phúc hão huyền! Giáo hội cần tỏ cho mọi người thấy rằng Kitô giáo không chỉ là một tổ chức quy củ về giáo dục, văn hóa, phụng tự, nhưng tiên vàn là một cộng đoàn của những người lắng nghe Lời Chúa, tìm kiếm Thiên Chúa trong sự Thật và Thần khí.
Theo gương của chân phước Gioan XXIII khi triệu tập công đồng Vatican II, chúng tôi tìm cách loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ mà người đương thời hiểu được: ngôn ngữ của tình thương, của sự thật, của cái đẹp; biết nhận ra những “dấu chỉ thời đại” kể cả qua những trường hợp xem ra là nghịch cảnh; biết phân biệt những hạt giống chân lý nơi các văn hóa, ý thức hệ; cách riêng, biết nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi hết mọi người, dù là kẻ phủ nhận Thiên Chúa.
Chúng tôi cầu xin cho đại hội FABC lần này cũng đạt được ý nguyện như khi Chân phước Gioan XXIII đã phát biểu cách đây 50 năm: một lễ Hiện xuống mới cho các Giáo hội tại Châu Á. Từ thái độ rụt rè, các môn đệ đã nhận lãnh sức mạnh của Chúa Thánh Thần để mạnh dạn làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh, chứng tá mang tính cộng đoàn nhờ mối dây hợp nhất trong sự trung thành với Lời Chúa, với việc cử hành nghi lễ bẻ bánh, và thực thi đức ái (x. Cv 2, 46-47).
Phaolô Bùi văn Đọc
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho
––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Synod of Bishops, XIII Ordinary General Assembly, The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith, Instrumentum Laboris, Vatican City 2012.
[2] Xem thêm Tài liệu làm việc của THĐGM số 63-67: Changes in the Religious Sector.
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền