Bán đảo Triều Tiên: Gặp gỡ liên tôn liên Triều
Từ ngày 21 đến 24 tháng Chín vừa qua, Đức Tổng giám mục Hyginus Kim Hee-jong – Tổng giám mục Tổng giáo phận Quang Châu kiêm Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Đối thoại Liên tôn – đã dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo tôn giáo của Nam Triều Tiên (gồm Công giáo, Phật giáo và Tin Lành) đến Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên có một giám mục Hàn Quốc đến Bắc Triều Tiên, một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới.
Đức TGM Kim nói: “Để mang lại hòa bình giữa Bắc và Nam Triều Tiên, trước hết phải khôi phục lòng tin tưởng. Các quan hệ tại vùng biên giới đã xấu đi rất nhiều, và đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện chuyến đi này: phải nối lại các mối quan hệ”.
Đức TGM Kim nói: “Chuyến đi này diễn ra theo sáng kiến của chúng tôi. Sự cần thiết của chuyến đi này không gây tranh luận trong nội bộ Giáo Hội. Nếu chính phủ Hàn Quốc ngăn cấm công dân của mình đến miền Bắc vì những căng thẳng quân sự gia tăng, thì yêu cầu ngoại lệ này lại được Seoul và Bình Nhưỡng bật đèn xanh”.
Cầu nguyện chung trên núi thánh Bạch Đầu
Trong chuyến viếng thăm bốn ngày, phái đoàn đã gặp vị chủ tịch Hiệp hội các tôn giáo miền Bắc – tự nhận là Công giáo–, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bắc Triều Tiên, và Kim Yong-nam, nhân vật số hai của chế độ.
Đức TGM Kim cho biết: “Các cuộc thảo luận đã vượt quá mong đợi của tôi. Chúng tôi đã có thể nói chuyện, lắng nghe quan điểm của họ, và cho họ biết những gì chúng tôi mong đợi.” “Thời điểm ý nghĩa nhất là lúc cầu nguyện, đã liên kết các đại biểu tôn giáo hai miền Bắc và Nam với nhau, trên đỉnh núi Bạch Đầu”. Ngài nói: “Núi này là biểu tượng cho sự hiệp nhất của dân tộc Hàn Quốc, như mang nơi mình một sức mạnh tâm linh. Lời cầu nguyện của chúng tôi, vang lên trời xanh bao la, quả là khoảnh khắc thật ấn tượng”.
Phái đoàn hai bên đã đồng ý công bố một tuyên bố chung. Bản tuyên bố có sự nhất trí rất cao này đưa ra lời kêu gọi hòa bình, hòa giải, đối thoại và chung sống hoà bình. Vấn đề nhạy cảm về tự do tôn giáo ở Bắc Triều Tiên đã không có trong nghị trình. Thực tế có nhiều tổ chức phi chính phủ cáo buộc chế độ đàn áp tôn giáo. Cũng có nhiều nghi vấn về việc kiểm soát chặt chẽ các tín hữu ở miền Bắc.
Về chủ đề nhạy cảm này, Đức TGM Hyginus Kim Hee-jong luôn rất thận trọng. Ngài không nghi ngờ thiện ý của “các vị lãnh đạo tôn giáo” Bắc Triều Tiên ngài đã gặp. Ngài từ chối nhận định về những người đối thoại và không muốn làm hỏng bước đầu cuộc đối thoại vì những yêu cầu “quá gắt gao”. Dự định của chúng tôi là sẽ gặp lại nhau. Chúng tôi muốn nhân lên và mở rộng các cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu và người dân ở miền Bắc và miền Nam. Và để được như vậy trước hết phải thiết lập một mối quan hệ tin tưởng”.
Thăm ngôi nhà thờ “chính thức” duy nhất ở Bình Nhưỡng
Sự tin tưởng: từ này trở lại như chủ đề xuyên suốt cuộc trò chuyện, diễn ra ở Quang Châu, thành phố lớn ở phía Tây Nam bán đảo, sinh quán của cựu Tổng thống Kim Dae-jung, người đoạt giải Nobel Hòa bình 2000 với chính sách bàn tay chìa ra cho Bắc Triều Tiên. “Tin tưởng là điều quan trọng nhất trong các mối quan hệ nơi một cộng đồng, đặc biệt là ở Đông phương. Người ta có thể quyết định, đề nghị, ký kết tất cả những gì mình muốn: nhưng nếu không tin cậy lẫn nhau, sẽ chẳng đi tới đâu”, Đức giám mục Kim khẳng định như thế.
Các thành viên Công giáo của phái đoàn đã được phép đến thăm ngôi nhà thờ Công giáo “chính thức” duy nhất ở Bình Nhưỡng: nhà thờ Jangchung, do chế độ xây dựng năm 1988. Nhà thờ không có linh mục, Tòa Thánh Vatican đã từ chối phong chức cho một ứng cử viên được Bình Nhưỡng gửi đến. Trong ngôi nhà thờ nhỏ này, Đức TGM Kim đã gặp khoảng 40 người Bắc Triều Tiên được giới thiệu là tín hữu. Ngài thuật lại: “Tôi đã có một bài phát biểu ngắn. Tôi nói với họ về ý nghĩa của đức tin, của cầu nguyện, của việc yêu mến tha nhân, và về những cố gắng mưu cầu sự hiệp nhất và hòa bình”. Các cuộc trao đổi không đi xa hơn.
Đức TGM Kim nói: “Về mặt lịch sử, Giáo hội Công giáo Hàn Quốc luôn xem mình có một vai trò trong sự thống nhất và hòa bình trên bán đảo. Chúng tôi thảo luận về điều đó. Chúng tôi cầu nguyện. Ngoài ra, Giáo hội cũng gửi cho miền Bắc gạo, sữa và thuốc men, đặc biệt là cho trẻ em”. Tổ chức gọi là Hội đồng các tôn giáo Hàn Quốc vì Hòa bình, sẽ sớm gửi 570 tấn bột mì cho những người bị thiếu lương thực trầm trọng.
Đoàn đại biểu liên tôn rất muốn tiếp tục con đường đối thoại đang khai mở. Đức cha Kim cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các đại diện tôn giáo miền Bắc đến miền Nam, có thể vào dịp lễ Giáng sinh, hoặc mùa xuân năm sau, nhân lễ Phật đản”.
(Frédéric Ojardias, La-Croix, 10-10-2011)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19