Ban Mục vụ Di Dân: Khóa cơ bản về mục vụ di dân lần II "Thần học, linh đạo, sứ vụ Di Dân"

Ban Mục vụ Di Dân: Khóa cơ bản về mục vụ di dân lần II "Thần học, linh đạo, sứ vụ Di Dân"

WGPSG -- Ngày 25/8/2011, Ban Mục vụ Di Dân TGP. TPHCM (MVDDTGP) đã lên chương trình cho khóa huấn luyện cơ bản về Mục vụ Di Dân lần thứ II, sẽ tổ chức vào 3 sáng Chúa nhật 11, 18 và 25/09/2011, từ 08g00 - 11g00 tại giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức.

Đúng 08g00 Chúa nhật 11/8/2011, Ban MVDDTGP đã khai mạc buổi huấn luyện đầu tiên với đề tài tuần I: “Thần học, linh đạo, sứ vụ Di Dân” do cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB - Phó Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di Dân (UBMVDD) hướng dẫn.

Đến tham dự có cha Giuse Maria Đỗ Đình Ánh - Tổng thư ký UBMVDD, cha Phaolô Phạm Trung Dong - Trưởng ban Mục vụ Di Dân TGP và hơn 100 học viên đến từ 22 giáo xứ và dòng tu trong Giáo phận.

Cha Gioan Nguyễn Văn Ty đã thuyết trình đề tài với 3 nội dung sau:

1/ Xuất hành: Khách lạ là trình trạng trường kỳ của cuộc sống nơi dương thế.

“ ...Họ sống trong đất nước mình mà bị coi là khách lạ. Là công dân, họ chia sẻ mọi sự với người khác, nhưng lại bị coi là ngoại kiều. Đối với họ, đất khách trở thành quê hương, trong khi chính quê hương mình lại trở thành đất khách... ” (Thư gửi cho Diognetus 5,9).

Toàn bộ lịch sử Cứu độ: Lưu đầy viễn xứ, xuất hành, phát lưu và hồi hương... nối tiếp nhau như một biện chứng sinh động giữa án phạt và con đường hòa giải. Vì thế, người Do Thái có rất nhiều kinh nghiệm về Giáo hội lữ hành.

2/ Linh đạo: Các dòng tu, tu hội luôn chọn cho mình một Linh đạo. Vì thế, Ban Mục vụ Di dân cũng chọn cho mình một Linh đạo là “Hiếu khách”. Bổn phận và trách nhiệm hiếu khách, không ai có luật trừ. Mọi người phải nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người khách lạ, để yêu và tiếp đón họ. Trong Cựu Ước, người Do Thái đã có rất nhiều kinh nghiệm khi bị kỳ thị và bóc lột bên Ai Cập. Trong Tân Ước, sức mạnh của điều răn mới “Mến Chúa - Yêu người” là hai chiều kích của một tình yêu duy nhất.

Khi ta triển khai Linh đạo “hiếu khách” là làm cho đức Ái, đức Cậy và đức Mến triển nở trong cộng đoàn Giáo hội.

3/ Công giáo tính: Vai trò của di dân trong việc thể hiện Vương quốc hoàn vũ.

“Di dân thể hiện cho các Giáo hội địa phương dịp thuận tiện để xác minh tính Công giáo của mình, không những bao gồm việc mở rộng tiếp đón các sắc dân khác nhau, nhưng trên hết hệ tại việc xây dựng hiệp thông với họ và giữa họ với nhau. Sự đa dạng về sắc dân và văn hóa trong Giáo hội, không chỉ là một điều cần chấp nhận vì tính tạm thời của chúng, nhưng là thuộc diện cơ cấu. Sự hiệp nhất trong Hội Thánh không lệ thuộc vào việc có cùng nguồn gốc hay ngôn ngữ, mà là do Thánh Thần ngày Hiện xuống, Đấng quy tụ các người nam nữ thuộc mọi quốc gia và ngôn ngữ khác nhau thành một dân duy nhất, ban cho mỗi người niềm tin vào cùng một Chúa và kêu họ tới một niềm hy vọng” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế Giới Di Dân năm 1988).

Cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB với kinh nghiệm truyền giáo nhiều năm tại Mông Cổ, là đất nước đại đa số người dân sống du mục, và ngài đã dành nhiều thời gian nghiên cứu “Thần học về Di dân”, nên ngài đã quảng diễn đề tài “Thần học, linh đạo, sứ vụ Di Dân” thật súc tích và sinh động. Qua đó, mọi người nhận thức rằng:

- Thời Cựu Ước, khởi đi từ thời Adong và Eva, sau khi phạm tội, họ đã đánh mất căn tính của mình và chấp nhận án phạt, bước vào cuộc sống lữ hành. Chúa Giêsu với cuộc đời nhân loại, Ngài đã luôn phải di chuyển vì lý do tôn giáo và chính trị, chạy trốn qua Ai Cập... khi sinh ra. Ngay thời kỳ giảng đạo công khai, Ngài cũng sống đời lữ hành, để đi đến khắp mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng Cứu độ. Như vậy, từ thời Cựu Ước cho đến thời Tân Ước đã hình thành một Giáo hội lữ hành.

- Xét thực tại hiện nay, Giáo hội có nhiều kinh nghiệm đối với giáo dân sống định canh định cư, nhưng luôn thất bại khi loan báo Tin Mừng cho di dân. Bên cạnh đó, với xu thế kinh tế phát triển, đòi hỏi một số người dân phải di chuyển chỗ ở, vì thế đời sống tinh thần của giáo dân cũng đòi hỏi được chăm sóc nhiều hơn. Hơn lúc nào hết, linh đạo về Mục vụ Di Dân cần được truyền bá rộng rãi, để mọi thành viên sẽ tiếp đón anh chị em (ACE) di dân bằng cái Tâm, cái Tầm và đôi Tay của mình.

- Vì chưa hiểu rõ ý nghĩa Thần học và Linh đạo về Di Dân, nên chúng ta tiếp đón ACE di dân trên thế thượng phong, coi mình là ổn định và là chủ nhà. Nhưng ngược lại, ACE di dân chính là người đang sống và thể hiện một Giáo hội lữ hành, chính họ đang hình thành và giúp ta hình thành mục vụ di dân được tốt đẹp hơn.

- Nỗ lực của Ban Mục vụ Di Dân hiện nay mới đang dừng lại ở nỗ lực giúp người di dân sống và giữ đạo tại nơi ở mới, nhưng chưa thực sự chấp nhận họ là một thành viên hiện hữu trong cộng đoàn.

- Mọi người đều được mời gọi tham dự vào sự hiệp nhất trong đoàn chiên Chúa. Sự hiệp nhất loan báo và xây dựng nền hòa bình trên thế giới. Khi đón nhận nền văn hóa và truyền thống địa phương do ACE di dân mang đến với chúng ta, sẽ giúp Giáo hội địa phương đa dạng hóa và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc loan báo Tin Mừng đến muôn dân.

Buổi học kết thúc lúc 11g00, mọi người ra về với tinh thần phục vụ mới, tiếp đón và chia sẻ với ACE di dân như những chứng nhân của Thiên Chúa, để tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng mang đậm nét lữ hành: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19).

Chương trình tuần II và III:

- Sáng Chúa nhật 18/9/2011, cha Giuse Maria Đỗ Đình Ánh, CV chia sẻ đề tài: “Giáo huấn của Giáo hội về Di Dân”.

- Sáng Chúa nhật 25/9/2011, cha Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS chia sẻ đề tài: “Điều hành Mục vụ Di Dân”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top