Ban Mục vụ Gia đình: Chuyên đề 148: "Quản lý cảm xúc"
WGPSG -- Làm chủ cảm xúc, hướng tới những xúc cảm tích cực và thăng hoa là việc làm không đơn giản cho con người. Đó chính là chiến thắng hiển hách nhất của mỗi người.
Chương trình chuyên đề 148 “Quản lý cảm xúc” đã diễn ra vào lúc 14g30 ngày 15.09.2012 tại giảng đường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thuộc Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, do chuyên viên tư vấn tâm lý Thạc sĩ Phạm Thị Thúy diễn thuyết. Đến tham dự chương trình hôm nay, không chỉ có các bạn trẻ mà còn có các bậc phụ huynh và nam nữ tu sĩ.
Khởi động
Khi giai điệu của bài hát “Trong Giêsu, chúng ta là tấm bánh” vang lên, tất cả các tham dự viên đều bị cuốn hút theo điệu nhạc và cùng thể hiện hết mình qua từng động tác minh họa. Bài hát khởi động đã tạo nên bầu khí thân thiện, ấm cúng, mặc dù bên ngoài trời đang… đổ mưa.
Sau khi giới thiệu diễn giả và ý nghĩa chương trình chuyên đề, nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã mời mọi người cùng dừng lại để tưởng nhớ đến ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nhân kỷ niệm lễ giỗ 10 năm của ngài. Trong bầu khí lắng đọng, mọi người cùng xem đoạn video ghi lại hình ảnh lễ mở án phong Chân phước cho ĐHY. Những giây phút tưởng niệm ngắn ngủi ấy đã để lại trong lòng nhiều người bao cảm xúc. Hình ảnh của một người mục tử luôn sống yêu thương và tha thứ là tấm gương sống động về một con người luôn biết làm chủ cảm xúc và chiến thắng bản thân.
Cảm xúc là gì?
Dù là người ngoài Công giáo nhưng Thạc sĩ Phạm Thị Thúy đã không kìm nén được cảm xúc khi cùng mọi người chìm đắm trong những giây phút linh thiêng, tưởng niệm ĐHY và Cô đã xin dừng lại vài giây trước khi vào bài vì quá xúc động.
Từ những cảm xúc rất thực đó, Cô vào bài thật tự nhiên khi chia sẻ với cử tọa: Cô từng giảng dạy nhiều nơi, nhưng chỉ nơi giảng đường này - giảng đường mang tên ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - mới để lại cho cô nhiều cảm xúc nhất. Trong cuộc sống có nhiều cơ hội để tạo nên cảm xúc. Bên cạnh những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc… hằng ngày, con người còn phải tiếp xúc với bao cảm xúc tiêu cực như: tức giận, ghen tuông, chán nản… Cảm xúc tiêu cực sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự thành đạt và hạnh phúc, vì vậy cần phải biết quản lý cảm xúc. Nhưng để quản lý cảm xúc thì cần phải biết cảm xúc là gì.
• Cảm xúc là tập hợp những phản ứng tự nhiên được bộ não phát ra - một cách tự động - để giúp cơ thể và tâm trí chuẩn bị hành động thích hợp - khi cảm giác phát hiện ra điều gì đó - đang xảy ra liên quan đến chúng ta.
• Cảm xúc là 1 loại virút của tinh thần, chúng ta là người tạo ra nó, bị lây nhiễm và chịu tác động bởi nó.
(Bản chất của cảm xúc - Nguyễn Nam Trung)
Ảnh hưởng của cảm xúc
Sau khi cung cấp những định nghĩa về cảm xúc, Cô Thúy đã giúp tham dự viên tìm hiểu ảnh hưởng của cảm xúc trong cuộc sống con người.
“Các cảm xúc chỉ đạo trí tuệ, mọi hành động trí tuệ đều có sự tham gia của cảm xúc” (Daniel Goleman).
Theo một số nghiên cứu gần đây, cơn giận không được giải tỏa sẽ gây căng thẳng, tăng huyết áp và gây nguy hiểm cho hệ tim mạch. Ngoài ra, những người kìm chế cơn giận nơi công sở cũng dễ có các triệu chứng như nhức đầu, đau dạ dày và hay nổi giận bất chợt ở nhà. Ngược lại, tăng cường cảm xúc tích cực thì có thể kéo dài tuổi thọ thêm 10 năm.
Và Giáo sư Daniel Goleman đã cho chúng ta một khái niệm về trí tuệ như sau: “Chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt trong khi đó chỉ số EQ lại chiếm đến 75% sự thành đạt.”
Cách quản lý cảm xúc
Từ những định nghĩa, những khái niệm về cảm xúc mang nặng tính lý thuyết, Cô Thúy đã làm cho bầu khí giảng đường trở nên sôi động khi mời gọi mọi người chia sẻ cho nhau những cách mà mỗi người đã và đang vượt qua cảm xúc tiêu cực hằng ngày.
Có nhiều chia sẻ thực tế thật ý nghĩa và có thể tóm tắt như sau:
• Thấy nhiều người còn khổ hơn mình nên… đau khổ của mình chẳng là gì cả!
• Coi mỗi khó khăn là 1 bài học.
• Cầu nguyện, cầu nguyện cả cho kẻ gây đau khổ cho mình.
• Tự kỷ ám thị: rồi mọi chuyện sẽ qua…
• Nhìn mặt tích cực của người gây đau khổ cho mình.
• Tìm hướng giải quyết tích cực, nghĩ đến những điều tích cực.
• Kiềm chế lúc tức, khi bình tĩnh sẽ nói chuyện với người làm mình tức.
Từ những chia sẻ thực tế, Cô Thúy đúc kết lại và giúp mọi người đi đến nhận định: Trong cuộc sống có những sự việc, sự vật… mà ta không thể nào thay đổi được. Điều mà mọi người có thể thay đổi là thay đổi suy nghĩ của chính mình. Và chính khi thay đổi suy nghĩ thì chúng ta sẽ thay đổi được cảm xúc. Khi tư duy tích cực thì cảm xúc sẽ tích cực, và ngược lại, chính tư duy tiêu cực làm nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Vâng! Quả là một bài học ý nghĩa và không quá khó để có thể quản lý cảm xúc.
Thực hành quản lý cảm xúc
Từ bài học quản lý cảm xúc, tham dự viên bắt đầu bước sang “thực hành quản lý cảm xúc” với những tình huống thật trong cuộc sống bản thân:
Làm sao hết đau khổ?
Làm thế nào để hạnh phúc?
Để tha thứ cần làm gì?
Giải phẫu cơn giận.
Chiến thắng u sầu.
Với sự đóng góp ý kiến của tham dự viên cùng những câu chuyện kể minh họa đầy thuyết phục, Cô Thúy cho mọi người thấy việc thực hành quản lý cảm xúc phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người.
Khi đối diện với cảm xúc tiêu cực cần phải biết chuyển hóa suy nghĩ. Chính nhờ sự chuyển hóa suy nghĩ mà cảm xúc tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, nhường chỗ cho những cảm xúc tích cực.
Nguyên tắc 9/1 là một minh chứng cho vấn đề trên: “10% cuộc đời là những gì xảy đến với bạn. Còn 90% còn lại là do phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy đến đó.” Không ai có khả năng gây đau khổ hay mang hạnh phúc đến cho ta. Chỉ có ta mới có khả năng đó thôi.
Cô cũng cung cấp một số cách để điều khiển và kiểm soát cảm xúc của chính mình và người khác. Một bí quyết đơn giản nhưng quan trọng để điều khiển và kiểm soát cảm xúc người khác là cần chăm chú lắng nghe. Đồng thời, Cô cũng đã đưa ra những chiến lược giúp tăng cường cảm xúc tích cực.
Những âm hưởng cuối cùng của chuyên đề
Để kết thúc chuyên đề, Cô Thúy đưa ra một nhận định của Horace Walpole: “Cuộc sống là một hài kịch đối với những ai suy nghĩ, một bi kịch đối với những ai cảm nhận”. Và cũng thật bất ngờ khi một người ngoài Công giáo như Cô lại có được những cảm nhận sâu sắc về bài thơ ”Bỏ Thầy, con theo ai?”, để rồi với niềm cảm xúc dâng trào, Cô đã đọc tặng mọi người bài thơ ấy.
Trong bầu khí thánh thiêng, chuyên đề 148: “Quản lý cảm xúc” đã được khép lại cùng với kinh Xin ơn Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và bài hát “Kinh Hòa bình” của Thánh Phanxicô Assisi. Phải chăng, thông điệp mà Ban Tổ chức muốn gửi đến mọi người chính là: “Làm chủ cảm xúc, hướng tới những xúc cảm tích cực và thăng hoa là việc làm không đơn giản cho con người. Đó chính là chiến thắng hiển hách nhất của mỗi người.” Chính Thánh Phanxicô Assisi và ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là những người đã sống được điều ấy. Nguyện chúc mỗi người chúng ta cùng với ơn Chúa cũng sẽ biết “Quản lý cảm xúc” để chiến thắng như các Ngài.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12