Ban Mục vụ Gia Đình: Tổ chức học hỏi Giáo lý chuẩn bị Ngày Hội Gia Đình thế giới Milano 2012
WGPSG -- Trong 2 ngày 14-15/04/2012, Ban Mục vụ Gia Đình Giáo phận TP.HCM đã tổ chức chương trình học hỏi Giáo lý, chuẩn bị Ngày Hội Gia Đình thế giới Milano 2012 cho các Hiệp hội Gia đình và Đoàn thể của Giáo phận tại nhà nghỉ của Giáo phận - Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu.
Tham dự chương trình học hỏi Giáo lý lần này có 45 anh chị em của các Hiệp hội Gia đình và Đoàn thể, đó là các Bà Mẹ Công giáo, Cộng đoàn Khôi Bình, Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình, Gia đình Cùng Theo Chúa, Gia đình Chúa, Gia đình Phúc Âm, Hiệp hội Thánh Mẫu, Gia đình Tận hiến, Cộng đoàn Bác ái Vinh sơn và các anh em Thư ký, cùng với cha Luy Nguyễn Anh Tuấn Trưởng Ban Mục vụ Gia Đình Giáo phận.
Khởi hành từ Trung tâm Mục vụ lúc 06g00, Đoàn đến Vũng Tàu lúc 9g30, ghé Bãi sau tắm biển, ổn định nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi chiều bắt đầu chương trình học hỏi.
Lúc 13g30 đoàn tập trung tại nhà nguyện để bắt đầu giờ cầu nguyện chung xin ơn thánh hóa cho 2 ngày học hỏi chương trình Giáo lý về Tuần lễ Gia đình được Giáo hội triển khai chuẩn bị Ngày Hội Gia Đình thế giới lần VII tại Milano từ ngày 30/05 – 03/06/2012 có chủ đề: “Gia đình: Công việc và ngày lễ”. Câu Thánh Kinh được tham chiếu “TRƯỚC NHAN THIÊN CHÚA VÀ TRƯỚC MẶT CON NGƯỜI” (Lc 2,52).
Có tất cả 10 bài giáo lý đã được dọn sẵn cho Ngày Hội Gia Đình thế giới lần VII, nhưng lần này Ban MVGĐ chỉ chọn tổ chức học hỏi 4 bài giáo lý được coi là căn bản:
Bài 1: Huyền Nhiệm NAZARET
Bài 8: Ngày lễ - Thời gian dành cho Gia đình
Bài 9: Ngày lễ - Thời gian dành cho Chúa
Bài 10: Ngày lễ - Thời gian dành cho Cộng đoàn.
Sau giờ cầu nguyện, bài 1 được anh Gioakim Trương Đình Giai khai triển. Huyền nhiệm Nazaret cho biết Chúa Giê-su đã sống thời gian dài nhất cuộc đời mình tại ngôi làng miền Galilê này. Hai đoạn Kinh Thánh được dẫn giải (Ga 1,11-12); (Lc 2,40-41.51-52).
Chúa Giêsu trở thành người: trong ba mươi năm thầm lặng tuyệt đối Người trở thành một người trong chúng ta, bước vào trong một gia đình nhân loại. Ngài đã dành nhiều năm trải qua nhiều kinh nghiệm của con người để cứu độ tất cả. Và ba mươi năm ấy trở thành một mạc khải của mầu nhiệm khiêm hạ Nadaret. Đó là nơi để lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa, trong khung cảnh của một gia đình tiếp đón và truyền sinh.
Sau mỗi bài học, đoàn được chia làm 6 tổ để thảo luận, rồi thư ký các tổ sẽ đúc kết lại dưới sự hướng dẫn của anh Gioan Phê-rô Tạ Đình Vui.
Kết thúc bài 1 xong, lúc 17g30, Cha Luy đã dâng Thánh lễ ngày Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh tại nhà nguyện của nhà Giáo phận.
Sau buổi cơm tối, lúc 19g30 bài 2: Ngày lễ - Thời gian dành cho Gia đình đã được anh Phan-xi-cô Xavie Trần Anh Dũng trình bày. Hai đoạn Kinh Thánh được dẫn giải (St 2,3); (Dnl 5,15).
Con người thời nay đã tạo nên thời gian rảnh rỗi và đánh mất ý nghĩa của ngày lễ. Cần phải khôi phục ý nghĩa của ngày lễ, và đặc biệt là Chúa nhật, như là “một thời gian dành cho con người”, hơn nữa, là một “thời gian dành cho gia đình”.
Ngày lễ là thời gian dành cho gia đình nghỉ ngơi trong Chúa, là lễ Vượt Qua của tuần, là ngày tưởng niệm, tạ ơn về công trình tạo dựng và cứu chuộc của Chúa, là ngày trao đổi mầu nhiệm giữa Thiên Chúa và con người, dâng lên Chúa những gì Chúa ban để rồi cũng nhận được chính Chúa. (Lời nguyện tiến lễ Chúa nhật XX).
Ngày của Chúa còn phải trở thành một ngày của con người! Tiếp cận ngày lễ theo cách này, gia đình sống được ngày nghỉ lễ như là Ngày của Chúa”.
Sang Chúa nhật, Thánh lễ Chúa nhật II Phục Sinh về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được Cha Luy cử hành lúc 6g00 trong khung cảnh ấm cúng, thiêng liêng của nguyện đường nhà Giáo phận.
Trong bài giảng lễ, qua câu chuyện được kể về cuộc gặp gỡ giữa một nhà văn và một ni cô, ngài đúc kết lại: Chỉ có Gia đình mới dạy cho ta sống logic cho đi cách nhưng không, đó là logic của Tình Yêu, của sự vô cầu, vô điều kiện. Gia đình là nôi của sự sống, môi trường của ơn cứu chuộc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các em bé trong các gia đình và các gia đình đang gặp những hoàn cảnh khó khăn. Đó là sự sống mới, là niềm vui Phục sinh mà ngày thứ nhất trong tuần chúng ta cử hành.
Đến 8g00 anh Gioan Phê-rô Tạ Đình Vui triển khai bài 3: Ngày lễ - Thời gian dành cho Chúa. Hai đoạn Kinh Thánh được trích dẫn (Mc 2, 27-28); (Ga 21, 13-14).
Ngày Chúa nhật được lập ra như “việc tưởng niệm” hằng tuần việc Chúa Giêsu sống lại, cử hành “sự hiện diện” hiện thực của Chúa Phục Sinh, mong đợi “lời hứa” trở lại trong vinh quang của Chúa.
Thánh lễ là trung tâm của Chúa nhật và ngày lễ. Trong đó gia đình đón nhận sự sống mới của Đấng Phục Sinh, lãnh nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần, lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ bánh thánh, thể hiện tình huynh đệ. Vì thế, Chúa là chủ của mọi ngày, là ngày gặp gỡ Đấng Phục Sinh!
Để có kinh nghiệm về “sự hiện diện”của Chúa Phục Sinh, gia đình phải để Thánh lễ Chúa nhật soi sáng.
Sau đó, bài 4 cũng được anh Phê-rô Trần Văn Bình trình bày. Ngày lễ - Thời gian dành cho Cộng đoàn. Hai đoạn Kinh Thánh được dẫn giải (Cv 4, 46-47); (Cv 13, 2).
Ngày của Chúa làm cho Ngày lễ được sống như một thời gian dành cho tha nhân, ngày của hiệp thông và là ngày của sứ vụ.
Ngày của Chúa trở thành Ngày Hội thánh khi giúp con người cảm nghiệm được vẻ đẹp của một Chúa nhật được mọi người sống chung với nhau, tránh đi cái tầm thường của một cuối tuần chỉ biết hưởng thụ, và thỉnh thoảng có cơ hội sống kinh nghiệm hiệp thông huynh đệ giữa các gia đình.
Phục vụ bác ái là một đặc trưng của Chúa nhật Kitô giáo, việc phục vụ bác ái được đề nghị như một bổn phận căn bản của các gia đình và cộng đoàn. Như thế Chúa nhật trở thành “ngày của đức ái”.
Chúa nhật còn được Thánh Thần thúc đẩy ra đi truyền giáo. Chiều kích truyền giáo của Hội Thánh là trung tâm của Thánh lễ Chúa nhật và làm cho cuộc sống gia đình mở ra với thế giới.
Sau đó, Ban Thư ký đã đúc kết 4 bài học hỏi sau 2 ngày làm việc, mọi người ai nấy đều có cảm nhận riêng tư về các bài giáo lý vừa được học hỏi, để thấy ý định của Thiên Chúa về Chúa nhật, Ngày lễ được tạo nên là cho con người, mà nhiều người trong chúng ta đã không sử dụng hoặc chưa biết sử dụng Chúa nhật, Ngày lễ cho đúng với ý nghĩa của nó.
Cuối cùng, Cha Luy Trưởng Ban đã ngỏ lời cảm ơn đến các anh chị em đại diện cho các hiệp hội, đoàn thể của Giáo phận đã dành thời gian, đã hy sinh, nỗ lực trong 2 ngày qua tìm hiểu, học hỏi giáo lý của Giáo hội một cách tích cực. Ngài còn giải thích thêm về ngày Sabat (ngày thứ bảy) của Do Thái giáo và Chúa nhật (ngày thứ nhất trong tuần) của Ki-tô giáo.
Mỗi người đều tỏ rõ quyết tâm để từ hôm nay, trước hết sẽ tự làm thay đổi mình và hứa sẽ phổ biến cho Cộng đoàn mình biết về Chúa nhật, Ngày lễ chính là thời gian dành cho Chúa, dành cho Gia đình và cho Cộng đoàn để cùng làm cho cuộc sống thay đổi và để Ngày lễ sống có ý nghĩa hơn.
Đoàn rời Vũng Tàu lúc 13g00 sau khi chụp tấm ảnh lưu niệm trước tượng Đức Mẹ Bãi Dâu.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12