Bản Tổng kết Khoá Thường huấn các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam (6-18/7/2014)
BẢN TỔNG KẾT
KHOÁ THƯỜNG HUẤN IV
CÁC NHÀ ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC
TẠI VIỆT NAM
06 – 18/7/2014
Đà Lạt, Việt Nam
*
“Thế tục hoá và việc đào tạo linh mục tại Việt Nam”
“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,15.18). Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Ngài trong thế giới, và Giáo hội đã “đi khắp thế gian loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Trong hơn hai mươi thế kỷ qua, Giáo hội đã ở trong thế giới, cùng đồng hành với con người trong “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu” (GS 1) để đem ánh sáng Tin Mừng đến cho con người thuộc các nền văn hoá khác nhau. Tuy nhiên thế giới mà Giáo hội được sai đến lại thường theo đuổi những giá trị đi ngược với những giá trị của Tin Mừng, nhất là trong thế giới tục hoá hôm nay. Đứng trước những khó khăn và thách đố như thế, các môn đệ của Đức Giêsu sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay?
Tiếp nối những thành quả của Khoá thường huấn (Bồi dưỡng) III (2012), Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Khoá Thường huấn IV với đề tài “Thế tục hoá và việc đào tạo linh mục tại Việt Nam” từ ngày 06 – 18 tháng 7 năm 2014, tại Toà Giám mục Đà Lạt, Việt Nam. Khoá Thường huấn lần này tiếp tục nhận được sự tài trợ của Hội Thừa sai Paris, và sự cộng tác đắc lực của các cha giáo sư đến từ Học viện Công giáo Paris, Đức giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, cha Giuse Phan Tấn Thành. 91 nhà đào tạo ứng sinh linh mục từ 10 Đại chủng viện, một số Dòng tu và Tu hội, và đại diện của 26 giáo phận tại Việt Nam đã tham dự Khoá Thường huấn năm nay.
PHẦN MỘT
Tổng quát về Khoá Thường huấn
Khoá Thường huấn được thực hiện xoay quanh bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ.
– Khoá Thường huấn là thời gian của tình huynh đệ linh mục. Tuy đến từ nhiều miền khác nhau và ở nhiều cương vị khác nhau trong sứ vụ linh mục, quý cha tham dự Khoá Thường huấn đã nhanh chóng hoà mình vào bầu khí thân tình cởi mở giữa những người môn đệ cùng chia sẻ một sứ vụ. Tình huynh đệ nảy nở thật tự nhiên giữa những người cùng chung một đức tin, một lòng mến, một niềm hy vọng. Những thông tin, những kinh nghiệm, và những thao thức liên quan đến sứ vụ đào tạo các ứng sinh linh mục mà quý cha chia sẻ với nhau trong những giờ thảo luận, những bữa ăn, những giây phút giải lao giữa các giờ thuyết trình, đã làm cho khoá thường huấn trở nên nhẹ nhàng và đầy niềm vui.
Trong dịp này, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, và Đức giám mục Giuse Đặng Đức Ngân đã đến thăm và chia sẻ với quý cha tham dự Khoá Thường huấn. Sự hiện diện của các ngài nói lên sự quan tâm của Giáo hội đối với công việc đào tạo các ứng sinh linh mục, một sứ vụ khó khăn trong bối cảnh xã hội thế tục hoá hôm nay.
– Những ngày thường huấn không chỉ là cơ hội để các tham dự viên đào sâu kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm, nhưng còn là khoảng thời gian thuận tiện để quý cha chia sẻ đời sống đức tin. Giờ kinh chung ban sáng và ban chiều, cũng như thánh lễ vào giữa ngày, là những giây phút quý cha cùng nhau thờ phượng Chúa để kín múc nơi Chúa sức mạnh cần thiết cho sứ vụ của mình. Qua những bài suy niệm được chuẩn bị kỹ lưỡng và sâu sắc của cha Claude Tassin, những bản văn Cựu Ước trở nên thật sống động, góp phần làm cho các giờ cử hành phụng vụ thêm sốt sắng.
– Đời sống đức tin của mỗi giáo phận, mỗi giáo xứ, đều mang những nét rất riêng. Do đó được chia sẻ đời sống đức tin của các cộng đoàn tín hữu nơi mỗi địa phương là dịp để trải nghiệm sự phong phú đa dạng của Giáo hội. Đức Tổng giám mục Girelli, các Đức Tổng giám mục và Giám mục, cùng quý cha tham dự khoá thường huấn đã đến dâng thánh lễ tạ ơn tại Đại chủng viện Minh Hoà Đà Lạt, và tham dự thánh lễ cung hiến ngôi thánh đường mới của giáo xứ Kađơn thuộc giáo phận Đà Lạt. Đây là dịp để mọi người dâng lời tạ ơn Chúa và cảm nghiệm tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với những nhu cầu của Giáo hội.
– Trong tình hiệp thông, niềm vui của khoá thường huấn không được tròn vì thiếu sự hiện diện của chính Đức cha Antôn, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh. Thế nhưng, mọi người đều vui mừng khi nghe tin sức khỏe của ngài được bình phục ngày một tốt đẹp hơn.
– Phần lớn thời gian của Khoá Thường huấn được dành cho việc học hỏi và đào sâu về đề tài thế tục hoá và những ảnh hưởng của nó đến việc đào tạo các ứng sinh linh mục. Các giáo sư của Học viện Công giáo Paris cùng với Đức giám mục Giuse và cha Giuse Thành đã giúp các tham dự viên nhận định về hiện tượng thế tục hóa, giải thích nó dưới ánh sáng của Tin Mừng và truyền thống đức tin của Giáo hội, để có thể đề ra những định hướng thích hợp cho việc đào tạo linh mục trong bối cảnh xã hội thế tục hoá hôm nay. Bên cạnh đó, các giờ thảo luận tổ và đúc kết chung giúp soi sáng thêm cho các đề tài nhờ những kinh nghiệm rất cụ thể và sống động mà các tham dự viên đã chia sẻ.
PHẦN HAI
Nội dung tổng quát của các bài nói chuyện
Đáp lại hướng dẫn của cuốn Chỉ nam, Giáo hội tại Việt Nam qua Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức một Khoá Thường huấn cho những nhân viên đào tạo trong chủng viện về sự trần tục hóa. Khoá học hỏi này có thể được coi như một sự giao lưu suy tư trong huấn luyện giữa những giáo sư sống bên Tây phương, với uy tín học thuật không thể chối cãi với những nhân viên lo về đào tạo trong các chủng viện và dòng tu. Thoạt tiên như thể có gì không ổn lắm, vì hai lối tiếp cận khác nhau: một bên là học thuật, một bên là mục vụ. Thế nhưng, những ngày học hỏi lại đúng là những ngày trao đổi để biến những suy tư soi sáng và hướng dẫn mục vụ và những thực hành mục vụ lại cho thấy những bổ túc đáng kể vào những suy tư ấy. Theo ánh sáng đó, trong khoá học, cả trong suy tư lẫn chia sẻ, phương pháp quy nạp gồm xem, xét và làm hay lắng nghe, giải thích và bước tới, được sử dụng. Sau đây là nội dung tóm lược của những bài nói chuyện trong những ngày đó.
1. HIỆN TƯỢNG THẾ TỤC HOÁ - Cha Giuse Phan Tấn Thành
Thuyết trình viên cho thấy hiện tượng thế tục hoá thật phức tạp. Nó được phản ánh ngay cả trong chính hạn từ, vì hạn từ này được sử dụng dưới những bối cảnh và lĩnh vực khác nhau mang theo những ý nghĩa khác nhau.
Bài viết khảo sát tổng quát hiện tượng này, vốn có nguồn gốc từ phương Tây khi khoa học kỹ thuật nổi lên, dưới tiến trình lịch sử, rồi dưới nhãn quan pháp luật, chính trị cũng như tìm cách giải thích nó theo xã hội học. Từ đó, thuyết trình viên nói sơ lược về hiện tượng đó dưới nhãn quan thần học dựa vào Kinh thánh, cũng như Vatican II để cho thấy tiến trình thế giới đi tới tự quản. Dẫu sao, thuyết trình viên cho thấy hiện tượng này chịu ảnh hưởng rất nhiều quan điểm của Auguste Comte cho rằng đã chấm dứt thời của thần linh và siêu hình; nay là thời của khoa học và kỹ thuật. Con người xua đuổi thần linh về chỗ của mình.
Nhưng đặt cuộc tìm hiểu vào trong bối cảnh, thuyết trình viên cũng nói đến hiện tượng thế tục hoá trên châu Á và Việt Nam. Điều làm cho hiện tượng này mang dáng dấp khác hẳn ở Việt Nam và châu Á, chính là đa tôn giáo. Tại đây, chưa hề có một thứ quốc giáo đúng nghĩa, như đã là thế ở Tây phương.
Sau khi khảo sát như thế, thuyết trình viên mời gọi phải nhìn xa hơn trong hiện tượng tục hoá này: chính Thiên Chúa muốn cho thế giới là chính nó, cách riêng trong mầu nhiệm nhập thể. Trong kinh thánh ta có thể thấy “tục hoá cái thiêng” cũng như thánh hoá cái phàm. Từ đó, thuyết trình viên cho thấy cần phải cảnh giác không ngừng trong thực hành đức tin để không biến Giáo hội thành một tổ chức xã hội NGO.
2. KHÁI NIỆM THẾ TỤC HOÁ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN - Cha Gilles Berceville
Ghi nhận tính cách phức tạp của sự thế tục hóa, cha Berceville xác định ý nghĩa chung về thế tục hóa; hạn từ chỉ tới “một chuyển biến từ một tình trạng gắn liền cách nào đó với Thiên Chúa hoặc ‘cái thiêng’, tức thần linh sang một tình trạng mà mối liên hệ này bị lơi lỏng hoặc thậm chí bị cắt đứt”. Chuyển biến này tăng tốc với sự thành công gây choáng của khoa học và kỹ thuật, được hỗ trợ bởi những tư duy vô thần. Sự thế tục hoá luôn mang hai chiều kích khách quan, tức nỗ lực giải phóng xã hội khỏi tôn giáo và chiều kích chủ quan, tức nỗ lực giải phóng tâm tình tôn giáo của cá nhân. Để khỏi rơi vào hai thái cực, thuyết trình viên lưu ý rằng khi bàn về thế tục hóa, ta phải phân định ra cách thức họ ghi nhận (constat), giải thích (interpretation) và dự phóng (projet) trong khi họ trình bày. Thuyết trình viên cho thấy thần học Công giáo phân biệt rõ ràng chủ trương duy tục (secularisme) và tiến trình thế tục hoá đúng đắn, để khám phá ra “cơn đói khát” sâu thẳm của con người về Thiên Chúa và thế giới siêu việt. Cũng từ đó, Giáo hội phải liên tục cảnh giác để không lẫn lộn đức tin với quyền lực chính trị cũng như không dành cho Thiên Chúa vị trí thứ hai trong Giáo hội hay vị trí hoàn toàn riêng tư trong đời sống con người. Thuyết trình viên ghi nhận rằng trong xã hội sự thế tục hoá khiến ta sùng bái lợi nhuận, còn trong Giáo hội là cả một thái độ đi tìm vinh quang nhân loại và sự thoả mãn bản thân được ẩn giấu đằng sau mối quan tâm phô trương cả trong phụng vụ, giáo lý hay uy tín Giáo hội hay mục vụ bề ngoài. Đó chính là sự thế tục thiêng liêng vậy.
3. SÁNG THẾ 1 VÀ SỰ GIẢI THẦN THOẠI THIÊN NHIÊN VÀ GIAO ƯỚC SINAI VỚI SỰ GIẢI THÁNH CÁC GIÁ TRỊ - Cha Vincent Sénéchal
Sau khi xác định ý nghĩa của sự thế tục hóa, khoá họp đi tìm hiểu thực tại đó dưới góc cạnh Kinh thánh. Chắc chắn, chúng ta không thể tìm được hạn từ đó trong Kinh thánh, nhưng chúng ta có thể thấy thực tại được sống thế nào trong Kinh thánh. Theo cha Vincent Sénéchal, Sáng thế 1 cho chúng ta thấy rằng Đấng Tạo Hoá muốn các tạo vật “được thiết lập theo cách vững chắc, chân thực với trật tự và luật đặc thù của chúng”. Để làm rõ ý tưởng trên, thuyết trình viên đặt mình đối thoại với Harvey Cox. Cox chủ trương rằng Sáng thế giải thiêng tạo thành và trao cho con người thế giới thụ tạo. Như thế con người chịu trách nhiệm trước thiên nhiên. Còn Thiên Chúa thật riêng biệt và tách khỏi công trình tạo dựng của mình. Sénéchal không nghĩ thế. Nơi Sáng thế 1, ta khám phá ra nhiều hơn: sự uy quyền của lời và sức mạnh của Thần khí Giavê trên hỗn mang, thế giới tạo thành được gọi là tốt lành, nơi đó con người là tuyệt mức, tính chất phụng vụ trong vận hành của ngày và đêm, tiến tới tột đỉnh trong ngày thứ bảy, sabbat. Không chỉ thế. Thuyết trình viên còn cho thấy rằng bằng cách so sánh đối chiếu những yếu tố trong Sáng thế 1 với Xuất hành 40, thuyết trình viên minh chứng quan niệm rất mới mẻ khi dân Israel coi vũ trụ như thánh điện của Thiên Chúa. Ở đây rõ ràng “việc tạo dựng không chỉ đơn thuần là một cái khung cho sự sống, mà còn chính là nơi dành cho sự hiệp thông với Thiên Chúa”. Và như thế Israel đã thay đổi cái cốt lõi của các thần thoại của những dân tộc lân bang rồi. Vậy, “nếu phần lớn Sáng thế 1 giải huyền thoại giới tự nhiên không phải vì thế mà bản văn này tục hoá giới tự nhiên”.
Bài chia sẻ thứ hai liên quan đến Giao ước Sinai và thập điều. Sénéchal tiếp tục phê bình Cox bằng cách minh chứng mệnh lệnh cấm tạc và thờ lạy ngẫu tượng không phải là tương đối hoá các giá trị. Đúng hơn, nó muốn khẳng định chỗ đứng của đơn thần giáo (hénoteisme) giữa những dân tộc lân bang đi theo đa thần giáo (polytheisme). Israel cấm chỉ việc thờ thần ngoại lai. Từ niềm tin ban đầu đó, Israel dần xác quyết độc thần giáo (monotheisme) vốn sẽ đưa tới niềm tin vào Đức Chúa không cần đến một không gian cụ thể, hay một cơ chế chính trị. Israel có thể thờ phượng Đấng Tạo hoá ở mọi nơi bằng cách nghe lời ngôn sứ và quan sát công trình tạo dựng. Giới răn đệ nhất của Israel phá hủy điều thánh thiêng được quan niệm theo cách ma thuật để tin vào một Thiên Chúa của toàn vũ trụ.
Vậy, với Israel, vấn đề quan trọng là đào sâu đức tin của mình vào Giavê, nhất là trong những bối cảnh khủng hoảng và suy yếu.
4. PHẢI CHĂNG THÁNH PHAOLÔ LÀ ÔNG TỔ CỦA TƯ TƯỞNG “THẾ TỤC HÓA”? - Cha Claude Tassin
Thuyết trình viên trước tiên bàn luận ý nghĩa kosmos theo Thánh Phaolô. Đầu tiên, thuyết trình viên ghi nhận Thánh Phaolô sử dụng rất linh động ba hạn từ thế gian (kosmos) thế đại hay cõi đời (aion) và tạo thành (ktisis). Từ đó thuyết trình viên trình bày thế gian theo vũ trụ học. Theo thuyết trình viên, Phaolô sử dụng quan điểm đương thời có sẵn về các sức mạnh vũ trụ mà không bàn đến thực tại của chúng. Khi liệt lê các sức mạnh vô hình, Phaolô chỉ muốn giải thích tại sao con người không phải luôn luôn làm được điều mình muốn. Bằng cách đó, ta có thể nhận ra rằng mỗi thời đại có thể có những sức mạnh ma vương của mình, chẳng hạn ngày nay “thần tin học”, “thần phái tính”... Những sức mạnh ấy làm cho chúng ta sợ hãi. Tuy nhiên, dưới khía cạnh nhân học, thuyết trình viên cho thấy Phaolô khẳng định một sự chắc chắn. Chẳng có gì phải sợ vì chẳng một sức mạnh nào có thể tách chúng ta ra khỏi Đức Kitô. Nếu các sức mạnh đó có lớn lao thì ta lại chắc chắn hơn rằng “chỉ có một Thiên Chúa là Cha, đấng tạo thành,... chỉ có một Chúa là Đức Kitô Giêsu nhờ Người vạn vật được tạo thành”. Trong Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, mọi sức mạnh thần linh đều bị lật nhào. Từ đó, thuyết trình viên đi đến lãnh vực đạo đức học trong đó “tự do” chiếm chỗ ưu việt. Thiên Chúa muốn ta được tự do khỏi bất cứ điều gì để chúng ta được tự do cho sự thiện, cho hoa quả của đức ái. Với Phaolô, đức ái là tất cả, là sự hoàn thiện của lề luật. Đức ái chân chính đối với Thiên Chúa và tha nhân hoà giải mọi xung đột. Tuy nhiên, thực tại được trải nghiệm này không phải đã xong. Tạo thành vẫn đang rên xiết cho đến ngày Đức Kitô được hình thành nơi chúng.
Bằng cách đó, thuyết trình viên trở lại câu hỏi của đề tài “Phaolô phải chăng là ông tổ của thế tục hóa?”. Thuyết trình viên trả lời cho thấy rằng đức tin chân thật không cho phép tín hữu sợ hãi trước bất kỳ sức mạnh nào. Họ đã được giải thoát nhờ chính sức mạnh của Đức Kitô. Như thế, không phải thánh Phaolô mà chính là Thiên Chúa đi tiên phong trong sự thế tục hoá khi trao phó cho con người xây dựng vũ trụ trong tự do và trách nhiệm theo kế hoạch của ngài; và hành vi ngoại thường của việc thế tục hoá này chính là việc Thiên Chúa nhập thể trong Đức Kitô. Thiên Chúa đi vào văn hóa, đạo đức, tế tự, dân tộc, chính trị đặc thù để giải thoát con người khỏi mọi hình thức tha hóa.
5. “HỘI THÁNH ĐỐI NGHỊCH VỚI THẾ GIAN” HAY “NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG THẾ GIỚI?” - Cha Alain Riou
Trước tiên, bài thuyết trình này đặt ra một vấn đề: Giáo hội ngày nay đang bị sa sút trong mọi khía cạnh, không còn được hưởng những vinh quang như trước nữa, điều đó là đáng buồn hay là cơ may?
Alain Riou khảo sát Lời Nguyện Tế hiến, Gr 29,1-7 và Mc 16,9-15 để đi tới luận đề cơ bản cộng đoàn môn đệ không được kêu gọi để đặt mình đối kháng hay cạnh tranh với thế gian, nhưng sống trong thế gian. Chính bằng cách đi ra khỏi chính mình, vươn tới thế giới với những vấn đề đau khổ, hy vọng, vui mừng của nó, mà Giáo hội tìm gặp được chính mình một cách phong phú. Đúng thế, vinh quang đích thực của Giáo hội hệ tại ở sự trung thành tuyệt đối với sứ mệnh của mình chứ không phải ở số lượng tín đồ. Cho nên, thứ thế tục hoá tồi tệ nhất đe doạ Giáo hội lại đến từ bên trong Giáo hội, là mối bận tâm đến mức ám ảnh để làm cho mình được nhận biết, để bành trướng quyền lực, để chiêu mộ tín đồ.
Đoạn thuyết trình viên nhắc đến lá thư gởi Diognete trong thế kỷ thứ II; ở đó, người Kitô hữu được mời gọi sống trong thế gian không phải với những phong tục, áo quần, tập tục lập dị. Trái lại, họ sống y như mọi người một cách khác hẳn. Họ sinh động thế giới y như linh hồn sinh động thân xác.
Để cho luận đề của mình nên mạnh mẽ hơn, thuyết trình viên dùng tư tưởng giáo hội học của thánh Maxime le Confesseur. Trong bối cảnh Hồi giáo trỗi dậy và lan tràn cũng như quyền lực hoàng đế Roma muốn thống lãnh Giáo hội, Maxime cho thấy rằng Giáo hội là eikon và typos của Thiên Chúa. Giáo hội không hiện hữu và sống cho chính mình. Giáo hội phải vượt qua đi tới cái cánh chung. Hội thánh là chứng từ, là lời tuyên xưng ngay thẳng vào Thiên Chúa hằng sống và cứu độ. Giáo hội buộc phải trải qua những thử thách, buộc phải vượt qua để trở thành chính mình. Nhiệm cục bí tích trong Giáo hội luôn thúc đẩy Giáo hội, nói cụ thể, các tín hữu, đi ra chính mình, để được thanh tẩy bằng LỜI ĐỨC GIÊSU VÀ LỬA THẦN KHÍ. Giáo hội đóng kín chính mình chỉ tỏ lộ một Giáo hội vàng vọt, yếu ớt. Ta cần phải mơ đến một Giáo hội đi ra bên ngoài tới tận những vùng ven, dẫu lấm láp, bụi bặm. Giáo hội phải sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa trong sức năng động của sự hoàn tất cánh chung đã được ban cho họ rồi nhưng chưa viên mãn.
6. NHÂN ĐỨC TÔN GIÁO THEO THÁNH TOMA - Cha Gilles Berceville
Tiếp nối tư tưởng của Giáo phụ trình bày một Giáo hội sinh động trong thế giới, Thánh Toma, dưới phân tích của Berceville, tiếp tục hướng chiều đó trong một bối cảnh khác. Thật vậy, khi thấy xã hội thay đổi, thánh Toma đã thao thức để trả lời những câu hỏi mới của con người trong thời đó vốn nghĩ rằng tôn giáo là chuyện của tình cảm, không hữu lý, vô bổ. Thánh Toma cho thấy tôn giáo là đỉnh cao của hoạt động lý trí. Con người có lý trí cũng là con người có tôn giáo. Tôn giáo làm cho con người trở thành người hơn. Một khóe nhìn rất nhân bản! Thế nên, Thánh Toma dứt khoát không nhìn tôn giáo như cơ chế cho bằng nhìn tôn giáo như “thái độ nội tâm, vững vàng và bền lâu, cho phép con người thực hiện đầy đủ những yêu sách của lý trí trong phượng tự và phong hóa”. Tôn giáo xét như nhân đức giúp “con người thoát khỏi mê tín, không rơi vào chểnh mảng hay dửng dưng hoặc khước từ Thiên Chúa cách ý thức và tự nguyện”. Do đó, tôn giáo xét như nhân đức liên hệ với công bằng để trả lại cho Thiên Chúa điều Ngài đáng được; điều này làm nền tảng cho đức công bằng đối với những người khác, cách riêng các bậc sinh thành. Tôn giáo trong viễn cảnh đó liên kết với ý chí, đáp lại những đòi hỏi phát xuất từ việc nhìn nhận Thiên Chúa. Từ nền tảng đó, tôn giáo xét như nhân đức không chút nào nghịch lại với đức tin, vì nó mở rộng con người ra trước sự hiện diện và trợ giúp của Thiên Chúa, làm cho họ sốt sắng tìm kiếm và thực hiện thánh ý ngài. Bằng cách đó, tôn giáo xét như nhân đức sẽ xây dựng nơi con người một sự kính trọng mà đây cũng là một thiếu sót trầm trọng của các ứng sinh trẻ hôm nay. Như vậy, trong đào tạo ta có thể phát huy một khoa tâm lý về sự tôn trọng đâm rễ sâu xa trong cảm thức về Thiên Chúa.
7. VATICAN II [GAUDIUM ET SPES] VÀ SỰ KIỆN THẾ TỤC HOÁ - Cha Luc Forestier
Theo lịch sử, không phải ngay từ đầu, Vatican II đã rõ ràng muốn trình bày “Giáo hội trong thế giới”. Phải hơn, Vatican II lúc sơ khởi vẫn gắn bó hơn với một “Giáo hội đối nghịch với thế giới”. Đây đúng là cuộc rũ bỏ chiếc áo hoàng vương phủ trên Giáo hội suốt bao thế kỷ. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã muốn công đồng trình bày một Giáo hội cho mọi dân tộc, chia sớt tất cả những thăng trầm của họ. Và các nghị phụ, qua đó, toàn thể Giáo hội đã tiếp nhận chiều hướng đó cách quyết liệt, dẫu không ít khó khăn. Chính những khó khăn trong tiến trình hình thành văn kiện phản ánh rõ điều này. Dẫu vậy, khi nhìn thế giới với con mắt của VỊ MỤC TỬ, Giáo hội được hưởng lợi rất nhiều. Giáo hội phát huy phương pháp quy nạp trong suy tư và nhìn ra tính nghịch lý hiện sinh của thế giới nhân loại hôm nay: giàu-nghèo, tiến bộ-hàm hồ trong các giá trị, nhiều của cải-thiếu ý nghĩa đời sống. Nhưng đó không phải là lý do để thất vọng. Giáo hội nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa: mang đến ánh sáng của Đức Kitô và sức mạnh của Thánh Thần cho thế giới. Làm công việc này, Giáo hội không biến thế giới thành thánh thiêng, song tôn trọng thế giới đúng như nó, trong kế hoạch của Thiên Chúa. Giáo hội xác quyết sự tự lập đúng mức của các thực tại trần thế. Như thế, một cách biệt loại, Giáo hội thấy mối tương quan với nhà nước theo một ánh sáng mới: độc lập với mọi chính trị đảng phái, song lại ở giữa nhân loại để phục vụ hoà bình và hạnh phúc của họ, phục vụ sự tự do tôn giáo đích thực của con người, tôn trọng lương tâm của con người. Song đồng thời Giáo hội cũng nhận được rất nhiều từ thế giới trong công việc loan báo Tin Mừng và diễn đạt sứ điệp của Đức Kitô. Giáo hội qua công đồng trải nghiệm cách mới mẻ “Thiên Chúa vẫn ở gần chúng ta, giữa lòng lịch sử nhân loại mà chúng ta dự phần, và như thế cho chúng ta cơ hội làm chứng cho một Tin Mừng có khả năng hội nhập và tạo ra biến đổi”.
8. CHĂM SÓC SỰ SỐNG TRONG BỐI CẢNH THẾ TỤC HOÁ - Cha Vincent Leclercq
Với Vatican II, sự sống trở thành một vấn đề khẩn cấp cần được chiếu dọi ánh sáng Tin Mừng trước làn sóng trần tục hóa. Làn sóng này muốn làm cho sự sống không còn là một tặng phẩm, nhưng trở thành một cái gì mà con người có thể lèo lái, lạm dụng và thao túng theo ý riêng mình. Cha Leclercq trình bày suy tư về những vấn đề trong sự sống: phá thai có chọn lựa, tế bào gốc phôi và trợ tử-an tử. Ta ghi nhận rằng vấn đề tế bào gốc phôi và trợ tử hay an tử dù rất phổ biến ở Tây phương song lại chưa phải là vấn đề lớn tại Việt Nam. Dẫu thế, tất cả suy tư này của thuyết trình viên dựa trên những hướng chiều nhân bản đích thực mà Vatican II mang lại: phẩm giá con người, công ích và tình liên đới. Bằng rất nhiều cách khác nhau, điều này được khẳng định xuyên suốt trong tư duy của thuyết trình viên. Tất cả nhắm đến một con người toàn diện, chứ không phải là một con người bị phân mảnh, vốn là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa duy tục. Để phù hợp với Viêt Nam hơn, thuyết trình viên trình bày nguyên nhân gần của việc phá thai thật phức tạp: chính sách của chính quyền, áp lực gia đình và xã hội, thiếu hụt nguồn lực kinh tế, khuynh hướng tìm khoái lạc vô trách nhiệm... Đằng sau tất cả điều ấy, tức nguyên nhân xa của thực tại đó, chúng ta bắt gặp bộ mặt của toàn cầu hoá kinh tế đang biến thành toàn cầu hoá tội phạm và luân lý. Điều này làm cho người phụ nữ, dẫu không thể phủ nhận trách nhiệm của mình, lại trở thành nạn nhân đáng thương hơn là những người chủ động và tội nhân. Nó cho thấy sự thống trị của kẻ mạnh trên kẻ yếu, sự nỗ lực của xã hội biến phụ nữ thành đồ vật chứ không phải là sự giải phóng khỏi áp bức của đàn ông. Thực tại khủng khiếp này, sự biểu hiện của thứ tội xã hội được làm thành cơ cấu, chỉ có thể được xoa dịu bằng phương dược là tình liên đới, sự xót thương của toàn thể Giáo hội.
Chính vì thế, cần phải trang bị cho các ứng sinh sự diễn giải đầy đủ về những chuẩn mực luân lý của Giáo hội cũng như hiểu rõ bối cảnh xã hội chính trị trong đó những chuẩn mực này được thực thi. Đồng thời giúp họ quan tâm đến một nền đạo đức của sự mỏng giòn do giới hạn con người, chứ không rơi vào nỗ lực làm cho nền luân lý thành mỏng giòn bằng sự thoả hiệp với sự xấu. Nhờ đó, họ biết lưu tâm đến tính mỏng giòn và dễ bị thương của chủ thể nhờ sự quan tâm săn sóc cho con người.
9. VIỆC HUẤN LUYỆN CHỦNG SINH TẠI VIỆT NAM TRƯỚC HIỆN TƯỢNG THẾ TỤC HOÁ - Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo
Sau khi trình bày ý nghĩa, biểu hiện hiện tượng thế tục hoá như một thái độ đối nghịch với tôn giáo trên thế giới, với những dẫn chứng cụ thể và đa dạng, thuyết trình viên cho thấy nguồn gốc của hiện tượng này trong các trào lưu triết học khởi đi với Pierre-Joseph Proudhon, trong văn hóa, trong cách mạng giới tính như sự thoả mãn không biên giới, trong biến chuyển đô thị hoá và kỹ nghệ hóa. Tất cả điều đó chỉ để làm nền dẫn đến vấn nạn hiện sinh là làm thế nào đào tạo người chủng sinh cách tốt đẹp và hiệu quả trong bối cảnh như thế. Dựa trên kinh nghiệm, thuyết trình viên trình bày một nền đào tạo tập trung vào “niềm say mến” Đức Giêsu Kitô. Từ cội nguồn và trung tâm này, việc huấn luyện phải đưa đến sự thanh thoát theo các lời khuyên Phúc Âm như biểu hiện tất yếu của niềm đam mê Đức Giêsu. Niềm đam mê ấy chuyển thành lòng yêu thương những con người, cách riêng người nghèo và bệnh tật, như những bạn hữu của Chúa Kitô, hay hơn nữa, như chính Đức Kitô. Để làm được điều này việc huấn luyện phải liên kết được nhiều yếu tố: cá nhân, linh hướng, bầu khí chủng viện, phương pháp của lòng thương mến tạo nên sự tín nhiệm...
10. BÀI TỔNG KẾT - Cha Thierry Marie Courau
Dựa vào những chia sẻ của các nhóm, trong cả một tuần chung sống và trao đổi với những nhà đào tạo, cha Thierry Marie Courau đề xướng một hướng đi cho việc đào tạo chủng sinh. Ngài nhấn mạnh đến những giá trị vững bền của văn hoá Việt Nam, rất độc sáng và cần phải được phát triển thêm trong cuộc đối thoại với những vấn đề hiện đại. Không thể nào chối bỏ hay lãng quên bối cảnh này. Thế nhưng, đào tạo cũng không thể chối bỏ bước tiến triển của một thế giới đang bị tục hóa. Nó ảnh hưởng trên tất cả chúng ta, chủng sinh lẫn những nhà đào tạo.
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và cứu độ và dùng Giáo hội để mang đến ơn cứu độ đó, tức là niềm vui của Tin Mừng Đức Kitô được hình thành trong đối thoại và hoà giải. Giáo hội tại Việt Nam sẽ cống hiến cho quê hương một kho tàng quý báu có một không hai là chính Đức Giêsu là Tin Mừng, nếu các linh mục tương lai trở thành những người đối thoại và hoà giải. Điều này sẽ trở thành có thể được, nếu chính các chủng sinh và các nhà đào tạo trải nghiệm ơn cứu độ cách hiện thực như niềm vui của đối thoại và giao hòa. Bằng cách đó, Giáo hội tại Việt Nam sẽ nổi bật lên như dấu chỉ và phương thế của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau (x. LG 1): Giáo hội như sự hiệp thông.
Quả là một công việc lâu dài, nhưng đáng cho chúng ta đầu tư công sức, tiền của và tâm tư, vì lẽ sai lầm trong các lĩnh vực khác như xây cất, học hành, và thậm chí cả tông đồ nữa còn có thể chấp nhận; nhưng không thể chấp nhận sai lầm trong việc đào tạo, vì lẽ sai lầm này sẽ tác hại khôn lường trên toàn Giáo hội trong tương lai.
Kết luận:
Tóm lại, với mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đi vào trần thế, đón nhận, tôn trọng những giá trị, những tổ chức trần thế và hướng con người đang sống trong đó về Thiên Chúa, là giá trị tuyệt đối. Khi phải trả lời cho câu hỏi có phải nộp thuế cho Xê-da hay không, Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc rất rõ ràng: “Những gì của Xê-da, hãy trả về cho Xê-da; những gì của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Và Ngài đã có thái độ thật cương quyết khi đánh đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ, khi những người này muốn biến “nhà của Thiên Chúa” thành nơi buôn bán trần tục: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16).
Ngày hôm nay, trước những làn sóng mãnh liệt của phong trào “thế tục hóa”, cụ thể là những “ác thần dối trá”, đang tấn công các môn đệ của Ngài, Đức Giêsu vẫn đang dâng lên Chúa Cha hy tế của Ngài để tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ: “15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,15-19). Nói cách khác, hiến tế Thập giá của Đức Giêsu chính là nguồn sức mạnh bảo vệ người môn đệ khỏi những “ác thần của trần thế”, để luôn thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh, luôn thuộc về Đức Giêsu, là Sự Thật (x. Ga 14,16).
Với xác tín này, những nhà đào tạo các ứng sinh linh mục, trong bối cảnh thế tục hoá tại Việt Nam hôm nay, phải luôn gắn bó với Thập giá của Đức Giêsu. Và Đức Maria sẽ giúp các nhà đào tạo luôn đứng vững dưới chân Thập giá của Đức Giêsu, để đón nhận sức mạnh hầu có thể chu toàn nhiệm vụ khó khăn là đào tạo cho Giáo hội Việt Nam những linh mục thánh thiện, luôn trung tín thuộc trọn về Thiên Chúa.
Đà Lạt ngày 18-7-2014
Ban Thư ký Khoá Thường Huấn 2014
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền