Bản tuyên ngôn của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin (2)
(Những tiểu đề theo thứ tự từ 1 tới 10 là do người viết đặt ra cho rõ ràng những vấn đề Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin muốn khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn)
1. Thiên Chúa đã mạc khải đầy đủ và trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.
“Thuyết chủ trương tính chất giới hạn, không trọn vẹn hay không hoàn hảo nơi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, một mạc khải cần được bổ khuyết nơi mạc khải của các tôn giáo khác là một thuyết trái với đức tin Kitô Giáo. Chủ trương này căn cứ vào quan niệm cho rằng bất cứ một tôn giáo nào trong lịch sử, kể cả Kitô Giáo hay Đức Giêsu Kitô đi nữa, cũng không thể nào hiểu thấu và không thể nào bộc lộ một cách phổ quát và trọn vẹn sự thật về Thiên Chúa.
“Chủ trương như vậy hoàn toàn trái với những tuyên xưng trước đây của đức tin Công Giáo, những tuyên xưng về một mạc khải đầy đủ và trọn vẹn nơi mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Vì lý do đó, những lời nói, việc làm và tất cả các biến cố lịch sử của Đức Giêsu, mặc dù bị giới hạn theo thực tại loài người, cũng được làm chủ bởi Ngôi Vị thần linh của Lời Nhập Thể, Đấng là ‘Thiên Chúa thật và là người thật’ (Công Đồng Chung Chalcedon, Symbolum Chalcedonense: DS 301; x Thánh Athanasius, De Incarnatione, 54, 3: SC 199, 458). Bởi thế, những lời nói, việc làm và biến cố đó tự mình có tính chất mạc khải tối hậu và hoàn toàn theo những đường lối cứu độ của Thiên Chúa, cho dù mức độ sâu xa của mầu nhiệm thần linh tự nó vốn siêu việt và bất tận. Sự thật về Thiên Chúa không bị hủy bỏ hay bị suy giảm khi nó được phát biểu bằng ngôn ngữ loài người; trái lại, nó chuyên nhất, hoàn toàn và trọn vẹn, vì Đấng nói năng và tác hành chính là Con Thiên Chúa Nhập Thể. Như thế, đức tin đòi chúng ta phải tuyên xưng Lời nhập thể, nơi toàn thể mầu nhiệm của Người, từ khi nhập thể tới vinh quang, là nguồn mạch, tuy dự phần song thực sự, và là viên trọn của hết mọi mạc khải cứu độ Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, 4), cũng như tuyên xưng Thánh Linh, Đấng là Thần Linh của Đức Kitô, sẽ dạy “tất cả sự thật” này (Jn 16:13) cho các Vị Tông Đồ và nhờ các ngài cho toàn thể Giáo Hội”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 6.1 và 6.2)
2. Đức Tin Đối Thần nơi Kitô Giáo và niềm tin nơi các tôn giáo khác hoàn toàn khác hẳn nhau.
“Đáp ứng xứng hợp với mạc khải của Thiên Chúa là ‘việc tin tưởng tuân phục (Rm 16:26; x. Rm 1:5; 2Cor 10:5-6), một tác động khiến con người hoàn toàn tự do phó mình cho Thiên Chúa, ở chỗ trí khôn và lòng muốn của họ hết sức thuận phục Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, và tự nguyện chấp nhận mạc khải của Ngài’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, 5). Đức tin là quà tặng do ân sủng: ‘để lãnh nhận đức tin trước hết cần phải có ơn Chúa và sự trợ giúp của ơn Chúa; cũng cần phải có cả việc hỗ trợ nội tâm của Chúa Thánh Linh nữa, Đấng tác động tâm hồn và qui hướng nó về Thiên Chúa, Đấng mở mắt trí khôn và ban cho mọi người niềm vui và dễ dàng trong việc ưng thuận và tin tưởng vào chân lý’” (cùng nguồn vừa dẫn).
“Việc tin tưởng tuân phục bao gồm tác động chấp nhận chân lý do Chúa Kitô mạc khải, căn cứ vào thế giá của Thiên Chúa, Đấng là chính Sự Thật (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 144): ‘Đức tin trước hết là việc con người gắn bó bản thân mình với Thiên Chúa. Đi liền với việc này đồng thời còn là tác động hoàn toàn chấp nhận tất cả sự thật được Thiên Chúa mạc khải’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 150). Thế nên, đức tin, như ‘một tặng ân của Thiên Chúa’ và như ‘một nhân đức siêu nhiên do Ngài phú bẩm cho’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 153), bao gồm một gắn bó kép đôi, đó là việc gắn bó với Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra và cả việc gắn bó với sự thật được Ngài tỏ ra cho biết nữa, một gắn bó kép đôi phát xuất từ lòng tin tưởng vào Ngài là Đấng phán bảo. Như thế, ‘chúng ta không tin vào một ai khác ngoài Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần’ (cùng nguồn vừa dẫn, số 178).
“Vì thế, phải nắm vững sự khác biệt giữa đức tin đối thần với niềm tin nơi các tôn giáo khác. Nếu đức tin là việc theo ơn Chúa chấp nhận chân lý mạc khải, một thứ chân lý ‘tự mình có thể thấu nhập mầu nhiệm ở chỗ giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm ấy một cách chặt chẽ’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 13), thì niềm tin nơi các tôn giáo khác là tất cả cảm nghiệm và tâm tưởng làm nên kho tàng khôn ngoan và nguyện vọng đạo lý của con người, những kho tàng khôn ngoan và nguyện vọng mà con người, trong lúc đi tìm kiếm chân lý, đã cưu mang và tác hành trong mối liên hệ với Thiên Chúa và Đấng Tối Cao (cùng nguồn vừa dẫn, 31-32).
“Việc phân biệt này không luôn luôn được thể hiện nơi tâm trí của suy tư thần học hiện nay. Bởi thế, đức tin đối thần (việc chấp nhận chân lý được Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi mạc khải) thường bị đồng hóa với niềm tin nơi các tôn giáo khác, tức với cảm nghiệm tôn giáo vẫn còn đang trên đường tìm kiếm chân lý tuyệt đối và vẫn chưa có thuận theo Thiên Chúa là Đấng mạc khải bản thân mình ra. Đó là một trong những lý do tại sao cái khác nhau giữa Kitô Giáo và các tôn giáo có những lúc như bị giảm xuống tới mức độ biến mất”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 7.1, 7.2, 7.3, 7.4)
3. Không có vấn đề khác biệt giữa Đức Giêsu Kitô và Ngôi Lời, cũng như giữa tác động cứu độ của Ngôi Lời và của Lời Nhập Thể.
· “Nơi suy tư thần học hiện đại thường có khuynh hướng cho Đức Giêsu Nazarét là một nhân vật lịch sử hạn hữu riêng biệt, Đấng tỏ thần linh ra không phải một lần duy nhất mà bằng một đường lối cần được bổ khuyết bởi các nhân vật khải huyền và cứu độ khác nữa. Như thế, Mầu Nhiệm Vô Cùng, Tuyệt Đối, Tối hậu của Thiên Chúa được tỏ hiện cho nhân loại thấy bằng nhiều đường lối và nơi nhiều nhân vật lịch sử, trong số đó có cả Đức Giêsu Nazarét. Cụ thể hơn, một số người còn cho Đức Giêsu là một trong nhiều bộ mặt được Lời tỏ hiện trong giòng thời gian để tiếp xúc với nhân loại bằng đường lối cứu độ.
“Ngoài ra, để biện minh tính cách phổ quát của ơn cứu độ Kitô Giáo cũng như sự kiện về việc đại đồng tôn giáo, vấn đề đã được đặt ra là công cuộc của Lời hằng hữu cũng có tác hiệu cả ở ngoài Giáo Hội và không có liên hệ gì với Giáo Hội cả, một công cuộc thêm thắt vào công cuộc của Lời nhập thể. Công cuộc của Lời hằng hữu có một giá trị phổ quát bao rộng hơn công cuộc của Lời nhập thể là công cuộc chỉ hạn hẹp nơi thành phần Kitô hữu, cho dù Thiên Chúa có hiện diện tràn đầy hơn ở công cuộc của Lời nhập thể.
Những luận đề này hoàn toàn trái với đức tin Kitô Giáo. Tín lý đức tin cần phải được mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu Nazarét, con của Đức Maria, cũng là Con và Lời của Chúa Cha. Lời, Đấng ‘từ ban đầu đã ở nơi Thiên Chúa’ (Jn 1:2) cũng là Đấng ‘đã hóa thành nhục thể’ (Jn 1:14). Nơi Giêsu ‘là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16:16), ‘toàn thể tầm mực viên toàn của thần tính ngự trị một cách thể lý’ (Col 2:9). Người là ‘Người Con duy nhất của Cha, Đấng ở trong Cha’ (Jn 1:18), ‘Người Con yêu dấu của Ngài, nơi Người chúng ta được cứu chuộc... Nơi Người tầm mức viên mãn của Thiên Chúa hân hoan ngự trị, và qua Người, Thiên Chúa muốn hòa giải tất cả mọi sự với chính mình Ngài, cả dưới đất cũng như trên trời, giải hòa bằng máu thập tự giá của Người’ (Col 1:13-14, 19-20).
“Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã minh nhiên công bố là: ‘Đặt ra bất cứ một vấn đề phân chia nào giữa Lời và Đức Giêsu Kitô đều trái với đức tin Kitô Giáo... Đức Giêsu là Lời nhập thể – một ngôi vị duy nhất bất phân... Đức Kitô không là ai khác ngoài Giêsu Nazarét; Người là Lời Thiên Chúa làm người vì phần rỗi của tất cả mọi người...” (Thông Điệp Redemptoris Missio, 6).
“Cũng trái với đức tin Công Giáo như vậy nữa khi đặt ra vấn đề phân chia giữa tác động cứu độ của Lời với tác động cứu độ của Lời hóa thân làm người. Qua việc nhập thể, tất cả mọi tác động cứu độ của Lời Thiên Chúa luôn luôn được thực hiện trong mối hiệp nhất với bản tính loài người được Người mặc lấy vì phần rỗi của tất cả mọi người. Chủ thể duy nhất tác hành nơi cả hai bản tính, bản tính nhân loại và bản tính thần linh, là ngôi vị duy nhất của Lời (x Thánh Lêô Cả, Tomus ad Flavianum: DS 294).
“Bởi thế, thuyết qui hoạt động cứu độ cho Lời theo thần tính của Người sau khi nhập thể như vậy, một hoạt động cứu độ được thực hiện ‘thêm vào’ hay ‘ở ngoài’ nhân tính của Đức Kitô, không hợp với đức tin Công Giáo (x. Thánh Lêô Cả, Thư gửi Hoàng Đế Lêô I Promisisse me memini: DS 318 ‘... in tantam unitatem ab ipso conceptu Birginis deitate et humanitate conserta, ut nec sine homine divina, nec sine Deo agerentur humana’. Cũng x DS 317)”
(Tuyên Ngôn, đoạn 10.1, 10.4, 10.5 và 10.6)
4. Không có vấn đề hoạt động của Chúa Thánh Thần bao rộng hơn, ở ngoài hay song song với hoạt động của Lời Nhập Thể.
“Cũng có những người nêu lên giả thiết cho rằng công cuộc của Chúa Thánh Thần thì bao rộng phổ quát hơn công cuộc của Lời Nhập Thể, Đấng tử giá và phục sinh. Chủ trương này cũng trái với đức tin Công Giáo, một đức tin chủ trương ngược lại, ở chỗ, coi việc nhập thể cứu độ của Lời như là một biến cố của cả Ba Ngôi Thiên Chúa vậy. Theo Tân Ước, mầu nhiệm về Chúa Giêsu, Lời Nhập Thể, làm nên nơi cho Chúa Thánh Thần hiện diện cũng như trở thành nguyên lý cho việc tuôn tràn Thần Linh xuống trên nhân loại, chẳng những vào thời kỳ cứu độ (x Acts 2:32-36; Jn 7:39, 20-22; 1Cor 15:45), mà còn vào cả trước thời gian Người đi vào lịch sử nữa (x 1Cor 10:4; 1Pet 1:10-12)...
“Bởi vậy, Huấn Quyền gần đây của Giáo Hội đã mạnh mẽ và rõ ràng nhắc lại sự thật về một công cuộc thần linh duy nhất: ‘Sự hiện diện và hoạt động của Thần Linh chẳng những chi phối cá nhân con người mà còn cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, văn hóa và tôn giáo nữa... Chúa Kitô hiện đang hoạt động nơi tâm can nhân loại bằng quyền lực của Thần Linh Người... Chính Thần Linh là Đấng gieo ‘hạt giống lời Chúa’ hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, làm cho những lãnh vực này hoàn toàn nên trọn trong Chúa Kitô’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 28; về ‘hạt giống Lời Chúa’ cũng xem cả Thánh Justine tử đạo, Hộ Giáo Thứ Hai 8, 1-2; 10, 1-3; 13, 3-6; ed. E.J. Goodspeed, 84; 85; 88-89). Trong khi công nhận sứ vụ cứu độ trong lịch sử của Thần Linh nơi toàn thể vũ trụ cũng như trong toàn bộ lịch sử nhân loại (cùng nguồn của ĐTC/GPII vừa dẫn, 28-29), Huấn Quyền còn xác nhận: ‘Đây là chính Vị Thần Linh đã hoạt động trong việc nhập thể, trong đời sống, trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, cũng là Đấng hoạt động trong cả Giáo Hội nữa. Bởi thế, Ngài không phải là một thứ hoán vị thay cho Chúa Kitô, và Ngài cũng không phải là một thứ khỏa lấp, đôi khi theo người ta nghĩ, giữa Đức Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi tâm trí con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi văn hóa và tôn giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho Phúc Âm, và chỉ có thể hiểu được trong mối tương quan với Chúa Kitô là Lời, Đấng đã mặc lấy xác thịt bởi quyền phép Thần Linh, và, vì là một con người toàn vẹn, Người đã cứu độ toàn thể nhân loại và thâu tóm tất cả mọi sự’ (cùng nguồn của ĐTC/GPII vừa dẫn, 29).
“Tóm lại, hoạt động của Thần Linh không ở ngoài hay song song với hoạt động của Chúa Kitô. Chỉ có một công cuộc cứu độ duy nhất của một Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, được thể hiện nơi mầu nhiệm nhập thể, nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa, được hiện thực nhờ việc hợp tác của Thánh Linh, và được vươn tới toàn thể nhân loại cùng toàn thể vũ trụ ở giá trị cứu độ của công cuộc này: ‘Thế nên, không ai có thể được hiệp thông với Thiên Chúa ngoại trừ qua Chúa Kitô và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần’ (cùng nguồn của ĐTC/GPII vừa dẫn, 5)”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 12.1, 12..5 và 12.6)
5. Không có vấn đề tương đương hay bổ khuyết cho Chúa Giêsu Kitô trong vai trò môi giới duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người của Người.
“Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: ‘Vai trò môi giới chuyên biệt của Đấng Cứu Thế không loại trừ song làm phát sinh việc hợp tác đa diện, một việc hợp tác với nguồn mạch duy nhất ấy’ (Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 62). Nội dung của vai trò môi giới dự phần này cần phải được tìm hiểu sâu xa hơn nữa, thế nhưng, vẫn phải luôn luôn hợp với nguyên lý của vai trò làm môi giới chuyên nhất của Chúa Kitô: ‘Mặc dù không loại bỏ những thể thức môi giới dự phần thuộc các thứ loại hay ở các cấp độ, nhưng những thể thức môi giới dự phần này chỉ có ý nghĩa và giá trị từ vai trò môi giới của Chúa Kitô mà thôi, chứ chúng không thể được cho là tương đương với hay bổ khuyết cho vai trò môi giới của Người’ (Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 5). Bởi thế, những luận giải cho rằng tác động cứu độ của Thiên Chúa ở ngoài vai trò môi giới chuyên nhất của Chúa Kitô là những luận giải trái với đức tin Kitô Giáo và Công Giáo”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 14.2)
6. Không cần phải tránh né việc sử dụng những từ ngữ đã được mạc khải trong Thánh Kinh.
“Không phải là ít khi có vấn đề đặt ra rằng thần học phải tránh sử dụng những từ ngữ như ‘duy nhất tính’, ‘phổ quát tính’ và ‘tuyệt đối tính’, những từ ngữ có liên quan đến các tôn giáo khác, ở chỗ, chúng gây ấn tượng về việc quá nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng và giá trị nơi biến cố cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, thực tế thì thứ ngôn ngữ này chỉ phản ánh mạc khải mà thôi, vì nó biểu hiệu cho việc phát triển của chính các nguồn mạch đức tin. Ngay từ ban đầu, cộng đồng tín hữu đã nhận biết nơi Chúa Giêsu một giá trị cứu độ, ở chỗ, một mình Người, với tư cách là Con Thiên Chúa làm người, tử giá và phục sinh, theo sứ vụ được Cha trao cho và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã ban bố mạc khải (x Mt 11:27) và sự sống thần linh (x Jn 1:12, 5:25-26, 17:2) cho toàn thể nhân loại cũng như cho hết mọi người”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 15)
7. “Giáo Hội Chúa Kitô, mặc dù có những phân rẽ nơi các Kitô hữu, vẫn tiếp tục hiện hữu một cách trọn vẹn nơi duy một mình Giáo Hội Công Giáo mà thôi”.
“Chúa Giêsu, Vị Cứu Thế duy nhất, đã không phải chỉ thiết lập một cộng đồng môn đệ đơn thuần thôi, mà còn làm cho Giáo Hội thành một mầu nhiệm cứu độ nữa, ở chỗ, chính Người sống trong Giáo Hội và Giáo Hội sống trong Người (x Jn 15:1ff; Gal 3:28; Eph 4:15-16; Acts 9:5). Thế nên, tầm mức viên trọn nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng thuộc về Giáo Hội được hiệp nhất bất khả phân ly với Chúa của mình. Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động cứu độ nơi Giáo Hội và nhờ Giáo Hội (x Col 1:24-27) (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 14) là thân thể của Người (x 1Cor 12:12-13, 27; Col 1:18) (cùng nguồn vừa dẫn, 7). Do đó, như đầu và các chi thể trong cùng một thân xác sống động, mặc dù không đồng nhất với nhau, cũng không thể phân ly thế nào, Chúa Kitô và Giáo Hội cũng không thể bị lẫn lộn và phân rẽ như vậy, và cả hai cũng làm nên một ‘toàn thể Chúa Kitô’ duy nhất như vậy (x Thánh Âu Quốc Tinh, Enarratio in Psalmos, Ps. 90, sermo 2, 1: CCSL 39, 1266; Thánh Gregory Cả, Moralia in Iob, Praefatio, 6, 14: PL 75, 525; Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 48, a. 2 ad 1). Tính cách bất khả phân ly này còn được diễn tả trong Tân Ước qua sự so sánh Giáo Hội như Hiền Thê của Chúa Kitô (x 2Cor 11:2; Eph 5:25-29; Rev 21:2, 9) (x Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 6).
“Bởi thế, trong mối liên hệ với duy nhất tính và phổ quát tính nơi vai trò môi giới cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, thì duy nhất tính của Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập phải được tin tưởng một cách vững vàng như là một chân lý thuộc đức tin Công Giáo. Như chỉ có một Chúa Kitô duy nhất thế nào, thì cũng chỉ có một thân thể của Chúa Kitô, một Hiền Thê của Chúa Kitô như vậy, đó là ‘một Giáo Hội Công Giáo và tông truyền duy nhất’ (Symbolum maius Ecclesiae Armeniacae: DS 48. x Boniface VIII, Unam sanctam: DS 870-872; Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 8). Ngoài ra, Chúa đã hứa Chúa sẽ không bỏ rơi Giáo Hội của Người (x Mt 16:18, 28:20), và Người sẽ hướng dẫn Giáo Hội bằng Thần Linh của Người (x Jn 16:13), nghĩa là, theo đức tin Công Giáo, duy nhất tính và việc hiệp nhất của Giáo Hội – giống như tất cả những sự khác thuộc về toàn thể Giáo Hội – sẽ không bao giờ bị thiếu hụt (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 4; ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ut Unum Sint, 11: AAS 87 năm 1995, 927).
“Tín hữu Công Giáo buộc phải tuyên xưng rằng, giữa Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập và Giáo Hội Công Giáo có một sự liên tục về lịch sử, được bắt nguồn nơi việc thừa kế tông đồ: ‘Đó là một Giáo Hội Chúa Kitô duy nhất... một Giáo Hội được Đấng Cứu Thế của chúng ta, sau khi phục sinh, đã ký thác cho Thánh Phêrô công cuộc mục vụ (x Jn 21:17), bằng việc truyền cho ngài cũng như cho các Vị Tông Đồ khác phải trông coi và quản trị Giáo Hội (x Mt 28:18ff), đã dựng nên cho mọi đời thấy như ‘cột trụ và nền tảng của chân lý’ (1Tim 3:15). Giáo Hội này, được cấu tạo và tổ chức như là một xã hội trong hiện thế, thuộc hữu nơi Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội được cai quản bởi Vị Thừa Kế Thánh Phêrô cùng với các Vị Giám Mục hiệp thông với ngài’ (Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 8). Khi nói đến việc thuộc hữu này, Công Đồng Chung Vaticanô II muốn dung hòa hai điều về tín lý sau đây: thứ nhất, đó là việc Giáo Hội Chúa Kitô, mặc dù có những phân rẽ nơi các Kitô hữu, vẫn tiếp tục hiện hữu một cách trọn vẹn nơi duy một mình Giáo Hội Công Giáo mà thôi, thứ hai, đó là vấn đề ‘ở ngoài cơ cấu của Giáo Hội cũng có nhiều yếu tố về vấn đề thánh hóa và chân lý’ (cùng nguồn vừa dẫn như đoạn 8 trên và cả đoạn 15; x ĐTC Gioan Phaolô, Thông Điệp Ut Unum Sint, 13; cũng xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 3), tức là, nơi những Giáo Hội và cộng đồng giáo hội chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo (x Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Thông Báo về Cuốn ‘Giáo Hội: Đặc Sủng và Quyền Bính’ của Cha Leonardo Boff: AAS 77 năm 1985, 756-762). Thế nhưng, trong khi tôn trọng những yếu tố này, cũng cần phải nói là ‘chúng nhận được hiệu năng từ chính mức độ viên mãn ân sủng và chân lý đã được ký thác cho Giáo Hội Công Giáo’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 3).
(Tuyên Ngôn, đoạn 16.1, 16.2 và 16.3)
“Do đó, chỉ có một Giáo Hội Chúa Kitô duy nhất, một Giáo Hội thuộc hữu nơi Giáo Hội Công Giáo do Vị Thùa Kế Thánh Phêrô cai quản cùng với các Vị Giám Mục hiệp thông với ngài (x Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn về Mầu Nhiệm Giáo Hội, 1: AAS 65 năm 1973, 396-398). Những Giáo Hội, dù không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo mà vẫn hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo nhờ những mối liên kết gắn bó nhất, tức là, nhờ việc thừa kế tông đồ và Bí Tích Thánh Thể hiệu thành, thì đó là những Giáo Hội riêng biệt thực sự (x Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 14 và 15; Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Letter Communionis Notio, 17: AAS 85 năm 1993, 848). Bởi thế, Giáo Hội của Chúa Kitô cũng đang hiện diện và hoạt động nơi cả những Giáo Hội này nữa, mặc dù họ không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, vì họ không chấp nhận tín lý Công Giáo về Thượng Quyền, một thượng quyền mà, theo ý muốn của Thiên Chúa, Vị Giám Mục Rôma được khách quan nắm giữ và thi hành trên toàn thể Giáo Hội (x Công Đồng Chung Vaticanô I, Hiến Chế Pastor Aeternus: DS 3053-3064; Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 22).
“Mặt khác, các cộng đồng giáo hội nào không bảo tồn Hàng Ngũ Giám Mục được công nhận cũng như bản chất đích thực trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 22) thì không phải là những Giáo Hội đúng nghĩa; tuy nhiên, những ai đã lãnh nhận phép rửa trong các cộng đồng này thì, nhờ Bí Tích Rửa Tội, được tháp nhập với Chúa Kitô, nhờ đó họ cũng thật sự được hiệp thông với Giáo Hội, mặc dù không trọn vẹn (cùng nguồn vừa dẫn, 3). Bí Tích Rửa Tội tự mình hướng tới tình trạng phát triển trọn vẹn đời sống trong Chúa Kitô, qua việc tuyên xưng trọn vẹn đức tin, qua Bí Tích Thánh Thể cũng như qua việc hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội (cùng nguồn vừa dẫn, 22).
“Thế nên, tín hữu Kitô Giáo không được phép cho rằng Giáo Hội của Chúa Kitô chỉ là một tổng hợp – bị phân rẽ song một cách nào đó vẫn là một – bao gồm các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội; hay được tự do chủ trương cho rằng ngày nay Giáo Hội Chúa Kitô thực sự không hiện hữu ở đâu cả, và phải được coi đó như chỉ là một mục tiêu mà tất cả mọi Giáo Hội cũng như cộng đồng giáo hội cần phải nỗ lực hướng đến’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Mầu Nhiệm Giáo Hội, 1). Thật vậy, ‘những yếu tố nơi Giáo Hội sẵn có này hiện hữu được liên kết với nhau theo tầm mức trọn vẹn của mình nơi Giáo Hội Công Giáo và không trọn vẹn nơi các cộng đồng khác’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ut Unum Sint, 14). ‘Thế nên, những Giáo Hội và cộng đồng ly khai này, dù chúng ta tin là họ có những thiếu sót, vẫn không mất đi ý nghĩa và tầm quan trọng của mình trong mầu nhiệm cứu độ. Vì Thần Linh của Chúa Kitô không phải là không sử dụng họ như phương tiện cứu độ với hiệu năng có được từ chính tầm mức viên trọn ân sủng và chân lý được ký thác cho Giáo Hội Công Giáo’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 3)”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 17.1, 17.2 và 17.3)
8. Không được chối bỏ duy nhất tính nơi mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội với vương quốc của Thiên Chúa.
“Sứ vụ của Giáo Hội là ‘loan báo và thiết lập nơi tất cả mọi dân nước vương quốc của Chúa Kitô cũng như của Thiên Chúa, và trên thế gian này, Giáo Hội là hạt giống và là khởi điểm của vương quốc ấy’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 3). Một đàng, Giáo Hội là ‘một bí tích – tức là một dấu hiệu và là dụng cụ cho việc hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho việc hiệp thông với toàn thể nhân loại’ (cùng nguồn vừa dẫn, 1). Bởi thế, Giáo Hội là dấu hiệu và là dụng cụ của vương quốc này; Giáo Hội được kêu gọi để loan báo và thiết lập vương quốc này. Đàng khác, Giáo Hội là ‘một dân tộc được qui tụ bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (cùng nguồn vừa dẫn, 4; x Thánh Cyprian, De Dominica Oratione 23: CCSL, 3A, 105); bởi thế, Giáo Hội là ‘vương quốc của Chúa Kitô hiện diện một cách mầu nhiệm’ (cùng nguồn Công Đồng vừa dẫn, 3), và làm thành mầm mống cùng khởi điểm cho vương quốc này. Thật vậy, vương quốc của Thiên Chúa có một chiều kích cánh chung, tức vương quốc ấy là một thực tại hiện diện trong thời gian, nhưng tình trạng toàn vẹn của nó chỉ được thể hiện khi lịch sử nên trọn hay hoàn tất mà thôi’ (x cùng nguồn Công Đồng vừa dẫn, 9; cũng xem kinh nguyện cầu cùng Thiên Chúa trong Didache 9, 4: SC 248, 176: ‘Chớ gì Giáo Hội được qui tụ lại từ tận cùng trái đất để làm nên vương quốc của Ngài’, và xem cùng nguồn ở 10, 5: SC 248, 180: ‘Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến Giáo Hội của Chúa... và, là một Giáo Hội đã được thánh hóa, xin Chúa hãy qui tụ Giáo Hội lại từ bốn phương trời để làm nên vương quốc của Chúa, một vương quốc Chúa đã sửa soạn cho Giáo Hội’).
“... Thật vậy, vương quốc của Thiên Chúa như mạc khải tỏ cho chúng ta biết ‘không thể tách khỏi Chúa Kitô hay Giáo Hội... Nếu vương quốc ấy tách khỏi Chúa Giêsu thì nó không còn là vương quốc của Thiên Chúa được Người mạc khải cho biết nữa. Như thế ý nghĩa của vương quốc này sẽ bị méo mó, một ý nghĩa có nguy cơ bị biến thành mục tiêu thuần nhân bản hay ý hệ, và căn tính của Chúa Kitô cũng bị bóp méo nữa, Đấng sẽ không còn tỏ ra mình là Chúa Tể mà một ngày kia tất cả mọi sự phải qui phục Người nữa (x 1Cor 15:27). Người ta cũng không thể tách vương quốc này khỏi Giáo Hội.
Đúng, Giáo Hội tự mình thật sự không phải là cùng đích, vì Giáo Hội hướng về vương quốc của Thiên Chúa, một vương quốc mà Giáo Hội là mầm mống, là dấu hiệu và là dụng cụ. Tuy nhiên, trong lúc còn xa cách Chúa Kitô và vương quốc này, Giáo Hội vẫn hiệp nhất bất khả phân ly với cả hai’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 18; x Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, 17: Tuần San L’Osservatore Romano ngày 7/11. Vương quốc không thể tách khỏi Chúa Kitô đến độ, ở một ý nghĩa nào đó, được đồng hóa với Người - x Origen, In Mt. Hom., 14, 7: PG 13, 1197; Tertullian, Adversus Marcionem, IV, 33, 8: CCSL 1, 634).
(Tuyên Ngôn, đoạn 18.1 và 18.2)
“Khi nói đến mối liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và vương quốc này thì không được bỏ qua sự kiện là vương quốc của Thiên Chúa – cho dù có để ý tới vấn đề vương quốc này còn ở trong giai đoạn lịch sử đi nữa – cũng không đồng hóa với Giáo Hội theo thực tại hữu hình và cơ cấu tổ chức của Giáo Hội. Thật vậy, không được gạt bỏ ‘tác động của Chúa Kitô và của Thần Linh ở bên ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 18). Thế nên, người ta cũng phải nhớ rằng, ‘vương quốc này quan tâm đến hết mọi người, đến cá nhân, xã hội và thế giới. Hoạt động cho vương quốc này nghĩa là nhận biết và phát triển việc làm của Thiên Chúa, những việc làm đang hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng vương quốc của Thiên Chúa nghĩa là hoạt động cho việc giải thoát con người khỏi tất cả mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, vương quốc của Thiên Chúa là việc biểu dương và hiện thực trọn vẹn hoàn toàn dự án cứu độ của Thiên Chúa” (cùng nguồn vừa dẫn, 15).
“Trong việc xét đến mối liên hệ giữa vương quốc của Thiên Chúa, với vương quốc của Chúa Kitô và với Giáo Hội, cần phải tránh những việc nhấn mạnh một chiều, như trường hợp của những ‘quan niệm cố ý đề cao vương quốc và đặt vương quốc này là trọng tâm của mình. Những quan niệm này nhấn mạnh đến hình ảnh của một Giáo Hội không quan tâm gì đến bản thân mình, mà chỉ hoàn toàn để ý tới việc làm chứng nhân và phục vụ vương quốc. Đó là một Giáo Hội cho người khác, như Chúa Kitô là một con người cho người khác vậy... Ngoài những khía cạnh tích cực, những quan niệm này thường cho thấy cả những khía cạnh tiêu cực nữa. Trước hết, chúng không nói gì đến Chúa Kitô, ở chỗ, vương quốc chúng nói tới đây lấy Thiên Chúa làm chính, vì, theo những quan niệm ấy, những người không có đức tin Kitô Giáo không thể hiểu được Chúa Kitô, trong khi các dân tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau có thể gặp nhau ở cùng một nền tảng chung nơi thực tại thần linh duy nhất, bất cứ dưới danh xưng nào. Bởi thế, những quan niệm ấy nhấn mạnh đến mầu nhiệm tạo dựng, một mầu nhiệm được phản ánh nơi tính cách đa văn hóa và niềm tin, song chúng không nói gì tới mầu nhiệm cứu chuộc cả. Ngoài ra, những quan niệm ấy còn cho thấy, vương quốc này không dành một chỗ nhỏ bé nào hết cho Giáo Hội cả, hay chỉ cho Giáo Hội một giá trị rất thấp để phản lại chủ trương Giáo Hội đã lấy mình làm chủ chốt trong quá khứ, và vì những quan niệm ấy coi Giáo Hội chính là một dấu hiệu, một dấu hiệu tất nhiên không thể nào không có tính cách mập mờ’ (cùng nguồn vừa dẫn, 17). Những luận giải này trái với đức tin Công Giáo, vì chúng chối bỏ duy nhất tính nơi mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội với vương quốc của Thiên Chúa”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 19.1 và 19.2)
9. Không được coi Giáo Hội như là một đường lối cứu độ tương đương hay cần được bổ khuyết bởi đường lối cứu độ nơi các tôn giáo khác.
· “Từ những gì đã được nói đến trên đây, một số điểm theo đó cần phải được thần học suy tư trong việc đào sâu vào mối liên hệ giữa Giáo Hội và các tôn giáo khác đối với ơn cứu độ.
“Trước tất cả mọi sự, cần phải vững tin rằng ‘Giáo Hội, hiện nay đang lữ hành trên trái đất, cần thiết cho phần rỗi, ở chỗ, Chúa Kitô duy nhất là vị trung gian và là đường lối cứu độ; Người hiện diện đối với chúng ta nơi thân thể của mình là Giáo Hội. Chính Người đã minh định nhu cầu cần đến đức tin và phép rửa (x Mk 16:16; Jn 3:5), do đó, Người đồng thời cũng xác nhận nhu cầu cần đến Giáo Hội mà con người tiến vào qua cửa phép rửa’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 14; x Sắc Lệnh Ad Gentes, 7; Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 3). Điều tín lý này không được cho là phản lại với ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (x 1Tim 2:4); ‘hai chân lý này cần phải hòa hợp với nhau, tức là chân lý về cơ hội thực sự cho ơn cứu rỗi nơi Chúa Kitô đối với tất cả nhân loại và chân lý về nhu cầu cần đến Giáo Hội để được cứu độ’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 9; x Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 846-847)”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 20.1 và 20.2)
“Về vấn đề đường lối Thiên Chúa ban ơn cứu độ của Ngài – một ơn cứu độ bao giờ cũng được ban phát nhờ Chúa Kitô, trong Thần Linh, và có liên hệ một cách mầu nhiệm với Giáo Hội – cho cá nhân không phải là Kitô hữu, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thu gọn trong một câu, đó là Thiên Chúa ban ơn này ‘theo những cách thức chỉ có một mình Ngài biết’ (Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 7). Các thần học gia đang tìm cách để hiểu rõ ràng hơn vấn đề này. Công việc của họ phải được khích lệ, vì chắc chắn nó giúp ích cho việc hiểu biết hơn dự án cứu độ của Thiên Chúa cũng như những cách thức Ngài hoàn thành ơn cứu độ này. Tuy nhiên, từ những gì đã được nói đến trên đây về vai trò môi giới của Chúa Giêsu Kitô cũng như về ‘mối liên hệ chuyên nhất và đặc biệt’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 18) Giáo Hội có đối với vương quốc của Thiên Chúa nơi loài người, một vương quốc tự bản chất là vương quốc đại đồng của Chúa Kitô Cứu Thế, cần phải làm sáng tỏ vấn đề là, nó sẽ trái với đức tin nếu coi Giáo Hội như một đường lối cứu độ cùng với những đường lối cứu độ được các tôn giáo khác phác tạo, những đường lối được coi như bổ khuyết cho Giáo Hội hay thực sự tương đương với Giáo Hội, cho dù những đường lối này được cho rằng cùng sánh vai với Giáo Hội để tiến đến vương quốc cánh chung của Thiên Chúa.
“Chắc chắn các truyền thống tôn giáo khác nhau đều chất chứa và có những yếu tố tôn giáo phát xuất từ Thiên Chúa (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 11; Tuyên Ngôn Nostra Aetate, 2), và đó là một phần của những gì ‘Thần Linh mang lại trong lòng người cũng như nơi lịch sử các dân tộc, nơi các nền văn hóa và nơi các đạo giáo’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 29). Thật vậy, một số những kinh nguyện và lễ nghi nơi các tôn giáo khác có thể ở trong tình trạng sửa dọn cho Phúc Âm, ở chỗ, chúng là những cơ hội hay là những trợ giúp về huấn giáo trong việc làm cho lòng người mở ra trước tác động của Thiên Chúa (cùng nguồn vừa dẫn; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 843). Tuy nhiên, người ta cũng không thể qui cho những thứ này một nguồn gốc thần linh hay một năng lực cứu độ ex opere operato (tác hiệu), một năng lực xứng hợp với các bí tích của Kitô Giáo (x Công Đồng Chung Triđentinô, Decretum de Sacramentis, khoản 8, de sacramentis in genere: DS 1608). Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua vấn đề là, nếu lệ thuộc vào những mê tín dị đoan hay những sai lầm (x 1Cor 10:20-21), những lễ nghi ấy còn làm ngăn trở cho ơn cứu độ nữa (x ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 55)”.
(Tuyên Ngôn, đoạn 21.1 và 21.2)
10. Không có vấn đề đạo nào cũng tốt như nhau.
“Qua việc Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô đã đến, Thiên Chúa muốn rằng Giáo Hội được Người thiết lập để làm dụng cụ cứu độ toàn thể nhân loại (x Acts 17:30-31) (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, 17; ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 11). Chân lý đức tin này không làm giảm bớt lòng Giáo Hội chân thành trọng kính đối với các tôn giáo trên thế giới, trái lại, nó còn đồng thời cho thấy một cách sâu xa cái ý hệ chiết trung ‘làm nên đặc tính của khuynh hướng tương đối về đạo giáo, khiến cho người ta tin tưởng rằng đạo nào cũng tốt như nhau’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 36). Nếu thực sự tín đồ của các tôn giáo khác cũng có thể lãnh nhận ân sủng thần linh, thì phải tin rằng, khách quan mà nói, họ đang ở trong một tình trạng thiếu hụt trầm trọng, nếu so với thành phần thuộc về Giáo Hội với đầy đủ những phương tiện cứu độ (x Đức Piô XII, Thông Điệp Nhiệm Thể: DS 3821)…. Tuy nhiên, ‘tất cả mọi con cái của Giáo Hội vẫn phải nhớ rằng tình trạng mình được nâng lên như vậy không phải là do công nghiệp riêng của mình, mà là do ân sủng của Chúa Kitô. Nếu họ không đáp lại ân sủng ấy trong tư tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ không được cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm thẳng nữa’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, 14)”.
Tóm lại, qua những điểm chính yếu được phân tích, tóm gọn và nhấn mạnh trên đây, chúng ta thấy rằng Bản Tuyên Ngôn thiên về, nếu không muốn nói là “đụng đến”, vấn đề Đối Thoại Liên Tôn nhiều hơn là vấn đề Đại Kết Kitô Giáo (trong vỏn vẹn có 2 trong số, đó là số 16 và nhất là 17). Thế nhưng, trong số 22.2, tức ngay trước khi sang phần kết của bức văn kiện, Bản Tuyên Ngôn đã nói đến chính chủ trương của Giáo Hội về vấn đề Đối Thoại Liên Tôn trong sứ mệnh truyền giáo của mình như sau:
“Trong cả việc đối thoại liên tôn nữa, việc truyền giáo ad gentes (cho muôn dân) ‘ngày nay cũng như tất cả mọi lúc vẫn còn nguyên hiệu lực và khẩn thiết’ (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 7). ‘Thật vậy, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tim 2:4); tức là, Thiên Chúa muốn ơn cứu độ của mọi người qua việc họ nhận biết chân lý. Ơn cứu độ được tìm thấy nơi chân lý. Những ai nghe theo những tác động của Thần Linh chân lý thì đang đi trên con đường cứu độ rồi vậy. Thế nhưng, Giáo Hội được trao phó chân lý này cho phải ra đi để đáp lại lòng ước vọng của họ để mang họ về với chân lý. Vì tin vào dự án cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mà Giáo Hội phải là truyền giáo’ (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 851 và xem cả các số 849-856). Thế nên, việc đối thoại liên tôn, vì là một phần trong sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa, chỉ là một trong những hoạt động của Giáo Hội trong việc truyền giáo ad gentes của Giáo Hội (x ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 55; Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, 31). Vấn đề bình đẳng, vấn đề dĩ nhiên cần phải có trong việc đối thoại liên tôn, chỉ liên quan đến phẩm vị ngang nhau theo nhân bản giữa đôi bên đối thoại, chứ không liên quan đến nội dung của vấn đề tín lý, lại càng không liên quan đến vị thế của Chúa Giêsu Kitô – Đấng là chính Thiên Chúa làm người – so với những vị sáng lập các đạo giáo khác. Theo đức bác ái và lòng tôn trọng tự do của con người (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae, 1), Giáo Hội cần phải ưu tiên dấn thân trong việc công bố cho tất cả mọi người chân lý đã được Chúa hoàn toàn mạc khải cho biết, và loan báo nhu cầu con người cần phải trở về cùng Chúa Giêsu Kitô cũng như phải liên kết với Giáo Hội qua Bí Tích Rửa Tội cùng các bí tích khác, để nhờ đó họ có thể tham dự trọn vẹn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Như thế, việc tin tưởng vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa chẳng những không làm suy yếu mà trái lại còn làm tăng thêm nhiệm vụ và động lực để loan báo ơn cứu độ và việc hoán cải trở về cùng Chúa Giêsu Kitô nữa”.
Trong Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống trên làn sóng 106.3 FM Nam California ngày 24/9/2000 và 1/10/2000, tôi đã thứ tự chia sẻ hai cảm nhận của tôi về Bản Tuyên Ngôn này như sau:
Cảm nhận thứ nhất về nội dung của chính bản văn kiện qua nhan đề của nó:
· “Đúng thế, Bản Tuyên Ngôn này có tựa đề là ‘Dominus Jesus’, tiếng Việt nghĩa là ‘Chúa Giêsu’. Nếu đọc kỹ nội dung của toàn văn kiện này, người ta hiểu ngay tại sao bản văn có tên là ‘Chúa Giêsu’. Theo tôi, ‘Giêsu’ là tên của một con người lịch sử ở Nazarét hai ngàn năm trước, Con Người này là con của bà Maria và bác thợ mộc Giuse (xem Mt 13:55; Mc 6:3). Và ‘Chúa’ đây chẳng những ám chỉ đến nguồn gốc thần linh của Con Người mang tên Giêsu này là Vị Thiên Chúa nhập thể, mà còn ám chỉ đến vai trò thượng tôn và uy quyền tuyệt đối của Con Người Giêsu Kitô’ (1Tim 2:5) ấy nữa, trên mọi tạo vật nói chung và trên toàn thể loài người nói riêng”.
Cảm nhận thứ hai về chiều hướng của bản văn kiện đối với vấn đề đối thoại liên tôn theo chủ trương của Giáo Hội:
· “Thái độ trước nhất của Giáo Hội trong vấn đề Đối Thoại Liên Tôn là kính trọng các tôn giáo khác và công nhận nơi các đạo khác có những mầm mống Thần Linh để sửa soạn cho hạt giống Phúc Âm của Chúa Kitô. Thái độ thứ hai là việc nỗ lực hội nhập văn hóa, tức là làm sao để gieo rắc hạt giống Phúc Âm vào lòng đạo của con người để hạt giống Phúc Âm biến đổi và thăng hóa những khiếm khuyết nơi niềm tin tự nhiên của con người. Thái độ thứ ba là cùng với các đạo giáo trên thế giới hết sức cổ võ và tích cực hoạt động cho công lý và hòa bình để xây dựng một cộng đồng nhân loại an vui hạnh phúc. Đó là ba thái độ chính yếu của Giáo Hội liên quan đến vấn đề Đối Thoại Liên Tôn.
“Còn vấn đề cùng nhau ngồi xuống để tìm hiểu giáo thuyết của nhau, theo Bản Tuyên Ngôn ở đoạn áp kết, đã nêu lên vấn đề bình đẳng, nhưng là một bình đẳng về phẩm vị nhân bản của hai bên đối thoại mà thôi, chứ không phải tương đương nhau về nội dung của giáo thuyết hay thân phận của vị giáo tổ.
“Thật vậy, điều kiện thiết yếu để có việc đối thoại liên tôn và tiến đến việc đối thoại liên tôn thực sự chính là ở vấn đề ‘không phải đạo nào cũng tốt như nhau’, nghĩa là phải hoàn toàn phủ nhận chủ trương hòa đồng tôn giáo cho rằng ‘đạo nào cũng là đạo’. Nếu ‘đạo nào cũng là đạo’ thì cần gì phải đối thoại nữa. Nếu đạo nào cũng là đạo thì tại sao anh theo đạo của anh bây giờ mà không theo đạo khác. Nếu ‘đạo nào cũng là đạo’ thì tôi theo đạo có thể vì nể nang hay vì cảm thấy vui thích, hoặc vì nhu cầu tâm linh đòi hỏi v.v., thì một lúc nào đó, bị mất lòng hay thấy buồn chán hoặc không cần nữa thì bỏ đạo hay sao? Như thế, có khác gì đạo chỉ là một trò chơi, một thứ trang sức, một thứ xa xỉ phẩm của con người.
“Bởi vậy, theo lời Chúa Kitô phán: ‘Không phải các con đã chọn Thày mà là Thày đã chọn các con để các con đi sinh hoa kết trái’ (Gioan 15:16), Kitô hữu chúng ta theo Người là vì chúng ta nhận biết Người và chấp nhận Người ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Gioan 14:6): ‘Lạy Thày, chúng con còn biết theo ai, Thày có những lời ban sự sống đời đời’ (Gioan 6:68).
“Theo tôi, một đạo xứng danh phải là một đạo không có những gì phản nhân bản, như không có vấn đề cho phép đa thê, và một đạo chân thật phải là một đạo chẳng những có sức cứu độ con người khỏi tội lỗi và sự chết mà còn làm cho họ được sống viên mãn hơn, trong việc làm cho con người theo đạo hăng say dấn thân phục vụ tha nhân đến cùng, dù có bị bắt bớ vì việc lành ấy chăng nữa. Như thế, theo nguyên tắc, con người hướng về tôn giáo thế nào, thì trên thực tế, tôn giáo cũng hướng về con người như vậy.
“Nếu vấn đề đối thoại liên tôn không phải là vấn đề con người hướng về tôn giáo hơn là vấn đề tôn giáo hướng về con người, thì việc đối thoại liên tôn chính là một hành động con người đang tỏ ra tinh thần đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết”.
(Bản Tuyên Ngôn được trích dịch từ L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ, 6/9/2000;
tin tức về buổi họp báo để ban hành văn kiện được lấy từ Hệ Điện Toàn Cầu Vatican Information Services ngày 5/9/2000).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch
bài liên quan mới nhất
- ĐHY Koch chính thức trả lời các khiếu nại của lãnh đạo Do Thái về bài giáo lý của ĐTC
-
Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim -
Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ -
Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình -
Ghi chú tín lý về một số vấn đề liên quan đến việc tham gia của người Công giáo vào đời sống chính trị -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 52. Khát vọng của tâm hồn -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 51. Đừng tham lam -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 50. Nghệ thuật, chân lý và cái đẹp -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 48. Sự trung thực -
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 47. Trách nhiệm đối với tạo thành
bài liên quan đọc nhiều
- Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ
-
Khái quát giáo huấn của Hội Thánh về Ba Ngôi Thiên Chúa -
Chân dung Satan -
ĐHY Koch chính thức trả lời các khiếu nại của lãnh đạo Do Thái về bài giáo lý của ĐTC -
Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim -
Những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân? -
Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình -
Tuyên bố của Bộ Giáo lý đức Tin về vạ tuyệt thông dành cho bốn giáo sĩ Ukraina -
Thánh Thể trong Thần Học và Linh Đạo của Thánh Phaolô -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Bài giáo lý về Hội Thánh (1) - Thiên Chúa thiết lập một Dân