Bất đồng về đối thoại với Trung Quốc

Bất đồng về đối thoại với Trung Quốc

Tòa Thánh nên mở các kênh liên lạc thân thiện và không chính thức với các giám mục ở Trung Quốc. Hai nhà quan sát kỳ cựu về Giáo hội Trung Quốc bất đồng với nhau về cách thức đối thoại giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh sau vụ phong chức bất hợp pháp ở Thành Đức hồi tháng 11 và Đại hội đại biểu Công giáo toàn quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Cả hai sự kiện này đều bị Vatican lên án.

Linh mục người Bỉ Jeroom Heyndrickx nghĩ không nên ngăn cản chính sách đối thoại lâu dài vì đây là “nghĩa cử khoan hồng và mang tính lịch sử” được Đức Thánh Cha Phaolô VI xúc tiến từ năm 1970.

Ngài kêu gọi Tòa Thánh nên mở kênh liên lạc thân thiện và không chính thức với các giám mục tại Trung Quốc để hiểu được quan điểm của các ngài về tình hình sau vụ Thành Đức vì hiểu lầm thường xảy ra do thiếu thông tin.

Các giám mục Trung Quốc đại lục rất hào hứng về cơ hội phát triển Giáo hội tại Trung Quốc và sẵn sàng tận dụng nhiều cơ hội để truyền giáo tại Trung Quốc, theo cha Heyndrickz, giám đốc Viện Ferdinand Verbiest tại đại học Công giáo Leuven ở Bỉ.

Tòa Thánh nên cố gắng tìm hiểu các giám mục đại lục “trước khi trả lời các câu hỏi như có nên trừng phạt một người nào đó hay không, nên trừng phạt ai và trừng phạt như thế nào”, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy mức độ đối thoại này bên trong Giáo hội chưa thỏa đáng.

Tuy nhiên, mặc dù đồng ý cần có đối thoại và thỏa hiệp nhưng Đức Hồng y Joseph Zen Ze-kiun ở Hồng Kông nhận thấy “đã đến lúc phải dừng lại” vì Tòa Thánh “đã đi đến mức không thể thỏa hiệp được nữa”.

Ngài nói các tín hữu tại Trung Quốc đang chờ việc làm rõ Giáo hội sẽ như thế nào sau những vụ việc này nhưng chỉ vô ích mà thôi.

“Chúng ta không thể từ bỏ các nguyên tắc đức tin của chúng ta và kỷ luật căn bản của Giáo hội chỉ để làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh” – Đức Hồng y nói.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top