Bê-lem và hoạt động du lịch trong mùa Giáng Sinh

Bê-lem và hoạt động du lịch trong mùa Giáng Sinh

BÊ-LEM [National Catholic Register, CNS 15/12/2010] - Với 5 khách sạn mới đang được xây cất, một loạt những cửa hàng bán đồ kỷ niệm vừa mới mở cửa và khoảng 40 tiệm ăn có thể phục vụ từ 100 đến 1.000 thực khách, kinh tế của thành phố Bê-lem cho thấy những dấu hiệu phục hồi sau nhiều năm suy thoái vì cuộc nổi dậy của người Palestine.

Ðây là lần đầu tiên trong nhiều năm, các chủ tiệm buôn và những người làm việc trong kỹ nghệ du lịch tại nơi Chúa Giêsu sinh ra đã tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào nền kinh tế của Bê-lem. Ðối với phần lớn, 2010 là năm khả quan nhất trong một thập niên vừa qua.

Vào giữa tháng 12 năm 2010, bên ngoài nhà thờ Giáng sinh, một nhóm hành hương người Nigeria đang chụp hình, trong khi đó khách hành hương người Nga đang đi vào nhà thờ cổ xuyên qua một lối đi nhỏ. Bên trong, nhiều nhóm khác chờ đợi tại bậc thang dẫn vào hang động tương truyền là nơi Chúa Giêsu đã giáng sinh.

Cha Filiberto Barrera, người cầm đầu một phái đoàn hành hương người California và Mehico, nói: "Ðược đến Bê-lem luôn luôn là một cảm nghiệm phi thường". Vị linh mục này đề cao việc giữ an ninh của cảnh sát bên ngoài hang động. Ngài nói cảm thấy rất an toàn khi vào nhà thờ Giáng Sinh.

Nhưng hàng người đứng xếp hàng chờ vào bên trong nhà thờ trước Lễ Giáng Sinh xem ra không nhiều bằng dạo tháng 11 năm 2010. Tháng 11 vẫn là cao điểm của các cuộc hành hương và du lịch. Có khi khách hành hương phải xếp hàng và chờ đến 2 giờ đồng hồ bên ngoài ngôi thánh đường lịch sử này.

Khaled Omar, một người làm việc trong kỹ nghệ du lịch từ 33 năm nay nhìn nhận rằng năm 2010 là một năm tốt nhất cho ngành du lịch tại Bê-lem.

Ông Samir Hazboun, chủ tịch Phòng thương mại Bê-lem cho biết sẽ có khoảng 10 ngàn khách hành hương và du lịch đến Bê-lem trong mùa Giáng Sinh năm 2010. Ông nói rằng các khách sạn tại khu "Tam Giác" Bê-lem, với khoảng 2.700 phòng, không còn chỗ trống.

Nhà thờ thánh nữ Catarina, là nơi có cử hành Thánh lễ Ðêm Giáng Sinh, có thể chứa tối đa 2.000 người. Ông Hazboun nói rằng hầu hết khách hành hương sẽ nghỉ đêm tại nhà các cư dân địa phương và mừng lễ bên ngoài nhà thờ tại quảng trường Máng cỏ.

Ông nói rằng đây là một dấu hiệu tốt cho vùng này.

Chủ tịch phòng thương mại Bê-lem cho biết tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đi nhiều kể từ khi cuộc nổi dậy lần thứ hai của người Palestine thường được gọi là "Intifada" chấm dứt hồi năm 2005. Lúc đó có đến 45% dân chúng trong vùng thất nghiệp. Ngày nay, nhờ việc chính phủ giảm thuế khiến người Palestine gia tăng đầu tư vào Bê-lem cho nên tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống một nửa.

Phó thị trưởng Bê-lem, ông George Saadeh, tin rằng sở dĩ con số khách hành hương và du khách đổ xô về đây là nhờ tình trạng an ninh "rất tốt". Nhưng đứng nhìn bức tường do Israel dựng lên và một trạm kiểm soát trong vùng, ông Saadeh nói rằng mọi sự vẫn chưa được "hoàn hảo". Ông nhìn nhận rằng mặc dù luật pháp và trật tự được tôn trọng, nhưng vẫn còn nhiều điều "chưa ổn". Ông cho biết: cảnh sát Palestine không được phép mang đồng phục trong một số vùng. Còn phía Israel thì lại không thực sự muốn làm những gì cần phải làm.

Phó thị trưởng Bê-lem hy vọng rằng khi số thống kê về du lịch năm 2010 kết thúc, con số du khách đến Bê-lem có thể lên đến 1,5 triệu người mỗi năm.

Theo thống kê của Bộ Du lịch, Israel dự tính có khoảng 2,5 triệu khách hành hương Kitô viếng thăm Israel trong năm 2010. Con số này gấp đôi so với năm 2009. Trong một thông cáo báo chí, Bộ Du lịch Israel nói rằng phần lớn khách hành hương Kitô cũng viếng thăm Bê-lem.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, những người Palestine hoạt động trong kỹ nghệ du lịch than phiền rằng phần lớn khách hành hương chỉ dừng chân tại Bê-lem. Họ chỉ viếng thăm chớp nhoáng nhà thờ Giáng sinh, mua một ít đồ kỷ niệm, vào các tiệm ăn rồi ra đi chứ không ở lại. Việc dừng chân ngắn ngủi của khách hành hương như thế đã không giúp nhiều cho các tiệm buôn và tiệm ăn nhỏ tại Bê-lem.

Người dân Palestine cũng không mấy hài lòng về việc chính phủ Israel đòi buộc các du khách phải đi vào Bê-lem xuyên qua trạm kiểm soát chính của Israel tại cửa ngõ của thành phố. Quy định này khiến cho du khách không thể đi qua thành phố Beit Jalla và vào Bê-lem xuyên qua con đường "Ngôi sao" lịch sử trong thành phố cổ. Ðây là một mất mát lớn cho người Palestine. Từ năm 2000 đến năm 2005, vì số du khách đi qua con đường này để đến nhà thờ Giáng Sinh giảm sút, cho nên nhiều tiệm buôn bị buộc phải đóng cửa.

Ngoài ra, phát ngôn viên của Phòng hành chính Israel còn cho biết: kể từ ngày Chúa nhật 19 tháng 12 năm 2010, hàng chục ngàn tín hữu Kitô địa phương sẽ được cấp giấy phép đi lại trong mùa Giáng Sinh có giá trị trong vòng một tháng. Giấy phép này cho phép họ được đi xuyên qua trạm kiểm soát để ra vào Bê-lem và thăm viếng bạn bè bà con trong các thành phố khác.

Phòng hành chính Israel cũng nói rằng bất cứ ai xin phép, kể cả các tín hữu Kitô Palestine trong Dải Gaza, cũng đều có thể được cấp giấy phép.

Hàng trăm người Palestine đang chờ đợi được cấp giấy phép để đi ngoại quốc cũng có thể sử dụng phi trường quốc tế Ben Gurion gần Tel Avis thay vì đi bằng đường bộ qua Amman, Jordan.

Các viên chức Isral cũng dự định cho phép khoảng 200 tín hữu Kitô Palestine đang sống tại các nước Ả rập có thể đến thăm gia đình tại Israel sau khi xin được giấy phép có giá trị một tháng.

CV.
(Nguồn: CNS / RVA)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top