Bế mạc năm Linh Mục, linh mục được mời gọi đến với Bí tích Hòa Giải

Bế mạc năm Linh Mục, linh mục được mời gọi đến với Bí tích Hòa Giải

Đức Hồng y nói sự sa sút của Bí tích này là thảm kịch của thế kỷ 20

WGPSG/ZENIT -- Rôma ngày 10.6.2010 . – Ngày đầu tiên của cuộc họp quốc tế đông linh mục nhất trong lịch sử, đã được đánh dấu bằng lời mời gọi hoán cải và nhu cầu đến với bí tích giao hòa với Thiên Chúa.

Nói chuyện với 10.000 linh mục đã đến Thánh đô Muôn thuở này hôm thứ Tư để tham dự lễ bế mạc Năm Linh mục, Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục giáo phận Cologne khẳng định: giống như “Giáo hội phải luôn được canh tân”, các giám mục và linh mục cũng “phải luôn được đổi mới”.

Trong bài suy niệm sáng hôm thứ Tư, trước khi cử hành thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, Đức Hồng y Joachim cho rằng, như Thánh Phaolô trên đường đến Đa-mát, “linh mục cũng phải ngã ngựa, để rơi vào vòng tay của Thiên Chúa xót thương.”

Ngài nhấn mạnh, “Trong mục vụ, việc chỉ chấn chỉnh cơ cấu, để làm cho Hội Thánh cuốn hút hơn là chưa đủ. Không đủ! Điều đang thiếu là một sự thay đổi trong tâm hồn, thay đổi ngay chính tâm hồn tôi.”

Đức Hồng y nêu rõ ngay lúc đầu cuộc họp quốc tế về linh mục, do Đức Giáo hoàng Bênêdictô 16 triệu tập và Thánh bộ Giáo sĩ tại Vatican tổ chức: “Không phải kỹ sư của một Giáo hội cơ cấu, mà một Phaolô hoán cải, mới có thể thay đổi thế giới.”

Nghi thức bế mạc – mọi linh mục trên thế giới đều được mời tham dự - kết thúc vào ngày thứ Sáu, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cao điểm là Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô, ước tính có 15.000 linh mục tham dự.

Giải tội hoặc xưng tội

Đức Hồng y Meisner nói: “một trong những mất mát bi đát nhất” mà Hội Thánh chịu đựng trong hậu bán thế kỷ 20 là “thiếu vắng Chúa Thánh Thần trong bí tích Giao Hòa.”

Ngài cho rằng: việc ít lãnh nhận bí tích này “là nguồn gốc của nhiều việc xấu xa trong đời sống Giáo Hội và trong đời sống linh mục”. “Khi các Kitô hữu hỏi tôi: "Chúng con giúp đỡ các linh mục bằng cách nào?", tôi luôn trả lời: “Hãy đi xưng tội với các linh mục.”

Theo Hồng y người Đức này, “khi một linh mục không còn ngồi giải tội, họ sẽ trở thành một nhân viên xã hội làm việc tôn giáo” và “rơi vào cơn khủng hoảng căn tính nghiêm trọng.”

Đức Hồng y tuyên bố: “Một linh mục, không thấy ngồi toà giải tội hay đi xưng tội thường xuyên, tâm hồn và sứ vụ sẽ thường xuyên bị thương tổn”. “Tòa giải tội, có linh mục ở đó, trong một nhà thờ vắng vẻ, là một dấu chỉ quan trọng nhất về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng luôn chờ đợi.”

Khẳng định tình yêu của Thiên Chúa

Đức Hồng y nói tiếp: Trong tòa giải tội, “vị linh mục có thể thoáng nhìn vào tâm hồn của nhiều người, và từ đó ngài được thôi thúc, khích lệ và khao khát bước theo Đức Kitô. ĐHY nói: Bí tích Hòa Giải, “cho phép chúng ta bước vào cuộc sống liên lỉ nghĩ đến Chúa”. “Đi xưng tội là bắt đầu tin trở lại, và đồng thời khám phá ra rằng, cho tới bây giờ chúng ta chưa tín thác vào Chúa cho đủ và do đó, chúng ta phải xin ơn tha thứ.”

Đức Hồng y Meisner nhận định, “sự trưởng thành về mặt thiêng liêng của một ứng viên linh mục phải thể hiện rõ nét qua việc đón nhận đều đặn bí tích Hòa Giải – ít nhất một tháng một lần.”

Thật vậy, ĐHY kết luận, qua bí tích này, người ta nhận ra “Người Cha giàu lòng thương xót với những món quà quý giá nhất, đó là sự tận tình, ơn tha thứ và ân sủng của Ngài."

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top