Bình an, hoà bình
Người ta nói: Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình, giải Nobel Hoà Bình..., chứ không nói: Uỷ Ban Công Lý và Bình An, giải Nobel Bình An... Ngược lại, nói: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”; chứ không nói: “Hoà bình của Chúa ở cùng anh chị em”, “Anh chị em hãy chúc hoà bình cho nhau”. Vậy hoà bình và bình an trong tiếng Việt có gì khác biệt nhau?
1. Nghĩa của peace, an, bình, hoà
1.1. Peace. Chữ này đến từ chữ Latin pax, nghĩa là được giải thoát khỏi xáo trộn nhân sự. Từ năm 1300, dùng để chào hỏi nhau theo nghĩa shalom của Hipri, vốn có nhiều nghĩa: an toàn, phúc lợi, sự thịnh vượng, an ninh, tài sản, thân thiện. Chữ này cũng mô tả mối quan hệ tôn trọng, công bằng và thiện chí với người khác. Thuật từ này về sau được hiểu là bình an trong tâm hồn, cũng có nghĩa là yên tĩnh. Cho nên peace: (dt.) (1) Quốc gia không có chiến tranh. (2) Hiệp ước chấm dứt chiến tranh. (3) Quốc gia không có xung đột. (4) Giữ được trật tự trong nước. (5) Không có xáo trộn về tinh thần. (6) Trạng thái thanh thản. (7) Chết: The old lady is at peace now (Bà già bây giờ chết rồi). (đt.) (8) Giữ im lặng. (9) Hoà giải với. (10) Chấm dứt hận thù.
1.2. An: Có 9 chữ Hán: 安, 鞍, 鞌, 殷, 媕, 氨, 銨, 铵, 桉. Trong trường hợp này là chữ安, nghĩa là: (tt.) I. Yên, yên ổn, định: (1) Yên: bất an, bình an, bảo an; (2) Yên ổn: An ninh; (3) Ðịnh, không miễn cưỡng gì: An cư lạc nghiệp (ở yên vui với việc làm). (đt.) II. Làm cho yên, để cho yên, gán cho, đặt cho, (4) Làm cho yên: an thai, an thần, an vị, an phủ (phủ dụ cho yên); (5) Ðể yên: an trí (để yên một chỗ); (6) Gán cho: an tội danh. (7) Đặt tên: An danh. dt. III. Tên gọi; (8) Tên nước ta đời xưa: An-nam; (9) Địa danh: An Giang; (10) Họ An; (11) Do phiên âm: Máy đo đơn vị cường độ dòng điện: An kế (Ampere meter); (pht.) IV. Trợ từ: (12) Nghĩa là “sao vậy”: Nhi kim an tại (mà nay còn đâu )?
1.3. Bình: có 23 chữ Hán: 平, 萍, 蓱, 瓶, 甁, 缾, 屏, 屛, 偋, 幈, 坪, 帲, 帡, 枰, 評, (评), 輧, 伻, 枰, 洴, 軿, 鮃, 鲆, 枅. Trong trường hợp này là chữ 平, nghĩa là: (tt.) I. Bằng (bằng phẳng, bằng nhau, ngang đều, ngang sức, phẳng, sòng phẳng): (1) Bằng phẳng: bình diện, bình địa, bất bình, thuỷ bình (nước phẳng); (2) Bằng nhau: bình đẳng; (3) Ngang đều: bình hành, công bình, quân bình; (4) Ngang sức: bình thủ (đối thủ ngang sức); (5) Phẳng, phẳng phiu, phẳng lỳ: địa diện ngận bình (mặt đất rất phẳng); tượng thuỷ nhất dạng bình (phẳng như mặt nước); (6) Sòng phẳng: bình phân. II. Đều, thường, vừa phải, ít thay đổi: (7) Đều bằng nhau, ngang nhau, hoà nhau, công bằng: trì bình chi luận (lập luận công bằng); nhất oản thuỷ đoan bình (ngang nhau bát nước đầy); song phương đã thành nhất bình (雙方打成一平: hai bên hoà nhau 1-1, hai đội hoà 1 đều); (8) Thường: bình thường, bình dân, bình dị, bình nhật (ngày thường), bình sinh (lúc sống trên đời, cả đời, từ trước đến nay); (9) Vừa phải: trung bình; (10) Ít thay đổi: bình bình (thường thường, không có gì đáng chú ý). III. Yên ổn, yên lặng vô sự: (11) Yên ổn, không có chiến tranh, trái với chiến: thời bình, hoà bình, thái bình, thanh bình; (12) Yên lặng, vô sự: bình an, bình lặng, bình ổn, bình tâm. (đt.) IV. Dẹp (loạn), đè ép (cho yên), nén, san (làm cho bằng), giảng hoà: (13) Dẹp yên, dẹp loạn: bình định, bình trị. bình thiên hạ, trị bình; (14) Đè ép: oán khí nan bình (oán giận không đè ép được); (15) Nén, nén xuống, đè xuống: bình nộ (nén giận); (16) San, san bằng, san phẳng: bình chỉnh thổ địa (san đất); bình thủ hảo khiêu (san đều dễ gánh); (17) Giảng hoà: Tống nhân cập Sở nhân bình (Người Tống và người Sở giảng hoà). (dt.) V. Tên gọi: (18) Tên gọi khác của Bắc Kinh: Bắc Bình; (19) Họ Bình; (20) Thanh bình (bằng), trái với trắc: Luật bằng trắc (平仄律); (21) Một trong tứ thinh: Bình, thượng, khứ, nhập (平上去入); (22) Thứ hạng bình (khá: trên thứ, dưới ưu trong hệ thống điểm ngày trước); (23) Cái mẫu nặng nhẹ trong phép cân. Tục dùng như chữ xứng (秤: cái cân): Thiên bình (cân tiểu ly); (24) Bình minh (hừng đông).
1.4. Hoà: Có 4 chữ Hán: 和, 龢, 咊, 禾. Trong trường hợp này là chữ和, nghĩa là: (dt.) (1) Êm ái, yên ổn: hoà ái, hoà hợp, dung hoà, thuận hoà, trung hoà; (2) Kết thúc chiến tranh, không tranh chấp: hoà bình, hoà hảo, hoà nghị , hoà ước; (tt.) (3) Không phân thắng bại: huề, hoà cả làng, xử hoà; (4) Không trái với ai, không có mâu thuẫn, xung đột: hoà giải, giảng hoà, hoà khí; (5) Ấm: phong hoà nhật lệ (gió ấm trời đẹp); (6) Vui: chính thông nhân hoà (chánh trị thông đạt nhân dân vui hoà); (đt.) (7) Làm cho đều hoặc bằng nhau: hoà giá (làm cho giá đồng đều); (8) Làm tan ra trong chất lỏng: hoà mực vào nước, hoà dược (hoà thuốc); (9) Làm lẩn vào nhau đến mức không có sự phân biệt: mồ hôi hoà nước mắt; (10) Làm lành với nhau: hoà hảo như sơ (làm lành như trước); (11) Cộng lại: tổng hoà (tất cả cộng lại); (12) Nhận chúng vào: Hoà âm, hoà tấu; (dt.) (13) Nước Nhật Bản: Hoà Quốc; (14) Áo kinomo của phụ nữ Nhật: Hoà phục; (15) Họ Hoà; (16) Phép cộng, tổng, tổng số: Ngũ hoà ngũ như thập: (Tổng của 5 và 5 là 10); (17) Cái chuông xe; (18) Tấm ván đầu áo quan: tiền hoà (hoà đầu); (19) Phật tăng cấp cao nhất: hoà thượng (dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là chính ông thầy dạy mình tu học); (20) Chắp tay làm lễ: hoà nam (dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là dốc lòng kính lễ); (21) Một âm là hoạ: hoạ lại, xướng hoạ, phụ hoạ. (lt.) (22) Cùng, và, với, luôn cả: ngã hoà nễ (tôi và anh), hoà y di miên (đi ngủ cùng với bộ áo đang mặc).
Nghĩa Nôm: (1) Đều: vẹn cả hoà hai; (2) Mà (chữ cũ): để hoà nối dõi tông đường.
2. Nghĩa của bình an, hoà bình
2.1. Bình an có thể hiểu theo hai phương diện, bên ngoài không có gì xảy ra, bên trong tâm hồn được bình thản, không lo lắng. Nên bình an là: (1) Không có sự cố, không có nguy hiểm (safe and sound; without mishap; well): bình an vô sự. (2) Yên bình: Đông Hải hà nhật bình an (Biển Đông ngày nào được yên ổn). (3) Tâm tình an tịnh (quiet and stable).
Theo nghĩa Công Giáo: Bình an là tình trạng tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ. Bình an là một hồng ân của Chúa ban như là hoa quả của đức cậy và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.
2.2. Hoà bình thường chỉ trạng thái không có chiến tranh hay hành vi bạo lực thù ghét, có khi cũng chỉ con người không khích động. Hoà bình có thể là tự phát, nhưng cũng có thể là do cưỡng chế, như dùng sức mạnh cưỡng chế những hành vị bạo loạn. Nên hoà bình có nghĩa: (1) An ninh. (2) Không có trạng thái chiến tranh. (3) Ôn hoà: Dược tính hoà bình (chất thuốc ôn hoà).
Thuật từ này chủ yếu liên hệ đến tình hình bên ngoài.
Theo nghĩa Công Giáo: “Hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh và không chỉ giới hạn ở việc giữ thế quân bình giữa các lực lượng đối lập. Thế giới chỉ có hoà bình khi tài sản của con người được bảo vệ, con người được tự do giao lưu, phẩm giá của con người và của các dân tộc được tôn trọng, tình huynh đệ được thực thi. Hoà bình là ‘ổn định trong trật tự’ (Thánh Augustin, Civ. 19, 13), là công trình của công lý (x. Is 32, 17) và hoa quả của đức ái (x. GS 78, 1-2)” (GLGHCG số 2304).
3. Bức họa bình an
Chuyện kể rằng: Vị vua kia tìm kiếm một bức tranh minh hoạ sự bình an, có hai bức tranh được chọn vào chung kết.Một bức vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.Còn bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Bầu trời bên trên đang giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác cuồn cuộn, nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào! Nhưng khi ngắm kỹ hơn, ta sẽ thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ, mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó - giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ - con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình... Bình an thật sự!
“Ta chấm bức tranh này! - Nhà vua công bố - Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình an”.
4. Nhận xét
4.1 Một người ăn ở đúng thân phận mình, đi đúng con đường của mình, không cư ngụ sai trật nơi chốn, không gây hỗn loạn, người Việt gọi là “yên” (từ chữ Hán là “an”, nghĩa là ở vào đúng vị trí). Nhưng yên không phải là ở một chỗ, yên là hành động mà không trái với bản tính mình, không làm sai phẩm giá mình, không gây rối loạn và thương tổn đến kẻ khác. Nên chữ yên còn nối kết thêm chữ “lành”. Lành là tốt, là thiện, nhưng chỉ tốt khi ở trong sự thật, tức là yên. Do đó, người Việt hiểu từ “bình an” gần với từ “yên lành” (an hảo).
Tiếng Việt còn có hai chữ thuận-hoà. Nói đến “thuận hoà”, ta ý thức được ngay về sự hiện hữu của kẻ khác. Kẻ trước mặt buộc mình phải nhìn nhận và tôn trọng. Thuận hoà không phải đường ai nấy đi, nhưng cùng đi trong sự tôn trọng lẫn nhau, để mỗi người một vẻ tạo thành sự nhịp nhàng. Lấy thí dụ của bản nhạc: Một âm thanh không làm nên bản nhạc, nhưng ở trong cương vị của một nốt nhạc nằm đúng vị trí của mình, và phải phối hợp với các nốt khác trong toàn bản nhạc. Tương quan đó gọi là hoà. Nho học cũng lấy hình ảnh âm nhạc để nói đến sự hoàn thành đạo làm người: Thành ư nhạc [2]. Do đó, người Việt hiểu từ “hoà bình” gần với từ “thuận hoà”.
Nếu bình an, yên lành nói lên tình trạng, phẩm chất của một cá nhân, một bản tính; thì hoà bình, thuận hoà lại gợi lên những tương quan: thuận với Trời, hoà với người. Nói cách khác, khái niệm bình an hướng về là một trạng thái bên trong của chủ thể nhiều hơn, còn khái niệm hoà bình hướng về một hoàn cảnh, môi trường bên ngoài liên chủ thể mạnh hơn.
4.2 Thuật từ bình an không hoàn toàn đồng nghĩa với hoà bình. Có khi có chiến tranh, người ta không làm gì sai trái, tâm hồn vẫn cảm thấy bình an. Lúc không có chiến tranh, nhưng an ninh xã hội không được bảo đảm, người ta ngủ cũng không cảm thấy bình an.
Kinh Nguyện Thánh Thể III có câu: “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin Của Lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới.” Sách Lễ tiếng Hoa dịch là “đem lại hoà bình và ơn cứu độ”. Peace hay pax, trong câu này là bình an hay hoà bình? Theo chúng tôi, “peace” ở đây liên quan tới câu Phúc Âm Gioan 14,27 mà bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch rất đúng là “bình an” [3].
4.3 Với 3 chữ an, bình và hoà, tiếng Việt chúng ta có 6 từ: an bình, an hoà, bình an, bình hoà, hoà an và hoà bình. Trong đó 2 từ: Bình hoà và hoà an thường được dùng như địa danh mà thôi. An bình và bình an thì đồng nghĩa với nhau. Bình an là tiếng Hán Việt, còn an bình là tiếng Nôm giả tá (tức là lấy nguyên âm Hán Việt, hiểu theo nghĩa của chữ Hán).
An hoà: “Việt Anh Phật Học Tự Điển” của Thiện Phúc (2008) có dịch từ an hoà là peace. Các từ điển Việt Nam không có từ này. Nhưng từ “an hoà” được sử dụng rất phổ biến để nói về một cuộc sống bình an và hoà thuận, yên ổn và hạnh phúc...“Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hoà” (Hải Linh, Hang Bêlem). Nên chăng dùng từ “an hoà” bao hàm cả hai nghĩa an bình và hoà bình?
5. Kết luận
Ngôn ngữ ta rất phong phú, chính vì phong phú, lại gây khó khăn trong việc dịch thuật. Chữ pax, bên Tây chỉ cần nhắm mắt dịch peace là xong, nhưng bên ta thì còn phải tìm hiểu ý nghĩa của cả câu, “bình an” hay “hoà bình”, còn phải tuỳ thuộc vào mạch văn, cần được nghiên cứu cẩn thận.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh