Bình luận về Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2012

Bình luận về Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2012

WGPSG -- Chúa Nhật Truyền Giáo là ngày mà mọi cộng đoàn và mọi tổ chức Công Giáo trên toàn thế giới hiệp ý với Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và hứa dành cho họ sự hợp tác và nâng đỡ thực sự bằng các đóng góp cụ thể. Đây là ngày chúng ta mừng tình thương đặc biệt của Thiên Chúa được biểu hiện trong và qua cộng đoàn, bằng tình tương thân tương ái và sự quan tâm của chúng ta đối với nhau. Chúng ta làm chứng về điều này bằng chính tình liên đới và các mối quan hệ với nhau trong cộng đoàn và giữa các cộng đoàn. Chúng ta làm chứng cho sự hoàn thành và niềm vui khi chúng ta “đến với toàn thế giới để loan truyền Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16:15).

Việc mừng Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo (21 tháng 10) năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt vì nó trùng hợp với ba sự kiện quan trọng. Kỷ niệm năm thứ 50 ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II, cuộc triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề Tân Phúc Âm hoá và ngày khai mạc Năm Đức Tin. Các sự kiện này sẽ giúp chúng ta nhận định rõ về đức tin của mình và có cặp mắt luôn luôn mới mẻ để nhận ra những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Các sự kiện ấy sẽ giúp chúng ta, “Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành” (LG 68) mà “tự bản chất” là truyền giáo và được “Chúa Thánh Thần dẫn dắt” (GS 1).

Hôm nay, khi chúng ta bắt đầu một Năm Đức Tin, cuộc lữ hành này vẫn đang tiếp tục và các sự kiện này sẽ góp phần xác nhận lại ước muốn liên tục của Hội Thánh là dấn thân một cách ngày càng can đảm và nhiệt tình hơn trong việc truyền giáo hầu đem Tin Mừng tới tận cùng trái đất. Tiếng gọi truyền giáo ad gentes cho muôn dân đã làm thay đổi nhận thức của Giáo Hội địa phương về chính mình, và trong Sứ Điệp Chúa Nhật Truyền Giáo của ngài, Đức Thánh Cha nói rằng nó phải trở thành viễn tượng và mô hình thường xuyên cho hoạt động mục vụ của chúng ta. Hôm nay, nhiều người Công Giáo tham gia tiếng gọi truyền giáo này và có một sự ý thức lớn hơn về ý nghĩa của việc một cộng đoàn Kitô giáo là gì trong thế giới toàn cầu hoá của chúng ta hôm nay. Họ đã trở nên nhạy cảm hơn với cuộc lữ hành của chính nhân loại và họ được khuyến khích tìm ra những cách thức mới mẻ để làm cho sứ điệp Tin Mừng trở nên có ý nghĩa. Tới đây, tôi xin chia sẻ với các bạn ba tư tưởng về Sứ Điệp Chúa Nhật Truyền Giáo.

1. Truyền giáo là mọi người chúng ta góp phần tích cực và sáng tạo của mình trong đời sống Hội Thánh

Mục đích của Hội Thánh bắt nguồn từ việc truyền giáo, và chúng ta được kêu gọi làm chứng cho mục đích này. Truyền giáo là cột trụ chính của kinh nghiệm của chúng ta về Hội Thánh, và cổ võ truyền giáo là việc làm thiết yếu để chúng ta hiểu thực sự mình là gì trong tư cách môn đệ của Chúa Giêsu. Trước Công đồng Vaticanô II, việc truyền giáo này được uỷ thác cho các dòng tu và các tu hội, là những người thực thi nhiệm vụ tiền tuyến của sứ mạng truyền giáo. Sau Công đồng, nhiệm vụ này đã trở thành cam kết dấn thân của toàn thể Dân Chúa bởi vì, nhờ bí tích Rửa Tội và ơn Chúa Thánh Thần, mọi người đều được kêu gọi đóng một vai trò tích cực trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Vaticanô II đã đem đến một ý thức mới về cách chúng ta hiểu về sứ mạng với việc nhấn mạnh rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc, kiểu mẫu và mục tiêu của sứ mạng. Qua những suy tư này, Hội Thánh tái khám phá trách nhiệm truyền giáo của mình như là tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và mọi tín hữu được mời gọi ý thức hơn về sự tham dự của họ vào sứ mạng này. Sứ Điệp Truyền Giáo năm nay rất rõ rệt và nói rằng truyền giáo: “không phải là một đóng góp tuỳ ý cho Hội Thánh.” Truyền giáo là chính tâm điểm sự hiện hữu và niềm tin của Hội Thánh vào Thiên Chúa, “là ân huệ được ban để chúng ta chia sẻ cho người khác; nó là đồng bạc chúng ta nhận lãnh để sinh lời; nó là ánh sáng không được giấu kín, nhưng phải soi sáng cho cả nhà” (Sứ Điệp Truyền Giáo 2012).

Công đồng Vaticanô II và các văn kiện sau Công đồng giúp chúng ta tái khám phá trách nhiệm tuyệt vời của tất cả chúng ta trong việc tham gia vào sứ mạng này và được hiểu như là một hoạt động của Hội Thánh liên quan đến các môi trường khác nhau nơi mà Đức Kitô và Tin Mừng chưa được người ta biết đến và các cộng đoàn Kitô hữu chưa đủ trưởng thành. Hội Thánh hiện hữu để loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng mọi nơi và mọi lúc cho tất cả những người thiện tâm thiện chí. Sứ mạng vẫn là một, cũng như Đức Giêsu vẫn là một, “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13:8). Nhờ các người truyền giáo của mình, Hội Thánh ra đi đến mọi góc cùng trái đất để cùng với các dân tộc đi tìm ý nghĩa đích thực của lịch sử họ và cắt nghĩa cho họ vận mệnh cuối cùng của họ và dẫn họ tới ơn cứu độ trong Nước Thiên Chúa (AG 11). Bằng việc tham dự vào sứ mạng phổ quát này, trong tư cách một cộng đoàn, chúng ta kết bạn với toàn thể nhân loại và ý thức được ơn gọi Phép Rửa của mình, chúng ta tích cực tham gia và, “giống như Thánh Phaolô, chúng ta phải để tâm tới những người ở xa, những người chưa biết Đức Kitô hay chưa cảm nghiệm được tình phụ tử của Thiên Chúa.” (Sứ Điệp 2012). Sứ Điệp kêu gọi chúng ta phát huy ơn đức tin này của mình và chia sẻ cho người khác. Muốn được thế, cần phải thay đổi các thái độ, và Đức Thánh Cha thậm chí khuyến khích một sự thay đổi quan niệm để có một sự canh tân sâu xa hơn hầu tái sinh động hoạt động mục vụ của chúng ta như Tài Liệu Làm Việc cho Thượng Hội Đồng Giám Mục đề nghị.

2. Truyền giáo cho muôn dân “phải là viễn tượng và mô hình thường xuyên của mọi nỗ lực của Hội Thánh

Trong Sứ Điệp năm 2009, Đức Thánh Cha đã viết rằng, “sứ mạng hoàn vũ phải trở thành một hằng tố cơ bản trong đời sống Hội Thánh” và năm nay ngài nói nó mang tầm quan trọng của một mầm mống phát sinh hoa trái: “Ngày nay cũng vậy, việc truyền giáo cho muôn dân (ad gentes) phải là viễn tượng và mô hình thường xuyên của mọi nỗ lực của Hội Thánh, vì căn tính của chính Hội Thánh được cấu tạo bởi đức tin vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải nơi Đức Kitô để đem ơn cứu độ đến cho chúng ta, và bởi sứ mạng làm chứng và rao giảng về Người cho thế giới cho tới khi Người đến.” (Sứ Điệp 2012). Chúng ta được khích lệ học hỏi từ kinh nghiệm hiểu biết của chúng ta về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, để thấy được bằng cách nào nó có thể trở thành “viễn tượng và mô hình thường xuyên” trong các nỗ lực Hội Thánh của chính chúng ta như thế nào. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là chúng ta chia sẻ cho nhau các câu truyện để nâng đỡ và khích lệ lẫn nhau.

Mới đây tôi có đọc ở đâu đó câu truyện về việc 22 thừa tác viên giáo dân đầu tiên được cử đến dự một lễ an táng tại Tổng Giáo Phận Liverpool và câu truyện kể rằng Tổng Giám Mục Kelly đã đoan chắc với hội (thừa tác viên giáo dân) này rằng các thừa tác viên giáo dân này sẽ nhận được sự nâng đỡ và đào tạo liên tục để bảo đảm việc phục vụ họ cống hiến có “chất lượng cao nhất”. Từ phía bán cầu bên kia, tôi cũng được nhắc nhớ đến sự kiện người giáo lý viên khiêm tốn bị sát hại đang khi thi hành nhiệm vụ thừa tác viên giáo dân tại Tổng Giáo Phận Gulu ở miền Bắc Uganda vào thập niên 1990 khi cuộc nội chiến tại đây đang ở đỉnh điểm. Ông Mariano Omony là một trong rất nhiều người đã dũng cảm loan báo niềm hi vọng và hoạt động cho hoà bình trong một thời kỳ mà hàng ngàn người bị giết và nhiều linh mục bị bắt giữ. Câu truyện về sự hăng say của ông chắc chắn có thể soi sáng cho chúng ta và kinh nghiệm của ông về lòng trung thành có thể tạo thêm sức mạnh cho chúng ta, và hi vọng rằng các câu truyện như thế thậm chí có thể trở thành một nội dung thiết yếu của việc đào luyện trong Hội Thánh địa phương của chúng ta. Các chứng từ như thế từ sự dấn thân và nhiệt tình của cá nhân những người hoạt động trong các hoàn cảnh khó khăn phải chất vấn chúng ta và nêu gương cho chúng ta về cách thức chúng ta có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, bởi vì “việc gặp gỡ Đức Kitô như một con người sống động, Đấng làm thoả mãn cơn khát của lòng người, chắc chắn phải dẫn tới ước muốn chia sẻ với người khác niềm vui của sự hiện diện này và làm cho người ta biết về Người, để mọi người có thể trải nghiệm niềm vui này.” (Sứ Điệp 2012).

Sứ Điệp năm nay nói: “Chúng ta phải khám phá lại cùng một nhiệt tình tông đồ của các cộng đoàn Kitô hữu thời kỳ đầu, những cộng đoàn nhỏ bé và không thể tự vệ, nhưng bằng việc rao giảng và làm chứng, họ đã có thể truyền bá Tin Mừng cho khắp thế giới được biết đến vào thời đó.

Cha Giuse Okumu kể rằng một hôm, ông Mariano đạp xe đạp suốt 45 km đến một giáo xứ lân cận để được xưng tội rồi đem Mình Thánh về làng của mình. Trên đường về nhà, ông bị một số quân nổi loạn chặn lại; họ nghi ngờ chuyện ông đi những đâu, với mục đích gì, tại sao, rồi kết tội ông là làm gián điệp. Mặc dù ông cho họ xem Thánh Giá mà ông đã nhận với nhiệm vụ làm giáo lý viên, họ vẫn đánh đập ông rồi bỏ ông lại với những thương tích trầm trọng. Sau đó một toán lính đi ngang qua và thấy ông ngã gục khi đang lê lết về nhà trên con đường bụi mù. Chỉ những quả tim chai đá nhất mới không động lòng trước hình ảnh một con người tiều tuỵ và cô độc như thế bên vệ đường, nhưng ngay cả đám lính này cũng đấm đá ông và còn cáo buộc ông là một tên phiến quân say rượu. Một tên lính thấy ông mang bình bánh thánh thì nghĩ bụng: “cái này để uống rượu thì tuyệt”, và hắn giật lấy chiếc bình trước sự lo lắng và yếu ớt của ông. Sau khi đổ vung vãi các bánh thánh ra đường, chúng còn đánh đập ông rồi bỏ ông lại nửa sống nửa chết. Khi trở về trại lính dã chiến, tên lính khoe chiếc bình như một chiến lợi phẩm cùng với một giáo lý viên khác đã bị chúng bắt. Người giáo lý viên này, mặc dù trong tình cảnh thiếu an toàn và không được bảo đảm về số phận của chính mình, nhưng đã thách thức họ với tất cả lòng dũng cảm và đức tin không lay chuyển: “Đó là vật của Chúa, không phải của các anh.” Với câu nói đó, ông này cũng bị chúng cho là ‘láo xược’ và suýt bị chúng đánh đập thì đúng lúc đó viên sĩ quan chỉ huy trại nghe biết có chuyện đụng độ và đến để điều tra. Dù sao, viên sĩ quan này cũng là người có hiểu biết, ông ra lệnh lập tức trả lại bình thánh và sai thuộc hạ quay trở lại tìm ông Mariano. Nhưng đã quá trễ, khi họ đến nơi thì ông đã chết rồi. Viên sĩ quan tốt bụng ra lệnh lấy trực thăng quân sự đến đưa thi thể ông tới khu vực của các linh mục. Hôm sau ông Mariano được an táng tại một nghĩa trang với sự chủ tế của Đức Tổng Giám Mục hồi đó cùng với các linh mục và các giáo lý viên đồng nghiệp của ông. Cha Giuse nói, “theo văn hoá và phong tục, lẽ ra thi thể ông phải được an táng tại nơi chôn cất ở quê của ông, nhưng không thể được vì đang có lệnh giới nghiêm”.

Về sau, khi có cơ hội để cải táng ông, vợ ông đã quyết định giữ ông lại tại nơi đã chôn cất ông, vì Mariano đã “ở với gia đình” và bây giờ ông vẫn ở với gia đình mặc dù “dưới một cách thức khác.” Cha Giuse nhớ lại rằng ông “rất đặc biệt”, ông không chỉ chăm lo cho các nhu cầu của những người xung quanh bằng các việc phục vụ tôn giáo, nhưng ông còn hăng hái chăm lo cho những người yếu đau bệnh tật và thường nhìn lên các chuyến xe buýt đi ngang qua làng để xem trên xe có linh mục nào hay không, và nếu may mắn vị linh mục ấy đang đi đến Kampala, ông mời linh mục đến giúp đỡ những người yếu đau. Cha Giuse nói, “Ông là chứng nhân của chúng tôi, và là một trong nhiều giáo lý viên đã cống hiến thời giờ rất quí báu của họ. Họ đi rao giảng bằng chính đời sống của họ và bằng sự cảm thông thực sự đối với mọi người, đặc biệt những người cùng khổ.” Cha còn nói, “Tình yêu của họ đối với cuộc sống và gia đình, tinh thần vui tươi, sự phấn khởi trong việc chia sẻ đời sống đức tin vào Chúa” là chứng tá của họ cho chúng ta, ngay cả hôm nay.

3. Truyền giáo là chúng ta dấn thân cho hoạt động truyền giáo hoàn vũ của Hội Thánh

Thưa các bạn, đây chỉ là một chứng tá mà chúng ta có thể chia sẻ từ hoạt động truyền giáo ad gentes của Hội Thánh, và còn có rất nhiều chứng tá nữa mà chúng ta có thể đưa ra cho Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo trong các ấn phẩm tại đất nước mình. Các câu truyện như thế là một phần của niềm hi vọng dâng trào nơi con tim của các dân tộc Châu Phi và Châu Á, ở đó chúng ta cũng có thể phát hiện ra những kho tàng thiêng liêng vô cùng phong phú. Cha Giuse nghĩ rằng “có thể nhiều người sẽ cảm thấy khó hiều, nhưng chứng tá của ông Marianô mang lại sự sống cho chúng ta trong Hội Thánh.” Là người Kitô hữu theo khuôn mẫu Mariano là một nghĩa vụ phát xuất từ Sứ Điệp Chúa Nhật Truyền Giáo năm nay và các kinh nghiệm đức tin này cần được chia sẻ ngày càng nhiều hơn trong các cộng đoàn của chúng ta, vì “hôm nay cũng như trong quá khứ, Người (Đức Kitô) sai phái chúng ta trên những xa lộ của thế giới để rao giảng Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên mặt đất” (Tông Thư Porta Fidei, số 7).

Truyền giáo hôm nay là đi đến các biên giới văn hoá và địa lý, chủ nghĩa vô thần mới, sự vô cảm đối với đời sống thiêng liêng và đời sống đức tin, những thách thức của sự bất công, văn hoá sự chết. Tin Mừng Mátthêu cảnh giác chúng ta về thái độ tự mãn: “Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13:15). Một khi chúng ta ý thức rằng trung thực và toàn vẹn là những đức tính thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, sự phân định, tìm kiếm hiểu biết về nơi chốn và cách thức mà Đức Kitô muốn tôi tham gia sứ mạng của Người trong các hoàn cảnh của đời sống tôi và được thúc đẩy bởi một ý thức con thảo trong cuộc lữ hành của tôi để đáp ứng các nhu cầu của người khác và xây dựng công ích nhân danh Chúa Giêsu cho mọi dân tộc. “Sự hăng say rao giảng Đức Kitô cũng thôi thúc chúng ta đọc lịch sử để nhận ra các vấn đề, các khát vọng và hi vọng của loài người mà Đức Kitô muốn chữa lành, thanh tẩy và lấp đầy bằng sự hiện diện của Người. Sứ Điệp của Người luôn mang tính thời sự, nó rơi vào chính tâm điểm của lịch sử và có thể thoả mãn khát vọng thâm sâu nhất của mỗi con người.” (Sứ Điệp 2012).

Đây là trực giác truyền giáo nảy sinh từ tâm điểm của Vaticanô và có thể là tấm bản đồ hành trình chung cho chúng ta cùng đi trong Năm Đức Tin. Là những Giáo Hội địa phương, chúng ta có thể đề nghị thảo luận với nhau về việc sống đức tin của chúng ta tại các quốc gia mà Thiên Chúa đã gọi chúng ta đến sống và làm chứng.

Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, được tổ chức bởi Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin, là một ngày được dành riêng để người Công Giáo trên toàn thế giới tái cam kết cho hoạt động truyền giáo hoàn vũ này. Nó là “một ngày quan trọng trong đời sống Hội Thánh bởi vì nó dạy chúng ta biết trao ban như thế nào: một sự hiến dâng cho Thiên Chúa, trong cử hành Thánh Thể, và cho tất cả các xứ truyền giáo trên thế giới.” (RM 81). Đó là ngày mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện và trợ giúp tài chánh cho những Giáo Hội địa phương nghèo để họ thực thi hoạt động loan báo Tin Mừng của họ, nhưng vì thiếu phương tiện tài chánh, họ thấy khó thi hành hoạt động mục vụ của họ. Trong những năm qua, khi đi theo các nhà truyền giáo tại nhiều nước, tôi đã thấy được rằng Chúa đã chúc phúc cho Hội Thánh của chúng ta như thế nào. Đương nhiên cũng có những vấn đề và những bóng tối, và tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho dân chúng và các vị mục tử tại Syria và nhiều nơi khác trên thế giới ở thời điểm khó khăn này, nhưng nhìn tổng thể, điều chúng ta thấy được là chúng ta thật sự được chúc phúc bởi chứng tá của những chứng nhân vĩ đại và nhiệt thành choTin mừng, và cả chúng ta cũng được Chúa kêu gọi. “Tôi (ĐGH Bênêđitô XVI) nhớ đến và cám ơn các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, là các công cụ cho sự hợp tác vào sứ mạng phổ quát của Hội Thánh trên khắp thế giới. Nhờ hành động của họ, việc rao giảng Tin Mừng cũng trở thành một sự can thiệp cho lợi ích của người thân cận chúng ta, công bằng cho những người nghèo khổ nhất, khả năng giáo dục tại những làng xã xa xôi, trợ giúp y tế tại những nơi hẻo lánh, sự giải thoát khỏi cảnh đói nghèo, sự phục hồi cho những người bị gạt ra bên lề xã hội, hỗ trợ cho sự phát triển các dân tộc, vượt qua những chia rẽ sắc tộc, và tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn của nó.” (Sứ Điệp 2012). Cử hành Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo cũng là một dấu chỉ nữa của lòng Chúa yêu thương chúng ta.

Fr. Timothy Lehane B svd
Tổng Thư Ký Hội Truyền Bá Đức Tin, Rôma
Lễ Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo

Top