Bộ Giáo Lý Đức Tin: Hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin

Bộ Giáo Lý Đức Tin: Hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin

Dẫn nhập

Ngày 11 tháng Mười 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành Tự sắc Porta Fidei công bố Năm Đức Tin. Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào ngày 11 tháng Mười 2012 để kỷ niệm 50 năm lễ Khai mạc Công đồng chung Vatican II và sẽ kết thúc vào ngày 24 tháng Mười Một 2013, lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ.

Năm Đức Tin sẽ giúp mọi tín hữu có cơ hội thuận lợi tìm hiểu sâu hơn nền tảng đức Tin Kitô giáo là “gặp gỡ một sự kiện, gặp gỡ một Người, Đấng mở ra một chân trời mới cho cuộc sống và qua đó đưa ra định hướng dứt khoát cho mình” [1]. Nhờ gặp gỡ Đức Giêsu Kitô phục sinh, có thể tái khám phá đức tin với tất cả sự toàn vẹn và vẻ rạng ngời. “Cũng vậy, ngày nay đức Tin là ơn Chúa ban, giúp chúng ta tái khám phá, vun trồng và làm chứng về đức Tin”, để Chúa “ban cho mỗi người chúng ta tận hưởng vẻ đẹp và niềm vui được làm người Kitô hữu” [2].

Ngày khai mạc Năm Đức Tin trùng với dịp kỷ niệm tạ ơn hai sự kiện lớn mang dấu ấn gương mặt của Giáo Hội ngày nay: Kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II là công đồng do Chân phước Gioan XXIII triệu tập, và kỷ niệm 20 năm ban hành Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (11-10-1992), một cống hiến lớn cho Giáo Hội của Chân phước Gioan Phaolô II.

Theo Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, Công đồng muốn “truyền đạt giáo lý tinh ròng và toàn vẹn, không thêm bớt chẳng thay đổi”, cố gắng làm thế nào để “giáo lý vững bền, bất di bất dịch này phải được tôn trọng một cách trung thành, được đào sâu và trình bày sao cho đáp ứng được những yêu cầu của thời đại chúng ta” [3]. Về vấn đề này, phần mở đầu của Hiến chế Lumen Gentium rõ ràng đã có một tầm quan trọng: “Đức Kitô là ánh sáng muôn dân, nên Thánh Công đồng, được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, thiết tha mong được soi dẫn mọi người bằng ánh quang của Đức Kitô phản chiếu trên gương mặt Hội Thánh, bằng việc loan báo Tin mừng Phúc âm cho mọi thụ tạo (x. Mc 16, 15)” [4]. Từ ánh sáng của Đức Kitô, Đấng thanh tẩy, soi sáng và thánh hóa trong các cử hành Phụng vụ thánh (x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium) và với Lời Chúa (x. Hiến chế tín lý Dei Verbum), Công đồng muốn nói đến bản chất sâu xa của Giáo Hội (x. Hiến chế tín lý Lumen Gentium) và mối quan hệ của Hội Thánh với thế giới ngày nay (x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes). Với bốn Hiến chế cột trụ và các Tuyên ngôn, Sắc lệnh, Công đồng đối diện với một số vấn đề chính yếu của thời đại.

Sau Công đồng, Giáo Hội bắt tay vào việc đón nhận và áp dụng những giáo huấn phong phú của Công đồng, duy trì tính liên tục đối với Truyền thống, dưới sự hướng dẫn chắc chắn của Huấn quyền. Để thúc đẩy sự lĩnh hội Công đồng một cách đúng đắn, các Đức giáo hoàng đã nhiều lần triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục [5] được Tôi tớ Chúa, Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1965, mang lại cho Giáo Hội những định hướng sáng suốt qua các Tông huấn hậu Thượng Hội đồng. Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới vào tháng Mười 2012 sẽ mang chủ đề: Tân Phúc âm hóa nhằm thông truyền đức Tin Kitô giáo.

Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết dấn thân làm cho Công đồng được hiểu đúng, đẩy lùi sự sai trái của cái gọi là “chú giải về tính đứt quãng và sự cắt lìa”, đồng thời cổ võ cho điều được ngài gọi là “chú giải về sự cải cách”, sự đổi mới trong kế thừa nơi một chủ thể duy nhất là Hội Thánh được Chúa ban cho chúng ta. Hội Thánh là chủ thể lớn lên trong thời gian, và có sự phát triển, nhưng vẫn luôn là chính mình, chủ thể Dân Chúa duy nhất đang tiến bước” [6].

Trong chiều hướng vừa đề cập, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo một mặt là “thành quả đích thực của Công đồng” [7], mặt khác giúp cho việc lĩnh hội Công đồng được thuận lợi. Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường vào năm 1985, được triệu tập nhằm kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng Vatican II, đồng thời thực hiện việc tổng kết sự lĩnh hội của mình đối với Công đồng, đã đề nghị soạn thảo sách Giáo lý này nhằm cung cấp cho dân Chúa bản Toát yếu toàn bộ giáo thuyết Công giáo và là bản tham khảo chắc chắn giúp cho các tài liệu giáo lý của địa phương. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đón nhận đề nghị này như một mong muốn “đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thật sự của Giáo hội toàn cầu và các Giáo hội địa phương” [8]. Được biên soạn với sự cộng tác của hàng giám mục Giáo hội Công giáo khắp thế giới, sách Giáo lý này thực sự nói lên điều có thể gọi là ‘bản giao hưởng’ của đức Tin” [9].

Sách Giáo lý bao gồm “cả cái mới lẫn cái cũ” (x. Mt 13, 52), đức Tin cũng vẫn thế nhưng lại là nguồn sáng luôn mới mẻ. Nhằm đáp ứng yêu cầu kép này, một mặt sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dùng lại trình tự “cũ”, truyền thống, được sách Giáo lý của Thánh Piô V sử dụng, sắp xếp nội dung thành bốn phần: kinh Tin kính; Phụng vụ thánh với các bí tích được trình bày trước tiên; cuộc sống của người Kitô hữu, bắt đầu từ các điều răn; và cuối cùng là việc cầu nguyện của người Kitô hữu. Nhưng đồng thời, nội dung lại được trình bày theo cách “mới”, nhằm trả lời những thắc mắc của thời nay [10]. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo là “khí cụ hữu hiệu và chính thức nhằm phục vụ sự hiệp thông trong Giáo Hội” và là “chuẩn mực chắc chắn cho việc giáo dục đức tin”[11]. Những nội dung đức Tin được trình bày trong sách này chính là “một sự tổng hợp mang tính hệ thống và gắn bó hữu cơ. Quả thật, ở đây chúng ta thấy sự phong phú của giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, gìn giữ và giới thiệu trong hai ngàn năm lịch sử của mình. Từ Kinh Thánh tới các Giáo phụ, từ các bậc Thầy về thần học cho đến các Thánh qua các thế kỷ, sách Giáo lý là bản ghi nhớ vĩnh viễn về biết bao cách thức Giáo Hội suy ngẫm về đức Tin và tạo sự tiến triển trong giáo thuyết, nhằm giúp các tín hữu được vững vàng trong đời sống đức tin [12].

Năm Đức Tin mong được góp phần canh tân việc trở về với Chúa Giêsu và khám phá lại đức Tin, để chúng ta, là mọi người trong Giáo Hội, biết vui mừng làm chứng cho Chúa Phục sinh một cách đáng tin trong thế giới hôm nay, biết chỉ cho mọi người tìm được “cửa dẫn vào đức Tin”. “Cánh cửa” này mở rộng tầm nhìn cho con người hướng về Chúa Giêsu Kitô đang ở giữa chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Người chỉ cho chúng ta học biết “nghệ thuật sống” trong “mối liên hệ mật thiết với Người” [13]. “Chúa Giêsu Kitô dùng tình yêu thu hút con người thuộc mọi thế hệ đến với Người: trong mọi thời đại, Người gọi Giáo hội đến và trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Vì thế, ngày nay Giáo hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa cho công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui vì có đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức Tin” [14].

Thừa lệnh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI [15], Bộ Giáo lý Đức Tin, được sự đồng thuận của các Bộ thẩm quyền thuộc Tòa Thánh và sự đóng góp của Ủy ban Chuẩn bị Năm Đức Tin [16], đã soạn thảo bản Hướng dẫn giúp sống thời gian ân sủng này, không loại trừ những sáng kiến được Chúa Thánh Thần khơi lên cho các mục tử và tín hữu khắp nơi trên thế giới.

Những chỉ dẫn

“Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1, 12): lời Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu đức Tin “trước hết là sự gắn bó mang tính cá nhân của con người với Thiên Chúa; đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải” [17]. Đức Tin như niềm tin tưởng mang tính cá nhân vào Chúa và đức Tin chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính không thể tách rời nhau. Cả hai cùng hướng về nhau và cần đến nhau. Giữa kinh nghiệm sống đức Tin và nội dung đức Tin có mối liên hệ sâu đậm: đức Tin của những chứng nhân và các tín hữu bị cầm tù vì đức Tin cũng là đức Tin của các tông đồ và những bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Vì vậy, những hướng dẫn sau đây cho Năm Đức Tin nhằm thúc đẩy việc gặp gỡ Đức Kitô qua các chứng nhân đích thực của đức Tin cũng như việc hiểu biết nội dung đức Tin ngày một hơn. Những đề nghị trong bản Hướng dẫn này được gợi ra như những mẫu hình nhằm cổ võ việc sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha sống Năm Đức Tin, “thời gian đặc biệt của ân sủng”, một cách trọn vẹn [18]. Niềm vui được khám phá lại đức Tin cũng sẽ góp phần củng cố sự hiệp nhất và hiệp thông giữa các thành phần khác nhau đang làm nên đại gia đình Hội Thánh.

I. Ở cấp Giáo Hội hoàn cầu

1. Sự kiện chính của Giáo Hội vào đầu Năm Đức Tin sẽ là Thượng Hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ XIII, do Đức Thánh Cha Bênêđictô triệu tập vào tháng Mười 2012, với đề tài Tân Phúc âm hóa nhằm thông truyền đức Tin Kitô giáo. Trong thời gian Thượng Hội đồng nhóm họp, vào ngày 11 tháng Mười 2012, sẽ diễn ra lễ Khai mạc trọng thể Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II.

2. Trong suốt Năm Đức Tin, nên khích lệ các tín hữu hành hương viếng Ngai Tòa Phêrô, để tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bằng cách hiệp nhất với Đấng ngày nay được kêu gọi để củng cố anh em mình trong đức Tin (x. Lc 22, 32). Cũng cần khuyến khích những cuộc hành hương viếng Thánh Địa, nơi đầu tiên được chứng kiến sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế, và mẹ Người là Đức Maria.

3. Trong Năm Đức Tin, cũng sẽ sinh ích lợi nếu biết mời gọi các tín hữu đem lòng sùng mộ cách riêng kêu cầu cùng Đức Mẹ, mẫu gương của Hội Thánh, Đấng “đang quy tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức Tin” [19]. Vì vậy, cần khuyến khích mọi sáng kiến giúp các tín hữu nhận ra vai trò đặc biệt của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ, đem hết tình con thảo yêu mến Mẹ và noi theo đức Tin và các nhân đức của Mẹ. Tóm lại, sẽ sinh nhiều ích lợi nếu tổ chức được những cuộc hành hương, các buổi cử hành và những cuộc gặp gỡ tại các đền thánh chính dâng kính Đức Mẹ.

4. Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro vào tháng Bảy 2013 sẽ đem lại cho giới trẻ một cơ hội đặc biệt được sống niềm vui phát sinh từ lòng tin vào Chúa Giêsu, và hiệp thông cùng Đức Thánh Cha, trong đại gia đình Hội Thánh.

5. Mong sao sẽ tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo và những cuộc quy tụ quy mô lớn, kể cả ở tầm mức quốc tế, để thúc đẩy việc gặp gỡ những chứng nhân đích thực về đức Tin và việc hiểu biết những nội dung giáo lý Công giáo. Khi minh chứng ngày nay làm thế nào Lời Chúa vẫn tiếp tục phát triển và phổ biến, cần đưa ra chứng từ cho thấy nơi Chúa Giêsu Kitô “mọi khổ đau và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất” [20] và đức Tin “trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người” [21]. Đặc biệt sẽ dành ra một số cuộc hội thảo cho việc khám phá lại những giáo huấn của Công đồng Vatican II.

6. Đối với mọi tín hữu, Năm Đức Tin sẽ đem lại một cơ hội tốt để học hỏi kỹ lưỡng những văn kiện chính của Công đồng Vatican II và nghiên cứu sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các ứng sinh đang hướng đến chức linh mục, nhất là trong các năm dự bị hoặc những năm đầu học thần học, đối với tập sinh thuộc các Hội Dòng và các Tu đoàn Tông đồ, cũng như đối với những người đang sống thời kỳ thử trước khi gia nhập một Hiệp hội hoặc Phong trào thuộc Giáo Hội.

7. Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội thuận lợi để chú tâm hơn nữa trong việc lĩnh hội các bài giảng, các bài giáo lý, những huấn từ và các phát biểu khác của Đức Thánh Cha. Các mục tử, tu sĩ và các tín hữu giáo dân được mời gọi bắt tay vào việc canh tân nhằm gắn bó tích cực và thân tình với giáo huấn của Đấng kế vị Thánh Phêrô.

8. Trong Năm Đức Tin, cộng tác với Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, ước mong có được nhiều sáng kiến đại kết nhằm nài xin và thúc đẩy “tiến trình tái lập sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”, là “một trong những mục tiêu chính của Thánh Công đồng chung Vatican II” [22]. Đặc biệt sẽ tổ chức một cuộc cử hành đại kết trọng thể để mọi người đã được Rửa tội tái khẳng định niềm tin vào Đức Kitô.

9. Sẽ thiết lập một Ban Thư ký đặc biệt bên cạnh Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Tân Phúc âm hóa, nhằm phối hợp các sáng kiến khác nhau liên quan đến Năm Đức Tin, do các Bộ của Tòa Thánh xúc tiến, hoặc các sự kiện có một tầm quan trọng nhất định đối với Giáo Hội hoàn cầu. Cần kịp thời thông báo cho Ban Thư ký biết về việc tổ chức những sự kiện nổi bật, đồng thời Ban Thư ký cũng có thể đưa ra những gợi ý cho những sáng kiến thích hợp. Nhân dịp này, Ban Thư ký sẽ mở một trang mạng nhằm đưa mọi thông tin hữu ích, giúp cho việc sống Năm Đức Tin đạt hiệu quả tích cực.

10. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin, mừng kính Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Trong Thánh lễ sẽ long trọng tái tuyên xưng đức Tin.

II. Ở cấp Hội đồng Giám mục [23]

1. Các giám mục là những người có nhiệm vụ riêng biệt là thầy dạy và là “sứ giả của đức Tin”, vì thế các Hội đồng Giám mục cần dành một ngày suy tư về đức Tin, về việc làm chứng cho đức Tin của mỗi người và về việc thông truyền đức Tin cho thế hệ trẻ [24].

2. Khuyến khích việc tái bản các Văn kiện của Công đồng Vatican II, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, bản Toát yếu giáo lý dưới hình thức các ấn phẩm bỏ túi giá rẻ, đồng thời dùng các phương tiện điện tử và công nghệ hiện đại để phổ biến rộng rãi hơn.

3. Khuyến khích dịch các Văn kiện của Công đồng Vatican II, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo sang những ngôn ngữ chưa có bản dịch các tài liệu này. Khuyến khích những sáng kiến nhằm giúp đỡ bác ái cho việc dịch thuật các văn kiện tại các xứ truyền giáo và tại những Giáo Hội địa phương không đủ khả năng cho chi phí chuyển ngữ. Việc này cần được đặt dưới sự hướng dẫn của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc.

4. Các mục tử nên hết sức cổ võ việc sử dụng ngôn ngữ mới của truyền thông, khuyến khích sử dụng truyền hình, phát thanh, điện ảnh, xuất bản sách báo -ở mức độ đại chúng, dễ phổ biến- hướng vào đề tài đức Tin, những nguyên lý và nội dung đức Tin, cũng như tầm ý nghĩa quan trọng đối với Giáo Hội của Công đồng Vatican II.

5. Các thánh và các chân phước là những chứng nhân đích thực của đức Tin [25]. Các Hội đồng Giám mục nên sử dụng các phương tiện hiện đại của truyền thông xã hội, giúp cho các tín hữu được hiểu biết hơn nữa về các vị thánh của nước mình.

6. Thế giới ngày nay nhạy bén về mối quan hệ giữa đức Tin và nghệ thuật. Do đó đề nghị các Hội đồng Giám mục vận dụng thích hợp nguồn di sản nghệ thuật tại địa phương thuộc trách nhiệm mục vụ của mình, đồng thời với sự hợp tác đại kết, để hướng vào việc giảng dạy giáo lý.

7. Các nhà giáo dục đang tham gia giảng dạy tại các trung tâm nghiện cứu thần học, các trường đại học Công giáo được mời gọi đưa vào nội dung giảng huấn tầm quan trọng và những liên quan mật thiết của Giáo lý Hội Thánh Công giáo đối với môn mình phụ trách.

8. Với sự giúp đỡ của các nhà thần học và các tác giả có thẩm quyền, nên soạn những tài liệu làm việc mang tính chất hộ giáo (x. 1P 3, 15). Nhờ đó các tín hữu có thể trả lời hữu hiệu hơn những vấn đề đặt ra cho họ trong những môi trường văn hóa khác nhau, liên quan đến sự thách thức của các giáo phái, các vấn đề về thế tục hóa, về chủ nghĩa tương đối, những thắc mắc do một não trạng đang đổi khác; đặc biệt, ngày nay não trạng ấy cho rằng chỉ có những khám phá khoa học và công nghệ mới đáng tin” [26], cũng như những khó khăn đặc thù khác.

9. Khuyến khích việc xem lại các sách Giáo lý địa phương và các tài liệu giáo lý khác được dùng tại các Giáo Hội địa phương, nhằm bảo đảm sự phù hợp hoàn toàn với sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo [27]. Trong trường hợp sách Giáo lý địa phương hoặc các tài liệu giáo lý không hoàn toàn phù hợp với sách Giáo lý chung hoặc có những thiếu sót, cần phải được biên soạn lại, dựa theo mẫu bản mẫu và sự giúp đỡ của các Hội đồng Giám mục khác vốn đã biên soạn các tài liệu này một cách cẩn thận.

10. Cần cộng tác với Bộ Giáo dục Công giáo, nơi có thẩm quyền, để minh xác các nội dung trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo được dùng trong bản Ratio (Quy chế) về việc đào tạo linh mục và trong chương trình giảng dạy thần học.

III. Ở cấp giáo phận

1. Mong sao, mỗi giáo phận cũng sẽ tổ chức trọng thể lễ khai mạc và bế mạc Năm Đức Tin, để “tuyên xưng niềm Tin vào Chúa Phục sinh tại các nhà thờ chính tòa cũng như tại các nhà thờ giáo xứ trên toàn thế giới” [28].

2. Năm Đức Tin cũng là cơ hội thích hợp cho các giáo phận trên khắp thế giới tổ chức một ngày học hỏi về sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, đặc biệt mời các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên tham dự ngày học hỏi này. Nhân dịp này, các giáo phận Công giáo Đông phương, chẳng hạn, nên quy tụ các linh mục để nêu lên các chứng từ về một niềm Tin duy nhất vào Đức Kitô qua những kinh nghiệm đặc thù và qua truyền thống phụng vụ của mình. Cũng vậy, các giáo hội trẻ trung trong các miền truyền giáo cũng được mời gọi đưa ra một chứng từ mới mẻ về niềm vui Đức Tin của riêng mình.

3. Mỗi vị giám mục nên dành một Thư mục vụ viết về đức Tin, dựa vào hoàn cảnh mục vụ cụ thể liên quan đến các tín hữu được trao phó cho mình, trong đó nhắc lại tầm quan trọng của Công đồng Vatican II và sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo.

4. Dưới sự dẫn dắt của Đức giám mục giáo phận, mỗi giáo phận nên tổ chức những buổi dạy giáo lý dành cho giới trẻ cũng như cho những ai đang đi tìm ý nghĩa cho đời mình, để những người tham dự nhận ra được vẻ đẹp đức Tin của Giáo Hội, đồng thời nên tổ chức những cuộc gặp gỡ các chứng nhân đức tin có uy tín.

5. Năm Đức Tin cũng là cơ hội thích hợp để xem xét việc lĩnh hội Công đồng Vatican II và Giáo lý Hội Thánh Công giáo trong đời sống cũng như trong việc thực thi sứ vụ của từng Giáo hội tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực dạy Giáo lý. Để thực hiện điều này, mong rằng, được sự hỗ trợ của Ban Giáo lý trực thuộc Hội đồng Giám mục, các Ban Giáo lý của Giáo phận sẽ có những nỗ lực mới trong việc đào tạo giáo lý viên về nội dung đức tin.

6. Trong Năm Đức Tin, việc thường huấn dành cho hàng giáo sĩ nên đặc biệt tập trung vào các văn kiện Công đồng Vatican II và sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và trình bày các đề tài, chẳng hạn như: “Loan báo Đức Kitô Phục sinh”, “Giáo Hội, bí tích cứu độ”, “Sứ mạng truyền giáo trong thế giới ngày nay”, “Tin và không tin”, “Đức Tin, đại kết và đối thoại liên tôn”, “Đức Tin và sự sống đời đời”, “Hiểu thế nào về cải tổ và tiếp nối truyền thống”, “Giáo lý của Hội Thánh trong trách vụ mục vụ thường xuyên”.

7. Ước mong các giám mục giáo phận tổ chức những buổi cử hành thống hối, nhất là vào Mùa Chay, để xin Chúa tha thứ tội lỗi, đặc biệt tội nghịch lại đức Tin. Năm Đức Tin cũng là thời gian thích hợp để đến với Bí tích Hòa giải một cách xác tín hơn và thường xuyên hơn.

8. Khuyến khích giới học thuật và văn hóa hướng đến những cơ hội mới, mang tính sáng tạo, cho cuộc đối thoại giữa đức Tin và lý trí, qua việc tổ chức những hội nghị chuyên đề, thảo luận và những ngày học hỏi, đặc biệt tại các trường đại học Công giáo, nhằm cho thấy “giữa đức Tin và khoa học đích thực không thể có bất kỳ xung đột nào, bởi cả hai, dù đi trên những con đường khác nhau vẫn hướng đến chân lý” [29]

9. Cần thúc đẩy những cuộc gặp gỡ những người “tuy không nhìn nhận mình có ơn đức Tin, nhưng vẫn chân thành tìm kiếm ý nghĩa tối hậu và sự thật cuối cùng về hiện hữu của mình và về thế giới” [30] như hình thức gặp gỡ đối thoại Sân Chư dân theo sáng kiến của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa.

10. Năm Đức Tin là dịp để lưu tâm hơn nữa đến các trường Công giáo, nơi đem lại cho học sinh một chứng từ sống động về Chúa và là nơi trau dồi đức Tin của các em với những công cụ dạy Giáo lý hữu hiệu, chẳng hạn như Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo hoặc Youcat – Giáo lý giới trẻ.

IV. Ở cấp giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào

1. Mọi tín hữu được mời gọi chuẩn bị Năm Đức Tin bằng cách chuyên chú đọc và suy ngẫm Tự sắc Porta Fidei (Cánh cửa đức Tin) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

2. Năm Đức Tin “sẽ là một cơ hội thích hợp để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể” [31]. Trong phép Thánh Thể, mầu nhiệm đức Tin và nguồn mạch phát sinh tân Phúc âm hóa, đức Tin của Hội Thánh được công bố, cử hành và được thêm sức mạnh. Mọi tín hữu được mời gọi tham dự bí tích Thánh Thể một cách ý thức, tích cực và sinh ơn ích, để trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa.

3. Các linh mục cần chăm chú nghiên cứu các văn kiện của Công đồng Vatican II và Giáo lý Hội Thánh Công giáo, áp dụng vào mục vụ giáo xứ: dạy giáo lý, giảng thuyết, dọn mình cử hành các bí tích; cũng như đề ra chu kỳ các bài giảng về đức Tin hoặc về một số khía cạnh cụ thể, chẳng hạn như: “Gặp gỡ Đức Kitô”, “Những nội dung cơ bản của kinh Tin kính”, “Đức Tin và Giáo Hội” [32].

4. Các giáo lý viên cần khai thác hơn nữa giáo thuyết phong phú của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, đồng thời dưới sự hướng dẫn của cha sở, giúp các nhóm tín hữu đọc và cùng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn kiện quý báu này, để hình thành những cộng đoàn đức Tin nhỏ, làm chứng về Chúa Giêsu.

5. Mong sao các giáo xứ có thêm sáng kiến mới nhằm phổ biến và phát hành sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo hoặc những nguồn tài liệu khác thích hợp với các gia đình, thật sự là Giáo Hội tại gia và là nơi đầu tiên thông truyền đức Tin, vào những dịp như Làm phép nhà, Rửa tội người lớn, Thêm sức, Kết hôn. Như vậy sẽ góp phần tuyên xưng đức Tin và giúp hiểu sâu thêm Giáo lý Công giáo “ngay dưới mái nhà của chúng ta, bên những người thân yêu trong gia đình chúng ta, để mỗi người cảm thấy sự đòi hỏi cấp thiết phải hiểu biết hơn nữa về đức Tin và truyền lại đức Tin ấy cho các thế hệ mai sau” [33].

6. Cần cổ võ các chương trình truyền giáo và các sáng kiến khác trong giáo xứ cũng như tại nơi làm việc, để giúp giáo dân tái khám phá hồng ân đức Tin đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội và trách nhiệm làm chứng nhân đức Tin, với ý thức ơn gọi Kitô hữu “tự bản chất chính là ơn gọi làm tông đồ” [34].

7. Trong Năm Đức Tin, tu sĩ các Hội dòng và hội viên các Tu đoàn tông đồ được mời gọi dấn thân vào công cuộc tân Phúc âm hóa qua việc gắn bó mật thiết hơn nữa với Chúa Giêsu, theo đặc sủng riêng của mình và trung thành với Đức Thánh Cha cũng như với giáo lý đúng đắn.

8. Trong Năm Đức Tin, các cộng đoàn chiêm niệm sẽ đặc biệt cầu nguyện cho Dân Chúa biết canh tân đức Tin và đẩy mạnh việc thông truyền đức Tin cho các thế hệ trẻ.

9. Các hội đoàn và phong trào được mời gọi có những sáng kiến cụ thể, nhờ đặc sủng riêng của mình và cộng tác với các vị mục tử, để đóng góp vào Năm Đức Tin, sự kiện trọng đại của Hội Thánh. Các cộng đoàn mới và các phong trào cần biết dùng những phương thế thích hợp nhất để làm chứng cho đức Tin một cách sáng tạo và quảng đại.

10. Mọi tín hữu, được mời gọi canh tân ơn đức Tin đã lãnh nhận, cần nỗ lực thông truyền kinh nghiệm sống đức Tin và thực thi bác ái [35], bằng cách đối thoại với các anh chị em của mình, gồm tín hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác, tín đồ của các tôn giáo, những người không tin hoặc những người không quan tâm. Như vậy, hy vọng toàn dân Kitô giáo sẽ bắt đầu việc truyền giáo hướng đến những người mình cùng sống và cùng làm việc, vì biết rằng họ “cũng được đón nhận sứ điệp cứu độ dành cho mọi người” [36].

Kết luận

Đức Tin là “người bạn đồng hành suốt đời, đem lại một cái nhìn luôn mới mẻ để nhận ra những kỳ công Chúa đang thực hiện cho chúng ta. Nhắm đến việc nắm bắt những dấu chỉ thời đại hiện nay của lịch sử, đức Tin thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong thế giới” [37]. Đức Tin là hành động của cá nhân đồng thời cũng là của cộng đoàn: đó là ơn Chúa ban, ơn được sống trong sự hiệp thông lớn lao của Hội Thánh và phải được thông truyền cho thế giới. Ước mong mọi sáng kiến dành cho Năm Đức Tin sẽ giúp mọi người vui mừng khám phá lại đức Tin và canh tân việc làm chứng cho đức Tin. Những hướng dẫn được trình bày ở đây nhằm mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy bắt tay làm cho Năm Đức Tin trở thành một cơ hội đặc biệt để chia sẻ điều quý giá nhất mà người Kitô hữu có được: Đức Kitô Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người, Vua vũ trụ, “Đấng khai mở và kiện toàn đức Tin” (Dt 12, 2).

Rôma, tại trụ sở Bộ Giáo lý Đức Tin, ngày 6 tháng Giêng 2012, lễ Chúa Hiển Linh.

Hồng y William Levada
Bộ trưởng
Luis F. Ladaria, S.J.
Tổng Giám mục hiệu tòa Thibica
Thư ký
––––––––––––––––––––––––––––
Chú thích
[1] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, 25-12-2005, số 1.
[2] Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, 10-01-2010.
[3] Gioan XXIII, Diễn văn Khai mạc Công đồng chung Vatican II, 11-10-1962.
[4] Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 1.
[5] Các Thượng Hội đồng Giám mục thường kỳ đề cập các đề tài sau: Việc bảo tồn và tăng cường đức tin Công giáo, sự toàn vẹn, sức sống, sự phát triển và nhất quan về phương diện giáo lý và lịch sử của đức Tin (1967), Tác vụ linh mục và nền công lý trên thế giới (1971), Truyền giáo trong thế giới hiện đại (1974), Dạy giáo lý trong thời đại ngày nay (1977), Gia đình Kitô giáo (1980), Hòa giải và thống hối trong sứ vụ của Giáo Hội (1983), Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới (1987), Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện tại (1991), Đời sống thánh hiến và sứ vụ tu sĩ trong Giáo Hội và thế giới (1994), Giám mục: Người phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới (2001), Thánh Thể: nguồn mạch phát sinh và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (2005), Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (2008).
[6] Bênêđictô XVI, Huấn từ cho Giáo triều Rôma, ngày 22-12-2005.
[7] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 4.
[8] Gioan Phaolô II, Diễn văn bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường lần thứ hai, 7-12-1985, số 6. Trong lúc đang diễn ra giai đoạn đầu của Thượng Hội đồng, Đức giáo hoàng phát biểu trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 24-11-1985: “Đức Tin là nguyên tắc cơ bản, là then chốt, tiêu chí cốt yếu của việc canh tân mà Công đồng mong muốn. Từ đức Tin, phát sinh chuẩn mực, lối sống, định hướng thiết thực trong mọi hoàn cảnh”.
[9] Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum, 11-10-1992, số 2.
[10] Nt, số 3.
[11] Nt, số 4.
[12] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 11.
[13] Bênêđictô XVI, Huấn từ tại Đại hội Quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh về tân Phúc âm hóa tổ chức, ngày 15-10-2011.
[14] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 7.
[15] X. Nt, số 12.
[16] Ủy ban này được thiết lập bên cạnh Bộ Giáo lý Đức Tin, theo lệnh của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, gồm các thành viên: Các Hồng y William Levada, Francis Arinze, Angelo Bagnasco, Ivan Dias, Francis E. George, Zenon Grocholewski, Marc Ouellet, Mauro Piacenza, Jean-Pierre Ricard, Staniław Rylko và Christoph Schönborn,; các Tổng Giám mục Luis F. Ladaria và Salvatore Fisichella; các Giám mục Mario del Valle Moronta Rodríguez, Gerhard Ludwig Müller và Raffaello Martinelli.
[17] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 150.
[18] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 15.
[19] Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 65.
[20] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 13.
[21] Nt, số 6.
[22] Công đồng chung Vatican II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1.
[23] Những hướng dẫn dành cho các Hội đồng Giám mục cũng được áp dụng tương tự đối với Thượng Hội đồng Giám mục thuộc các Tòa Thượng phụ và các Tổng Giáo phận Đông phương cũng như các Hội đồng Giám mục của các Giáo hội có thẩm quyền tự trị - sui iuris.
[24] Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 25.
[25] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 13.
[26] Nt, số 12.
[27] Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum, số 4.
[28] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 8.
[29] Nt, số 12.
[30] Nt, số 10.
[31] Nt, số 9.
[32] Bênêđictô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini, ngày 30-9-2010, các số 59-60 và 74.
[33] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 8.
[34] Công đồng chung Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 2.
[35] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 14.
[36] Công đồng chung Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 1.
[37] Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta fidei, số 15.

(Bản dịch Việt ngữ: Đức Thành)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top