Bối cảnh hiện nay của Sứ mạng Giám mục
Tác giả: Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1998
WHĐ (8.10.2020) – Sau khi Công Đồng Vatican II kết thúc, các Nghị Phụ trở về với Giáo Hội địa phương của mình. Cùng với các văn bản giáo lý và mục vụ, các ngài còn mang về cho các linh mục - những cộng sự viên trước hết của các ngài - và cho mọi thành phần khác của dân Chúa, yêu cầu phải giới thiệu khuôn mặt mới của người giám mục, phù hợp với bộ mặt của một Giáo Hội hiệp thông, mà Công Đồng đã làm nổi bật khi nhắc lại nguồn gốc cuối cùng và khuôn mẫu siêu phàm của Giáo Hội chính là mầu nhiệm cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa.[1] Đồng thời, ngoài giáo lý về tính chất và bản chất tập thể của chức giám mục, các ngài còn đem về cho Giáo Hội địa phương của mình kinh nghiệm quý giá và phong phú của việc sống trong tinh thần tập thể. Từ đó, mọi người đã ngầm hiểu: sau các sự kiện vừa kể, chắc hẳn khuôn mặt của người giám mục không còn như trước nữa.
1. LÀM NỔI BẬT LẠI KHUÔN MẶT CỦA NGƯỜI GIÁM MỤC
Thật vậy, lúc ấy người ta đã thấy cần phải làm nổi rõ vai trò và thẩm quyền của người giám mục một cách khác. Không phải chỉ ở bộ mặt bên ngoài, một điều mà Toà Thánh đã mau chóng quan tâm qua Tự sắc "Pontificalia insignia" của Đức Phaolô VI (21-6-1968) hay trong Huấn Thị "Ut sive sollicite" (31-3-1969), muốn giản lược các biểu tượng và phẩm phục giám mục cho đơn sơ hơn và phù hợp hơn với tinh thần khiêm tốn và khó nghèo, một tinh thần phải luôn luôn sáng tỏ nơi những người đang nắm giữ một trọng trách hết sức đặc biệt để phục vụ các tín hữu.
Tuy nhiên, việc làm nổi bật lại khuôn mặt của người giám mục còn đụng chạm đặc biệt hơn tới vai trò thiêng liêng và luân lý của ngài, phản ảnh đoàn sủng trên hết là tính tông truyền. Giám mục là người quản lý ơn làm tư tế tối cao, là tôn sư chính hiệu có thể công bố Lời Chúa với thẩm quyền hẳn hoi, liên quan đến đức tin và đời sống luân lý.
Trong Tông Thư chuẩn bị Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở rằng thật là chính đáng và tốt đẹp khi mời gọi con cái Giáo Hội bước qua Cửa Thánh bằng cách thanh tẩy tâm hồn mình khỏi những sai lầm, bất trung và hoài nghi của mình nhờ ơn sám hối. Hơn thế nữa, chính Giáo Hội còn đồng ý chịu trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình.[2]
Vì thế, thật là thích đáng khi chuẩn bị kết thúc ngàn năm thứ hai, Đại Hội Thường Lệ lần thứ 10 của Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) làm một cử chỉ ăn năn khiêm tốn là nhìn nhận rằng, qua những lần xuất hiện trong lịch sử, các giám mục đã để cho một số người hiểu lầm rằng làm giám mục là một hình thức nắm quyền và gây uy tín hơn là một cách để phục vụ.
Trong thẩm quyền của mình, Công Đồng Vatican II đã nhiều lần nhắc lại giáo lý của thánh Cyprianô, giám mục thành Carthage, bằng cách lặp lại ý tưởng Giáo Hội ở trong người giám mục và giám mục ở trong Giáo Hội: Giáo Hội là dân liên kết với chức tư tế của giám mục, là đàn chiên quy tụ chung quanh mục tử của mình.[3] Cũng chính tư tưởng này đã hướng dẫn Công Đồng biên soạn sắc Lệnh "Christus Dominus" , mô tả Giáo Hội địa phương là một phần của dân Chúa, đã được giao cho vị mục tử của Giáo Hội ấy; vị này được linh mục đoàn giúp đỡ, sẽ tụ tập dân Chúa lại trong Thánh Thần, dựa vào Tin Mừng và bí tích Thánh Thể.[4]
Hiện nay cũng có một vài sự kiện chắc chắn rất tích cực như nhiều tín hữu khao khát mãnh liệt và mới đây lại ngỏ ý muốn được sống hiệp thông với giám mục của mình, muốn có dịp gặp gỡ riêng ngài, trao đổi với ngài, đối chiếu các tư tưởng của hai bên khi phân tích và kiểm tra các tình huống tại chỗ và khi lên các chương trình mục vụ. Qua những yêu cầu cấp thiết của những người có tình cảm Giáo Hội sâu sắc, ta đã thấy gói ghém một nhu cầu là giám mục cần phải ngày càng trở nên dấu hiệu sáng tỏ về sự hiệp thông bác ái ấy[5]; mà chính Giáo Hội cũng là bí tích của sự hiệp thông ấy trong thế giới.
2. CÁC YÊU CẦU VÀ KHÓ KHĂN MỚI ĐẶT RA CHO VIỆC THI HÀNH TÁC VỤ GIÁM MỤC
Sự kiện trên đây, tuy đã được giải đáp về mặt cơ chế qua việc thành lập các cơ quan chuyên biệt giúp người ta tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội địa phương, như Hội Đồng Linh Mục, Hội Đồng Mục Vụ và các Công Nghị giáo phận, nhưng nó cũng đặt ra cho các giám mục, khi thi hành tác vụ của mình, nhiều khó khăn riêng ngoài những khó khăn chung. Chẳng hạn, có một mối nguy là một ngày sống của giám mục sẽ luôn luôn đầy ắp đủ mọi hình thức dấn thân, hết hình thức này đến hình thức kia. Ngài cũng có thể bị lôi kéo ra khỏi những bổn phận ưu tiên của mình do những hoàn cảnh đặc biệt, cũng xuất phát từ vai trò xã hội của người giám mục trong xã hội dân sự của một số nước hiện nay. Thế nên, giám mục hoàn toàn bị ngập đầu ngập cổ với đủ mọi thứ thỉnh nguyện, tới mức người ta phải coi nặng khía cạnh hành chánh và văn phòng hơn là những quan hệ cá nhân và thiêng liêng giữa người mục tử với đàn chiên của mình. Vì vậy, chính vai trò có tính cách công chúng của người giám mục bắt ngài phải phân định cách nghiêm túc.
Thêm vào đó còn có những khó khăn khác như do lãnh thổ giáo phận mà ngài coi sóc quá rộng lớn, số các tín hữu quá đông, hay do ở nhiều nơi người ta vẫn còn giữ quan niệm giám mục là nhân vật quan trọng và thần thế tới mức ta có thể tiếp xúc với ngài để được đặc ân này hay những thuận lợi kia.
Thật ra, sự khó khăn nói tới ở đây chính là làm sao cho mình thực sự trở nên "mọi sự cho mọi người" (1Cr 9,22). Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, người giám mục trong những dấn thân hằng ngày của mình, cũng phải tìm cách tạo ra sự quân bình đúng đắn giữa việc cai quản nội bộ trong cộng đoàn mình với bổn phận truyền giáo để loan Tin Mừng cho con người. Ngài cũng cần tìm cho được sự quân bình giữa việc chiêm niệm và hoạt động.
Ngoài ra, vì danh dự của người giám mục thật sự đặt trên vai ngài một trọng trách nặng nề và mệt mỏi, nên cần phải lưu ý tới tầm quan trọng của việc mời gọi các linh mục cộng tác với ngài. Trong tình hình hiện nay, đây không phải chỉ là một sự tính toán thực tiễn, bởi vì sự cộng tác cần thiết của các linh mục phát xuất từ chính bí tích truyền chức mà họ đã lãnh nhận.[6] Đàng khác, mọi Kitô hữu đều có quyền và có bổn phận, tùy theo ơn gọi và đoàn sủng Thánh Thần ban cho mình, cộng tác vào sứ mạng của Giáo Hội cách cá nhân hay qua tập thể. Thế nên, bổn phận của giám mục là nhìn nhận và tôn trọng sự đa nguyên lành mạnh trong các chức vụ, sẵn sàng đón nhận, đề cao và tổ chức sự đa nguyên ấy dựa vào chính sự khôn ngoan của người mục tử, nhờ đó, tránh cho các năng lực của Giáo Hội không bị phân tán khắp nơi cách vô ích và tai hại.[7] Nếu làm được như thế, các giám mục sẽ có mặt trong Giáo Hội của mình không phải chỉ nhờ nhân cách mạnh mẽ của bản thân mà đúng hơn trong tư thế là một thừa tác viên, người thể hiện được sự hiệp thông.
3. NHỮNG ĐIỂM CẤP THIẾT TRONG CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU
Đối với Giáo Hội, Công Đồng Vatican II đúng là một ơn do Chúa ban và là một ân huệ to lớn của Chúa Thánh Thần. Công Đồng không những đã đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho Giáo Hội hoàn cầu cũng như cho các Giáo Hội địa phương, mà còn cho mọi người trong thời đại này nữa. Đặc biệt, Công Đồng đã thực hiện một nghĩa cử yêu thương sâu xa đối với Chúa, với nhân loại và với Giáo Hội, khi trình bày bản chất và cơ cấu căn bản của Giáo Hội đúng như Chúa muốn, ơn gọi đại kết cũng như hoạt động tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội.
Tại Đại Hội Bất Thường lần thứ 2 của THĐGM năm 1985, các nghị phụ đã hoan hỉ và phấn khởi ghi nhận rằng một bộ phận tín hữu đông đảo đã hưởng ứng các lời mời gọi của Chúa Thánh Thần và đã hăng hái tiếp nhận giáo lý của Công Đồng, tha thiết với giáo lý ấy tới mức cho thấy rõ ý thức Giáo Hội ("sensus Ecclesiae") ngày càng tăng. Ý thức ấy bao gồm sự hiểu biết sâu sắc hơn về Giáo Hội, lòng yêu mến đậm đà hơn đối với Giáo Hội và sự đồng cảm mãnh liệt hơn đối với Giáo Hội ("sentire in Ecclesia"). Nhờ ý thức ấy mà nỗ lực truyền giáo được tăng cường, việc đối thoại đại kết được đẩy mạnh, hy vọng có ngày sự hiệp nhất hữu hình giữa các Kitô hữu được tái lập.
Cách riêng đối với các Kitô hữu giáo dân, người ta thấy có sự gia tăng thật sự trong ý thức về việc đồng trách nhiệm và trong ước muốn tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Sau Công Đồng, bên cạnh các hiệp hội truyền thống, người ta có dịp chứng kiến sự khai sinh và phát triển của nhiều tập thể mới, dù mang những bộ mặt và theo đuổi những mục tiêu chuyên biệt khác nhau, nhưng đều tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng như một nguồn hy vọng và đổi mới cho xã hội hôm nay.[8] Cộng đoàn các tín hữu cũng cảm nhận ngày càng rõ rệt hơn nhu cầu phải đề cao "thiên hướng" của người phụ nữ. Còn đời tu - từng được Đại Hội Thường Lệ vừa qua của Thượng Hội Đồng chọn làm đối tượng suy tư, sau đó được giới thiệu trong Tông Huấn "Vita consecrata" - cũng đang được phát triển trên thế giới, thậm chí một cách rất bất ngờ tại một số Giáo Hội. Đi đôi với những hiện tượng đáng phấn khởi ấy là có một cao trào mới của các tín hữu muốn gắn bó với Đức Kitô, là ánh sáng muôn dân và là niềm hy vọng của con người.
4. GIẢM SÚT LÒNG ĐẠO ĐỨC VÀ THÁI ĐỘ CHỦ QUAN TRONG ĐỨC TIN
Tuy nhiên, cách riêng trong các dân có truyền thống Kitô giáo lâu đời, người ta phải nhìn nhận sự tăng trưởng của Giáo Hội như vừa nói trên đây không đủ để chống đỡ ảnh hưởng của chủ nghĩa duy thế tục, lâu nay đã gặm nhấm những cội rễ tôn giáo nơi tâm hồn con người. Trong Giáo Hội, ta thấy có nhiều hiện tượng đáng lo ngại và tiêu cực, như tình trạng dốt nát về đạo, đã xuất hiện và thậm chí ngày càng tăng nơi nhiều tín hữu; hiệu quả rất yếu ớt của việc giảng dạy giáo lý, như bị chết ngạt trong những thông điệp được phát đi trên các phương tiện truyền thông xã hội một cách dồi dào và thuyết phục hơn nhiều; chủ nghĩa đa nguyên về thần học, văn hoá và mục vụ được hiểu một cách không đúng đắn, người ta giữ mãi lòng nghi ngờ và thiếu khoan dung đối với các vị nắm quyền giảng dạy trong Giáo Hội; việc triển khai sứ điệp Tin Mừng một cách phiến diện và giản lược.[9]
Trong số những hậu quả của các hiện tượng vừa kể, phải lưu ý tới sự xuất hiện của "một tình trạng thiếu hăng say đạo đức (...), và tình trạng ấy càng nghiêm trọng hơn khi xuất phát từ nội tâm mỗi người; tình trạng ấy được biểu lộ qua sự mệt mỏi và hết hứng thú, sự tẻ nhạt và hết quan tâm, nhất là thiếu niềm vui và hy vọng".[10] Thêm vào đó còn có tình trạng đoạn giao giữa đức tin và cuộc sống, giữa việc tiếp nhận Tin Mừng và việc diễn dịch nó ra trong những thái độ và lựa chọn hằng ngày, cũng như trong hàng ngũ các tín hữu đã thấy xuất hiện tình trạng chủ quan chủ nghĩa, đôi khi quá dáng, đặc biệt trong lãnh vực đạo đức và luân lý, nhưng cả trong các nội dung của đức tin nữa.
Rất tiếc, song song với sự phát triển chủ nghĩa cá nhân, ta đã thấy có hiện tượng chủ quan trong đức tin nơi đông đảo các Kitô hữu, dẫn tới việc bớt nhạy cảm với nội dung khách quan và chung của giáo lý đức tin. Ngược lại, người ta thấy phổ biến thái độ gắn bó một cách chủ quan với những gì mình thích và những gì hợp với "kinh nghiệm" riêng của mình. Đứng trước những khó khăn ấy, các giám mục, rồi các linh mục, phải gia tăng nỗ lực làm cho Lời Chúa đến tai người tín hữu một cách toàn vẹn, để họ có thể tiếp nhận được vẻ đẹp và tình yêu mãnh liệt, không bị biến dạng, đối với "chân lý đã từng cứu thoát họ" (2Tx 2,10).
Trong Tông Huấn "Veritatis splendor" (25-3-1995), qua đó Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu lại các nền tảng hành động của người Kitô hữu, cũng như tương quan thiết yếu giữa chân lý và tự do, ta lại có dịp thấy nhu cầu cần giới thiệu Tin Mừng cũng như giáo huấn uy tín của Giáo Hội về các nguyên tắc xây dựng, nâng đỡ đời sống luân lý.
Thật ra, phải nhìn nhận rằng các giám mục đã từng thi hành Quyền Giáo Huấn của mình một cách khá đơn giản khi đời sống Giáo Hội còn diễn ra trong những điều kiện khác, khi Giáo Hội còn có thể ảnh hưởng lên các nền văn hoá một cách dễ dàng và khi Giáo Hội còn có thể góp phần tìm ra những hình thức diễn đạt văn hoá. Nhưng trong cơn khủng hoảng hiện nay về ngôn ngữ và tư duy, chắc chắn mọi sự đã trở nên gay gắt hơn, khó khăn hơn. Thậm chí, chính trong khi công bố sự thật, các giám mục đã thấy rõ đức tin và lòng can đảm của mình đang bị thách đố và thử thách nặng nề.
Dẫu vậy, bổn phận không thể sang nhượng cho ai, tức là bổn phận làm người bảo vệ Chân Lý, vẫn là bổn phận của các giám mục, trong khi vẫn không quên rằng có rất nhiều vấn đề mà một tín hữu hôm nay sẽ gặp phải khi muốn tiến bộ trong sự hiểu biết đức tin. Thánh tông đồ Phaolô khuyến khích mỗi giám mục hãy luôn luôn múc lấy sinh lực từ ân sủng ở trong Đức Kitô (x. 2Tm 2,1), hãy loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, bất kể thuận lợi hay không, hãy tỉnh táo đề phòng trong khi chịu đựng đau khổ, hãy chu toàn công việc của người loan báo Tin Mừng (x. 2Tm 4,1-5).
Để đạt được mục tiêu ấy, rất cần giữ sự hiệp thông phẩm trật với đức giám mục Rôma một cách linh hoạt và rõ ràng, cũng như gia tăng các liên hệ đồng đẳng với các giám mục khác, cách riêng trong những kỳ đại hội của các giám mục.[11]
5. ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Gia đình là một trong những "lộ trình" quan trọng nhất của Giáo Hội ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba này, như Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong Tông Thư vào ngày 2-2-1994. Nếu quan sát sinh hoạt của Giáo Hội hiện nay, ta sẽ thấy các Kitô hữu ngày càng xác tín vợ chồng và gia đình Kitô-giáo chính là nguồn đem lại ơn thánh hoá cho họ. Cách riêng các vợ chồng ngày càng ý thức về ơn gọi nên thánh của mình, về ý nghĩa tích cực, đậm tinh thần Kitô giáo của tính dục. Trong lãnh vực này, nhiều thập niên qua, Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II đã đóng góp phần chính yếu, như được phản ánh qua Hiến chế mục vụ "Gaudium et spes" và sau đó là nhiều văn kiện khác của Toà Thánh cũng góp phần vào, từ Thông điệp "Humanae vitae" của Đức Phaolô VI đến Tông huấn "Familiaris consortio" của Đức Gioan Phaolô II.
Tuy nhiên, trong thời đại chúng ta, gia đình đang phải đương đầu với rất nhiều hiểm nguy, từ não trạng tiêu thụ tới chủ nghĩa hưởng lạc lan tràn khắp nơi, từ tinh thần cho phép dễ dãi trong luân lý tới sự quảng cáo nguy hiểm cho những hình thức lệch lạc tính dục. Không thiếu chi những lần các phương tiện truyền thông xã hội giới thiệu những cách sống làm hạ giá con người, và vì thế, đi ngược lại luân lý đã được Tin Mừng vạch ra và được giảng dạy trong Giáo Hội, như những kiểu sống xã hội lý tưởng. Thêm vào đó là huyền thoại về sự "bùng nổ dân số", cũng như những lo ngại về nạn nhân mãn có thể ngăn không cho loài người thỏa mãn các nhu cầu sinh tử của mình. Những hiện tượng và những lo ngại này đã mở đường cho một làn sóng phá thai và giết người êm ái, nhất là khi chúng lại được tiếp sức bởi một thứ "văn hoá chết chóc" có mặt khắp nơi và nhiều khi đang âm ỉ phá hoại, mà Đức Gioan Phaolô II đã lên tiếng chống đối trong Thông Điệp "Evangelium vitae" (25-3-1995).
Sau cùng, trong lãnh vực sự sống con người, người ta đang lái khoa sinh vật và khoa điều khiển sự sống về phía các sức lực ẩn khuất nhất của thiên nhiên, sử dụng các phương pháp táo bạo nhất để làm chủ, sử dụng các sức lực ấy và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, ai cũng rõ những nguy cơ trầm trọng xuất phát từ chỗ người ta đã vượt qua các giới hạn và đã có nhiều lạm dụng. Cũng không ai là không biết những vấn nạn sâu xa về luân lý và nhân học nảy sinh từ những việc làm, tuy nhắm tới sự sống và phẩm giá của con người, lại trở thành những hình thức không thể chấp nhận được, làm biến dạng và biến đổi chính sinh mạng và phẩm giá con người.
Tất cả những điều này không ngừng làm các giám mục trăn trở và lo âu, vì các ngài ý thức rằng gia đình chỉ vững mạnh được khi nó được tổ chức phù hợp với tiếng gọi của Cha Trên Trời, Ngài kêu gọi con cái mình hãy sống trung thành với dây ràng buộc vợ chồng, hãy sinh sản một cách có trách nhiệm và hãy dấn thân với tất cả tình yêu vào việc giáo dục con cái.
Trong một thời kỳ có nhiều người xem ra đã không còn biết liên kết giữa sự thật, sự thiện với tự do nữa, các giám mục càng cảm thấy cần phải nhắc lại lời thánh Irênê, giám mục Lyon một cách khẩn trương: "vinh quang của Thiên Chúa chính là con người được sống, và được sống chính là được nhìn thấy Chúa".[12] Thế nên, con người cần phải sống theo những gì mà phẩm giá làm thụ tạo của Chúa và làm con trong Ngôi Con - Đấng cứu chuộc loài người - đòi phải thi hành. Một trong những hình thức sống bác ái với tha nhân tuyệt vời nhất là không cắt xén giáo lý cứu độ của Đức Kitô, mỗi khi công bố chân lý, với tất cả sự nhẫn nại và nhân hậu như Chúa Giêsu đã nêu gương.
6. ƠN GỌI THI HÀNH TÁC VỤ LINH MỤC VÀ SỐNG ĐỜI TU TRÌ
Trong những lần thảo luận của các Đại Hội THĐGM, nhất là của Đại Hội năm 1990, ta luôn luôn thấy các giám mục tỏ ra quan tâm tới việc đào tạo các linh mục tương lai cùng như âu lo về tình trạng thiếu linh mục. Một đàng, trong nhiều Giáo Hội địa phương, người ta ghi nhận có một sự bừng tỉnh và gia tăng các ơn gọi linh mục một cách rất đáng khích lệ, mà ta phải cảm tạ Chúa; nhưng đàng khác, trong những Giáo Hội khác, cách riêng tại Tây Âu và Bắc Mỹ, vẫn có sự sút giảm thấy rõ trong ơn gọi linh mục, và điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi các linh mục đang dấn thân thi hành mục vụ đã già nua.
Thậm chí, cả ở những nơi ai cũng cảm thấy rõ có sự gia tăng ơn gọi, luôn luôn có một quãng cách giữa số lượng ơn gọi gia tăng và những đòi hỏi của các tín hữu ngày một nhiều.
Những điều này tạo ra nhiều khó khăn rõ ràng cho việc thi hành tác vụ của các giám mục đối với một số các giám mục, còn gây ra nhiều ưu tư sâu xa. Thật vậy, cộng đoàn Kitô hữu nào cũng đều múc được sức sống liên tục từ bí tích Thánh Thể mà thừa tác viên cử hành bí tích là các linh mục. Đó là chưa kể: sự có mặt của người linh mục chính là tiền đề cần thiết giúp Giáo Hội tăng trưởng và là mấu chốt đem lại sức sống thiêng liêng cho Giáo Hội.
Một nhu cầu khác, cũng rất nghiêm trọng đối với Giáo Hội, là cần có nhiều ơn gọi sống đời tu trì, vì Giáo Hội luôn luôn cần có những người làm chứng cho "thời đại mai sau". Sự có mặt của những người này là điều kiện cần thiết để thực hiện công cuộc "tân phúc âm hoá". Chính vì lẽ đó, cổ võ ơn gọi thi hành tác vụ thánh và ơn gọi sống đời tu trì, cũng như đào tạo thế nào cho thích đáng, phải là một bổn phận của toàn thể dân Chúa. Đó phải là ưu tư trên hết của mọi giám mục. Có như thế thì mới bảo đảm mở ra một lộ trình đầy hy vọng để truyền bá Tin Mừng và xây dựng Thân Thể Đức Kitô, tức là Giáo Hội.
7. SỰ THÁCH ĐỐ DO CÁC GIÁO PHÁI VÀ CÁC PHONG TRÀO TÔN GIÁO MỚI ĐẶT RA
Sự chủ quan trong đức tin và việc cho phép quá dễ dãi trong luân lý, cũng như sự thiếu đào tạo trong tôn giáo và kinh nghiệm quá ít trong đời sống phụng vụ và Giáo Hội, tất cả những điều này đã khiến cho các tín hữu của rất nhiều cộng đoàn Kitô giáo tại châu Âu, châu Mỹ và châu Phi bị cám dỗ trước cảnh tượng các giáo phái được khai sinh - nhung nhúc hay các "hình thức mới của tâm tình tôn giáo" xuất hiện, như hiện nay người ta quen gọi. Đại Hội Bất Thường lần thứ hai của THĐGM năm 1985 đã dành thì giờ tìm hiểu các hình thức ấy, và nhân dịp đó, tự hỏi xem ý thức về sự linh thiêng có được biểu lộ đủ hay không trong các giới Công Giáo.[13] Sau đó, Toà Thánh đã lên tiếng về vấn đề này, qua một tài liệu hết sức đặc biệt do nhiều Thánh Bộ tại Rôma biên soạn.[14] Các Hội Đồng Giám Mục, nhất là các Hội đồng chung của các giám mục châu Mỹ Latin, cũng đã suy nghĩ về đề tài này. Đức Gioan Phaolô II thường đề cập tới vấn đề này mỗi khi tiếp đón các giám mục tới viếng thăm "ad limina" hay trong các chuyến đi làm việc tông đồ của mình.
Những "phong trào tôn giáo mới" này chắc hẳn không giống với những công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đúng đắn, và chính - vì thế, người ta thường coi chúng như là một sự khác biệt cả trong giáo lý lẫn trong phương pháp làm việc, đối chọi với Giáo Hội Công giáo và các Giáo Hội hay Cộng Đồng Giáo Hội khác.
Cần phải chống lại việc phổ biến các phong trào tôn giáo mới ấy bằng cách tổ chức các hoạt động mục vụ đặt con người làm trung tâm, không quên chiều kích cộng đoàn và khát vọng của con người là muốn được quan hệ một cách cá nhân thực sự với Chúa. Dù sao, chính sự có mặt của các phong trào ấy bắt ta phải tổ chức lại việc huấn giáo trên mọi cấp độ, thích nghi sao cho phù hợp với não trạng của các dân tộc và ngôn ngữ của họ, luôn luôn lấy Đức Kitô vô cùng phong phú, là vị Cứu tinh duy nhất của loài người, làm trung tâm. Các giám mục của các Giáo Hội địa phương có hiện tượng đó phải là những người trước hết có nhiệm vụ tổ chức hoạt động mục vụ của Giáo Hội mình theo đường hướng ấy và bảo vệ các giá trị nằm trong cách sống đạo của đại chúng. Có thế, ta mới hy vọng ngăn chặn được sự chiêu mộ nhiệt tình của các giáo phái, mà không phải mở những đợt công kích cá nhân hay đưa ra những lập trường ngược với tinh thần Tin Mừng, nhưng vẫn sống tinh thần bác ái Kitô giáo, sẵn sàng tiếp đón người khác để phúc âm hoá họ.
8. BỐI CẢNH CỦA XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Những yêu cầu bức bách đang xuất hiện trong đời sống Giáo Hội, mà trên đây ta chỉ tóm tắt một số, có lẽ tiêu biểu nhất, hẳn có liên hệ với lịch sử nhân loại, trong đó Giáo Hội đang sống, và thậm chí có thể chịu ảnh hưởng của lịch sử nhân loại ấy. Thật vậy, Giáo Hội là dân Thiên Chúa, đang lữ hành trên đường tìm kiếm thành thánh vĩnh cửu của tương lai (x. Dt 13,14). Mặc dù do ơn gọi Giáo Hội vượt lên trên thời gian và mọi ranh giới của các quốc gia vì Giáo Hội phải mở rộng ra cho tới mọi miền trên địa Cầu, nhưng cũng theo giáo huấn của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội cũng tham gia vào lịch sử loài người,[15] tham dự vào các biên cố của đời người, chia vui sẻ buồn với loài người, hy vọng và lo lắng với con người nhất là với những người khó nghèo và đau khổ.[16]
Tuy nhiên, so với thời kỳ Công Đồng được tiến hành, sân khấu thế giới hiện nay có rất nhiều thay đổi lớn. Vả lại, các nghị phụ Công Đồng lúc ấy không thể nào tiên liệu rất nhiều biến chuyển mới xảy ra gần đây, hoặc ít ra không thể tiên liệu những biến chuyển ấy dưới hình thức mà chúng đã xuất hiện.
9. MỘT SÂN KHẤU THẾ GIỚI KHÁC BIỆT
Thật vậy, các quốc gia và các khu vực quốc tế hiện nay rất khác những tiến bộ do khoa học và kỹ thuật thực hiện trong mọi lãnh vực đã đặt ra nhiều vấn đề mới; trong khoa điều khiển sinh học và trong lãnh vực truyền thông đã có nhiều cuộc cách mạng kỹ thuật thật sự, mở ra những khả năng mới cho phép ta kiểm soát thiên nhiên, các quy trình xã hội cũng như chính sự sống của con người. Tình trạng vô thần hiện nay cũng khác, không còn liên hệ với một hình thức của chủ nghĩa vô thần khoa học hay nhân bản, nhưng chính là một hình thức của chủ nghĩa vô thần thực tế và lãnh đạm với tôn giáo. Thật ra hình thức vô thần này luôn luôn có mặt trong lịch sử, nhưng ngày nay, nó xâm lấn mạnh mẽ đặc biệt ở những miền có truyền thống Kitô giáo lâu đời.
Từ đó, bên cạnh những khả năng to lớn được mở ra, ta cũng thấy nhiều nguy cơ mới đặt ra cho đời sống con người. Những thách đố do các hành vi của con người bị biến động sâu xa đặt ra cho Giáo Hội thật là nhiều, không thể kể hết ra đây được. Chúng đụng chạm tới chính con người và đời sống con người, từ khi thụ thai đến khi kết thúc trong cái chết, đụng chạm cả đến môi trường sống khiến cho sự quân bình của môi trường ấy cũng bị đe dọa, khả năng sống chung của con người trong xã hội, sự phát triển của các dân tộc, cũng như sức mạnh bất ngờ của các phương tiện truyền thông mới mẻ trong việc tạo ra hay thay đổi một nền văn hoá, trong việc ảnh hưởng tới các tiến trình kinh tế và chính trị. Trong một tình huống như vậy, Tông thư "Centesimus annus" đã giới thiệu ba cấp môi sinh cần nghiên cứu là môi trường chung quanh, con người và xã hội.[17]
Trong hậu bán thế kỷ này, hoà bình thế giới cũng được nhắc tới dưới nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề hoà bình thế giới được lồng vào một khuôn khổ mới là tình trạng "toàn cầu hoá". Cách riêng, nhờ sự đóng góp của thế giới truyền thông, thế giới đang trở nên ngày càng giống như một "ngôi làng toàn cầu". Nhưng, ngược lại, người ta cũng thấy xu hướng phân mảnh, mà rõ nhất là khẳng định thái quá và đôi khi có phần nào tưởng tượng về những bản sắc văn hoá, những bản sắc chính trị, xã hội và tôn giáo khác nhau.
Thế là trong khi các bức tường cũ bị sụp đổ, ta lại thấy nhiều hàng rào mới được dựng lên. Nêu hiện nay không có những cuộc xung đột rộng lớn thì vẫn còn những cuộc xung đột địa phương hay trong nội bộ, làm các lương tâm của mọi dân tộc trên khắp thế giới phải suy nghĩ. Số nhân mạng lớn lao bị giết hại, làn sóng khủng khiếp những người di cư, lưu đày và thoát nạn, bị thương tật trong thể xác và tâm hồn, chính là một hậu quả hết sức tiêu cực cản ngăn sự phát huy các quyền con người, khiến cho mọi tiến trình hoà bình lúc nào cũng bị rơi vào khủng hoảng và gây trở ngại lớn cho công ích của xã hội.
Thật là lệch lạc khi chủ trương lấy các lý do tôn giáo biện minh cho các cuộc đấu tranh và xung đột với người khác và điều này thường được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Chắc chắn và rõ ràng là phải lên án chủ nghĩa bảo thủ cực đoan hay cuồng tín tôn giáo. Thế nhưng, ta cũng cần phải tìm hiểu cẩn thận các động cơ dẫn tới chủ nghĩa này vì thực tế mà nói, chủ nghĩa này không bao giờ chỉ mang tính tôn giáo. Nhiều khi, các tình cảm tôn giáo bị sử dụng làm phương tiện để đạt được các mục tiêu chính trị hay kinh tế. Nặng nề không kém hiện tượng trên đây là sự nghèo khổ và túng thiếu của nhiều dân tộc, trong khi đó, ý thức liên đới nhân loại tại các nước phát triển hơn về kinh tế lại ngày càng sút giảm. Ngày nay ranh giới giữa giàu nghèo không chỉ có giữa các nước giàu và các nước nghèo, hay nước đang phát triển, mà cả trong nội bộ của chính các nước đó nữa.
Ngày nay, vấn đề xã hội đã trở nên phức tạp hơn vì văn hoá giữa các nước quá khác nhau và vì hệ thống giá trị giữa các sắc dân không phải lúc nào cũng phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế của họ, thậm chí còn tạo ra những hố ngăn cách lớn hơn nữa. Thêm vào đó là làn sóng người mù chữ gia tăng, những hình thức mới mẻ để bóc lột hay đàn áp kinh tế, xã hội, chính trị và cả tôn giáo nữa đang xuất hiện xúc phạm đến con người và các quyền con người. Những sự kỳ thị đủ loại, cách riêng là sự kỳ thị ghê tởm nhất là sự kỳ thị dựa trên sự khác biệt về chủng tộc nổi lên khắp nơi. Trong số các hình thức nghèo khó mới, phải kể tới việc khó khăn hay hoàn toàn không có khả năng leo tới những trình độ cao hơn về giáo dục, hoặc bất lực tham dự vào việc kiến tạo chính quê hương của mình, phủ nhận hay hạn chế các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.
Ta còn có thể kéo dài danh sách này nhiều hơn nữa, bằng cách kể thêm những tác nhân khác đã khiến cho tâm hồn và tinh thần nhiều người phải mệt mỏi, làm cho họ mất hết hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, tình trạng tham nhũng trong đời sống công cộng đang có mặt tại nhiều nước; thị trường ma tuý và hình ảnh khiêu dâm đã ăn mòn ý thức luân lý, sức kháng cự và những ước mơ của các dân tộc; những khối lượng tiền bạc khổng lồ dùng để trang bị vũ khí, không phải chỉ để tự vệ mà còn để gây ra tử vong; cách cư xử thiếu đúng đắn trong các quan hệ quốc tế và trong các cuộc trao đổi thương mại làm hại cho những nước đang phát triển; những hạn chế đặt ra cho việc tự do tuyên xưng đức tin vẫn còn thấy áp dụng tại một số nước.
10. MỘT VÀI HƯỚNG MỞ RA CHO CON NGƯỜI HÔM NAY NUÔI HY VỌNG
Khi nêu lên cũng như khi tìm hiểu các sự bức bách trên đây, dù vẫn biết các vấn đề đặt ra thật nghiêm trọng và sâu sắc, Giáo Hội tuy đang chuẩn bị bước vào Ngàn năm thứ ba của Kitô giáo, vẫn tiếp tục lạc quan, một sự lạc quan xây dựng trên niềm hy vọng của Kitô giáo như đã được trình bày trong Hiến chế mục vụ "Gaudium et spes" của Công Đồng Vatican II. Thật vậy, nếu quan sát lịch sử nhân loại ở ngưỡng cửa Ngàn năm mới này một cách kỹ lưỡng hơn là không thể không nhìn ra những tín hiệu hy vọng; thậm chí, lịch sử dường như đang được sưởi ấm bởi một dòng nước tự do rất nóng, có thể làm rung động nhiều người trên khắp thế giới.
Trong diễn văn đọc tại tổ chức Liên Hiệp Quốc ngày 5-10-1995, Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt chú ý tới dòng lịch sử này và đã dựa vào những đòi hỏi tất yếu của luật luân lý phổ quát để làm sáng tỏ ý nghĩa của lịch sử ấy. Ngài đã kêu gọi các quốc gia hãy mạnh dạn đánh liều với sự tự do của mình, bằng cách tái khẳng định các quyền căn bản của con người, phẩm giá và giá trị của con người trong những bối cảnh mới của một xã hội đa chủng tộc và toàn cầu hoá kinh tế, nhằm tìm cách tạo lập một thế quân bình đúng đắn giữa cá biệt và phổ quát. Thật vậy, quyền lợi của quốc gia chẳng qua là quyền lợi con người được nhìn ở cấp độ cộng đoàn. Từ đó, ta mới thấy tôn trọng những sự "khác biệt" là đã hiểu mầu nhiệm con người cách sâu xa hơn.[18]
Khi bước từ Ngàn năm Kitô giáo thứ hai sang Ngàn năm Kitô giáo thứ ba, con người đã cho thấy mình tỏ ra quan tâm một cách thấy rõ, dù vẫn còn yếu ớt so với những lo âu và ưu tư của mình, tới các giá trị tinh thần, cũng như đang có nhu cầu âm ĩ là sống nội tâm nhiều hơn, chú ý hơn tới các trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên, ý thức sâu sắc hơn tới các vận hội hiện tại nhắm xây dựng một nền văn minh mới, tốt đẹp hơn, và một thế giới trong đó mọi người đều được kéo vào cộng tác với nhau cách can trường và liên đới đề phát huy công lý và hoà bình, cũng như để đánh thức ý thức luân lý trở lại, hầu tôn trọng phẩm giá và quyền lợi con người trong thế giới.
Câu hỏi suy tư:
1. Giám mục đã coi việc dấn thân loan báo Tin Mừng quan trọng tới mức nào? Có coi việc dấn thân ấy là ưu tiên không? Có để cho các nhiệm vụ khác làm xao lãng nhiệm vụ ấy không? Những khía cạnh nào trong đời sống giáo phận gây khó khăn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của giám mục? Và những khía cạnh nào hỗ trợ ngài trong sứ mạng ấy?
2. Các tín hữu thường có cái nhìn nào về sứ mạng của giám mục? Cái nhìn của họ về sứ mạng của người giám mục có phù hợp với cái nhìn của chính giám mục không?
3. Các tín hữu thường phản ứng thế nào trước lời giảng dạy của giám mục về các vấn đề đức tin và luân lý? Họ có phân biệt lời giảng dạy của giám mục với lời giảng dạy của Đức Giáo Hoàng không?
4. Giám mục và các nhà thần học có quan hệ với nhau như thế nào: quý trọng, cộng tác với nhau để loan báo Tin Mừng hay nghi ngại nhau? Phản đối? Trong các lãnh vực nào?
5. Thừa tác vụ của giám mục đang phải đương đầu với những thách đố nào về mặt văn hoá và xã hội, nhất là khi loan báo Tin Mừng? Giám mục đối phó với các thách đố ấy thế nào? Đâu là những hoàn cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc loan báo Tin Mừng? Đâu là những hoàn cảnh cản trở việc ấy?
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 1 (Tháng 12 năm 1998)
[1] Xem "Lumen gentium”, 4 và Sắc lệnh về đại kết "Unitatis redintegratio", 2.
[2] Xem Đức Gioan Phaolô II, "Tertio millennio adveniente" (10-11-1994), 33 : AAS 87 (1995) 25-26.
[3] Xem thánh Cyprianô, Thư 69, 8 : PL 4, 419.
[4] Xem Sắc lệnh về chức vụ giám mục "Christus Dominus" ,11.
[5] "Lumen gentium", 23.
[6] Xem như trên, 28 ; "Christus Dominus", 7.
[7] Xem "Ecclesiae imago", 95-98.
[8] Xem Đức Gioan Phaolô II, "Christifideles laici" (30-12-1988). 29 : AAS 81 (1989) 443-445
[9] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng "Pastores dabo vobis" (25-3-1992), 7 : AAS 84 (1992) 666- 668.
[10] Đức Gioan Phaolô VI, Tông Huấn "Evangelii nuntiandi" (8-12-1976), 80 : AAS 68 (1976)73.
[11] Xem "Christus Dominus'', 37.
[12] Thánh Irênê, "Chống lạc giáo" , IV, 20,7 : sc 100/2, tr.648, 1. 180-181.
[13] Xem THĐGM Bất Thường 1985, Tông thư kết thúc "Ecclesia sub verbo Deo mysteria Christi celebrans pro salute mundi” (7-12-1985), II, A.l.
[14] Xem Văn phòng chuyên lo sự hiệp nhất các Kitô hữu ; Văn phòng chuyên lo những người ngoài Kitô giáo ; Văn phòng chuyên lo những người không tin ; Hội Đồng Toà Thánh đặc trách văn hoá ; bản báo cáo "Le phénomène des sectes ou nouveaux mouvements religieux" (7-5-1986).
[15] Xem "Lumen gentium”, 9.
[16] Xem "Gaudium et spes", 1.
[17] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông thư "Centesimus annus" (1- 5-1991), 38 : AAS 83 (1991) 841.
[18] Xem Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 50, New York, số 2-10, nhà xuất bản đa ngữ Vatican.
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền