Các đoàn thể học Thông điệp Bác Ái trong Sự thật

Các đoàn thể học Thông điệp Bác Ái trong Sự thật

Lúc 9 giờ sáng ngày 13/9/2009, hơn 100 thành viên, đa phần là các lãnh đạo nòng cốt của hầu hết các đoàn thể giáo dân đã có mặt tại căn phòng trên lầu 3 của hội trường nhà xứ Tân Định, để được nghe Linh mục Gioakim Trần văn Hương, Phó Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse triển khai Thông Điệp “Caritas in Veritate” của ĐTC Bênêđictô XVI. Nói là hầu hết, vì tất cả đại diện các đoàn thể giáo dân đều đã có mặt, trừ một vài đoàn thể vì các lý do bất khả kháng vào phút chót nên không thể hiện diện.

Mỗi dòng tu, mỗi đoàn thể đều là những bông hoa độc đáo trong vườn hoa muôn mầu của Giáo Hội, dù biết như thế, nhưng đoàn thể của Hướng đạo hôm nay đã gây những ấn tượng thật tốt. Tốt, không chỉ ở nơi đồng phục nổi tiếng thế giới mà họ đang mặc, nhưng chính vì tính xốc vác và nhiệt tình thực tế của họ, khi chứng kiến cảnh 2 vị cao niên chuẩn bị khiêng 2 thùng tài liệu từ dưới đất lên tới lầu 3. Mỗi thùng sách vở chỉ nặng khoảng 20 kg, nhưng phải vác lên và đi qua nhiều lần cầu thang chật hẹp thì không hề là chuyện đơn giản.

Hai vị cao niên đang lúng túng thì một Hướng đạo sinh đi qua, trông thấy, ngỏ lời xin được giúp đỡ, và gọi một Hướng đạo sinh khác nữa đến. Thế là, hai thùng tài liệu lập tức đã được chuyển lên lầu 3 Hội trường.

Chuyện chỉ như thế, có thể là rất nhỏ nhặt, vặt vãnh (vì chính họ đã quên ngay việc tốt mà họ vừa thực hiện), nhưng cũng vừa đủ để gây nên những ấn tượng tốt lành về một Đoàn thể giáo dân của Giáo phận nhà.

Tóm tắt nội dung Thông điệp

Đúng 9 giờ 6 phút, sau lời giới thiệu của ông Trưởng ban đại diện giáo dân Huỳnh Bá Song, cha Phó giám đốc Trần văn Hương đã triển khai nội dung Thông điệp Caritas in Veritate, quen gọi là Bác ái trong Chân lý, Bác ái trong Sự thật.

Nội dung thông điệp gồm 6 chương với 79 số, được sắp xếp theo bố cục như sau :
- Dẫn nhập ( từ số 1- 9 )
- Chương 1 : Sứ điệp của Thông điệp “Phát triển các dân tộc”( 10- 20)
- Chương 2 : Sự phát triển nhân bản ngày nay. ( 21-33)
- Chương 3 : Tình huynh đệ, sự phát triển kinh tế và xã hội dân sự.
- Chương 4 : Sự phát triển các dân tộc, quyền lợi và ngĩa vụ, môi trường. (43-52)
- Chương 5 : Sự cộng tác của gia đình nhân loại ( 53-67).
- Chương 6 : Sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật ( 68-77)
- Kết luận : ( 78-79)

Tác giả Thông Điệp là ĐTC Bênêđictô XVI, một nhà thần học thời danh, nên ngôn ngữ trong Thông điệp của ngài có rất nhiều từ chuyên môn, nhưng không vì thế mà trở nên quá khó hiểu.

Dù vậy, chính ĐTC khi lên tiếng giải thích về Thông điệp này, Ngài đã nêu bật mục tiêu rằng: “Thông điệp này nói về sự phát triển con người toàn diện, nhưng không nhằm đưa ra những giải pháp kỹ thuật thực hành, vì đó không thuộc thẩm quyền của Huấn quyền Giáo hội”. ĐTC cũng lưu ý và cảnh báo về việc: “có thể gây ra những hiểu lầm từ sự lạm dụng ngôn từ, như vẫn thường thấy nơi các phương tiện truyền thông hôm nay…”.

Trong phần dẫn nhập (số 1- 9), Ngài đã viết : “Đức Ái là con đường chủ yếu của học thuyết xã hội của Giáo hội”. Tuy nhiên, một Kitô giáo có Đức Ái mà không có chân lý thì sẽ có nguy cơ trở thành một tập hợp những tâm tình tốt đẹp, tuy hữu ích cho cuộc sống chung trong xã hội, nhưng vẫn ở bên lề xã hội, do đó, sự phát triển cần đến Chân Lý.

Chương 1 : Sứ điệp của Thông điệp : “Phát triển các dân tộc”
Nội dung chương này như một nghiệm suy Thông điệp “Phát triển cac dân tộc” của ĐTC Phaolô VI, trong đó, ĐTC Bênêdictô XVI tái khẳng định tầm quan trọng căn bản của Tin mừng đối với việc xây dựng một xã hội tự do và công bằng.

Chương 2: Sự phát triển nhân bản ngày nay
Tiếp tục triển khai nội dung Thông điệp “Phát triển các dân tộc”, ĐTC Bênêđictô XVI viết: “Xét một cách tuyệt đối, thế giới hôm nay có vẻ giầu có hơn, nhưng bất công cũng gia tăng nhiều hơn, không những thế, còn làm nảy sinh thêm nhiều thứ nghèo mới”. Đối mặt với những vấn nạn này, Ngài đề nghị một cái nhìn mới có tính nhân bản và thiết thực hơn về các mặt văn hóa, kinh tế, đời sống …
Ngài nhấn mạnh đến việc phát triển, nhưng không thể tách rời với việc tôn trọng sự sống. Ngài ghi nhận tạị nhiều nơi thế giới, biện pháp kiểm soát dân số đi tới độ “áp đặt cả việc phá thai”. Ngài nói: “Khi một xã hội hướng tới sự phủ nhận hoặc hủy hoại Sự sống, thì xã hội ấy, rốt cuộc sẽ không còn tìm được những động lực và sức mạnh để phục vụ lợi ích thật sự của con người ( số 28)”.

Chương 3: Tình huynh đệ, sự phát triển kinh tế và xã hội dân sự
Chương 3 được mở đầu bằng những lời ca ngợi lối sống “trao hiến nhưng không” của tinh thần Tin Mừng, như một chìa khóa vàng, để có thể giải quyết và mở ra những nan đề của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa với bao nhiêu hệ lụy và tiêu cực hiện nay.

Chương 4: Sự phát triển cac dân tộc, quyền lợi và nghĩa vụ, môi trường
“Các tổ chức quốc tế và nhà cầm quyền không thể phủ nhận tính khách quan và bất khả xâm phạm của các quyền (con người) và nhất là, khi các quyền này liên hệ đến sự gia tăng dân số”.
Tiếp đến, Ngài đã đề cập đến vấn đề năng lượng, tài nguyên và môi trường. Ngài nói: “Thiên nhiên được Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người, do đó, cần phải được sử dụng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.”

Chương 5: Sự cộng tác của gia đình nhân loại.
Khởi đầu những dòng Chương 5 là lời khẳng định mạnh mẽ, Ngài viết: “Một trong những cái nghèo sâu xa nhất mà con người có thể nghiệm ra được, chính là sự cô độc…, những cái nghèo thường là hậu quả của việc khước từ Thiên Chúa. Sự khép kín bi thảm của con người trong chính mình …”
Vì thế “sự phát triển các dân tộc tùy thuộc trước tiên vào ý thức mình thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất”.

Chương 6: Sự phát triển các dân tộc và khoa học kỹ thuật
Kỹ thuật đang có những bước tiến nhảy vọt đáng kinh ngạc, nhưng tiếc thay, đang tạo ra các tâm thức tuyệt đối tin nơi kỹ thuật có thể lý giải và giải quyết mọi vấn đề nhân loại không cần niềm tin. Ngài nói: “Lý trí mà không có Đức tin sẽ bị giản lược vào ảo tưởng toàn năng của khoa học kỹ thuật”. Đối với não trạng hoàn toàn phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật, Ngài tái khẳng định: “Con người là một thực thể thống nhất của XÁC và HỒN, nên sự phát triển không chỉ là vật chất, nhưng phải là tinh thần nữa …”.

Trong phần Kết luận, ĐTC Bênêđictô XVI hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn và là cứu cánh của mọi người. Là Chân lý và Tình yêu tuyệt đối, nên chính Ngài cũng là sức mạnh nâng đỡ cho công cuộc phát triển các dân tộc. ĐTC nói: “Trước các vấn đề to tát của công cuộc phát triển các dân tộc, Lời của Đức Giêsu Kitô đến giúp chúng ta ý thức được điều này: Không có Thày, anh em chẳng làm gì được”.

Cuối cùng, ĐTC đã ân cần nhắc đến vai trò của Kitô hữu trong công cuộc phát triển rộng lớn này, Ngài nói: “Sự phát triển rất cần đến các Kitô hữu với đôi tay hướng về Thiên Chúa với tư thế cầu nguyện” và cần phải có “một tình yêu biết tha thứ bao dung, cùng với sự từ bỏ chính mình và tiếp nhận người khác cũng như Công Lý và Bình an vậy ( 78 – 79 )”.

Phần triển khai của Cha Phó giám đốc Trần văn Hương đã kết thúc hồi 10:40, cùng với phần chiêu đãi và giải lao không thể chu đáo hơn. Xin cám ơn Ban Tổ chức và các anh chị trong Phong trào Cursillo của giáo phận trong Hội Trường Tân Định sáng nay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top