Cái chết tử đạo của 7 tu sĩ Trapist Tibhirine (1)

Cái chết tử đạo của 7 tu sĩ Trapist Tibhirine (1)

Phỏng vấn đan sĩ Jean Pierre Schumacher về cái chết của 7 tu sĩ dòng Trapist Tibhirine bên Algeria.

Ngày 22-10-2010 cuốn phim tựa đề ”Các người của Thiên Chúa” kể lại cuộc sống và cái chết tử đạo của 7 tu sĩ dòng Trapist của tu viện Tibhirine, bên Algeria, đã được trình chiếu trong các rạp xinê Âu châu. Cuốn phim do nhà đạo diễn Xavier Beauvois thực hiện và đã thắng giải César, là một loại giải Oscar phim ảnh Pháp, tại đại hội điện ảnh Cannes, vì đã là cuốn phim thu vào nhiều tiền lời nhất trong năm 2010. Tiền đóng cuốn phim mất 100 triệu Euros, nhưng các buổi trình chiếu đã thu vào được 229 triệu Euros.

Cách đây 15 năm tức hồi năm 1996, các nhóm Hồi giáo Algeria, viết tắt là GIA, đã bắt cóc 7 tu sĩ của tu viện Tibhirine và chặt đầu các vị. Đã chỉ có hai tu sĩ thoát nạn, trong đó có thầy Jean Pierre Schumacher.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn phần đầu bài phỏng vấn thầy Jean Pierre Schumacher, còn sống sót về biến cố này và cuốn phim nói trên. Thầy Sshumacher hiện sống tại tu viện Đức Bà Atlas trong tỉnh Midelt, bên nước Marốc.

Hỏi: Thưa thầy Jean Pierre, thầy có thích cuốn phim “Các người của Thiên Chúa” không?

Đáp: Cuốn phim đã đánh động tôi rất nhiều. Tôi đã cảm động, vì được nhìn lại những gì chúng tôi đã cùng chung sống với nhau. Nhưng nhất là tôi đã cảm nhận được một sự tràn đầy, chứ không phải nỗi buồn. Tôi thấy cuốn phim rất là hay, vì sứ điệp nó nhắn gửi là thật, cả khi đạo diễn đã không luôn luôn chính xác với những điều đã xảy ra. Nhưng không sao cả, vì một hình vẽ thì nói nhiều hơn là những gì người ta trông thấy... Nó giống như bài thánh ca gregorien. Tác giả đã đặt vào đó một sứ điệp, và ai hát thì còn cảm nhận nó nhiều hơn nữa. Trong nghĩa đó thì cuốn phim này là một hình vẽ thành công và là một kiệt tác.

Hỏi: Vậy thầy không có gì để phê bình hay sao?

Đáp: Tôi đã nghe có người phê bình vai trò của cha Christian de Chergé Bề trên tu viện. Nhiều người cho rằng cha buồn qúa. Nhưng theo tôi như thế là được. Nhiều người khác cho rằng cha khắc khổ quá, vì họ không thấy cha cười bao giờ. Nhưng mà nó hợp với hoàn cảnh nghiêm trọng mà chúng tôi đã trải qua. Tôi khâm phục thái độ biết lắng nghe của cha đối với các tu sĩ khác, đặc biệt trong những lúc khó khăn. Cha không áp đặt, nhưng lắng nghe và rất tôn trọng các anh em khác. Cha luôn luôn rộng mở cho Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa làm việc và có phản ứng đúng đắn trước các anh em khác. Trong toàn cuốn phim người ta trông thấy thái độ rộng mở đó. Đây là cung cách sống của một đan sĩ.

Hỏi: Thầy có cầu nguyện với các anh em đã bị sát hại không? Như là đan sĩ thầy sống sự thành công của cuốn phim như thế nào? Và tại sao ban đầu thầy đã chống lại việc thực hiện cuốn phim này?

Đáp: Sáng nào tôi cũng dành ra một lúc để nghĩ tới các anh em đã bị sát hại. Họ không bị lãng quên, và tất cả họ đều hiện diện. Chúng tôi tiếp tục sống, và cuốn phim khích lệ ơn gọi của chúng tôi. Chúng tôi ngạc nhiên về sự thành công của cuốn phim. Tuy nhiên, sự kiện được người ta biết tới khiến cho tôi cảm thấy bị quấy rầy một chút... Vì làm đan sĩ là để sống ẩn dật. Chúng tôi đã không muốn nhận cuốn phim và cũng không muốn nó được quay tại Marốc, vì có nguy cơ bị nghi ngờ là chủ trương chiêu dụ tín đồ. Lý do là vì có nhiều tu sĩ đã đợi rất lâu mà chưa được phép nhập cảnh. Do đó, phải rất thận trọng. Chúng tôi đã phó thác cho thánh ý Chúa. Nhưng chúng tôi đã không được hỏi ý kiến. Toán quay phim đã biết lập trường của chúng tôi và lý do của sự thận trọng này, và họ tỏ ra rất kính trọng.

Hỏi: Thầy đã đến sống trong đan viện Tibhirine từ khi nào, và cuộc sống tại đây ra sao?

Đáp: Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày 19 tháng 9 năm 1964, khi chúng tôi đến đan viện với chiếc xe Hai Mã Lực. Và tôi nhớ mãi hình ảnh một trẻ em cỡi lừa ra đón chúng tôi. Tôi rất hạnh phúc. Từ căn phòng nhỏ của tôi trong đan viện, tôi trông thấy sân trong, vườn và ngôi làng ở xa. Và tôi tự nhủ đây sẽ là cảnh mà tôi sẽ ngắm nhìn cho tới cuối đời. Vì trong tim tôi, tôi muốn sống suốt đời tại đây. Tôi đã ở đây 32 năm từ 1964 cho tới biến cố các đan sĩ bị bắt cóc năm 1996.

Thời gian ban đầu có khó khăn. Cộng đoàn thiếu ổn định và đó đã là thời gian rất khổ. Đàng khác nước Algeria mới cũng đang thành hình. Các tiếp xúc với dân chúng gặp khó khăn, vì người dân địa phương khước từ người Pháp. Người ta cảm thấy hố ngăn cách này trong các dịp lễ kitô hay Hồi giáo. Không có điểm gặp gỡ giữa hai bên. Chúng tôi đã phải chiến đấu để tập yêu thương nhau. Trạm y tế do thầy Luc điều hành đã rất là quan trọng. Mỗi ngày thầy săn sóc tới 80 người. Thế rồi cha Christian de Chergé đã được bầu làm Bề trên đan viện năm 1984. Chúng tôi cần có một người biết nói tiếng A Rập như cha và hiểu biết tường tận nền văn hóa hồi. Từ đó trở đi chúng tôi đã trở thành một cộng đoàn thật sự, ổn định hơn. Chúng tôi sống hầu như tự lập. Và đó đã là một điểm lợi, vì chúng tôi có thể đưa ra nhiều sáng kiến trong tương quan giữa các tín hữu hồi và tín hữu kitô.

Hỏi: Cha Christian de Chergé đã có vai trò nào?

Đáp: Với ngài đã có tiến trình học hiểu về Hồi giáo. Cha đã học hỏi rất nhiều về Kinh Coran.

Ban sáng cha giảng giải Kinh Thánh với một cuốn Thánh Kinh tiếng A rập. Đôi khi cha suy niệm với Kinh Coran. Cha tìm cách giúp chúng tôi lớn lên. Chúng tôi đã có các tương quan với Hồi giáo, nhưng không phải trên bình diện trí thức. Cha Christan de Chergé rất hiểu biết môi trường Hồi giáo và tinh thần tu đức hồi sufit. Một số đan sĩ cho rằng cộng đoàn cần phải duy trì sự quân bình, chứ không thể bị định hướng bởi Hồi giáo. Đã xảy ra các va chạm. Nhưng các căng thẳng đã được vượt thắng với việc thành lập một nhóm trao đổi và chia sẻ với các người hồi sufít, mà chúng tôi gọi với từ A rập là nhóm ”ribát”. Chúng tôi đã hiểu rằng việc thảo luận về các tín điều gây chia rẽ, vì nó là điều không thể làm được. Khi đó chúng tôi nói về con đường tiến tới với Thiên Chúa. Và chúng tôi cầu nguyện trong thinh lặng, mỗi người với lời cầu của riêng mình. Các buổi họp hai năm một lần ấy bị gián đoạn vào năm 1993, khi tình hình trở nên rất nguy hiểm. Nhưng sự hiểu biết nhau đã khiến cho chúng tôi trở thành anh em với nhau một cách sâu đậm.

Hỏi: Thế nhưng điểm gặp gỡ đã là cái chết, có đúng thế không thưa thầy?

Đáp: Điều mà chúng tôi đã sống tại Tibhirine ngay từ đầu với nhau đã là một hoạt động của ơn thánh. Vì trung thành với ơn gọi của chúng tôi chúng tôi đã lựa chọn kiên trì, dù biết rất rõ điều gì có thể xảy ra cho chúng tôi. Chúa đã gửi chúng tôi đến đây, nên chúng tôi không từ nhiệm, cả khi chung quanh chúng tôi các người bạo lực tìm cách để cho chúng tôi ra đi, cả chính quyền cũng làm như thế. Nhưng chúng tôi có Chúa là Thầy và chúng tôi dấn thân với Người. Thế rồi, chúng tôi cũng muốn trung thành với những người sống chung quanh chúng tôi và không bỏ rơi họ. Họ cũng bị đe dọa như chúng tôi vậy. Họ phải sống giữa hai lằn đạn: lằn đạn của quân đội chính phủ và lằn đạn của các nhóm khủng bố phá hoại. Quyết định không bỏ rơi họ đã được chúng tôi đưa ra hồi năm 1993. Và cả trong trường hợp chúng tôi có bị phân tán đi nữa, thì chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở Fez, bên Marốc, để tái khởi hành và thiết lập đan viện trong một quốc gia A rập khác.

Hỏi: Thầy sống biến cố các tu sĩ Tibhirine bị bắt cóc và sát hại như là một thất bại hay như là việc chu toàn sứ mệnh?

Đáp: Sau khi các tu sĩ bị bắt cóc, tôi và cha Amnédée bị bắt buộc phải đi về thủ đô Algeri với cảnh sát. Chúng tôi đã cầu nguyện cho các anh em bị bắt cóc, xin Chúa ban cho họ sức mạnh và ơn thánh để họ đi tới cùng. Chúng tôi đã chờ đợi một sự can thiệp từ nước Pháp hay một sự can thiệp của giáo quyền để cho các tu sĩ được trả tự do. Nhưng chúng tôi đã nghe tin các vị bị sát hại ngày 21 tháng 5 năm 1996. Khi chúng tôi đang hát kinh chiều thì có một thầy trẻ tuổi chạy vào nhà nguyện qùy xuống đất và thất vọng kêu lên ”Tất cả mọi tu sĩ đã bị giết hết rồi”. Chiều hôm đó, khi rửa chén bát bên cạnh nhau, tôi nói với thầy ấy rằng cần phải sống biến cố này như là một cái gì rất đẹp, một cách rất cao cả. Phải xứng đáng với biến cố đó.

Và thánh lễ chúng ta sẽ dâng cho các anh em này sẽ không phải với lễ phục mầu đen, nhưng là mầu đỏ. Chúng tôi đã thấy các vị chịu cái chết đó thật sự như các vị tử đạo. Và tử đạo đã là điều mà chúng tôi chuẩn bị từ rất lâu trước trong cuộc sống của chúng tôi. Trong các năm mà chúng tôi cùng sống trong nguy hiểm với nhau, chúng tôi tất cả đã sẵn sàng. Nhưng điều này đã không loại trừ được sự sợ hãi.

Hỏi: Các cha các thầy đã bắt đầu sợ hãi từ khi nào?

Đáp: Ngay từ năm 1993 lực lượng vũ trang hồi Algeri đã tới đan viện vào chiều ngày lễ Giáng Sinh. Cộng đoàn hồi đó đã được củng cố rất mạnh trong sự hiệp nhất sâu xa. Nguy hiểm hiện diện tại khắp mọi nơi và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ban đêm cũng như ban ngày. Chúng tôi đã bị chấn động rất nhiều, và trong lúc đó chúng tôi đã trông thấy vực thẳm.

Hỏi: Đã không có sự thanh thản, cả khi các cha các thầy đã chọn ở lại hay sao?

Đáp: Không. Đã không bao giờ có. Ban chiều khi hát kinh tối, hầu như có một cái vung của sự nguy hiểm ụp xuống trên đan viện. Ban đêm có thể xảy ra bất cứ gì. Và chúng tôi hỏi nhau đêm nay sẽ xảy ra sự gì?

Chúng tôi không chờ đợi bị giết, nhưng chúng tôi biết điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rất may là chúng tôi có một cộng đoàn và cuộc sống tiếp tục như thế, mỗi người một việc: một thầy nấu bếp, một thầy làm vườn, người khác là quản lý. Công việc giúp chúng tôi quên, nhưng cứ vào ban chiều và khi lúc đêm về là chúng tôi lại tự hỏi không biết điều gì có thể xảy ra. Không ai nói lên điều đó, nhưng mọi người đều nghĩ như vậy.

(Avvenire 27-2-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top