Cái nhìn của ĐHY Bertone về ĐTC
Nhân dịp mừng kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI làm Giáo Hoàng (2005-16/5-2010), Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã dành cho Nhật Báo l’Osservatore Romano một bài phỏng vấn về cái nhìn của Đức Hồng Y, một cộng sự viên rất thân cận của Đức Thánh Cha.
Bài này được đăng trong Nhật Báo trên, ngày thứ hai và thứ 3, 10 và 11 tháng 5, năm 2010, ở trang 8. Tôi xin dịch ra tiếng Việt để cùng chia sẻ với mọi người và để giúp chúng ta hiểu rõ về Đức Thánh Cha, để yêu mến Đức Thánh hơn và cầu nguyện nhiều hơn cho Ngài trong sứ vụ mục tử toàn cầu.
***
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Theo lời giới thiệu của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone
Quốc Vụ Khánh Tòa Thánh
Hỏi: Đức Joseph Ratzinger là một con người phức tạp. Đức Hồng Y đã làm việc với Đức Hồng Y Ratzinger tại Bộ Đức Tin. Vậy Đức Hồng Y đã làm việc thế nào với Vị Tổng Trưởng Ratzinger? Và bây giờ làm việc thế nào với Ngài như Vị Giáo Hoàng?
Đáp: Nhiều năm làm việc bên cạnh Ngài đối với tôi thật là một diễm phúc lớn. Tôi đã cảm nghiệm đưiợc rằng Ngài là một con người đam mê sự thật, mến chuộng vẻ đẹp và chân tình chú ý tới nhân loại. Ngài là một con người đối thoại và biết lắng nghe. Ngài tự giới thiệu mình một cách thật tự nhiên và dễ dàng thoải mái với mọi người mà Ngài có dịp gặp gỡ. Từ nơi Ngài chiếu tỏa một chiều kích của niềm vui, một niềm vui lan tỏa ra, được đặt nền móng trên sự tin tưởng và hy vọng.
Còn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô là một người làm việc không biết mệt mỏi. Khi còn làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ngài theo dõi mọi hồ sơ và kết quả của việc học hỏi nghiên cứu, đề nghị cho từng vấn đề, Ngài lo xem lại kỹ lưỡng các bản dự thảo liên hệ tới giáo lý và thần học, và có rất nhiều dự thảo và lại có tầm mức quan trọng, trước khi đem xuất bản. Trong số các bản dự thảo quan trọng này, chúng ta phải kể tới nhất là hai văn kiện rất ý nghĩa, đó là việc soạn cuốn Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, hoàn thành vào năm 1992, và cả cuốn Tóm Lược (Compendium) Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, công bố vào năm 2005. Đó là 2 dụng cụ cuối cùng để thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng và giảng dạy trong Giáo Hội.
Từ khi Ngài được chọn làm Giáo Hoàng Tôi đã nhận thấy Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục giữ nhịp độ mà Ngài đã đưa ra, liên hệ tới việc cầu nguyện, học hỏi, gặp gỡ, viết sách, các buổi nói chuyện. Ngài là một con người yêu mến Thiên Chúa một cách sâu đậm, và nhìn vào chính mình – đúng như chính Ngài đã nói trên tiền đường của Đền Thờ Thánh Phêrô ngay sau khi được chọn làm Giáo Hoàng – Ngài cho mình như là “một người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa”.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu là những mục tiêu mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn đạt tới?
Đáp: Trước tiên, Ngài nhắm vào việc công bố sứ điệp Kitô giáo và dấn thân vào một cuộc đối thoại hữu hiệu và cởi mở với thế giới. Ngay từ buổi đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Ngài đã dõi bước theo chân Vị Tiền nhiệm của mình là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong công cuộc thực thi Công đồng Vaticanô II và đã nhất quyết làm việc để lo công cuộc hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ của mình trong Bữa Tiệc Ly. Ngài dấn thân tăng thêm cuộc đối thoại thường xuyên với các tín đồ của các tôn giáo khác, và với tất cả những người đang đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất về cuộc sống. Ngài cổ võ tất cả mọi người trong việc thăng tiến các giá trị nền tảng cho sự thiện chân chính của nhân phẩm con người và cho xã hội.
Sau cùng, tôi sẽ là người không nói thật và nói đủ, nếu tôi không quả quyết rằng, như mọi Vị Giáo Hoàng khác, Đức Bênêđictô XVI không hề lo theo đuổi những mục tiêu riêng và có tính cách cá nhân của mình. Ngài xác tín một cách chắc chắn rằng mình được kêu gọi để làm rạng ngời ánh sáng của Chúa Kitô trước mặt mọi người trong thời đại chúng ta, nam cũng như nữ. Đó không phải là ánh sánh của Ngài, nhưng là ánh sáng của Chúa Kitô, mà Đức Thánh Cha mong ước rằng dân chúng có thể nhìn thấy ánh sáng đó tỏa rạng nơi chính mình họ. Và như vậy, Ngài làm gương cho các linh mục về vấn đề này.
Hỏi: Người ta nói Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không có tới được các môi trường nơi bình dân. Cách đây ít lâu, Đức Hồng Y đã nói như thế, cả ngay trên báo “L’Osservatore Romano”. Vậy trong dịp này cũng nên đề cập lại một vài suy tư của Ngài. Đức Hồng Y biết những thái độ đồng ý giữa những giới chung quanh Đức Thánh Cha, và biết cả một vài thái độ dè dặt nữa, nhất là về việc trung thành với Công đồng chung Vaticanô II và việc canh tân Giáo Hội. Các lo sợ này có nền tảng không?
Đáp: Để hiểu được các ý hướng và việc cai quản của Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI, chúng ta cần phải quay trở lại cuộc đời cá nhân của Ngài – đó là một kinh nghiệm dưới nhiều hình thức đã cho phép Ngài trải qua Giáo Hội công đồng như là một người trong cuộc thực sự – và, một khi được bầu lên làm Giáo Hoàng, qua bài diễn văn khai mạc triều đại Giáo hoàng của Ngài, và qua bài diễn văn đọc trước Giáo triều Rôma ngày 22 tháng 12 năm 2005, cũng như qua các hành vi cụ thể Ngài đã muốn thực sự và đã chấp thuận cho thi hành (và cứ thế mà giải thích thêm, từ từ và kiên nhẫn).
Các suy luận trên mây gió và các bàn tán về các lần can thiệp cho là Ngài quay ngược trở lại với quá khứ, chỉ là những lời bịa đặt ra hoàn toàn theo một mẫu clíché đã có chuẩn mực sẵn và được nhắc lại một cách thật là cố tình. Tôi chỉ muốn trích dẫn một vài sự kiện rút từ Công đồng Vaticano II mà Đức Thánh Cha đã luôn đề cao với sự hiểu biết và về những tư tưởng thật thâm thúy: như mối liên hệ được tái lập một cách rộng lớn hơn đối với các Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Đông Phương, việc đối thoại với Do Thái Giáo và cuộc đối thoại với các người Hồi Giáo, tất cả đã lôi kéo nhau và làm sinh ra những đáp ứng cũng như những cuộc đào sâu mà trước đây chưa hề thấy có, song song với việc thanh luyện ký ức và mở ra đón nhận những điều thật phong phú của người khác.
Và ngoài ra tôi muốn nhấn mạnh tới mối liên hệ trực tiếp và thân hữu huynh đệ, ngoài mối liên hệ phụ tử, với tất cả mọi thành viên trong hàng giám mục trên thế giới trong những lần các Ngài đến viếng mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô (Visite ad limina) và trong rất nhiều dịp tiếp xúc khác nữa.
Người ta cần nhớ lại tục lệ mà Ngài đã khởi xướng khi cho phép các giám mục tự do phát biểu trong các cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới với các câu trả lời trực tiếp của Ngài và các suy tư riêng của chính Đức Giáo Hoàng. Rồi chúng ta cũng đừng quên các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các Vị Đứng Đầu các Bộ và Cơ Quan của Giáo Triều Rôma trong các lần tiếp xúc này Ngài đã lập lại thói quen có những buổi gặp gỡ định kỳ với các Vị này.
Còn đối với việc cải tổ Giáo Hội – và điều này cần được nhìn trong chiều sâu nội tâm và thánh thiện – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhắc lại cho chúng ta phải trở về nguồn của Lời Chúa, trở về với luật Phúc Âm và trở về với con tim của đời sống Giáo Hội: Chúa Giêsu là Chúa được nhận biết, yêu mến, thờ lạy và bắt chước như là “người mà nơi Ngài Thiên Chúa cảm thấy vui lòng làm cho sự sung mãn ở trong đó”, theo kiểu nói của Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu tại Colossêô.
Sau cùng, Tôi muốn nhấn mạnh tới điều mà Đức Thánh Cha đã nói trong thư gửi các Giám Mục trên thế giới ngày 10-3-2009 về việc tha vạ tuyệt thông cho các giám mục được truyền chức do Đức Tổng Giám Mục Lefèbvre: “Vào thời đại chúng ta trong đó tại rất nhiều nơi trên trái đất này đức tin đang ở giai đoạn tắt dần đi như một ngọn lửa không còn được đổ thêm dầu vào, nên mối ưu tiên trên hết là làm sao để Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này và làm sao mở ra cho mọi người lối đi tới Thiên Chúa. Không phải là tới bất cứ một thiên chúa nào, nhưng là tới Thiên Chúa là Đấng đã nói trên núi Sinai, tới Thiên Chúa mà chúng ta nhận ra được bộ mặt của Ngài trong tình yêu được thúc đẩy cho tới tận cùng, nơi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại (Gioan 13, 1). Vấn đề chính, trong thời đại của lịch sử chúng ta, đó là Thiên Chúa đang biến dần khỏi tầm nhìn của con người và cả ánh sáng đến từ Thiên Chúa cũng đang tắt lụn đi, thì con người đang được tiếp nhận ánh sáng đó trong cảnh thiếu vắng một hướng đi mà kết quả tai hại của nó hiện ra cho chúng ta thấy mỗi ngày nỗi rõ ràng hơn”.
Hỏi: Đức Hồng Y có thể giải thích, nếu được thì qua vài thí dụ, làm sao trong Giáo Hội của Đức Bênêđictô XVI, sự tự do suy tư và ngược lại, đang biến đi, song song với với trách nhiệm của đức tin?
Đáp: Trong vấn đề này – và đây là điều hết sức quan trọng và là trung tâm điểm của Giáo Hội, và liên hệ với hai từ khác cũng gắn liền với nhau thật chặt chẽ, như là đức tin và lý trí, đức tin và văn hóa, khoa học và đức tin, vâng lời và tự do – cũng cần trở ngược lại với thí dụ của đời sống và của kinh nghiệm của Đức Joseph Ratzinger, là một nhà suy tư, một nhà thần học và một thày dạy giáo lý được mọi người nhận biết, như tôi vừa nói tới.
Vậy rõ ràng là người ta không thể bỏ qua những tập quán của Ngài và cung cách sống cai trị của Ngài rút ra từ các xác tín sâu xa hơn đã nuôi dưỡng và ghi dấu ấn sâu xa nơi hạnh kiểm của Ngài như một học giả và một người đi tìm tòi nghiên cứu. Trong quãng đường thật dài của Ngài về mặt trí thức, khá linh động trên ghế giáo sư tại các đại học và trên các phương tiện truyền thông, người ta còn phải liên tục thêm vào đó hai trách nhiệm thât lớn lao và thật kinh sợ: trước tiên là trách nhiệm là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và rồi chức vụ Mục Tử tối cao của Giáo Hội Công Giáo. Rõ ràng là hai sứ vụ này đã để lại dấu ấn trên các giáo huấn của Ngài và các hành động của một vị Hồng Y và Vị Giáo Hoàng, hướng dẫn chúng một cách hữu hiệu hơn nữa, nếu người ta có thể nói như thế, tới một ảnh hưởng đan quyện vào nhau và cùng chung sức lại giữa tự do nền tảng của suy tư và việc đi tìm tòi nghiên cứu cũng như trách nhiệm của hành động đức tin và việc chấp nhận đức tin vào Thiên Chúa là Đấng mặc khải, Đấng nói với chúng ta và kêu gọi để trở nên một “tạo vật mới”.
Vì thế không có một sự đối nghịch lại với nhau hay một việc “tách ra khỏi nhau”, nhưng là một sự hài hòa trong việc tìm tòi, xây dựng với lý trí được thấm nhuần bằng tình yêu. Đó là thái độ của Đức Joseph Ratzinger khi Ngài nói với các cơ quan như là Ủy Ban Quốc tế Giáo Hoàng về Kinh Thánh, Uỷ Ban Quốc Tế Giáo Hoàng về Thần Học, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa học, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, và cứ thế mà mà nói tiếp, hoặc khi Ngài đối thoại với từng nhà bác học và từng nhà tư tưởng. Ngài xin các nhà thần học đừng để cho mình bật ra khỏi gốc rễ đức tin của Giáo Hội, để đúng là một nhà thần học chính danh công giáo.
Và Tôi còn muốn kể ra một trang rất hay của Thông điệp Đức ái trong chân lý (Caritas in veritate), trong đó Ngài nói về việc dấn thân “để làm cho các lớp khác nhau của sự hiểu biết của con người hoạt động xen vào nhau nhằm tạo ra một cuộc thăng tiến việc phát triển đúng thực đối với các dân tộc”. Sau khi đã giải thích là sự hiểu biết không bao giờ chỉ là một hoạt động của trí khôn, rằng sự hiểu biết sẽ trở nên cằn cỗi nếu không có tình yêu, thì Ngài kết luận: “Các đòi hỏi của tình yêu không đối ngược với các đòi hỏi lý trí. Sự hiểu biết của con người sẽ không đầy đủ và các kết luận của các ngành khoa học không thể tự mình chỉ ra con đường đi tới sự phát triển toàn diện của con người. Luôn cần có một sự thúc đẩy phải đi xa hơn nữa: đức ái trong sự thật đòi hỏi điều này. Tuy nhiên đi xa hơn nữa không có nghĩa là bỏ qua một bên các kết luận của lý trí, cũng không phải là nói ngược lại với các kết quả của lý trí. Không có lý trí và rồi không có tình yêu: có tình yêu giầu sang lý trí và lý trí tràn đầy tình yêu” (số 30).
Rôma, ngày 11-5-2010.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
(dịch theo nguyên bản tiếng Ý, trong báo L’Osservatore Romano, số ngày lunedi – martedi, 10 e 11 maggio 2010, p. 8).
_______________________
Ghi chú thêm: Ngày Chúa Nhật 16-5-2010 vừa qua, một nhóm Giáo Dân đã đứng ra kêu gọi mọi người, ai có thể được, hãy đến đọc Kinh Regina Caeli laetare (Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng) với Đức Thánh Cha tai Quảng trường Thánh Phêrô để biểu lộ tình hiệp thông và sự gần gũi bên Ngài, sau các lời cáo buộc Ngài, xỉ mạ, do một số cơ quan báo chí đưa ra trong thời gian gần đây. Ngưới ta ước tính có hơn 200.000 người đến từ khắp Nước Ý trong ngày hiệp thông này.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19