Cảm nhận của anh em Đại Chủng sinh về cuộc tọa đàm với Chư Tăng Phật giáo tại Tịnh Xá Trung Tâm

Cảm nhận của anh em Đại Chủng sinh về cuộc tọa đàm với Chư Tăng Phật giáo tại Tịnh Xá Trung Tâm

1. Niềm vui hội ngộ

Cuộc hội ngộ diễn ra vào buổi chiều ngày 19.5.2010 giữa anh em Chủng sinh đang tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse TP. HCM với Hòa Thượng (HT) Thích Giác Toàn, Đại Đức (ĐĐ) Thích Giác Hoàng, cùng Chư Tăng cư ngụ tại Tịnh xá Trung Tâm (TXTT), số 7 Nguyễn Trung Trực, Quận Bình Thạnh, TP. HCM, đã để lại trong lòng mọi người nhiều dấu ấn đẹp.

Theo sự hướng dẫn của Cha giáo môn Thần học Kitô giáo về các tôn giáo, thì đây là lần đầu tiên tập thể Chủng sinh Khóa 9 được gặp gỡ và trao đổi với quý chư Tăng Khất Sĩ Việt Nam. Hệ phái Phật giáo này do Tổ Sư Minh Đăng Quang sáng lập từ năm 1944 với hạnh nguyện: “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Dù niềm tin tôn giáo có khác nhau, nhưng dường như ai cũng cảm nhận được sợi dây vô hình đưa dẫn chúng tôi đến với nhau trong buổi hội ngộ này. Cuộc gặp gỡ mang ý nghĩa dặc biệt hơn khi các Phật tử đang chuẩn bị mừng lễ Phật Đản năm 2554 PL, điều này làm cho niềm vui hạnh ngộ như được nhân lên.

Chính sự tiếp đón nồng hậu của các Chư Tăng TXTT đã để lại ấn tượng đẹp ban đầu đối với anh em Chủng Sinh chúng tôi, đồng thời tạo nên bầu khí thân thiện, cởi mở khiến chúng tôi có thể đàm đạo cách tự nhiên với HT. Thích Giác Toàn, ĐĐ Thích Giác Hoàng.

2. Đời và Đạo

Sau phần giới thiệu đôi bên, cuộc trao đổi được bắt đầu với lời tự bạch của HT. Thích Giác Toàn tại Hội Trường của Tịnh Xá. Qua cách nói chuyện khôi hài, dung dị và mộc mạc của HT, chúng tôi lại nghiệm ra được ý nghĩa thâm thúy: Đời còn thì đạo còn. Đạo và đời hòa quyện vào nhau. Đạo đi vào đời nhưng Đạo không mất đi:

“Mẹ đi sanh ở nhà thương Chúa,
Có ngoại có dì Út con đưa”
(x. Trần Quê Hương, Tuyển Tập Thơ, Thuở con chào đời, tr. 25)

Với cách trình bày đạo pháp bằng thơ đầy tinh tế, Hòa Thượng đã đưa Đạo vào thơ, và Đạo đã bước vào đời:

“Ngày xưa Bồ Tát Hộ Minh
Cung trời Đâu Suất Đản Sinh vào đời…"
“Sen vàng bảy đóa báu châu
Thất chi thị hóa đi vào nhân gian” (Ngàn Chư Thiên Hội, tr. 234).

“Sen vàng bảy đóa báu châu”: người ta cho rằng ngày ra đời của Đức Phật có nhiều điềm lạ, khi Đức Phật sinh ra đã biết đi rồi. Mỗi bước chân đi đầu tiên của ngài có bảy đóa sen nở để nâng gót chân của ngài. Bảy đóa sen cũng gọi là Thất Giác Tri, như bảy bước của người mới bắt đầu tu hành theo Phật: phân biệt sự lành, sự dữ; siêng năng; an lạc trong vòng đạo đức; thắng phục tâm ý chính mình; tiếp tục tưởng nhớ đạo ý; nhất tâm tại đình; vui trì cùng cảnh ngộ.

Ai cũng có cái ngã của thế gian, của tự ái, tham, sân, si. Nếu biết tu tập bỏ cái ngã tự ái ấy mà chuyển hóa thành cái đại ngã, là cái tâm bao dung rộng lớn, yêu thương tất cả. Do đó, chỉ khi nào ta biết bỏ được cái ngã của mình, cái sân, si, mạn. Khi nào ta biết dừng lại, không sân, không nói, không tưởng nghĩ đến nó, thì chính lúc đó đời tu hành của chúng ta mới thấy cái đẹp của thân, tâm, ý.

Chia sẻ này khiến chúng tôi nhớ lại Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

3. Thơ và Đạo

Đặc biệt, anh em khâm phục trước cách vận dụng tài tình của HT làm cho Đạo dễ đi vào lòng người hơn qua những vần thơ nhẹ nhàng, thanh thoát. Điều ấy giúp anh em lĩnh hội ý nghĩa sống động về con đường giải thoát mà Đức Phật đã trải nghiệm:

“Trần gian bể khổ mênh mang
Tình tiền danh lợi buộc ràng bùn nhơ.”
(Bình Minh Tỉnh Thức, tr. 235)
“Đạo là tìm lại chính mình
Phá tan si ám, dứt tình lầm mê.
Đạo là quyết chí quay về.
Khổ đế-Tập đế đoạn lìa nghiệp tâm.
Diệt đế-Đạo đế thậm thâm,
Tam minh chiếu diệu,
Ưu đàm nở hoa”
(Ưu Đàm Nở Hoa, tr. 236).
“Phật là thanh tịnh tâm vương
Pháp là diệu nghĩa khai đường chánh chơn”
(Vô Lượng Vô Ngôn, tr. 237)

Người tu hành theo Phật, trước hết phải hiểu rõ về chính mình, rồi sau đó mới rao truyền đạo pháp:

“Rừng sâu độc bộ độc hành
Một mình quán chiếu ngọn nghành vô minh”
(Ưu Đàm Nở Hoa, tr. 236)
“Tăng là du hóa hoằng dương
Mười phương nối nhịp tình thương đạo đời”
(Vô Lượng Vô Ngôn, tr. 237).

 

4. Tu hành phải siêng năng

Anh em chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất khi nghe Hòa Thượng chia sẻ về kinh nghiệm tu hành của mình. Theo vị cao tăng này, tôn giáo nào cũng đòi hỏi người đi tu phải siêng năng và cố gắng, nếu không siêng năng thì không đi tu. Nhờ luôn tinh tấn thì mới có thể thành công, đắc đạo trong trọn vẹn trong đời tu được. Nếu tâm và đức mà xuống cấp rồi thì khó lòng có thể đi tới được. Chứng quả, đắc đạo sớm hay muộn đều do công năng, công phu tu tập của mình. Công hàm này đòi hỏi phải có sự gia cố và tu tập liên tục. Ví như Xá lợi là tất cả những gì tinh hoa của con người, những gì tạo nên con người tinh hoa, thì toàn thân cũng là tinh hoa, thì người quan tâm tu Phật cũng phải cố gắng liên tục nhiều năm mới có thể đạt được chứng quả do công năng của mình.

Điều này gợi nhớ nơi chúng tôi Lời yêu cầu của Chúa Giêsu: “Hãy phấn đấu mà qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho các người biết có nhiều người sẽ tìm cách mà vào mà không thể được” (Lc 13, 24).

5. Giải đáp thắc mắc về đạo Phật

Cuộc chuyện trò mỗi lúc càng thêm hấp dẫn trong bầu khí thân tình và tôn trọng, khi anh em Chủng sinh nêu những vấn nạn về ý nghĩa “giác ngộ hay tự độ”, ý nghĩa của Xá Lợi, thuật ngữ “xuất gia” theo nhà Phật, ý nghĩa lễ An Cư, lễ Vu Lan theo truyền thống Phật Giáo, quá trình tu tập và cơ cấu Giáo phẩm của Tăng sĩ Phật giáo. Làm sao có thể tu hành trong môi trường đô thị quá nhiều phiền não ảnh hưởng đến người tu hành theo Phật?…

ĐĐ. Thích Giác Hoàng đã lần lượt giải đáp cách khúc chiết các thắc mắc trên. Theo Đại Đức, từ “xuất gia” trong ngôn ngữ nhà Phật nghĩa là ra khỏi nhà trần thế, ra khỏi ba cõi (cõi sắc, cõi dục, cõi vô sắc), ra khỏi nhà của phiền não. Cho nên, yếu tố quan trọng nhất cho người mới tu hành theo Phật là một môi trường thích hợp để tu tập, để tịnh thoát thân, tâm. Nếu không có môi trường tốt, ta không thể tự tịnh thoát thân tâm được. Bởi vậy, người tu hành theo Phật cần một môi trường thánh thiện để thường trị tánh tham, sân, si của mình, cho đến khi nào đạt đến trình độ Tuệ Giác, tức là tự mình có thể tinh tấn được, khi ấy người tu được coi là đã trưởng thành, thì dù ở trong môi trường nào họ cũng có thể tu được. Như bên Đạo Thiên Chúa, người tín hữu bắt đầu đi tu cũng cần giai đoạn vào nhà tập, tạm cắt đứt với những liên hệ bên ngoài để có thể tiến hóa trên con đường tâm linh, thì trong nhà Phật cũng có những giai đoạn nhập thất để tự tu.

Sở dĩ ta cần tạm cắt đứt với bên ngoài là để tập trung xử lý các thông tin bên trong, vì những thông tin bên trong ta tích lũy theo thời gian quá nhiều sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chỉ khi nào ta xử lý xong những thông tin bên trong, ra khỏi nhà phiền não thì mới thấy tâm mình an vui. Đến khi trưởng thành rồi thì ta quay trở lại với các môi trường. Dù đi trong đời ta cũng không bị đời làm biến chất, như đóa sen tươi đẹp vẫn có thể nở trong đời vậy. Khi tiếp xúc với tha nhân, là cơ hội cho chúng ta coi lại phạm hạnh của mình chứ không phải đi tu là hoàn toàn xa tránh đời và oán trách người khác. Ngày xưa Đức Phật cũng ở làng quê, ở thành thị nhưng vẫn đi khất thực để hóa duyên.

6. Gởi trao niềm tri kỷ

Sau phần trao đổi, Hòa Thượng đã đọc tặng anh em chủng sinh bài thơ “Vinh danh Thiên Chúa” mà ngày xưa Hòa Thượng làm, phát xuất từ cảm nghiệm giao tiếp với hai dòng tín ngưỡng Chúa và Phật:

“Hiện thân từ Thượng Đế
Nương Mẹ Ma-ri-a
Ra đời trong châu lệ
Nhưng Thiên Chúa đã qua.
Thật Hài Nhi kỳ diệu
Thật kinh nghiệm tuyệt vời
Không gian là tiên liệu
Thời gian là cuộc đời.
Mỗi một ngày hoa nở
Chúa đến trong bình an
Ma-ri-a kiên nhẫn
Nuôi con thật diệu hiền.
Thương con thật tại tâm
Triều đình luôn thấu hiểu
Chúa ngâm bài ca thán
Thượng Đế xuống phàm trần.
Cho con người nhân gian
Nào ngờ nghiệp nhân loại
Kiếp kiếp nghiệp trùng lai
Chúa hy sinh chịu nạn.
Khổ đau mình Chúa gánh
Miễn chúng sanh được yên
Ôi ! vinh danh Thiên Chúa
Ôi ! cao cả vinh danh.”

* * *

Đáp lời hai chư tăng của TXTT, Cha Giáo của chúng tôi chia sẻ về ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu cũng trải qua những cảnh ngộ tương tự. Chúa Giêsu đã nói: “kẻ được gọi thì nhiều, mà kẻ được chọn thì ít” (Mt 20, 16). Nếu nhà Phật cho là có nhân duyên, hạnh ngộ mới có thể đi tu đắc đạo được, thì người Công giáo tin rằng cần có ân sủng của Thiên Chúa mới đi tu cho trọn vẹn được. Ngài tin rằng trong Phật giáo, ngoài Phật bảo, Pháp bảo còn có Tăng bảo (Sangha) cũng rất quan trọng đối với người tu. Bản thân ngài từng cảm nhận tác động tích cực của môi trường tập thể giáo sĩ và tu sĩ đạo Công giáo đã giúp bản thân lớn lên cùng thêm tinh tấn trên đường tu tập, tương tự như vai trò của Sangha đối với người tu sĩ Phật giáo.

7. Cảm nhận và tri ân

Rời hội trường, chúng tôi còn được quý chư Tăng mời dùng ít bánh chay trong phòng khách, và cuộc trò chuyện về đạo lại tiếp diễn trong bầu khí thân mật hơn. Trước khi ra về, hai bên chụp hình lưu niệm chung trong sân TXTT. Tuy buổi hội ngộ chỉ hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng đọng lại trong lòng các linh mục tương lai nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp khó quên.

Trước đây, tri thức của anh em chúng tôi về Phật giáo là thông qua sách vở, anh em cũng hiểu rằng Phật giáo đã nhìn thấy sự thiếu sót tận căn của cuộc đời vô thường và chỉ dạy cho những ai thành tâm và tin tưởng, con đường đạt đến sự giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ tối cao, nhờ những cố gắng của bản thân hoặc trợ lực của ơn trên (x. Tuyên Ngôn về Liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, số 2). Nhưng nay, khi được tận mắt thấy, tận tai nghe và đàm đạo trực tiếp với các vị Hòa Thượng, Đại Đức cùng chư tăng có tâm đạo, anh em chúng tôi nhập tâm được nhiều kinh nghiệm sâu sắc, sống động về con đường tu tập và đạo hạnh Phật giáo nơi đây nhiều hơn là tri thức.

Nhân dịp Mừng Lễ Phật Đản 2554 PL, anh em Chủng Sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Khóa 9, xin gởi lời cám ơn chân thành và kính chúc quý Hòa Thượng, Đại Đức cùng Chư Tăng, Phật tử sinh hoạt tại Tịnh Xá Trung Tâm thân tâm hạnh lạc, Phật sự viên thành.

Đại Chủng viện Thánh Giuse, ngày 23.5.2010,
Anh Em Chủng Sinh Khóa 9

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top