Cần lắm một bàn tay yêu thương

Cần lắm một bàn tay yêu thương

Cần lắm một bàn tay yêu thương

Bạn đã từng bao giờ rơi vào hoàn cảnh đau đớn, bệnh tật, cô đơn, thiếu thốn và mất mát chưa? Và chắc hẳn bạn đã từng chứng kiến những người thân yêu của mình chịu đau đớn? Và bạn cũng đã từng trải nghiệm khi có một bàn tay giúp đỡ bạn khi cần thiết? Có thể cuộc đời mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua những khó khăn, đau khổ nhưng cũng chan chứa niềm hy vọng. Nhưng có lẽ chúng ta chưa ở trong tình trạng đau đớn, cô đơn, và bị xa lánh như những người cùi hiện đang sống cô lập và rải rác trên đất nước ta. Nhân ngày quốc tế bệnh nhân vào ngày 11 tháng Hai, chúng tôi xin gởi đến các bạn vài hình ảnh và đoạn clip mà chúng tôi tin rằng bạn sẽ không khỏi ngậm ngùi thương cho số phận người cùi tại Gia Lai

Bệnh Nhân Phong

Hơn nửa thế kỷ qua, bệnh phong được biết đến tại Việt Nam và nó được mô tả là bệnh hủi; một căn bệnh quái ác đã giết chết biết bao nhiêu người hoặc người bệnh phải chịu sự đau đớn, cô lập, bị xa lánh đôi khi còn bị ngược đãi. Căn bệnh để lại những di chứng bên ngoài như ung nhọt, lở loét, nặng hơn nữa thì vết thương lõm vào da thịt, cụt tay, cụt chân... Nhưng trong những thập kỷ qua, do có thuốc chữa, đồng thời được sự hỗ trợ của nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài quan tâm đến những người mắc bệnh phong, nên phần nào đã góp phần làm giảm bớt số người mắc bệnh. 

Tưởng chừng việc có thuốc chữa được bệnh phong, xã hội bớt thành kiến cũng như chính sách nhà nước sẽ giúp cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chính điều này, những người đang mắc bệnh lại càng rơi vào tình trạng khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu khi con số bệnh nhân phong giảm bớt, và chính sách nhà nước không còn quan tâm như trước đây. Các tổ chức nước ngoài cũng rút dần, hoặc không còn hỗ trợ. Người ta thông tin với nhau rằng, người cùi được rất nhiều tổ chức hỗ trợ nên bạn hãy tìm đối tượng khác để giúp đỡ. 

Hiện nay ở Việt Nam còn rất nhiều trại phong như Quỳnh Lập, Vǎn Môn, Sóc Sơn (Hà Nội), Cẩm Thuỷ, Chí Linh (Hải Dương), Quảng Yên (Quảng Ninh) trại,  trại K10 Điện Biên thuộc Giáo phận Hưng Hoá, Xuân Mai, thuộc xã Đông Yên, Huyện Quốc Oai, Hà Nội.  Phú Bình, Sơn La, Quy Hòa, Bến Sắn, Đắc Nông, Chư Prông, Đức Cơ - thuộc tỉnh Gia Lai (chỗ này thực chất không phải là một trại phong chính thức (được tổ chức qui củ, cụ thể và có kèm theo bệnh viện, trạm xá, nhân viên y tế). Đây là một làng, nằm ở trong rừng, có cư dân là những bệnh nhân phong sống với nhau. Hiện nay có vài tu sĩ và một số tình nguyện viên cùng họ chiến đấu với bệnh phong ở đây.

Đến thăm làng người cùi tại Gia Lai, nơi đây có khoảng 50 hộ gia đình mắc bệnh phong. Đa số họ là những người già neo đơn, có chồng hoặc vợ qua đời, hoặc không có con cái và cũng chẳng có gì làm để mưu sinh. Họ chủ yếu sống nhờ vào sự trợ giúp của một số nhà hảo tâm, ai cho gì ăn nấy. Họ cũng chẳng có thuốc men hay một trợ cấp lâu dài hứa hẹn nào. 

Bà Angam, 70 tuổi, một mình đơn độc trong một không gian chưa đầy 8 m2 nhưng lại bao hàm mọi vật dụng sinh hoạt của bà. Nơi bà nằm ngủ là tấm chiếu trải trên nền đất bên cạnh bếp củi. Bếp củi không chỉ là cái bếp đơn thuần giúp bà thổi cơm sống qua ngày nhưng còn là phương tiện giúp bà sưởi ấm khi trời đông giá rét. Một mình sống trong căn nhà tồi tàn, vết thương ngày một ăn sâu, cộng với thời tiết khắc nghiệt giá rét, có lúc vì đau quá mà bà dụi cây than hồng vào vết thương của mình. Bà không có giường để nằm, có lẽ nó cũng không cần thiết vì với hai chân đã cụt dần lên tới tận đầu gối đang bị lở dần và phải cắt bỏ phần da thịt bị hoại tử. 

Trong xã hội còn rất nhiều “những bệnh nhân không người chăm sóc, cần được giúp đỡ, được tắm rửa, được ăn uống và được mặc quần áo.” Năm 2015, nhân ngày Quốc tế bệnh nhân Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta hãy mở rộng vòng tay đối với người đau khổ và bệnh tật: “Hãy phục vụ, đồng hành và ra khỏi mình để đến với anh chị em bệnh nhân đau khổ.” Vì ai cũng có quyền được sống xứng với phẩm giá của con người. Hãy là “đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què.” (G 29, 15).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top