Cần tận dụng và tạo cơ hội truyền giáo

Cần tận dụng và tạo cơ hội truyền giáo

Là người môn đệ Đức Giêsu, chắc hẳn ai cũng có một mong muốn là làm cho người chưa tin nhận Chúa trở thành môn đệ của Người. Muốn thì muốn vậy, nhưng thực tế thì lại rất ít người biết tận dụng những cơ hội tốt để thu phục người ta thành môn đệ của Đức Giêsu; chưa tận dụng hết những cơ hội tốt thì làm sao tạo cớ để loan báo Tin Mừng.

Trong giới hạn của bài này, người viết xin nêu ra một số điểm trong đề tài “Cần tạo cơ hội truyền giáo” khởi đi từ gợi hứng của đoạn trích sách Tin Mừng theo thánh Gioan (4,1-30.39-42).[1] Bài viết được phân tích từ kinh nghiệm thực tế trong khi hướng dẫn giáo dân đi truyền giáo theo các phương pháp truyền giáo dựa trên Kinh Thánh nhằm giúp người đọc nắm được những điểm chính: làm như thế nào để tìm cớ tiếp cận người ta (1), mục đích của việc tiếp cận người ta là để làm gì (2), sau khi đã tiếp xúc được người ta thì cần tiến đến việc cảm hoá (3), mỗi một khi người ta đã được cảm hoá thì họ sẽ trở thành những nhà truyền giáo đắc lực (4).

1. Tìm cớ để tiếp cận

1.1. Bối cảnh

Trước khi phân tích những cách tiếp cận, xin trích đoạn về bối cảnh của việc Chúa Giêsu tìm cớ để tiếp cận với người phụ nữ Samari.

“Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gio-an. (Thực ra, không phải chính Đức Giê-su làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người). Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri. Vậy, Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.” (Ga 4,1-6).

1.2. Sự việc tại bờ giếng ông Giacóp

Tiếp theo dưới đây, chúng ta theo dõi tiếp đoạn trích nói về sự việc xảy ra tại bờ giếng Giacóp giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari.

“Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống! " Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? " Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4,7-14).

1.3. Khoảng cách khác biệt

Sau khi đã nắm được sự việc tại bờ giếng Giacóp, chúng ta sẽ phân tích những dữ kiện ở trong đoạn trích. Chúa Giêsu, sau một chặng đường dài vất vả, mệt mỏi và khát nước, nên phải đi xin nước uống. Khi Chúa Giêsu xin người phụ nữ Samari nước uống, chính người phụ nữ này nói cho biết: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? " Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri.” Người phụ nữ cho chúng ta biết khoảng cách khác biệt trong suy nghĩ và hành xử giữa người Do Thái và người Samari là rất lớn.

1.3.1. Khác biệt về tôn giáo

Người Do Thái có một mối thù nghịch và khinh bỉ đối với người Samari, vì đối với người Do Thái không thể thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa của các Tổ Phụ; thế mà ở đây người Samari lại thờ hết thần này đến thần khác, cụ thể là năm vị thần.[2]

Sau khi bị thất thủ vào năm 721 (trước Chúa Cứu Thế), miền đất Samari bị năm dân ngoại xâm chiếm; năm dân đó khi đến ở lẫn lộn với dân Samari thì họ cũng mang theo năm vị thần của họ vào đất Samari luôn. Do đó, người Samari chịu ảnh hưởng về tôn giáo của dân ngoại, thờ cả các thần của dân ngoại. Chính vì lý do đó, giữa người Do Thái và người Samari có khác biệt rất lớn về tôn giáo.

1.3.2. Khác biệt về chính trị và văn hoá

Người Samari tôn thờ Thiên Chúa tại núi Gơridim, như thế Gơridim trở thành trung tâm tôn giáo, và do đó cũng là trung tâm chính trị và văn hoá của họ; còn người Do Thái lấy Giêrusalem làm trung tâm tôn giáo, ngoài ra còn là trung tâm chính trị và văn hoá nữa. Cũng vì lý do đó, nên khoảng cách về chính trị và văn hoá giữa hai bên cũng khá lớn.[3]

1.3.3. Khác biệt về cách hành xử

Từ những khác biệt về tôn giáo, chính trị và văn hoá lại đưa đến sự phân biệt đối xử trong đời sống hằng ngày. Người Do Thái không thể vượt qua rào cản tôn giáo, chính trị và văn hoá để đến với người Samari bình thường như gặp ông này ông kia, thì lại càng không thể gặp nói chuyện với một người phụ nữ. Gặp phụ nữ và nói chuyện ở nơi công cộng, người đàn ông Do Thái đã không được phép, ở đây là người phụ nữ Samari thì lại càng không được phép hơn. Nhưng Chúa Giêsu đã làm một cuộc đột phá, một cuộc cách mạng.

1.4. Đột phá

1.4.1. Đột phá trong suy nghĩ

Chúa Giêsu suy nghĩ thật táo bạo. Người suy nghĩ không dựa trên những nguyên tắc hay tiêu chuẩn của con người có quyền có chức trong xã hội để bắt nạt những người thấp cổ bé miệng. Người suy nghĩ cũng không dựa trên thành kiến tôn giáo, văn hoá hay chính trị để đẩy con người vào thế bế tắc cùng đường. Nhưng, Người suy nghĩ dựa trên tiêu chuẩn của tình thương, công bằng, phẩm giá và cùng đích của con người.[4] Quả thật, Người đã làm một cuộc đột phá trong suy nghĩ.

1.4.2. Đột phá trong hành động

Từ suy nghĩ táo bạo, nên Chúa Giêsu mới dám hành động một cách táo bạo. Chúa Giêsu, khi dám đến với người phụ nữ Samari để gặp gỡ nói chuyện, là Chúa đã dám xoá bỏ cái rào cản ngăn cách về tôn giáo, chính trị và văn hoá giữa người Do Thái và người Samari. Chúa Giêsu, khi dám tiếp xúc nói chuyện với người phụ nữ mà lại là người phụ nữ Samari ở nơi công cộng, là Chúa đã dám gỡ bỏ sự phân biệt và kỳ thị trong cách cư xử với con người. Quả thật, Chúa Giêsu đã làm một cuộc đột phá cả trong hành động nữa.

1.5. Kiếm cớ để làm quen

Đọc kỹ đoạn Tin Mừng này (Ga 4,7-14), chúng ta thấy Chúa Giêsu khát nước, đến xin người phụ nữ Samari nước để uống; nhưng lại không thấy Người lấy nước mà cũng chẳng thấy Người uống nước. Thật kỳ lạ! Kỳ lạ ở chỗ là xin nước nhưng lại không lấy nước; khát nước nhưng lại không uống nước; xin không phải để được cho, nhưng xin là để cho lại!

Chúa Giêsu xin nước có phải là để uống cho khỏi khát không? Có lẽ Chúa Giêsu xin người phụ nữ Samari nước uống không phải là để thoả cơn khát của mình, nhưng là để kiếm cớ hay tạo một cơ hội tiếp cận làm quen với chị ta.

1.6. Thử nêu một số câu hỏi

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp biết bao con người, có những người rất quen, nhưng chúng ta lại không tận dụng cơ hội đó để tiếp chuyện với người ta. Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ những cơ hội tốt đó để gặp gỡ, chia sẻ, tìm hiểu và cảm thông với người ta?

Có những người ở gần chúng ta, có những người đối mặt với chúng ta hằng ngày; nhưng chúng ta lại không hề quen biết họ, chúng ta không hề biết họ tên gì, làm nghề gì, gia đình họ ra sao. Tại sao chúng ta không kiếm một cái cớ để tiếp cận làm quen người ta? Muốn truyền giáo, nhưng chúng ta không tiếp cận làm quen người ta thì làm sao mà truyền giáo được?[5]

Trong cuộc sống hằng ngày, dù làm bất cứ nghề gì và ở trong cương vị nào thì cũng có rất nhiều cơ hội tốt để gặp gỡ người ta, để tiếp cận người ta, để làm quen người ta; và cũng có rất nhiều cách để kiếm cớ tạo dịp tiếp cận người ta? Nguyên nhân vì sao chúng ta lại không dám làm? Vì sao chúng ta lại không can đảm xoá bỏ những rào cản ngăn cách giữa chúng ta với họ? Vì sao chúng ta không chủ động và khiêm nhường đến với họ trước?

Truyền giáo được hay không, điều đó trước hết phụ thuộc vào cung cách hành xử của chúng ta với những người chúng ta gặp gỡ và tiếp xúc hằng ngày![6]

2. Mục đích của việc tiếp cận [7]

2.1. Tiếp cận để gặp gỡ

Dù có những khác biệt và cấm cản khó khăn về tôn giáo, chính trị, văn hoá và xã hội giữa người Do Thái và Samari, nhưng Chúa Giêsu vẫn can đảm và chủ động đến gặp người phụ nữ Samari. Người hạ cố không chỉ đến để gặp gỡ và nói chuyện, mà còn khiêm nhường hết mức là đến xin nước: "Chị cho tôi xin chút nước uống!" Mục đích mà Chúa Giêsu tiếp cận người phụ nữ Samari là để gặp gỡ. Rồi qua việc gặp gỡ, Chúa Giêsu tiến lên một bước nữa là đối thoại.

2.2. Gặp gỡ để đối thoại

Khi đã tiếp cận được rồi, Chúa Giêsu lại từ câu chuyện trước mắt là “xin nước” để bắt sang chuyện “nước hằng sống”. Chúa Giêsu đã gợi cho người phụ nữ thèm khát nước hằng sống khi nói: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." Nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói không như nước giếng ông Giacóp. Nếu "ai uống nước này, sẽ lại khát”; nhưng nếu ai uống nước Chúa Giêsu “cho, sẽ không bao giờ khát nữa”. Và nước Chúa Giêsu “cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."

Câu chuyện trong khi đối thoại mà Chúa Giêsu đưa ra cũng thật là gần gũi với cuộc sống thường ngày của con người là nước uống. Cách Chúa Giêsu gợi chuyện thật ấn tượng làm cho người đối thoại với mình dễ hiểu.

Qua cách gợi chuyện và tiếp chuyện của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đối thoại quan trọng dường nào trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Không thể có việc truyền giáo, nếu không chân thành, cởi mở và tôn trọn trong khi đối thoại với người ta. Đó là kinh nghiệm rõ ràng trong lịch sử truyền giáo trải qua các thời kỳ.[8]

2.3. Đối thoại để hiểu biết

Qua những câu chuyện trao đổi giữa hai người, sự đối thoại giúp cho hai người hiểu biết về nhau nhiều hơn. Người này biết hoàn cảnh của người kia; người kia nắm bắt được tông tích của người nọ.

Quả thật sẽ không có hiểu biết lẫn nhau nếu không có đối thoại chân thành. Trong việc loan báo Tin Mừng, đối thoại là rất quan trọng; nhưng đối thoại cần phải đưa đến hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn; có như thế mới tiến xa hơn được.

2.4. Hiểu biết để cảm thông

Chúa Giêsu xin nước, nhưng lại không uống cho khỏi cơn khát. Xin nước mà lại không lấy nước, nhưng lại cứ lân la nói chuyện, một cách đối thoại rất cởi mở với những cái rất gần gũi với cuộc sống con người. Qua “nước uống hằng ngày”, Chúa Giêsu nói đến “nước hằng sống”: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Người phụ nữ, sau khi được Chúa Giêsu nói tới nước hằng sống, liền xin: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." Người phụ nữ xin nước, nhưng Chúa lại bắt sang chuyện chồng chị ta: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." Giữa việc xin nước và chồng chị ta có quan hệ gì đâu, thế thì tại sao Chúa lại hỏi về gia cảnh của chị. Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng." Rồi Chúa Giêsu bảo chị ta: "Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng." Người phụ nữ nói với Chúa Giêsu: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.” Đến đây, Chúa Giêsu hiểu rõ hoàn cảnh của chị và cũng rất cảm thông với chị. Qua cách đối thoại cởi mở và chân thành của Chúa Giêsu, người phụ nữ cảm thấy tin tưởng và thoải mái bộc lộ những uẩn khúc trong cuộc đời của chị.

2.5. Cảm thông để chia sẻ

Chúa Giêsu đã làm một cuộc đảo lộn thật ngoạn mục, đó là Người đã làm cho người phụ nữ Samari thèm thứ nước mà Người nói tới, nước hằng sống. Người phụ nữ Samari không lấy nước để cho người đang xin mình nước, nhưng lại xin nước từ người xin mình: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." Tuyệt vời quá!!! Nếu người ta không cảm thông được với nhau, thì người ta không thể nào cởi mở bày tỏ nỗi lòng cho nhau được. Khi đã cảm thông, người ta dễ dàng chia sẻ những gì mình có cho nhau. Quả thật, người phụ nữ bước đầu thì ái ngại, nhưng sau khi đã được Chúa Giêsu cảm thông, mạnh dạn ngỏ lời xin Chúa Giêsu nước hằng sống.

2.6. Chia sẻ để chữa lành

Sau khi nghe người phụ nữ Samari nói về gia cảnh của mình, Chúa Giêsu đã đoán trúng bệnh. Tìm được triệu chứng bệnh rồi, Chúa Giêsu mới cho thuốc; nhờ thế, bệnh nhân mới được chữa khỏi. Chúa Giêsu quả là một người thầy thuốc lão luyện, đầy kinh nghiệm; hơn thế nữa, còn là một nhà tâm lý uyên thâm, đoán trúng tâm lý người ta đến nỗi người phụ nữ phải tâm phục khẩu phục: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.” Những câu đối thoại tiếp theo là cách Chúa Giêsu cho người phụ nữ thuốc để chữa căn bệnh nơi chị. Và quả thật, chị đã được Chúa chữa lành những vết thương, những uẩn khúc và những căn bệnh trong cuộc đời của chị bằng một thang thuốc đặc trị.

2.7. Tại sao và tại sao?

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp gỡ rồi quen biết bao nhiêu người, nhưng gặp chỉ để gặp gỡ, quen chỉ để mà quen biết. Người môn đệ không thể dừng lại ở đó, nhưng phải tiến tới một bước nữa là cảm hoá người ta, hay nói cách khác là nói cho người ta biết Chúa là ai, và cuối cùng là làm cho người ta thành môn đệ của Chúa. Thực tế chúng ta lại ít khi ý thức việc đó, tại sao và tại sao? Tại sao chúng ta không tiến một bước nữa? Tại sao chúng ta không mạnh dạn từ những cuộc gặp gỡ, đối thoại đó đưa đến một dấn thân mới là làm cho người ta khao khát tìm đến với Chúa Giêsu, Đấng cứu độ trần gian?

3. Từ tiếp cận đến cảm hoá

3.1. Từ hiểu biết đưa đến chấp nhận

Sau cuộc gặp gỡ và đối thoại với Chúa Giêsu, người phụ nữ Samari đi đến một quyết định quan trọng, làm thay đổi cuộc đời của chị. Chị đã được chữa lành, chị đã hiểu, chị đã tin và cuối cùng chị đón nhận người đang nói chuyện với chị là “Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô”. Từ đây, chị dám sống chết với Đấng Mêsia, Đức Kitô.

3.2. Từ chấp nhận đưa đến yêu mến

Sau khi đã đón nhận Chúa Giêsu như là vị ngôn sứ, chị đi đến một quyết tâm là đi trao ban Chúa Giêsu cho những người gần gũi nhất của mình, đó là những người trong thành Samari, đồng bào của chị, người thân của chị và bạn hữu của chị. Quyết tâm đi làm chứng cho Chúa Giêsu được thể hiện bằng cách “để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? "(Ga 4,28-29).

4. Người tân tòng thành nhà truyền giáo

4.1. Một mẫu gương dấn thân truyền giáo

Kể từ đây, người phụ nữ Samari bắt đầu sống một đời sống mới là hết lòng làm cho người ta biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của trần gian. Từ một người ngoại, sau khi đã theo Đạo, trở thành người truyền Đạo cho những người gần gũi nhất với mình.

4.2. Chứng nhân hơn thầy dạy

Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian." (Ga 4,39-42).

Theo lời người phụ nữ nói là “đến mà xem”, dân Samari đến xem Chúa Giêsu. Khi nghe và thấy tận mắt, người Samari đã đón nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian. Họ tin “không còn phải vì lời chị kể”, nhưng là nhờ đã nghe và đã biết rằng “Người thật là Đấng cứu độ trần gian." Trong việc truyền giáo, chứng nhân là rất quan trọng, vì con người ngày nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. Một nhà truyền giáo trước hết phải là một chứng nhân![9] Chúa Giêsu là một chứng nhân sống động đến nỗi khi gặp Người, dân Samari tin ngay. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ.”

4.3. Đã làm hết sức chưa?

Hằng năm, tại các giáo xứ nhất là tại các giáo xứ có đông người dự tòng, việc dạy giáo lý dự tòng được phó mặc cho một vài người. Có những giáo xứ, một năm có đến vài khoá giáo lý dự tòng với con số lên đến cả trăm người. Một vài người với ba hoặc sáu tháng dạy giáo lý cho người dự tòng thì thấm vào đâu! Nếu làm tốt công việc dạy giáo lý cho người dự tòng thì đã truyền giáo tốt rồi. Mỗi một người tân tòng khi đã hiểu sâu và tin vững vào Chúa, thì đương nhiên họ sẽ trở thành người truyền giáo cho gia đình, họ hàng, láng giềng và bạn bè của họ. Đó là một cách truyền giáo tốt. Nhưng trong thực tế, chúng ta đã bỏ quên, không tận dụng lấy cơ hội tốt đó! Tại sao lại không tận dụng cơ hội tốt đó để làm cho những người tân tòng thành những nhà truyền giáo? Một thực tế đang xảy ra phổ biến hầu hết tại những nơi có người dự tòng và tân tòng: khi dạy xong chương trình giáo lý cho người dự tòng trong một khoảng thời gian ngắn, thì công việc của giáo xứ, của cộng đồng cũng như của người dạy giáo lý coi như đã xong!!! Tại sao không có thời gian hậu dự tòng để giúp người tân tòng hiểu biết hơn Đạo Chúa, giúp họ sống vững tin hơn vào Chúa, và đồng thời dạy họ những phương pháp truyền giáo? Chúng ta không tạo cơ hội để truyền giáo thì chớ, đằng này cũng không biết tận dụng những cơ hội tốt để truyền giáo? Chúng ta có thiếu trách nhiệm không?

Thay lời kết

Người Việt có những câu như: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”; “Vạn sự khởi đầu nan”; “Không có lửa làm sao có khói”; “Không có bột sao gột nên hồ”; “Không cày thì không có thóc”; “Không học thì không biết chữ”... Trong việc truyền giáo, nếu không có những cơ hội ban đầu thì làm sao có được kết quả sau này. Việc tạo cơ hội truyền giáo là rất quan trọng, có điều là mình có chịu tìm cách hay không. Tài liệu “Đối thoại và Rao truyền” của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn cho chúng ta biết rằng để truyền giáo thì phải có tiếp cận, gặp gỡ; có tiếp cận, gặp gỡ thì mới có đối thoại; có đối thoại trong sự tôn trọng, cởi mở và chân thành thì mới có hiểu biết; có hiểu biết thì mới có niềm tin tưởng lẫn nhau; có tin tưởng thì mới có cảm thông và chấp nhận nhau. Cách tiếp cận, đối thoại rồi cảm hoá của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samari là một phương pháp truyền giáo tốt. Ước mong mỗi người môn đệ Chúa Giêsu biết tận dụng những cơ hội để truyền giáo và biết tạo nên những cơ hội để truyền giáo.

[1] Bản dịch Kinh Thánh xin được trích dẫn theo Bản dịch Tiếng Việt do Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện được đăng trên www.thanhlinh.net/thanhkinh.

[2] Xc. Chân Ngôn – Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ - năm A, Học Viện Đa Minh, 2011, tr. 104-119.

[3] Xc. Tanila Hoàng Đắc Ánh, Dẫn nhập và chú giải Tin Mừng theo thánh Gioan, Sài Gòn, 1999, tr. 117-128.

[4] Xc. Ga 3,16-21; Mt 23…

[5] Xc. Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, Đối thoại và Rao truyền, bản dịch Việt ngữ do Nguyễn Đăng Trúc thực hiện. Truy cập 28.03.2011; tại: http://www.conggiaovietnam.net/upload/article/f__1281533299.htm. Bản Anh ngữ: Pontifical Council for Inter-Religious Dialogue, Dialogue and Proclamatio; http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_doc_19051991_dialogue-and-proclamatio_en.html

[6] Xc. Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, Sđd.

[7] Xc. Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, Sđd.

[8] Xc. Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, Sđd.

[9] Xc. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi (Tông huấn Loan báo Tin Mừng), số 41.

Top