Canh tân để sống niềm tin
WGPSG -- “Giáo hội không phải là một viện bảo tàng khảo cổ học, nhưng là dòng nước mát làm dịu cơn khát của thế hệ hôm nay, cũng như Giáo hội đã từng làm như vậy cho những thế hệ đã qua.”
Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn - phụ tá nhà thờ Chính tòa Sài Gòn - đã dựa vào lời nói trên của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, người triệu tập Công đồng Vatican II để mở đầu cho buổi nói chuyện Chuyên đề 160 “Canh tân phụng vụ theo Công đồng Vatican II” lúc 14g30 ngày 29/12/2012 tại Trung tâm Mục TGP TP.HCM.
1. Khái quát về Công đồng Vaticano II
Nhằm giúp tham dự viên hiểu về Công đồng Vatican II, Cha Giuse nêu lên bốn lý do Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng chung:
- Giáo hội mang tính cập nhật: Giáo hội muốn giúp cho mọi người, ở mọi thời đại biết rằng giá trị của kho tàng đức tin là vĩnh hằng. Hơn nữa, kho tàng đức tin ấy còn được sánh ví như là một khu vườn tuyệt đẹp mà mọi người đều có trách nhiệm chăm sóc, và giới thiệu cho nhiều người biết đến.
- Giáo hội mang tính mục vụ: Giáo hội quan tâm đến các thành phần dân Chúa. Mọi người được mời gọi tham dự vào hy lễ của Đức Kitô trên thập giá qua nghi thức phụng vụ, đồng thời hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải vì lề luật.
- Giáo hội đổi mới: Giáo hội quan tâm đến văn hóa từng vùng, từng miền, từng quốc gia… để mời gọi mọi người cùng tham gia, gắn kết với Giáo hội trong niềm vui, niềm phấn khởi vì họ thực sự được tham dự vào mọi nghi thức phụng vụ của Giáo hội.
- Giáo hội truyền giáo: Mọi thành phần dân Chúa luôn ý thức rằng truyền giáo không chỉ là ra khơi thả lưới, nhưng là mời gọi mọi người cùng bước vào con thuyền của Giáo hội, để ra khơi trong cùng một niềm vui, niềm hân hoan vì mọi người đều là anh em trong Đức Kitô.
Cuối cùng, ngài đúc kết: Công đồng Vatican II với 4 phiên họp diễn ra từ năm 1962 đến năm 1965, đã được sánh ví như Lễ Hiện Xuống mới của Giáo hội Công giáo. Trong đó có 16 văn kiện, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn là kết quả của Thần Khí tác động qua hơn 2386 nghị phụ trên toàn thế giới, và 478 chuyên gia thần học để cố vấn cho các Giám mục, cũng như 104 quan sát viên của các Giáo hội Chính Thống, Anh giáo, Công giáo cổ và Tin Lành.
2. Tìm hiểu Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium)
Căn cứ vào văn bản của Hiến chế Phụng vụ: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh; đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Hội Thánh. Thật vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Hội Thánh, thông phần lễ Hiến Tế và ăn bữa tiệc của Chúa” (Hiến chế Phụng vụ số 10), Cha Giuse đã nhấn mạnh: “Canh tân phụng vụ không chỉ hiểu là đổi mối, thay đổi, nhưng cần hiểu theo nghĩa tích cực, đó là trở về nguồn, tìm lại các yếu tố cốt lõi của niềm tin Kitô giáo”. Đồng thời, ngài đã nêu ra 5 yếu tố để canh tân phụng vụ, gồm:
Yếu tố 1 - Mầu nhiệm vượt qua: Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô ngày xưa - xuống thế làm làm người, đã chịu khổ nạn và chết trên thập giá, để rồi sống lại trong vinh quang - ngày nay được tưởng nhớ sống động, trong đó Đấng được tưởng nhớ đến đang hiện diện thực giữa cộng đoàn dưới hình thức “bánh và rượu”, để thông truyền mầu nhiệm tình yêu sâu thẳm mà Người đã dành cho nhân loại.
Yếu tố 2 - Tích cực tham gia phụng vụ: Để canh tân phụng vụ, mỗi người Kitô cần tham dự cử hành các nghi thức phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực. Tham gia “tích cực” có nghĩa là sự tham dự phát xuất từ con tim bao gồm im lặng cũng như những hoạt động trong phụng vụ.
Yếu tố 3 - Đưa Lời Chúa vào trong phụng vụ: Công đồng nhấn mạnh rằng phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể cả hai là bánh sự sống cho dân Chúa (Hiến chế Mạc khải, số 21). Cả hai được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng tự duy nhất (số 56). Vì thế, Thánh Kinh được dịch ra tiếng bản xứ, để phát huy tính tích cực khi cộng đoàn tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài Thánh vịnh… và cả những động tác bên ngoài. Tuy nhiên, lời của con người phải phục vụ Lời Chúa chứ không phải làm cản trở ‘Lời’.
Yếu tố 4 - Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta: Theo Hiến chế Phụng vụ, Chúa Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người thừa tác viên, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình thức “bánh và rượu” trong bí tích Thánh Thể. Điều này nhắc nhở cộng đoàn luôn ý thức rằng, khi bước vào phụng vụ, tham dự và lãnh nhận các bí tích là bước vào cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Đức Kitô. Do đó, các tín hữu cần được hướng dẫn tham dự phụng vụ với đức tin, tâm hồn sám hối và khao khát thờ phượng.
Yếu tố 5 - Giáo hội hiệp thông: Hiến chế khẳng định: “Phụng vụ thánh không phải là tất cả hoạt động của Hội Thánh, vì con người cần được mời gọi đến với đức tin và hoán cải, trước khi có thể tham gia phụng vụ” (số 9). Do đó, công việc của Hội Thánh là “rao giảng về đức tin và lòng sám hối, giúp họ sẵn sàng đón nhận các bí tích, dạy họ tuân giữ tất cả những điều Đức Kitô đã truyền ban, thúc giục họ tham gia các công cuộc bác ái, đạo đức” (số 9). Điều này nhắc nhở cộng đoàn khi cử hành phụng vụ, mỗi người cần phải biến đổi đời mình, sẵn sàng trao ban cho anh em như Đức Kitô đã trao ban mạng sống Người cho chúng ta. Bởi lẽ, giá trị đức tin không phải là món quà chỉ được trưng bày trong tủ kính, nhưng cần được loan truyền cho mọi người, để mời gọi mọi người cùng hiệp thông và tham dự vào niềm tin của chúng ta.
3. Thay đổi cách nhìn về Thánh lễ
Để trả lời câu hỏi: Thánh lễ như một hy tế nghĩa là gì? Cha Giuse đã dựa vào văn bản của Hiến chế: “Trong bữa tiệc ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính mình và máu Người, để nhờ đó hy tế thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến. Chúa Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh thực hiện việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người: Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó, khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau” (số 47). Ngài giải thích thêm, như vậy, Thánh Thể kéo dài và hiện tại hóa hy tế duy nhất của Chúa Kitô trên đồi Can-vê trong hình thức bí tích. Thánh lễ không tái diễn hy tế của Chúa Giêsu. Hy tế đó là duy nhất và vượt thời gian hiện diện trong mỗi Thánh lễ, Mình Máu Thánh Chúa thực sự trao ban cho chúng ta trong hình thức bí tích. Vì thế, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi vào ba chức năng của Đức Kitô: Vương đế - Tư tế - Ngôn sứ. Bởi đó, ngoài các cử hành của linh mục, giáo dân cũng được mời gọi tham dự vào các phận sự trong Thánh lễ, để mọi người cùng tham dự một cách sinh động và tích cực.
Cũng vậy, Cha Giuse đã nêu lên những hoạt động tích cực của các đoàn thể Công giáo Tiến hành, của các nhóm, các giới trong xứ đạo để trả lời câu hỏi: “Làm sao để cử hành phụng vụ mang tính cộng đoàn, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cho nhau… đặc biệt trong những thành phố ồn ào và náo nhiệt, mọi người hầu như xa lạ với nhau?” Ngài trình bày thêm: “Khi mời gọi mọi người tham dự vào các sinh hoạt của Giáo hội, mọi người sẽ gần gũi, thân quen và cộng tác với nhau nhiều hơn, đặc biệt là đóng góp phần mình khi tham dự Thánh lễ”.
4. Hướng dẫn canh tân phụng vụ
Để kết luận bài chia sẻ, Cha Giuse đã nhắc nhở mọi người:
Thách đố căn bản đối với người Công giáo ngày nay là phải tiếp tục thực hiện giáo huấn của Hiến chế cách trung thực. Mỗi người Công giáo sẽ đạt được những ích lợi thiêng liêng nếu họ được hướng dẫn về phụng vụ và nỗ lực nhiều hơn trong việc tham dự phụng vụ và các bí tích của Hội Thánh. Chúng ta cần cổ vũ kinh nguyện cá nhân, kinh nguyện gia đình, nhờ đó sẽ làm phong phú việc thờ phượng trong phụng vụ của cộng đoàn Hội Thánh.
Đặc biệt, chúng ta cần phải:
- Cổ võ việc giáo dục phụng vụ để khám phá sự phong phú chứa đựng trong cử hành phụng vụ.
- Tổ chức những chương trình học hỏi về phụng vụ và Thánh Kinh thường xuyên cho giáo dân.
- Khuyến khích việc trao cho giáo dân những phần vụ trong phụng vụ mà Hiến chế đã trình bày; cử hành phụng vụ cho trẻ em, cho người trẻ và cho người khuyết tật.
Buổi nói chuyện kết thúc lúc 17g15. Mọi người ra về trong tâm tình được sai đi với sự ủy thác: “Thánh lễ đã kết thúc, chúc anh chị em đi bình an”, để khao khát đi loan báo Tin Mừng, đi làm “men”, làm “muối”, làm “ánh sáng” cho trần gian trong tinh thần phục vụ và yêu thương.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12