Caritas: Nhật ký linh thao (1)
NHẬT KÝ LINH THAO 06 – 11/09/2009
CARITAS – "COR UNUM"
Nhật ký này ghi chép ngắn gọn các bài giảng Tĩnh tâm, bài giảng trong các Thánh lễ, các bài chia sẻ trong tuần Linh thao do Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm Cor Unum vừa tổ chức tại Đại học Công Giáo Thụ Nhân (Fu Jen Catholic Universisty), Đài Loan từ 06-11/09/2009.
Nhật ký chỉ là cảm nhận cá nhân của một giáo dân về vinh hạnh lần đầu tiên được tham dự một khóa Linh thao. Do đó, nhật ký không thể diễn đạt hết những ý tưởng sâu sắc, hoặc trình bày cặn kẽ Linh đạo Bác ái Caritas được thuyết giảng trong suốt tuần Linh thao.
Nhật ký chỉ cố gắng chia sẻ các ý tưởng góp nhặt và thu hoạch tâm linh như một món quà nhỏ mọn cho bạn bè, cho anh em sau một tuần được gắn bó, được sống thân mật với Chúa Giêsu.
Chúa Nhật, 06/09/2009
Chuyến bay 3 tiếng đưa chúng tôi đến sân bay Đài Bắc. Thủ tục nhanh chóng, gọn gàng… Chúng tôi được gặp gỡ hai linh mục trẻ, cha Augustinô và cha Yuventius từ đảo Surabaya, Indonesia, ngay ở sân bay, tiếp sau là phái đoàn đông đảo của Phillipines, gồm các Giám mục, linh mục, tu sĩ nên dễ dàng nhận biết được nhau.
Các sinh viên thiện nguyện nước chủ nhà niềm nở đón tiếp và thông báo các chi tiết nơi ăn ở, đối chiếu danh sách đoàn ngay tại sân bay. Sự chuyên nghiệp và hiếu khách của các sinh viên ngoại giao này theo chân chúng tôi trong suốt tuần Linh thao, và có thể nói đây là một yếu tố không nhỏ góp phần cho việc chức Đại hội Linh thao được thành công tốt đẹp.
Thứ Hai, 07/09/2009: NGÀY KHAI MẠC
Diễn văn của Viện trưởng Trường Đại học Công giáo Thụ Nhân (Fu-Jen Catholic University)
- Năm 1925, Trường Đại học Công giáo Thụ Nhânđược thành lập tại Trung Hoa lục địa, sau đó được tái thành lập tại Đài Loan vào năm 1959 với sự góp sức của Hội đồng Giám mục địa phương, kết hợp với Dòng Tên và Dòng Ngôi Lời.
- Lần đầu tiên trong lịch sử, sau 40 năm tái lập ở Đài Loan, Trường Đại học Công giáo Thụ Nhân được đón tiếp và tổ chức một Đại hội Công giáo Quốc tế có sự tham dự đông đảo của hơn 400 tham dự viên từ 29 quốc gia Châu Á, cùng với sự hiện diện và chủ tọa của Hội Đồng Giáo hoàng Đồng Tâm (Cor Unum).
- Theo Viện trưởng Bernard Li, đây là một vinh dự lớn lao và là một thách đố không nhỏ. Khi Ban Giám hiệu, Ban Giảng huấn và sinh viên được giao công việc tổ chức Đại hội Linh thao, những âu lo, hoài nghi và bận rộn luôn đeo bám giảng sư và sinh viên. Nhưng sau nhiều tháng chuẩn bị, Ngài Viện trưởng, Ban Giảng sư và toàn thể sinh viên đều cảm nhận đây là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho đất nước và cho Trường Đại học Thụ Nhân.
- Qua sự hướng dẫn của cha Tuyên uý, việc chuẩn bị Đại hội không chỉ dừng ở bên ngoài, mà còn là một dịp để Ban Giảng sư và sinh viên thực hiện một cuộc Linh thao thật sự cho mình, biến đổi lối sống, cách suy nghĩ về bổn phận, trách nhiệm của một Trường Đại học Công giáo đối với Giáo hội và xã hội.
Diễn văn khai mạc của Đức Hồng y Paul Josep Cordes
Chủ Tịch HĐGH Đồng Tâm “Cor Unum”
Mục đích của tuần Linh thao
- Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi lên nhậm chức Giáo hoàng, được chờ đợi đưa ra các giải đáp, các thông điệp trả lời các vấn nạn cho xã hội hôm nay. Tuy nhiên, thông điệp đầu tiên của triều đại Giáo hoàng Bênêđictô XVI là thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, một thông điệp của tình yêu và công việc bác ái.
- Chính qua thông điệp này, ĐGH trao trọng trách hướng dẫn và giám sát công việc bác ái xã hội của Giáo hội Công giáo cho Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm “Cor Unum” (số 32, thông điệp Deus Caritas Est). Từ đó Cor Unum đã có sáng kiến khơi dậy ý thức Caritas thông qua học hỏi thông điệp Deus Caritas Est –Thiên Chúa Là Tình Yêu, đầu tiên được tổ chức tại Vatican năm 2006, sau đó ở Mexicô cho khu vực Bắc và Nam Mỹ năm 2008, và hôm nay khai mạc tuần Linh thao học hỏi thông điệp này ở Đài Loan cho các Giáo hội Châu Á.
Đòi hỏi nơi Người Kitô hữu hôm nay
- Đòi hỏi của người Công giáo hôm nay là đào sâu và thực hành đức tin. Tinh thần và linh đạo của Mẹ Têrêxa Calcutta là một minh họa rõ nét cho đòi hỏi này. Thực tế cho thấy, thực hành đức tin qua công việc bác ái chính là tấm giấy thông hành giúp Kitô hữu bước vào thế giới của những ai chưa biết đến Đức Kitô (an ID to the non-Christian world). Đó còn là một dấu chỉ để Đức Kitô (a Jesus’s identified mark) được nhận diện giữa mọi người trong thế giới hôm nay.
- Có một mối giây liên kết chặt chẽ giữa việc loan báo Tin Mừng với công tác bác ái xã hội. Đối với tha nhân, công tác bác ái xã hội chính là phương tiện chuyển tải Tin Mừng hữu hiệu (power to accept God’s message); là một dấu chỉ rõ nét lời dạy của Đức Kitô (visible signs of His teachings). Người không Kitô hữu sẽ nhận ra Đức Kitô và nhận ra Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Đối với bản thân người Kitô hữu, thì việc bác ái chính là nhân tố của Ơn Cứu độ (Deeds of Salvation). Công tác bác ái không chỉ dừng lại ở dấu chỉ mà chính là sứ mạng (Christian mission) của người Kitô hữu.
- Vì thế, người làm công tác bác ái được đòi hỏi phải làm từ con tim, phải “hình thành con tim bác ái” (“formation of the heart”) (trích thông điệp đã dẫn, số 31). Người làm công tác bác ái phải được dẫn dắt đến tình yêu Chúa, qua đó họ học yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực. Tình yêu Chúa sẽ biến chuyển thành tình yêu tha nhân.
- Hơn nữa, người làm công tác bác ái được đòi hỏi phải thanh luyện tâm hồn (purify their hearts), tăng sức lực trí khôn (strengthen their minds) để từ đó công việc bác ái của họ tràn đầy hiệu năng (empower their works of charity).
Hướng dẫn Linh Thao
- Tuần Linh thao sẽ hướng dẫn tham dự viên học hỏi linh đạo Bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta, qua sự hướng dẫn trực tiếp của sư huynh Yesudas, MC, thầy giảng của dòng Thừa sai Bác ái, thay cho Mẹ Nirmala, Bề trên đương nhiệm.
- Ngoài ra, các Giáo hội Châu Á sẽ giới thiệu các tấm gương bác ái, hy sinh của các Thánh, các Chân phước, Tôi tớ Chúa với những kinh nghiệm sống động của các chứng nhân của bác ái, chứng nhân của Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
- Chủ đề tuần Linh thao lấy từ câu Tin Mừng “Con đã làm cho Ta.” (Mt 25,40);mời gọi tham dự viên thi hành công việc bác ái cho tha nhân, như làm cho chính Đức Giêsu Kitô.
Thứ Hai 07/09/2009
Bài giảng tĩnh tâm của sư huynh Yesudas M.C.: (bài 1)
Linh đạo Dòng Thừa sai Bác ái “Con đã làm cho Ta…” (“You did it to me…”) (Mt25,40)
- Dẫn đi từ đoạn Tin Mừng kể việc hai chàng thanh niên đến tìm và hỏi Gioan Tẩy Giả về Đấng Cứu Độ. Khi họ đi theo Chúa Giêsu, Ngài hỏi họ “Các anh tìm kiếm cái gì?” (Gn 1, 35). Đây cũng chính là câu hỏi cho mỗi người chúng ta và cho thế giới hôm nay. Con người đang tìm kiếm cái gì? Riêng tôi, tôi đang tìm kiếm cái gì?
Thầy Yesudas dành cho mọi người giây phút thinh lặng để mình tự hỏi chính mình.
- Riêng cá nhân tôi, khi được mời tham dự khóa Linh thao, tôi có đôi chút lưỡng lự, vì nhìn thấy chương trình chỉ bao gồm những việc đạo đức, như đọc kinh, nghe giảng, dự Thánh lễ, rồi lại đọc kinh… những việc tôi có làm, nhưng không quá nhiều như vậy trong một ngày, và trong suốt cả một tuần. Quả thực, tôi rất ngại ngùng và tự hỏi, tôi tìm kiếm điều gì trong khóa Linh thao này?
- Chúa Giêsu hỏi và cũng hướng dẫn trả lời. Và câu trả lời cũng chính là sự mời gọi của Chúa Giêsu đối với hai thanh niên và đối với mỗi chúng ta: “Hãy tìm và sẽ gặp” (“Come and See”). Lời mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa trong mỗi người. Tôi cũng sẽ tìm và sẽ gặp được gì đây?
- Xưa kia, tại tiệc cưới Cana, qua sự hướng dẫn của Mẹ Maria, người hàng xóm và gia nhân của ông ta cũng phải tự mình tìm kiếm, tự nếm thử rượu ngon, thì người hàng xóm đã bắt gặp Chúa Giêsu qua phép lạ biến nước thành rượu. Qua phép lạ ấy, họ mới khám phá ra Thiên Chúa.
- Mẹ Têrêxa cũng đã chỉ ra một phương cách tìm kiếm và nhận ra Chúa Giêsu. Đó là phục vụ người nghèo khổ. Mẹ nhắc lại lời của Gandhi: “Ai phục vụ người nghèo là phục vụ Thiên Chúa.” Linh đạo của Mẹ chỉ gói gọn trong năm chữ. Đó là lời phán xét của Chúa Giêsu, khi Ngài nói: “Con đã làm cho Ta…” (“You did it for me…”). Công việc bác ái, hay “mến Chúa và yêu người”, chính là phương cách và linh đạo để tìm kiếm và nhận biết Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên Chúa muốn diễn tả tình yêu của Người không phải qua phép lạ, nhưng qua những dấu chỉ bác ái Kitô.
- “Mến Chúa và yêu người” bao gồm hai chiều kích thâm sâu, nhưng liên kết nên một. Ai phục vụ những người bé nhỏ, những người nghèo hèn, những kẻ vô gia cư, những người tù đày… chính là phục vụ Chúa Giêsu Kitô.
- Để đạt tới hai chiều kích đó, người Kitô hữu cần phải có một sự biến chuyển sâu xa từ bên trong con người của mình (a profound transformation), đối với hai mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân. Người Kitô hữu học cách uốn nắn con tim của mình (reshape their hearts) nên giống con tim của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá. Được như thế thì con tim của người Kitô hữu sẽ rung cảm và nhận biết được nỗi đau, sự thống khổ của nhân loại như trái tim Giêsu. Họ sẽ mở mắt, mở lòng trước thế giới khổ đau và bắt gặp hình ảnh của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
- Và khi đã nhận ra Chúa Giêsu, người Kitô hữu còn phải “thuộc về Giêsu và ở lại với Giêsu” (belong to Jesus and remain with Jesus”, để từ đó, những công việc bác ái của người Kitô hữu đang làm cho tha nhân trở nên những dấu chỉ mạc khải (revelation) về Tình yêu Giêsu, Tình yêu Thiên Chúa.
- Nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên khắp thế giới tìm đến Calcutta để học tập và thực hành bác ái Kitô theo tinh thần Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa. Một người trẻ muốn dấn thân trong ơn gọi bác ái nói với Mẹ Têrêxa: “Thưa Mẹ, ơn gọi của con là phục vụ người phong cùi.” Nhưng Mẹ Têrêxa nhẹ nhàng đáp: “Không phải con à, ơn gọi của con là thuộc về Chúa Giêsu.”
- Điểm khác nhau của công tác bác ái Kitô và không Kitô là ở đây. Bác ái không Kitô luôn tìm kiếm cho mình, thỏa mãn cho mình hay là một sự đánh đổi. Bác ái Kitô không phải là cho mình, nhưng cho Chúa Giêsu, cho vì một tình yêu nhưng không. Bởi bác ái Kitô hữu đòi hỏi cho một tình yêu nhưng không, không giữ cho mình nhưng cho chính đối tượng được ban tặng như Tình yêu Kitô.
Thánh Lễ khai mạc tuần Linh thao
Thánh lễ trang trọng do Đức Hồng Y Paul Shan, Nguyên Tổng Giám mục Đài Loan chủ tế. Có bốn Hồng y cùng đồng tế. Bài giảng của ngài nói lên ý nghĩa của tuần Linh thao và kêu gọi mọi người sốt sắng tham dự để cùng hưởng ơn ích mà Giáo hội và Hội đồng Giáo hoàng đã ban tặng cho mỗi thành viên tham dự.
Thánh lễ hằng ngày là đỉnh cao của Phụng vụ. Mọi sinh hoạt, tĩnh tâm, cầu nguyện luôn hướng về Thánh lễ. Thánh lễ hằng ngày được đồng tế bởi toàn thể các Giám mục, linh mục một cách sốt sắng lạ thường.
Gương chứng nhân bác ái
Chân phước Pedro Calungsod (1654-1672), người Phillippines
Bài trình bày do bà Đại sứ Phillippines, một hội viên năng động và tích cực của phong trào Caritas Phillippines.
- Chân phước Pedro Calungsod là một lễ sinh, một thầy giảng, một di dân, và là một vị tử đạo. Ngài là một thanh niên luôn sống nhiệt thành cho công việc rao giảng Tin Mừng cũng như công việc bác ái.
- Chân phước Pedro cùng thầy dạy là cha Victores kiên quyết bảo vệ sự sống của một bé gái bị ruồng bỏ theo luật lệ của gia đình, dòng tộc. Chân phước đã can đảm không chọn cuộc sống cho riêng mình, khi có thể trốn chạy cuộc tấn công. Ngài chấp nhận hy sinh mạng sống để chết thay cho thầy mình và bé gái được sống chỉ vì Tình yêu Đức Kitô và tình yêu tha nhân.
Giờ Chầu Thánh Thể
- Mình có thực sự kết hiệp với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể hay không? Mình có để Chúa Giêsu ngự trị và ở lại với mình hay không?Mình đã thuộc về Chúa Giêsu hay chưa?
- Những công ăn việc làm, những công tác từ thiện ồn ào bên ngoài có làm mình sao lãng những giây phút thinh lặng bên Thánh Thể hay không? Tôi có dành thời gian để trò chuyện với Chúa hay chưa?
- “Con đã làm cho Ta…”, nhưng đối với riêng tôi, “tôi đã làm được gì cho Chúa? Cho anh em tôi? …” Chỉ có việc dành thời giờ gặp gỡ Chúa, tôi cũng đã ngại ngần rồi…
- Giờ đây, tôi bắt đầu cảm nhận lờ mờ tôi được gần Chúa hơn…, ít là trong giây phút này, và trong một tuần Linh thao này. Tôi thầm cám ơn Chúa, cám ơn mọi người đã ban tặng cho tôi cơ hội này…
Thứ Ba, 08/09/2009
Bài giảng tĩnh tâm của sư huynh Yesudas M.C.: (bài 2)
Linh đạo Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa: Tình Yêu Hành Động (Love in Action)
- Trở lại đoạn Tin Mừng khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Gn 1, 29). Thánh Gioan không bao giờ nói đến mình, nhưng luôn hướng đến Đấng sẽ đến, để minh chứng cho tình yêu. Chúng ta có làm như Gioan Tẩy Giả không, là người không chỉ tay về mình, nhưng chỉ tay về Chúa Giêsu để giới thiệu Người cho anh em…
Thầy Yesudas dành cho mọi người giây phút thinh lặng để mình tự hỏi chính mình.
- Lời giới thiệu về Chúa Giêsu để mở đầu cho một huyền nhiệm tình yêu. Chỉ có huyền nhiệm tình yêu mới có thể đưa con người tìm kiếm được Thiên Chúa. Anh em được Thiên Chúa yêu mến cách nhưng không, nên anh em cũng có nhu cầu đáp trả tình yêu bằng tình yêu tha nhân. “Yêu và được yêu” (Love and to be loved) là nhu cầu chính của con người.
- Cuộc đời là một chuỗi những cảm nhận (perceptions) và những đáp trả (responses) đối với thế giới bên ngoài. Sự đáp trả tùy thuộc vào cách nhìn (vision) và hiểu biết (understanding) của chúng ta về cuộc sống và thang giá trị (value system) của chúng ta đặt ra. Người Kitô hữu phải có và chia sẻ cách nhìn yêu thương (Christian vision of love), và đặt cuộc sống trên thang giá trị của tình yêu phục vụ (value system on capacity to serve others).
- Mẹ Têrêxa Calcutta thường đi xe lửa từ Calcutta lên thủ đô New Dehli. Trên quảng đường đó, tàu lửa thường dừng ở hai nhà ga. Nhà ga thứ nhất tên là EKDIL, có nghĩa là “CON TIM” (One Heart); nhà ga thứ hai có tên là PREMBUR có nghĩa là “ĐẦY YÊU THƯƠNG” (Full of Love). Trên con đường Mẹ đi qua, Mẹ luôn có một “Ekdil Prembur” CON TIM ĐẦY YÊU THƯƠNG. Đây chính là cách nhìn cuộc đời của Mẹ (her vision of life). Mẹ Têrêxa có cùng cảm nhận cuộc sống như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Giáo đoàn Galat: “Tôi sống, không phải là tôi sống… tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi.”
- Tình yêu được ban tặng không thể giữ lại cho mình, nhưng cần được chia sẻ, cần được cho đi, cần được hành động. Tình yêu cần được triển nở. Con người hôm nay thăng tiến rất nhanh về khả năng tri thức (capacity of intellectuality), nhưng lại gặp rất nhiều giới hạn trong thăng tiến khả năng yêu thương (capacity of growing love).
- Có ba cách nhìn chính yếu (three major visions) trong cuộc đời:
1. Cách nhìn thờ ơ, thành kiến (indifferent vision): làm cho chúng ta khó chấp nhận những khác biệt của tha nhân. Chúng ta luôn mang những thành kiến về những khác biệt ngôn ngữ, tập quán, văn hóa… và phản ứng tiêu cực đối với những khác biệt đó.
2. Cách nhìn thiển cận (narrow vision): luôn chăm chút cho cái gần kề, cái riêng của mình, của một địa phương, của một dự án… mà quên đi cái lớn, cái chung. Con người sẽ không hạnh phúc vì khả năng tăng trưởng yêu thương bị giới hạn.
3. Cách nhìn cao quí (noble vision): luôn được ngự trị bởi tình yêu trong sáng “pure love”. Tình yêu của “Con tim đầy yêu thương” như của Mẹ Têrêxa. Những ai có cách nhìn cao quí này luôn đầy tràn Thánh Linh và yêu thương không cần sự đáp trả, vì đã luôn có Chúa bên mình.
- Tình Yêu là tâm điểm của đời sống Kitô hữu, và tình yêu hành động là hướng dẫn của Thánh Linh. Tình yêu tha nhân giúp con người thăng tiến, giúp con người triển nở trong Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu luôn trường tồn (love never ends).
- Ngày hôm nay là Lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Thiên Chúa đã chọn Đức Mẹ là một nữ tỳ bình dị, nhưng có một tấm lòng đầy yêu thương để đón nhận và nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Mẹ Maria không làm việc gì to tát, nhưng Mẹ Maria chỉ sống một cuộc đời yêu thương Chúa Kitô.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12