Caritas: Nhật ký linh thao (2)
NHẬT KÝ LINH THAO 06 – 11/09/2009
CARITAS – “COR UNUM”
Nhật ký này ghi chép ngắn gọn các bài giảng Tĩnh tâm, bài giảng trong các Thánh lễ, các bài chia sẻ trong tuần Linh thao do Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm Cor Unum vừa tổ chức tại Đại học Công Giáo Thụ Nhân (Fu Jen Catholic Universisty), Đài Loan từ 06-11/09/2009.
Nhật ký chỉ là cảm nhận cá nhân của một giáo dân về vinh hạnh lần đầu tiên được tham dự một khóa Linh thao. Do đó, nhật ký không thể diễn đạt hết những ý tưởng sâu sắc, hoặc trình bày cặn kẽ Linh đạo Bác ái Caritas được thuyết giảng trong suốt tuần Linh thao.
Nhật ký chỉ cố gắng chia sẻ các ý tưởng góp nhặt và thu hoạch tâm linh như một món quà nhỏ mọn cho bạn bè, cho anh em sau một tuần được gắn bó, được sống thân mật với Chúa Giêsu.
Thánh lễ mừng Sinh Nhật Đức Mẹ
Thánh lễ do Đức Hồng Y Gonzales, Tổng Giám mục Manila, Phillippines chủ tế.
Trong bài giảng lễ, ngài mời gọi sự liên kết mật thiết với Đức Maria là Mẹ Hiệp công Cứu chuộc nhân loại. Công việc bác ái của Kitô hữu là sợi dây liên kết với công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng ta luôn cần có Mẹ để nâng đỡ và chỉ vẽ cho chúng ta.
(Bài giảng khá hay và thuyết phục, tuy nhiên, vì không mang giấy bút đi dự lễ, nên tôi chỉ tóm được chủ đề tổng quát của bài giảng.)
Chứng nhân bác ái Kitô hữu
Tôi Tớ Chúa, Hồng y Franxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928 – 2002) – Việt Nam
Bài trình bày do Đức TGM Étienne Nguyễn Như Thể, Giáo phận Huế là Giáo phận gốc của Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận.
- Đức Tổng Giám mục Huế đã kể câu chuyện lao tù của Đức Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận một cách sống động, qua đó tình yêu Chúa Giêsu được tỏ hiện nơi Ngài, và qua Ngài đến với mọi tù nhân.
- Trải qua những biến cố, tưởng như quá khắc nghiệt đối với sức chịu đựng của con người, Đức Hồng y F.X Thuận vẫn sống vui tươi, hy vọng, đặc biệt hơn, sống như một chứng nhân anh dũng cho Tình yêu Giêsu. Trái tim của Ngài là một trái tim yêu thương, để không chỉ những tù nhân sống chung với Ngài được cảm hóa, mà ngay chính cả các vị cai ngục tù hung dữ nhất cũng cảm nhận được lòng bao dung và tình yêu Thiên Chúa.
- Đức Hồng y quả là một chứng nhân cho tình yêu hành động, chủ đề của bài giảng sáng hôm nay. Câu chuyện đã gây nhiều xúc động cho các tham dự viên.
Suy niệm đàng Thánh Giá
- Tình yêu và đức tin luôn cần hành động. Đỉnh cao của hành động yêu thương của Chúa Kitô là con đường Thập Giá. Chiều nay, mọi người được mời gọi đi chặng đàng Thánh Giá với những lời dẫn và lời nguyện của Mẹ Têrêxa.
- Theo Mẹ Têrêxa Calcutta, được dẫn đi bởi những lời cầu nguyện của Mẹ, mọi người đang bước theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường Thập Giá. Những chia sẻ kinh nghiệm sống cho người nghèo, người bị bỏ rơi của các chị Thừa sai Bác ái như đang mời gọi mọi người thao thức với những nỗi đau khổ còn đang tràn lan của nhân loại…
- Cảm nghiệm yêu thương Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá, chúng ta có cảm nghiệm được cái nghèo hèn, cái đói rách mà nhiều người hôm nay vẫn còn đang đối mặt? Chúng ta có cảm nghiệm được đau khổ của người bệnh tật, của người bị bỏ rơi?
- Có quá nhiều câu hỏi theo đuổi tôi, miên man trong những chia sẻ của các chị Dòng Thừa sai Bác ái: Tôi có làm được gì không? Tôi có dám làm gì không?
Thứ Tư, 09/09/2009
Bài giảng gĩnh tâm của sư huynh Yesudas M.C. : (bài 3)
Linh đạo Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa: LÒNG THƯƠNG XÓT (Compassion)
“Hãy yêu thương kẻ thù… Hãy thương xót (có lòng nhân từ) như Cha các con đã xót thương” (Lc 6, 35-36). Chúng ta được mời gọi cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và là dấu chỉ của lòng thương xót, của tha thứ, của nhân từ, của nhẫn nại. Chúng ta đã là dấu chỉ hay chưa?
Thầy Yesudas dành cho mọi người giây phút thinh lặng để mình tự hỏi chính mình.
- Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha mời gọi “Hãy đem sự hiện diện của Thiên Chúa trở lại cho thế giới, hãy để cho Ngài hiện diện và được biết giữa muôn dân” (“Let Him be present and known in our world”).
- Mẹ Têrêxa từng nói Mẹ cám ơn Giáo hội đã cho chúng ta cơ hội được sống, được mang lại sự hiện diện của Chúa Giêsu, mang Tình yêu Thiên Chúa (God’s Love) và Lòng Thương xót (His Compassion) đến cho người nghèo.
- Mẹ nói: “Các con phải đem hình ảnh Chúa Giêsu đến cho anh em.” Hình ảnh sinh động nhất của Chúa Giêsu chính là Lòng Thương xót (Jesus’ compassion). Lòng Thương xót được thể hiện qua cái chết để hiến dâng mạng sống cho con người. Lòng Thương xót tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa (reveal God’s love).
- Người cha trong câu chuyện ngụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc 15), hay câu chuyện “Ông chủ vườn nho” (Mt 20) là những minh họa về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha. “Hãy thương xót như Cha các con đã xót thương!” (“Be compassionate just as your Father is compassionate!”)
- Lòng thương xót luôn đi với niềm vui (Joy). Ai có lòng thương xót sẽ có tâm hồn luôn ngập tràn niềm vui. Khi bày tỏ lòng thương xót, là lúc lúc các giá trị cao điểm của cuộc sống được thể hiện trong tâm hồn: sự nuôi dưỡng (nourishing), sự quan tâm (caring), chia sẻ (sharing), lòng trìu mến (embracing) và trên hết là sự ban tặng cuộc sống (life-giving). Bởi đó, tâm hồn sẽ ngập tràn bình an và vui sướng.
- Chúa Giêsu mời gọi mọi người cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, để học cách ban tặng lòng thương xót cho tha nhân. Một cách sâu xa, đó là mời gọi sống đời trung tín (faithful life) với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót.
- Một ký giả hỏi Mẹ Têrêxa, liệu Mẹ có thể thành công khi mở một Nhà Tình Thương ở New York như ở Calcutta hay không? Mẹ đáp:“Mẹ không được mời gọi làm việc này vì sự thành công, nhưng được mời gọi sống trung tín.” (“I am not called to be successful, but to be faithful”).
- Sự khác biệt của một nhân viên xã hội với một tình nguyện viên làm việc bác ái chính ở tình yêu và lòng thương xót. Làm công tác bác ái Kitô hữu là như làm đối với Chúa Giêsu, vì Tình yêu Giêsu. “Con đã làm cho chính Ta…” Khi chăm sóc bệnh nhân, là chăm sóc thân thể Chúa Giêsu. Đây chính là điều mà chị em Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa đang thực hiện. Hoàn toàn khác biệt với một nhân viên y tế, xã hội bình thường.
- Mẫu gương tuyệt vời dạy chúng ta lòng thương xót chính là Mẹ Maria. Bên chân Thánh Giá, Mẹ xót thương con vô cùng, trái tim nát tan. Mẹ đứng đó, ngước nhìn con yêu dấu, lòng ngập tràn tình yêu, xót thương nhưng đầy trung tín. Xin Mẹ dạy con biết xót thương.
Thánh lễ
Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Cao Hùng chủ tế. Ngài không tham dự được Thánh lễ khai mạc và ngày thứ ba vì còn rất bận rộn với Tổng Giáo phận cứu giúp nạn nhân của trận bão vào cuối tháng 8, một tuần trước ngày khai mai Đại hội Linh thao.
Ngài chia sẻ sự biết ơn của dân chúng Cao Hùng và Đài Loan vì sự trợ giúp tích cực và nhiệt thành của Caritas Internationalis và toàn thể Giáo hội qua lời cầu nguyện và chia sẻ tinh thần, vật chất cho thành phố Cao Hùng.
Ngài nhấn mạnh công việc bác ái luôn thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Người làm bác ái xã hội phải ý thức hành động bác ái không phải vì cái tôi, cái ngã (self), nhưng phải vì cái tha, vì người đón nhận (others).
Chứng nhân bác ái Kitô hữu
Chân Phước Fréderic Ozanam (1928 – 2002)
- Trong cuộc sống gia đình, Chân phước Ozanam là người chồng và người cha gương mẫu. Ngài rất mực yêu thương vợ con và sống cuộc đời đạo hạnh, chứng nhân của ơn gọi sống đời gia đình. Ngoài xã hội, Ngài là một giáo sư được sinh viên kính trọng, vì Ngài sống gương mẫu cho những lời giảng dạy của mình. Chân phước là một Tiến sĩ Luật khoa và Tiến sĩ Văn chương.
Ngài lập Hội Bác Ái mang tên Thánh Vincent de Paul (the Society of St. Vincent de Paul) vào năm 1833. Sau một năm, số hội viên bác ái lên hơn 100 người, được chia nhỏ thành nhiều hội nhỏ để công việc bác ái được thực hiện hiệu quả hơn. Đối với Ngài, làm việc cho bác ái và công bằng là một thúc bách không ngơi nghỉ. Ngài là mẫu gương của ơn gọi giáo dân, mẫu gương của lời đáp trả cho Lòng Thương xót của Chúa Giêsu.
- Đức Giáo hoàng tôn phong Ngài lên hàng Chân phước vào ngày 23/08/1997.
Cầu nguyện - Xét mình – Hòa giải
- Sau một ngày suy niệm về Lòng Thương xót của Thiên Chúa, buổi chiều hôm nay, chương trình Linh thao dành thời gian để mỗi người tự xét mình và tìm về hòa giải với Thiên Chúa.
- Hình ảnh Đức Hồng y Paul Joseph Cordes, Chủ tịch Cor Unum khiêm tốn quỳ gối, nhận Bí tích Giải tội từ một linh mục ngay trên cung thánh, trước mặt mọi người làm tôi hơi ngỡ ngàng.
- Lòng thương xót Chúa trải qua bao thế hệ, dẫu cho tôi mãi tội lỗi và u mê, Thiên Chúa vẫn xót thương tôi, Ngài vẫn luôn mời tôi đến với Ngài. Ngài vẫn trung tín trong khi tôi luôn bội tín.
- Tâm hồn tôi bình an sau khi được nhận Bí tích Hòa giải. Cảm nhận lòng thương xót, sống trong tình yêu và học cách đáp trả tình yêu, mình sẽ luôn cảm nhận được niềm vui, như lời bài giảng tĩnh tâm sáng nay.
Thứ Năm 10/09/2009
Bài giảng tĩnh tâm của sư huynh Yesudas M.C.: (bài 4)
Linh đạo Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa: LÒNG KHÁT KHAO GIÊSU (Desire for Jesus)
Ông Philliphê nói với ông Nathanael “Hãy đến mà xem!” Và khi Chúa Giêsu thấy Nathanael tiến lại, Nathanael tuyên xưng “Thầy là Thiên Chúa của Israel” (Gn 1, 49).
Nathanael đã lên đường “đến và xem,” mắt ông mở ra, tâm hồn tràn ngập đam mê đón nhận Giêsu, và miệng ông cất tiếng tuyên xưng. Xin Chúa chúc lành và ban cho con có được sự khai thông (openness), sự chân thành (sincerity) và lòng thành thật (honesty) vào buổi tĩnh tâm này.
Thầy Yesudas dành cho mọi người giây phút thinh lặng để cầu nguyện.
- Hôm nay, ngày 10/09, đối với Mẹ Têrêxa Calcutta là một ngày đáng ghi nhớ. Ngày 10/09/1946 là ngày mà Mẹ được ơn gọi đặc biệt từ chính Chúa Giêsu cho công việc thừa sai bác ái. Trên chuyến xe lửa từ Dublin đến Darjeeling, lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu đã vang lên, thúc đẩy Mẹ Têrêxa lòng khao khát phục vụ những người nghèo nhất trong số các người nghèo.
- Từ đó, cả cuộc đời Mẹ chỉ còn một đam mê cháy bỏng, đó là Giêsu: “Hãy là ánh sáng cho Ta” (“Come be my Light”); “Hãy đốt lửa tình yêu của Ta giữa những người nghèo, người đau ốm, người sắp chết và mang những trẻ em đường phố đến với Ta” (“Be my fire of love, amongst the very poor, the sick, the dying, the little street children, I want you to bring to me.”)
- Tại sao Chúa Giêsu nói: “Ta khát.” Một câu tưởng chừng rất đơn giản, nhưng thật khó giải thích cho vẹn toàn ý nghĩa.“Ta khát” (“I thirst”) diễn tả một ước muốn sâu sắc hơn rất nhiều so với “Ta yêu con” (“I love you”). Giêsu khát khao yêu thương con người và cũng khát khao con người đáp lại tình yêu đó.
- Lòng khao khát được đáp trả lại Tình yêu Thập giá không phải để cho bản thân Chúa Giêsu, nhưng cho nhân loại, cho mọi người mà Ngài đang chịu chết hy sinh cho họ (from Him, a deep desire for them). Lòng khao khát Giêsu, mà mẹ Têrêxa khám phá và thi hành lời mời gọi đó, chính là khao khát được làm cho con người.
- Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II âu yếm gọi Mẹ Têrêxa là một nút bấm (hay là dấu hiệu) của người Samaria nhân hậu (an icon of the Good Samaritan). Công việc bác ái cần được thi hành bằng trái tim nhân hậu, bằng lòng đam mê Giêsu. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết trong thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, khi nói về hoạt động bác ái của Hội thánh: “Một tình yêu tinh tuyền và quảng đại là chứng tá tốt nhất về Thiên Chúa mà chúng ta tin và thúc đẩy tình yêu của chúng ta” (số 31c).
- Sự khao khát đam mê (desires) của con người cho nhiều nấc thang:
1. Khao khát thông thường (có thể hiểu như khao khát bản năng): thèm ăn uống, chat với bạn bè, ngủ nướng, đi chơi…
2. Khao khát cao hơn (có thể hiểu như khao khát lý trí): mong muốn được an toàn, đầy đủ sức khỏe, hạnh phúc, tình bạn, đam mê yêu và được yêu, phát triển tri thức, phát triển toàn diện con người của mình…
3. Khao khát thẩm sâu nhất (có thể hiểu như khao khát tâm linh): khám phá ra chính mình, tôi là ai? tại sao tôi có mặt trên cuộc đời, tôi sống để làm gì? Khao khát khám phá ra Đấng Siêu Nhiên, một Thiên Chúa để tôi tôn thờ…
- Nếu chúng ta không bị những khao khát thông thường (thuần bản năng) hay những khao khát cao hơn (thuần lý trí) nhấn chìm, nhưng để cho tâm hồn luôn bị đốt cháy bởi khao khát thẩm sâu (tâm linh) một cách mãnh liệt nhất, thì việc“đến và xem” như lời mời gọi của Giêsu với Nathanaen sẽ trở nên dễ dàng hơn. Lòng khao khát và đam mê Giêsu sẽ chiếm hữu cuộc đời và thúc đẩy tình yêu tha nhân trong mỗi người.
- Hãy luôn để lòng khát khao Thiên Chúa, khát khao Giêsu ngự trị tâm hồn của mình. Tình yêu Thiên Chúa sẽ triển nở tình yêu tha nhân. Thánh Linh sẽ hướng dẫn bạn và mọi hoạt động bác ái của bạn khi bạn cho Chúa Giêsu luôn ở bên mình.
- Khi được hỏi về linh đạo của Dòng Thừa sai Bác ái, Mẹ Têrêxa nói linh đạo chỉ là một hành động, một tâm thức “Khát khao Giêsu” “Desire for Jesus”.
Thánh lễ
Thánh lễ do Đức Hồng Y Toppo, Tổng Giám mục TGP Ranchi, Ấn Độ chủ tế. Ngài là Vị Giám mục Giáo phận mà Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa khởi sự. Ngài được vinh hạnh sống bên cạnh và gần gũi với Mẹ Têrêxa.
Trong bài giảng, Ngài kể những câu chuyện của Mẹ Têrêxa đã làm cho những người bần cùng, bệnh tật, bị bỏ rơi trong xã hội Ấn. Mẹ đã minh chứng sống động cho lời Chúa Giêsu đã nói, “Các con đã làm cho chính Ta…”
Lần chuỗi Mân Côi
- Chiều hôm nay, chương trình linh thao mời gọi mọi người cùng lần chuỗi Mân côi. Tôi cảm nghiệm được sự khéo léo trong sắp xếp chương trình hàng ngày, và có sự gắn kết của bài giảng tĩnh tâm với chương trình buổi chiều…
- Lần chuỗi Mân côi, những lời kinh êm dịu, đều đặn rót vào lòng tôi, giúp tôi bớt bồn chồn, bớt muộn phiền, bớt âu lo những đam mê trần thế… Chuỗi Mân côi như đánh thức trong tôi, nỗi khát khao tìm gặp Chúa Giêsu, tìm gặp Thiên Chúa qua sự dẫn đưa của Mẹ Maria.
- “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…” Tôi lẩm nhẩm đọc theo chậm rãi lời kinh bằng tiếng Anh mà tôi vừa học được… Xin Chúa luôn ở cùng con như ở cùng Mẹ … Xin Chúa cho con khát khao tìm kiếm Chúa và đón nhận Chúa như Mẹ …
- Xin Chúa mở mắt con cho con được gặp Chúa, mở lòng trí con để con đón nhận Tình yêu Ngài, mở miệng con để con ca ngợi Chúa và mở rộng tay con để con đến với mọi người.
Thứ Sáu, 11/09/2009
Bài giảng tĩnh tâm của sư huynh Yesudas M.C.: (bài 5 – bài cuối)
Linh đạo Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa: “Hãy Theo Thầy!” (“Follow Me!”)
Hôm sau, Chúa Giêsu quyết lên đường đi đến miền Galilê. Ngài gặp Philliphê và gọi: “Hãy Theo Thầy!” (Gn 1, 43)
Chúa Giêsu đã gặp hết mỗi người chúng ta, và Ngài đã từng gọi mỗi người chúng ta: “Hãy theo Thầy!” “Đi Theo” mời gọi sự “tham gia” (following suggests participation). Đi theo Giêsu là đi theo con đường Thập Giá, con đường của chấp nhận và từ bỏ, con đường biến đổi (transformation). Con đường Giêsu là con đường chọn lựa Thiên Chúa là tâm điểm của đời sống và hành động. Con đường Giêsu là con đường yêu thương, con đường bác ái. Chúng ta đã đáp trả lời mời gọi của Giêsu như thế nào?
Thầy Yesudas dành cho mọi người giây phút thinh lặng để tự vấn.
- Hôm nay là ngày cuối cùng của tuần Linh thao, chúng ta đã học biết lời xác nhận của Chúa Giêsu là những gì các con làm cho người bé mọn nhất là “Con đã làm cho Ta…”. Công việc bác ái là “Tình yêu hành động”, bắt nguồn từ “Lòng Thương xót” của Thiên Chúa dành cho con người, và Chúa Giêsu mời gọi người Kitô hãy có “Lòng Thương xót” với tha nhân. Muốn được như thế, mỗi người phải tập “Khao khát Giêsu”, để Chúa Giêsu ở lại với và ở trong mỗi người. Giờ đây, chúng ta học cách “Đi theo Thầy Giêsu”, bởi vì
“Giêsu là Thiên Chúa của tôi – Jesus is my God
Giêsu là Cuộc đời tôi – Jesus is my Life
Giêsu là Tình yêu tôi – Jesus is my Love
Giêsu là Tất cả của tôi – Jesus is my Everything…”
(Bài thơ dài lắm, nhưng tôi chỉ chép lại được có mấy câu dễ nghe trên đây…)
- Đi theo Giêsu là để cuộc đời tôi thuộc về Người, là để hành động của tôi gắn bó với Người, làm sao cho hình ảnh Người luôn là khuôn mẫu của tôi, làm sao công việc bác ái tôi làm diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu.
- Cuộc sống ẩn dật (silent years) của Chúa Giêsu ở Nazareth đã biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa Cha. Sự kết hợp thân mật (intimacy) với Thiên Chúa Cha là khởi đầu của công cuộc cứu chuộc (this intimacy that brings redemption).
- Chúng ta cũng được mời gọi đi theo Chúa Giêsu và sống như Người để hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa Cha được cũng được tỏ hiện (reveal Father to the world). Công việc bác ái Kitô hữu sẽ là phương tiện (means), chứ không phải là cùng đích (not the end). Vì thế, chúng ta phải tự hỏi công việc bác ái mà chúng ta đang làm có thể hiện được hình ảnh của Thiên Chúa Cha đến với tha nhân hay không? Đây cũng là điều cơ bản được ĐTC Bênêđictô XVI nêu lên trong thông điệp của Ngài.
- Khi chúng ta thi hành công việc bác ái mà không kết hiệp hay thể hiện hình ảnh Thiên Chúa, chính là lúc bàn tay làm nhưng không có trái tim (hands without heart). Ba mươi năm sống ẩn dật là 30 năm Chúa Giêsu mở trái tim đón nhận Chúa Cha và mở vòng tay ra sống cho anh em. Bàn tay và trái tim Chúa Giêsu luôn đi với nhau, bàn tay Giêsu đã bị đóng đinh (His hands to be nailed) và trái tim Giêsu đã bị lưỡi đòng đâm thấu (His heart to be pierced).
- Và Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta “Hãy theo Thầy!” bằng cách biến đổi trái tim mình (transformation of heart), bằng cách uốn nắn bàn tay mình (conversion of hands) để công việc bác ái của đôi tay, luôn ngập tràn lòng thương xót và tình yêu từ trái tim. Có như thế, người Kitô hữu sẽ trở nên kênh dẫn suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa đến cho mọi người. Mẹ Maria là một minh chứng của điều này.
- Để kết thúc, chúng ta cùng cầu nguyện với lời nguyện của Mẹ Têrêxa: “Lạy Mẹ Maria yêu dấu, xin ban cho con trái tim của Mẹ, trái tim xinh đẹp, tinh tuyền, không vướng tội nhơ, trái tim yêu thương và khiêm nhu, để con đón nhận Giêsu như Mẹ đã đón nhận, và vội vã đem Giêsu đến với mọi người.” (“Mary, my dearest Mother, give me your heart so beautiful, so pure, so immaculate, so full of love and humility, that I may receive Jesus as You did – and go in haste to give Him to others”).
Thánh lễ bế mạc tuần tĩnh tâm
Thánh lễ do Đức Hồng y Paul Joseph Cordes, Chủ tịch Cor Unum chủ tế, với bốn Hồng y và toàn thể Giám mục, linh mục đồng tế.
Đức Hồng y Cordes thay mặt toàn thể tham dự viên, cám ơn Đức Hồng y Shan, các Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Đài Loan đã lo lắng và tổ chức chu đáo Tuần Linh thao này. Kết quả vượt ngoài sự mong đợi của Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm và toàn thể các tham dự viên.
Đức Hồng y chủ tế nhắc đến sự khai triển Ơn Thánh mà các tham dự viên đón nhận được, và mong muốn kết quả của Linh thao được mang về quê hương, Giáo phận, tổ chức Caritas ở mọi nước để tinh thần và hoa trái tình yêu của Thiên Chúa, của ĐTC Bênêđictô XVI và thông điệp của Ngài tiếp tục triển nở trong Giáo hội toàn cầu.
Sự hiện diện của Tổng thống Đài Loan
Cuối Thánh lễ, một cách đặc biệt, Tổng Thống Mã Anh Tài (?) của Đài Loan đã đến đọc diễn văn chào mừng và cám ơn Tòa Thánh đã dành vinh dự cho Đài Loan được đăng cai tổ chức Đại hội Linh thao của Cor Unum.
Tổng thống Mã nhấn mạnh, Đài Loan, từ một nước nhận quà tặng (receiving country) của Caritas Internationalis trong thập niên 1950 – 1960 khi vừa lập quốc, đã nhanh chóng phát triển và hưng thịnh quốc gia. Để 40 năm sau, Đài Loan đã trở thành một quốc gia ban tặng (donor country), đóng góp cho công việc bác ái, cứu trợ trên khắp thế giới.
Cảm nhận sau cùng
- Cám ơn Chúa Giêsu đã mời gọi và ban cho con cơ hội sống gần gũi và thân mật với Chúa trong suốt một tuần qua. Lời Chúa đã nâng đỡ con và soi sáng cho con nhiều lắm. Con cảm nhận được lời mời gọi của Chúa rất rõ ràng.
- Cám ơn các cha, các anh em và gia đình đã tạo điều kiện cho con được một tuần lễ tạm dứt ra khỏi mọi công việc, mọi lo toan hàng ngày để dốc tâm theo Chúa, một tuần sống với quý cha… đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình thân. Con đã nhận được rất nhiều.
Tôi thực sự choáng ngợp trước những điều tôi được đón nhận, tôi cố gắng hết sức, nhưng cũng chỉ ghi chép được bấy nhiêu, mong rằng Chúa Thánh Linh sẽ tác động trên mọi anh em đón nhận nhật ký này.
Phaolô Vũ Bảo Quốc
23/09/2009
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12