Caritas TGP Sài Gòn: Mái ấm Têrêsa Calcutta - Điểm hẹn cho trẻ bị tổn thương não
Mái ấm Têrêsa Calcutta được thành lập vào ngày 8/6/2018, đúng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hơn hai năm qua, các Soeur, các cô và thành viên Caritas đã biến nơi đây thành một điểm hẹn chơi-học đầy ắp tiếng cười.
Khởi đầu nan
Mái Ấm hiện ở số 423/34/15 đường Lạc Long Quân, phường 15, quận 11. Mái Ấm vốn là hai phòng trọ thuộc khu nhà trọ của Gia đình Ông Bà Tu (Bà Tú đã qua đời) đã để lại cho người con là Anh Chị Đoàn, thuộc giáo xứ Phú Bình, Giáo hạt Phú Thọ. Gia đình đã cho Caritas TGP Sài Gòn mượn để làm nơi sinh hoạt và học tập cho các bé có tổn thương não. Diện tích mỗi phòng chỉ 18 mét vuông.
Nhớ về ba tháng mới thành lập, Soeur Tuyết Minh, phụ trách Mái Ấm kể:
“Thời gian đầu Mái Ấm chỉ hoạt động vào các ngày Chúa Nhật vì lúc đó chưa tìm được trị liệu viên can thiệp thường xuyên, nên chỉ có thể dựa vào sự cộng tác tình nguyện của các chuyên gia vào những ngày nghỉ cuối tuần của họ. Các bé được chia nhóm cùng với ba mẹ ngồi ở ba góc phòng. Cô Oanh, cô Ánh Chí, Bác sĩ Thanh và các tình nguyện viên vừa tập động tác cho các bé, vừa tư vấn cho phụ huynh hỗ trợ các bé ở nhà. Lúc đó phòng ốc chưa được sáng đẹp như bây giờ, còn các bé thì bỡ ngỡ, lạ lẫm đủ thứ…”
Đang trong vòng tay bố mẹ, lần đầu được đưa đến Mái Ấm, tưởng tượng các bé giống như những “chiến sĩ” nhỏ, khập khiễng bước vào “thao trường” lạ hoắc, ở đó mỗi bé phải đối mặt những bài tập luyện đầy thú vị, không bé nào giống bé nào.
Cô Ánh Chí, nguyên Trưởng bộ môn Vật lý trị liệu, đại học Y Dược TP.HCM – Phụ trách Chương trình Vật Lý Trị Liệu của Mái Ấm, cho biết:
“Để được nhận vào Chương trình can thiệp, trước tiên các em phải được khám đánh giá và phân loại cẩn thận. Khi não bị tổn thương, phần lớn khả năng vận động của các bé đều rất khó khăn. Biểu hiện bên ngoài của các bé thường được chia làm ba dạng: Dạng thứ nhất là các cơ bị co rút; Dạng thứ hai là tay chân quờ quạng múa vờn; Dạng thứ ba đi đứng loạng choạng không giữ được thăng bằng. Cũng vậy, tổn thương não tất nhiên tác động trực tiếp đến cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ, tri giác, thậm chí làm bé rối loạn hành vi và hạn chế về chức năng! Sau khi được khám, đánh giá và phân loại xong, mỗi bé sẽ có một bộ hồ sơ theo dõi và giáo án tập luyện riêng…”
“Thao trường” nhỏ
Đến nay đã có 50 bé học tập ở Mái Ấm. Một số chuyển đi vì nhiều lý do, trong đó đa số vì bố mẹ phải đi làm không có thời gian đưa con đến trường. Hiện giờ có 20 bé theo sát thời khóa biểu, được bố mẹ đưa đến Mái Ám ba buổi một tuần. Các cô trị liệu viên theo lịch can thiệp riêng cho từng bé ba môn: Vật lý trị liệu; Âm ngữ; và Giáo dục can thiệp sớm.
Đến dự một buổi học của bé A.K và H.D để xem các bé “thao dợt” như thế nào ? Cảm giác mọi người có thể cảm nhận ngay là không khí vui tươi, thân thiện của cả cô lẫn trò. Bé A.K 5 tuổi, mẹ bé bế xuống xe là bé tự bám bờ tường bước vào lớp. Bé ngước nhìn mọi người cười tươi: “Con chào Cô, chào Soeur, chào Chú…”, rồi ngoái lại lên giọng: “Hôm nay soeur đẹp gái quá!”.
Nhìn vẻ láu lỉnh của bé không thể ngờ rằng hơn 1 năm trước bé phải được trợ giúp mọi mặt. Tại buổi lượng giá về sự thay đổi của con mình sau hơn 1 năm luyện tập tại Mái Ấm, chị T.L mẹ bé A.K nhận xét:
“ Bé A.K có sự tiến bộ rõ rệt cả về học vận động lẫn nhận thức. Về vận động hiện tại bé có thể đứng chững, bước chậm. Mới đây cô Ánh Chí hướng dẫn bài tập về giãn cơ, tập mặc quần áo, bé đã thực hiện rất tốt. Về nhận thức: bé rất thích đi học ở Mái Ấm, thích hơn là đi tập ở bệnh viện. Nghe nói phải đi bệnh viện Nhi Đồng bé rất lề mề, nhưng nghe nói đi đến Mái Ấm thì rất hăng hái…”.
Cùng học với A.K buổi sáng hôm đấy còn có bé H.D. Bé H.D bề ngoài nhìn nặng nề hơn A.K, đi đứng loạng choạng khó khăn, ở nhà nếu một mình mẹ tập cho bé thì rất vất vả. Nghe cô giáo hỏi: “Ủa sao hôm nay con không đi với mẹ mà đi với bố ?”. Bé trả lời…ngon ơ: “Cha đưa con đi vì…thất nghiệp rồi…”
Trong lúc bé A.K đang lăn lộn trên bậc gỗ bập bênh, tập vật lý trị liệu với cô Bích, bé H.D được bố đưa lên gác học Lớp Giáo dục với Soeur Thơm. Tưởng là bé được bế lên cầu thang, nhưng không…thật ấn tượng, bé H.D đang từng bước, từng bước leo lên chiếc cầu thang dốc đứng, phải đến 45 độ! Bố của bé đi kèm đằng sau, hai tay giang ngang hờ bảo vệ…
Đến sàn gác, cũng tưởng Soeur Thơm đỡ bé ngồi lên….không, bé H.D cúi chào Soeur rồi tự bám ngồi lên. Soeur mỉm cười và bắt đầu dạy ngay: “Con xếp thẻ theo số thứ tự và đọc lớn số cho soeur nghe!....Giỏi…một lần nữa…xếp số bằng hai tay. Tay kia đâu ? Đếm lớn lên…”.
Bố của bé H.D lặng lẽ ngồi nhìn con học. Hạnh phúc lắm…con biến đổi từng ngày!
Ước mơ lớn
Đến với Mái Ấm để tập và học, từ từ các bé không chỉ được cải thiện khả năng vận động, mà còn được gia tăng nhận thức về sự hiểu biết và kỹ năng sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, các em được phát triển các mối tương giao xã hội để được hòa nhập một cách tự nhiên với mọi người và các bạn cùng hoàn cảnh. Song song với đó, các em cũng được tập làm quen với những thiệt thòi của mình khi nhìn các bạn cùng trang lứa khác không bị tổn thương não ngoài xã hội. Càng so sánh, các bé càng có những ước mơ rất đời thường: muốn đi siêu thị, công viên, chơi đùa như các trẻ khác…Mặc dù ở Mái Ấm các em cũng đã được các cô, các soeur cho đi bơi lội…và được làm sinh nhật tập thể rất vui. Tại buổi mừng sinh nhật cho bé K.H ở Mái Ấm, mẹ bé đã xúc động: “ Sáng đi qua trường học, bé hỏi, mẹ ơi bao giờ con mới được đến trường học như các bạn ?”.
Ước mơ bé nhỏ…mà sao…lớn quá!
Đối với Soeur Tuyết Minh (Dòng Nữ Tu Đức Bà), người phụ trách Mái Ấm, trước mắt Soeur và các cộng sự phải hoàn thành kế hoạch của dự án: - “Cuối tháng 09 năm 2021, 30 trẻ khuyết tật tham gia dự án phải được: - Cải thiện khả năng vận động – Được hòa nhập môi trường giáo dục. Đồng thời phụ huynh và người chăm sóc trẻ khuyết tật phải thay đổi nhận thức về tiềm năng phát triển của trẻ.”
“Nên ước mơ lớn của con”. Soeur Tuyết Minh nói: “Khi dự án này kết thúc, sẽ có những dự án Hỗ trợ trẻ có tổn thương não phục hồi chức năng tương tự được tiếp tục ký kết, để mô hình đầy nhân văn này sẽ được nhân rộng khắp nơi, giúp các em khuyết tật dễ dàng hội nhập xã hội.”
Riêng cô Ánh Chí, người đã cống hiến cả đời cho trẻ bị tổn thương não, ước mơ:
“…Đất nước ta chưa có được một mô hình khép kín nuôi dạy trẻ khuyết tật từ A đến Z: Từ khi mới sinh được phân loại, nuôi dạy, tập luyện, học chữ, học nghề…đến lúc được hội nhập với xã hội. Hiện nay sau khi khắc phục phần nào khiếm khuyết, hầu như không có hệ thống trường lớp nào tiếp nhận các em!”
Mái Ấm năm nay âm thầm mừng lễ Bổn Mạng Têrêsa Calcutta (5/9) vì đại dịch Covid-19.
“Con tim tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu.”
Niềm tín thác ấy hối thúc Mẹ Têrêsa đem tình yêu của Chúa đến với những người bần cùng ở Calcutta.
Xin Mẹ Têrêsa cầu bầu để chúng con cũng biết khơi suối nguồn Yêu Thương Trái Tim Chúa đến với những đứa trẻ bần cùng khuyết tật.
Xin Mái Ấm mãi là Điểm Hẹn Nụ Cười – Nơi ước mơ của các em, của chúng con không chỉ là những ước mơ thôi!
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12