Câu chuyện từ cuộc viếng thăm Thánh thất Sàigòn
WGPSG -- Hướng đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1.9.1910 - 2010) và nhằm tiếp nối những tương giao với tín đồ các tôn giáo bạn mà ngài đã thiết lập trước đây, sáng thứ Bảy 7.8.2010, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn (BMVĐTLT) đã đến thăm Thánh Thất Sàigòn, số 891 Trần Hưng Đạo - Quận 5.
Đoàn chúng tôi gồm 2 linh mục, 2 nữ tu (dòng Mến Thánh Giá CQ và thánh Phaolô thành Chartres) và 5 giáo dân. Gần 9g30, khi chúng tôi đến Thánh thất thì các chức sắc Cao Đài đã chờ sẵn để đón tiếp đoàn. Sau khi lên chánh điện hát Kinh Hòa bình ở tầng hai, đoàn được mời vào phòng khách để trò chuyện. Linh mục trưởng Ban nêu lý do buổi hội ngộ và các Đạo Huynh của Thánh Thất bày tỏ sự vui mừng về cuộc gặp gỡ thân hữu này như sự tiếp nối chuyến thăm viếng của Đức TGM Phaolô diễn ra vào trung tuần tháng 4 năm 1975.
Giây phút bỡ ngỡ ban đầu đã nhanh chóng nhường chỗ cho một bầu khí thân thiện hơn, khi cha Phanxicô Xaviê đại diện anh chị em Công giáo tặng quà lưu niệm cho Thánh Thất Sàigòn. Vị Đầu Sư Thái Thọ Thanh, Trưởng Ban Cai quản Họ Đạo Sàigòn và linh mục Trưởng BMVĐTLT cùng mở quà. Các chức sắc tôn giáo bạn ngạc nhiên và thắc mắc khi nhìn thấy bức ảnh lamina đen trắng ghi hình Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình chụp chung với các chức sắc Cao Đài trước thềm tòa TGM Sàigòn vào năm 1963.
Ngạc nhiên vì tính cách lịch sử của bức ảnh và cuộc gặp gỡ hôm nay: không phải ngẫu nhiên hay bộc phát, mà là sự kế thừa và tiếp nối những cuộc tiếp xúc diễn ra từ non nửa thế kỷ trước của các vị tiền bối đứng đầu hai tôn giáo tại thành phố này.
Một thắc mắc không chỉ bên phía Công giáo mà cả anh em Cao Đài, đó là danh tánh của các vị trong bức ảnh. Họ là những ai? Những người tâm huyết với việc gặp gỡ tín đồ tôn giáo bạn muốn biết để, vừa bảo tồn ký ức lịch sử, vừa nối gót cha anh, tiến bước trên hành trình đối thoại mà Giáo hội đang đi.
Trong cuộc tọa đàm, tôi được một Đạo Tỷ, Phó Trưởng ban cai quản Họ Đạo SG, phụ trách Nữ phái, giới thiệu về Thánh Thất và ban cai quản gồm một Trưởng, hai Phó nam và một Phó nữ.
Tại Tp. HCM, có 27 Họ Đạo thuộc Tòa Thánh Tây Ninh. Một Họ Đạo được thành lập khi có từ 500 tín đồ trở lên. Riêng TTSG có 5.000 đạo hữu và toàn thành phố có 25.000 đạo hữu, thuộc 27 Thánh Thất và một số đền thờ Mẫu. Số tín đồ trực thuộc Tòa Thánh Tây Ninh là 2.500.000 người.
Được hỏi về nghi thức khai tâm của Cao Đài, Giáo sư Ngọc Hiếu Thanh cho biết: “Mỗi người khi nhập Đạo thì phải lập thệ 36 lời: “Từ đây chỉ biết một Đạo, Cao Đài Thượng Đế hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài như sau: Có lòng ai thì thiên tru địa lục, đóng địa lục mở tầng thiên”. Hàng tháng, tại TTSG có một Vị chức sắc Thiên Phong (do Trời chỉ định) cử hành lễ Giải oan và Tắm Thánh cho trẻ sơ sinh và những người lớn có nhu cầu.
- “Ý của Đạo Huynh nói là giống nghi thức Rửa Tội bên đạo Công giáo?”, tôi hỏi.
- “Vâng, cũng tương tự như vậy, nhưng đến khi các em đến tuổi 18 mới chính thức nhập Đạo”.
Nán lại sau khi đoàn đã về, tôi còn được tiếp xúc với Trưởng Ban cai quản Họ Đạo. Khuôn mặt phúc hậu của ngài khiến tôi nhớ đến gương mặt hiền lành và nhân hậu của Đức Tổng Phaolô. Vị Đầu sư này hứa cố gắng tìm lại tư liệu liên quan đến bức ảnh năm 1963. Với giọng nói đầy cảm xúc, ngài còn nhắc đến kỷ niệm hạnh ngộ giữa các chức sắc tôn giáo với Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn trong ngày cầu cho bệnh nhân tại Trung Tâm Mục Vụ TGP và bữa cơm chay tại TGM ngày 19.12.2009.
- “Ngoài việc thực hành thờ phượng, thì TTSG còn có những hoạt động xã hội nào?”
Ngài Lễ Sanh NGỌC HIẾU THANH cho biết: “Chúng tôi kết hợp với UBMTTQ để làm từ thiện, có những nhà hiện đang nuôi dưỡng 600 cụ già và 100 trẻ em cơ nhỡ. Riêng đối với số trẻ này, chúng tôi vừa nuôi ăn vừa cho đi học. Về y tế, thì có ba Phòng khám từ thiện và cấp thuốc miễn phí, ngoài ra chúng tôi còn liên kết với các bác sĩ của bệnh viện Sùng Chính để khám chữa bệnh theo tây y".
Câu chuyện giữa ba người đang rôm rả, thì đột nhiên một tiếng chuông vang lên.
- “Dạ thưa, tiếng gì vậy?”, tôi ngạc nhiên hỏi.
- “Đó là tiếng chuông báo giờ cơm, chúng tôi có quy định ăn cơm đúng giờ”, một vị trả lời.
Thế là cuộc tìm hiểu về tôn giáo Bạn tạm dừng tại đây! Tuy bản thân khám phá chưa nhiều và sâu, nhưng lòng cảm thấy vui sau khi tiếp cận và thăm hỏi quý chức sắc của một đạo mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, tại một thánh thất giữa trung tâm thành phố.
Xin xem thêm Tìm hiểu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah