Cầu nguyện là kết hiệp với Thiên Chúa và chú ý đáp trả các nhu cầu của tha nhân
Lời cầu nguyện của chúng ta mở cửa cho Thiên Chúa, là Đấng dạy chúng ta phải liên lỉ ra khỏi chính mình để có khả năng gần gũi với tha nhân, đặc biệt trong những lúc thử thách, hầu đem lại cho họ sự ủi an, niềm hy vọng và ánh sáng.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 14-12-2011 tại đại Thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong hoạt động chữa lành tật bệnh. Ngài định nghĩa lời cầu ấy như sau:
Đó là một lời cầu, một lần nữa, biểu lộ tương quan duy nhất của sự hiểu biết và hiệp thông với Thiên Chúa Cha, trong khi Đức Giêsu để cho mình bị lôi cuốn với sự tham dự nhân bản sâu xa vào sự khó khăn của các bạn Người, thí dụ như của Ladarô và gia đình ông, hay của biết bao nhiêu người nghèo khổ và bệnh tật, mà Chúa Giêsu muốn trợ giúp một cách cụ thể.
Việc chữa lành người câm điếc như kể trong chương 7 Phúc Âm thánh Marcô là một trường hợp ý nghĩa (x. Mc 7,32-27). Trình thuật cho thấy lời cầu của Chúa Giêsu gắn liền với tương quan sâu đậm của Người với tha nhân, với người bệnh cũng như với Thiên Chúa Cha. Cảnh phép lạ được miêu tả kỹ lưỡng như sau: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, trút một hơi thở dài và nói: “Éphatha, nghĩa là: hãy mở ra” (Mc 7,33-34).
Chúa Giêsu muốn rằng việc khỏi bệnh xảy ra xa đám đông, xem ra không phải chỉ vì sự kiện phép lạ phải được giữ kín đối với dân chúng để tránh cho họ khỏi đưa ra các giải thích hạn hẹp hay méo mó về con người của Người.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: việc chọn đưa người bệnh ra xa khỏi đám đông khiến cho lúc được khỏi bệnh, Chúa Giêsu và người câm điếc ở một mình gần gũi nhau trong một tương quan đặc biệt. Chúa Giêsu đụng vào tai và lưỡi người bệnh, hay vào các chỗ chuyên biệt nơi tật bệnh của anh và dùng ngón tay và cả nước miếng của Người nữa. Từ Ephatha hãy mở ra cũng minh nhiên tính cách đặc biệt của cảnh chữa bệnh.
Nhưng trung tâm điểm của trình thuật là sự kiện Chúa Giêsu, trong khi thi hành việc chữa bệnh, tìm tương quan với Thiên Chúa Cha một cách trực tiếp. Thật vậy, trình thuật nói rằng “Người ngước mắt lên trời, trút một hơi thở dài” (c. 34). Sự chú ý tới người bệnh, việc Chúa Giêsu săn sóc anh ta gắn liền với một thái độ cầu nguyện sâu đậm hướng tới Thiên Chúa. Việc trút một hơi thở dài được miêu tả với một động từ trong Tân Ước ám chỉ sự khát vọng một điều gì đó tốt lành còn thiếu (x. Rm 8,33). Như thế, toàn trình thuật cho thấy sự liên lụy nhân bản với người bệnh đưa Chúa Giêsu tới lời cầu nguyện, và nêu bật tương quan duy nhất của Người với Thiên Chúa Cha cũng như căn tính là Con Duy Nhất của Người. Nơi Chúa Giêsu, qua con người của Ngài, hiện diện hành động chữa lành và thi ân của Thiên Chúa... Trong hoạt động chữa lành của Chúa Giêsu lời cầu nguyện bước vào một cách rõ ràng, với ánh mắt nhìn trời. Sức mạnh đã chữa lành người câm điếc chắc chắn đã được gây ra bởi sự cảm thương đối với anh, nhưng phát xuất từ việc đến với Thiên Chúa Cha.
Hai tương quan ấy gặp gỡ nhau: Tương quan nhân loại của sự cảm thương con người bước vào trong tương quan với Thiên Chúa, và như thế trở thành việc chữa lành. Trong trình thuật cho ông Ladarô sống lại năng động ấy còn hiển nhiên hơn nữa (Ga 11,1-44).
Ở đây cũng thế, một đàng là sự ràng buộc của Chúa Giêsu với một người bạn và nỗi khổ đau của ông, đàng khác khác là tương quan của Người với Thiên Chúa Cha. Sự tham dự nhân bản của Chúa Giêsu vào hoàn cảnh của ông Ladarô được nêu bật trong trình thuật qua tình bạn của Chúa đối với ông (Ga 11,11) cũng như đối với hai người em gái là Marta và Maria, và được minh nhiên bởi hai bà cũng như bởi người Do thái (Ga 11,3.36). Nó cũng biểu lộ ra trong sự cảm động sâu xa của Chúa Giêsu. Khi thấy Marta Maria và những người Do Thái khóc thương ông Ladarô, Người cũng thổn thức và bật khóc (Ga 11,33-35). Đức Thánh Cha giải thích thái độ này của Chúa Giêsu như sau:
Mối dây tình bạn này, sự tham dự và xúc động của Chúa Giêsu trước nỗi đau đớn của họ hàng và các người thân quen của ông Ladarô, trong toàn trình thuật, gắn liến với tương quan liên lỉ và mạnh mẽ với Thiên Chúa Cha. Ngay từ đầu, biến cố này đã được Chúa Giêsu đọc hiểu trong tương quan với căn tính và sứ mệnh cũng như sự tôn vinh đang chờ đợi Người. Khi nghe tin Ladarô ốm nặng Chúa Giêsu bình luận: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa; qua nó Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4). Cả lời loan báo cái chết của Ladarô cũng được Chúa Giêsu tiếp đón với sự đau đớn sâu xa, nhưng luôn luôn quy chiếu rõ ràng về tương quan với Thiên Chúa Cha và sứ mệnh Chúa Cha đã giao phó cho Người.
Lời Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha trước mồ ông Ladarô cho thấy tình bạn của Người đối với ông Ladarô và tương quan thân tình với Thiên Chúa Cha một cách rõ ràng hơn nữa: “Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11,41). Câu nói này cho thấy Chúa Giêsu đã không ngừng cầu xin ơn sự sống cho Ladarô. Nó củng cố mối dây tình bạn với Ladarô và xác định quyết tâm của Chúa Giêsu ở trong sự hiệp thông với ý muốn của Thiên Chúa Cha, với chương trình tình yêu của Người, trong đó bệnh tật và cái chết của Ladarô được coi như nơi biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa. Rồi Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:
Anh chị em thân mến, khi đọc trình thuật này, mỗi người trong chúng ta cũng được mời gọi hiểu rằng trong lời cầu xin Chúa chúng ta không được chờ đợi một sự thành toàn lập tức điều chúng ta xin hay ý muốn của chúng ta, nhưng tốt hơn là phải tín thác cho ý muốn của Thiên Chúa Cha, bằng cách đọc hiểu mọi biến cố trong viễn tượng vinh quang của Người, chương trình tình yêu của Người, thường nhiệm mầu đối với đôi mắt của chúng ta. Vì thế, trong lời cầu nguyện của chúng ta, việc xin ơn, chúc tụng và cảm tạ phải tan hòa cùng nhau, cả khi xem ra Thiên Chúa không đáp trả các chờ mong cụ thể của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Sự phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đi trước chúng ta và luôn luôn đồng hành với chúng ta, là một trong những thái độ nền tảng trong cuộc đối thoại của chúng ta với Người. Bình luận trình thuật cho Ladarô sống lại Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo viết: “trước khi ơn được ban, Chúa Giêsu gắn bó với Đấng ban ơn và Người tự trao ban trong các ơn của Người. Đấng Ban Ơn quý trọng hơn ơn được ban; Ngài là “Kho tàng”, và trái tim của Con Ngài là ở nơi Ngài; ơn được ban thêm sau” (x. Mt 6,21; 6,33) (2604). Xem ra đây là điều quan trọng... Như thế cả chúng ta nữa, vượt ngoài điều mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta khẩn nài Ngài, ơn cao trọng nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, là sự hiện diện của Ngài và tình yêu của Ngài. Ngài là kho tàng quý báu phải xin và luôn luôn giữ gìn cẩn mật.
Chúa Giêsu nói thêm trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa Cha: “Phần Con, Con biết Cha hằng nhậm lời Con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên Con đã nói để họ tin là Cha đã sai Con” (Ga 11,42). Với lời cầu của Người Chúa Giêsu muốn dẫn tới đức tin, tới sự tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa, và Chúa muốn cho thấy rằng vì Thiên Chúa đã yêu thương con người và thế giới đến độ gửi Con Một Ngài đến (x. Ga 3,16) là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa đem hy vọng đến và có thể đảo lộn các tình thế không thể được đối với con người. Khi đó, lời cầu của một tín hữu là một chứng tá sống động cho thấy Thiên Chúa hiện diện trong thế giới, Ngài chú ý tới con người, và hành động để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.
Hai lời cầu của Chúa Giêsu trong việc chữa lành người câm điếc và cho Ladarô sống lại vén mở cho thấy mối dây nối kết sâu xa giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân, cả hai yếu tố phải hiện diện trong lời cầu nguyện của chúng ta. Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa thật và con người thật, việc chú ý tới tha nhận đặc biệt người nghèo túng và đau khổ, sự cảm động trước nỗi khổ đau cùa một gia đình bạn, đưa Người hướng tới Thiên Chúa Cha, trong tương quan nền tảng hướng dẫn toàn cuộc sống của Người. Nhưng ngược lại, sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, cuộc đối thoại liên lỉ với Người thúc đẩy Đức Giêsu chú ý tới các tình trạng cụ thể của con người một cách duy nhất, để đem lại cho họ sự ủi an và tình yêu của Thiên Chúa. Tương quan với con người dẫn đưa chúng ta tới tương quan với Thiên Chúa. Và tương quan với Thiên Chúa lại dẫn đưa chúng ta tới tương quan với con người.
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau rồi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19