Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng
(1914 – 1986)
Cha chính Giuse Lâm Quang Trọng sinh năm 1914 tại Tân Phường, một giáo xứ thuộc Giáo phận Bùi Chu.
Lớn lên, chú bé Lâm quang Trọng tự nguyện dâng mình cho Chúa nơi Cha già cố Đaminh Phạm Quang Giản lúc đó đang coi xứ Giáo Lạc. Sau một cuộc thi khảo, chú Lâm Quang Trọng được nhận vào Tiểu chủng viện, Trong thời gian ở đó, Lâm Quang Trọng luôn luôn tỏ ra là một chủng sinh chuyên chăm, đạo đức, vui tươi, gương mẫu.
Học hết Tiểu Chủng viện, thầy Lâm Quang Trọng được gia nhập Đại chủng viện thánh Albertô tại Nam Định, do các cha dòng Đa Minh giảng dạy. Tại đây, thầy học khá xuất sắc. Vì vậy sau ba năm học triết, thầy được Đức cha Hồ Ngọc Cẩn tuyển chọn cho đi du học tại Đại chủng viện Penang, Mã Lai, do các cha thừa sai người Pháp điều khiển. Nơi đây, thầy được chen vai sát cánh và làm quen với các đại chủng sinh từ khắp vùng Đông Nam Á tới thụ huấn. Cũng nơi đây, cái nhìn của thầy bắt đầu hướng về một chân trời mới xa hơn và rộng hơn.
Sau bốn năm học thần học tại Đại chủng viện Penang, thầy Lâm Quang Trọng trở về Việt Nam. Lúc đó thầy lãnh chức phó tế. Một tương lai tươi sáng đang chờ đón thầy.
Sáu tháng sau, ngày 20-12-1941, khi mọi chuẩn bị đã hoàn tất, thầy Lâm Quang Trong được thụ phong linh mục, do Đức cha Hồ Ngọc Cẩn truyền chức tại nhà thờ các Thánh Tử đạo tại Quần Phương.
Sau khi lãnh nhận chức linh mục, cha Lâm Quang Trọng được Đức giám mục trao phó cho hai chức vụ quan trọng: làm giáo sư Đại chủng viện Quần Phương, và Tổng tuyên úy thanh niên địa phận.
27 tuổi đời, với dáng người cao và nhanh nhẹn, với trí thông minh sắc sảo và nền học thức trổi vượt, cha Lâm Quang Trọng đã thi hành hai chức vụ đó một cách hoàn hảo. Nhiều người trong địa phận lúc đó nhìn về cha với lòng ngưỡng mộ.
Tại Đại chủng viện Quần Phương, cha dạy môn Luân lý Thần học. Cha được các thầy đại chủng sinh rất tin tưởng và quí mến.
Đến năm 1946, vì tình hình an ninh không được bảo đảm, ngài rời bỏ trường Thần học Quần Phương, để đến Hà Nội, và sống ở đó một cách âm thầm lặng lẽ.
Trong những ngày sống lặng lẽ này, cha bắt đầu viết sách. Cuốn sách đầu tay của cha là cuốn: “Mẹ đầy ơn phúc” được xuất bản năm 1950. Sau đó, cha lần lượt cho ra đời những cuốn: “Cuộc đời Chúa Cứu Thế” (1954), “Ánh sáng Phúc Âm” (1955), “Tìm về Thượng Đế” (1956), “Vô thần hay hữu thần” (1956), “Tôn giáo với loài người” (1957), “Vườn hoa muôn sắc” (1975).
Các sách do cha sáng tác có thể xếp thành hai lọai: tu đức và minh giáo. Lời văn của cha sáng sủa, sống động và điêu luyện; tư tưởng của cha rất mạch lạc; lập luận của cha rất vững chắc.
Đến năm 1952, tình hình an ninh tại Bùi Chu trở nên tồi tệ. Đại chủng viện Bùi Chu được di chuyển lên Hà Nội. Cha Lâm Quang Trọng lại về Đại chủng viện giảng dạy.
Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Đại chủng viện Bùi chu được di chuyển vào Sài Gòn. Cha Lâm Quang Trọng lại tiếp tục dạy Thần học Luân Lý tại Đại chủng viện Bùi Chu.
Năm 1957 sức khỏe của cha sút kém. Cha rời Trường Thần học để đi nghỉ dưỡng bệnh.
Sau 6 tháng nghỉ dưỡng sức, cha Lâm Quang Trọng được Đức Giám Mục Sài Gòn bổ nhiệm đi coi sóc họ đạo Xuân Lộc, một họ nhánh của giáo xứ Suối Tre với khoảng 500 giáo hữu. Họ đạo Xuân Lộc lúc đó nhỏ bé, tiêu điều, xơ xác, không có nhà xứ, nhà thờ thì nhỏ hẹp với cột gỗ. Hai bên hông nhà thờ đồng bào sống chen chúc, xô bồ, thường hay gây huyên náo và gây lộn cãi nhau ầm ĩ.
Nhưng rồi với ý chí cương quyết và nhẫn nại, với lòng can trường hiếm có và tài xoay sở tháo vát, cha bắt đầu xây dựng giáo xứ.
Việc đầu tiên của cha là tậu một ngôi nhà xứ, để lấy chỗ sinh hoạt và làm việc.
Tiếp đó, cha đi tìm đất, lập cư xá Thánh Mẫu để di chuyển những gia đình sống bên hông nhà thờ tới nơi ở mới. Khi khu vực nhà thờ đã được giải tỏa, cha bắt đầu xây cất Trường tiểu học Thánh Gioan.
Trong thời kì đó, tỉnh Long Khánh được thành lập. Đồng bào tuôn về sinh sống tại thị xã rất đông. Số giáo dân tăng lên mau chóng. Nhà thờ cũ trở nên quá chật hẹp. Cha dồn hết năng lực để xây nhà thờ mới. Sau ba năm xây cất, ngôi nhà thờ mới được hoàn thành, một ngôi nhà thờ rộng rãi, kiên cố, đồ sộ với ngọn tháp vút cao. Chính ngôi nhà thờ này là nơi qui tụ cho một giáo phận mới, giáo phận Xuân Lộc. Và nhà thờ này đã trở thành nhà thờ Chính tòa của giáo phận mới.
Việc xây cất nhà thờ đã hoàn tất. cha lại nghĩ tới công cuộc xã hội. Cha xây cất cô nhi viện Bêlem và trao cho các nữ tu Na-gia-rét nhiệm vụ điều hành cô nhi viện mới.
Để nâng cao văn hóa, cha Lâm Quang Trọng cũng đứng ra xây cất trường Trung học Hòa Bình, một cơ sở giáo dục đồ sộ, lớn lao vào bậc nhất tỉnh Long Khánh.
Qua những công việc có tính cách tôn giáo, xã hội và văn hóa lớn lao như trên, uy tín của cha lên rất cao. Chính quyền đã trao tặng cha huy chương Mỹ Bội Tinh để tưởng thưởng cha. Đức giám mục giáo phận cũng đặt cha làm Cha Chính Địa Phận, đứng đầu các linh mục trong giáo phận.
Khi mọi việc đang diễn tiến tốt đẹp, thì biến cố 1975 xảy đến. Tất cả đều thay đổi. Tự cảm thấy mình không còn đủ sức khỏe để thích nghi với hoàn cảnh mới, cha Chính Trọng lặng lẽ đi về thành phố để tĩnh dưỡng trong những ngày xế chiều. Tuy xa cách, nhưng lòng trí ngài vẫn luôn hướng về Xuân Lộc, nơi cha đã đổ ra biết bao mồ hôi nước mắt, đã đầu tư biết bao công sức, đã chịu đựng biết bao sóng gió, đã không ngừng phấn đấu để xây dựng và vun trồng.
Nguyện vọng tha thiết nhất của cha là được sống, chết và an nghỉ tại Xuân Lộc. Tâm hồn cha mòn mỏi trong nỗi niềm thương nhớ Xuân Lộc. Sức khỏe cha yếu dần. Vào lúc 6 giờ chiều ngày 27 tháng 7 năm 1986, trái tim cha đã ngừng đập, hưởng thọ 72 tuổi. Cha ra đi trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn của đoàn chiên. Thi hài cha đã được đưa về an táng tại Xuân Lộc đúng theo nguyện vọng của cha.
Trong Thánh lễ an táng được tổ chức tại nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, giám mục giáo phận đã công nhận Cha Chính Giuse Lâm Quang Trọng là một linh mục lỗi lạc. Ngài là đại ân nhân của giáo xứ Chính tòa Xuân Lộc, và đồng thời cũng là đại ân nhân của giáo phận Xuân Lộc vậy.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng