Chân dung linh mục Việt Nam: Cha Giuse Maria Hoàng Gia Huệ
Cha GIUSE MARIA
HOÀNG GIA HUỆ
(1886 – 1954)
Mẫu gương
đời sống mục vụ
và tinh thần hy sinh
1886 : Sinh tại giáo xứ Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu
13/8/1904 : Nhập Tiểu Chủng viện Bùi Chu
13/8/1910 : Đại Chủng viện Bùi Chu
1912-1914 : Phụ giảng tại Tiểu Chủng viện Bùi Chu
1914-1918 : Học thần học tại Đại Chủng viện Bùi Chu
1918 : Thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Toà Bùi Chu
1918-1921 : Phó xứ Báo Đáp
1921-1925 : Phó xứ Quần Phương
1925-1927 : Phó xứ Lục Thuỷ
1927-1928 : Chánh xứ Ngọc Tiên
1928-1930 : Làm việc mục vụ tại đảo Phú Quốc, giáo phận Nam Vang (Campuchia)
1930-1936 : Chánh xứ kiêm quản hạt Ninh Cường
1936-1937 : Giám đốc Tiểu Chủng viện Trung Linh
1937-1938 : Giám đốc Tiểu Chủng viện Ninh Cường
1938-1940 : Giám đốc Đại Chủng viện Phú Nhai
1940-1951 : Giám đốc Đại Chủng viện Quần Phương
1951-1954 : Chánh xứ kiêm quản hạt Quần Phương
30/6/1954 : Qua đời trên đường đi lao tù ở Thanh Hoá. Mẫu gương đời sống mục vụ
Nhìn vào đôi dòng tiểu sử của cha Giuse Maria Hoàng Gia Huệ, chúng ta có thể thấy được hình ảnh của một vị mục tử luôn mải miết với những công việc mục vụ trong suốt cuộc đời, từ khi lãnh nhận thiên chức linh mục cho đến khi qua đời. Với mỗi giáo xứ nơi cha Huệ đến làm công tác mục vụ, cha luôn để lại cho các tín hữu một ấn tượng, một mẫu gương tốt đẹp về một vị mục tử tốt lành, thánh thiện, vui tươi, khiêm nhường, đức độ trong lời ăn tiếng nói cũng như trong đời sống thường ngày: “Ngài là một linh mục gương mẫu mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ và cố gắng noi theo. Ngài có một nền đạo đức vui tươi, không lộ vẻ gì khắc khổ, tuy thật sự, đời sống của ngài rất nhiệm nhặt” (Lm. Phạm Châu Diên, Hồi ký đời tôi).
Nhà nguyện là nơi ngài dành nhiều thời giờ hơn hết. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể, mà ngài đã kín múc được những ân sủng, giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng và mục vụ của ngài và làm lan toả những ân huệ đó cho các tín hữu.
Khi nói về đời sống mục vụ của cha Huệ, tất cả những ai đã từng tiếp xúc đều nhận thấy nơi ngài có cách cư xử của một người mục tử nhân lành, thấm nhuần sự khôn ngoan và tinh tế với một tinh thần khiêm nhu, bác ái, đặc biệt đối với những người nghèo khổ. Đối với các chủng sinh, ngài không bao giờ lớn tiếng, nhưng lại rất công bình. Khi cần phải góp ý, ngài nhắc nhở nhẹ nhàng, kín đáo đầy tình thương yêu xứng bậc làm thầy.
Ngài có lòng sùng kính Thánh Thể cách đặc biệt và cổ võ cho các tín hữu làm theo. Vì vậy, các bài giảng trong thánh lễ ngài cử hành luôn đầy những lời lẽ thúc giục các tín hữu đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin. Đồng thời ngài cũng ra sức cổ võ Kinh Mân Côi và việc siêng năng lần hạt Mân Côi: đâu đâu trong các giáo xứ, giáo họ của cha cũng thấy vang lên những lời kinh kính Đức Mẹ thật tốt lành và sốt sắng. Ngoài ra, ngài cũng hay dành thời gian đến hỏi thăm những gia đình trong xứ đạo, khuyến khích động viên họ giữ đạo sốt sắng, sống hoà thuận, yêu thương nhau, biết giúp đỡ nhau trong những lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Với những người khô khan nguội lạnh, cha tìm lời lẽ khuyên răn, lôi kéo nhiều tâm hồn lầm lạc trở về với Chúa. Nhờ vậy, đời sống đạo nơi các giáo xứ cha coi sóc ngày một thăng tiến.
Một trong những điểm nhấn về sự hy sinh phục vụ của cha Huệ là vào năm 1928, cha vâng lời bề trên và vì thương những tín hữu “bơ vơ không người chăn dắt”, ngài đã rời giáo phận mẹ Bùi Chu thân yêu để đến đảo Phú Quốc làm mục vụ cho hơn 2000 giáo dân thuộc giáo phận nhà đang làm việc tại đây do hợp đồng đưa người lao động và gia đình của họ từ Bùi Chu di cư lập ấp đến quê hương mới. Tại Phú Quốc, ngài đã giúp các tín hữu ổn định cuộc sống mới và củng cố đời sống đạo cho họ bằng việc cổ võ lòng sùng kính mến yêu Thánh Thể, siêng năng lần hạt Mân Côi. Bản thân ngài hy sinh đến từng nhà để thăm hỏi, động viên, khuyến khích họ sống và giữ đạo sốt sắng trong hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Nhờ đó, chỉ qua một thời gian ngắn, đời sống đạo ở đây đã có những tiến bộ. Tuy nhiên, khi cuộc sống tạm thời đi vào ổn định thì công ty tại đảo Phú Quốc bị phá sản, cha Huệ lại phải lo liên hệ với hai giáo xứ Rạch Giá và Hà Tiên thuộc giáo phận Nam Vang (Campuchia) để sát nhập hơn 2000 tín hữu tại Phú Quốc vào hai giáo xứ này. Nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ thương, việc này cũng đã diễn ra tốt đẹp. Từ đây các tín hữu này đã có một quê hương mới tươi đẹp hơn, nhờ vị mục tử khôn ngoan và đạo đức.
Trong suốt những năm mục vụ của cha, người ta nhận thấy có một sức sống mới nơi các xứ đạo. Ngài đã hướng tín hữu đến một đức tin sống động thay vì những tập tục phô trương. Trong các nhà thờ nơi ngài cử hành thánh lễ có nhiều người tham dự không kể sáng tối, ngày thường cũng như ngày Chúa Nhật. Giáo hữu tham dự thánh lễ sốt sắng và rước lễ rất đông vì ngài chịu khó ngồi toà giải tội. Tất cả những thành quả đó, ngoài ơn Chúa và Đức Mẹ giúp, còn có công lao khó nhọc, tấm lòng mục tử vì đoàn chiên mà cha Huệ đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình.
Mẫu gương tinh thần hy sinh
Tinh thần hy sinh của cha Huệ được thể hiện cụ thể nơi cách cư xử, lối sống thường ngày của ngài. Ngài không những hy sinh chay tịnh phần xác, mà còn hy sinh chay tịnh trong tâm hồn nữa. Cố linh mục Giuse Phạm Châu Diên đã ghi lại trong Hồi ký đời tôinhư sau: “Bữa sáng, món điểm tâm của ngài là một bát nước cơm, hay một ly cà phê. Bữa trưa, tuy đồng bàn với các cha, nhưng ngài dùng cơm của chủng sinh, viện cớ là để theo dõi cho biết mà sửa chữa khi cần. Buổi tối, ngài chỉ ăn cháo qua loa [...]. Áo trong của ngài phần nhiều là cũ vá, như khi đi tắm biển với ngài, tôi đã từng thấy. Ngài thường lấy các mảnh giấy vụn mà viết thư [...]. Phòng ngài ở rất đơn sơ, không có một thứ gì đáng giá. Bàn giấy giám đốc chỉ là một cái bàn nhỏ, xách một tay còn nhẹ”.
Tinh thần hy sinh vì đoàn chiên của cha Huệ còn thể hiện cách đặc biệt nơi toà giải tội. Ngài là vị tông đồ miệt mài nơi toà giải tội như cha thánh Gioan Maria Vianney. Có những ngày đông người, ngài phục vụ liên tục từ 15-16 giờ đồng hồ, vì cha luôn tâm niệm rằng: không để ai đã chịu khó bỏ công việc, đến nhà thờ dọn mình xưng tội mà không được vào toà xưng tội. Những việc làm này của cha, không phải để cho thiên hạ thấy, mà vì lòng mến Chúa thúc đẩy, như lời thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Đó cũng là lý tưởng và mục đích đời tu của cha Huệ.
Nhìn vào cuộc đời của cha Giuse Maria Hoàng Gia Huệ, chúng ta thấy ánh lên mẫu gương về một vị mục tử tốt lành, luôn hy sinh cho lợi ích phần rỗi các linh hồn. Cái chết thảm thương của ngài là một chứng từ sống động của đức tin kiên trung, niềm hy vọng vững vàng và lòng yêu mến thiết tha đối với Chúa và với Giáo Hội.
Qua gương sáng và đời sống của ngài, chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo Hội những vị mục tử thánh thiện, nhiệt thành. Những lời của Công đồng Vaticanô II thật phù hợp để áp dụng vào đời sống chứng tá của Cha Huệ: “Là những vị cai quản và chăn dắt dân Chúa, các ngài được tình yêu của Chúa Chiên nhân lành thúc đẩy hiến mạng sống cho con chiên, và sẵn sàng hy sinh đến tột bậc, theo gương của nhiều linh mục, ngay cả trong thời hiện đại, không quản ngại hiến mạng sống mình. Là những nhà giáo dục trong đức tin và ‘được lòng can đảm bước vào nơi chí thánh nhờ Máu Chúa Kitô’ (Dt 10,19), các ngài tới gần Thiên Chúa, ‘với một tấm lòng chân thành tràn đầy đức tin’ (Dt 10,22); các ngài gây niềm hy vọng vững vàng cho các tín hữu của mình, để nhờ chính sự khích lệ mà Thiên Chúa đã khích lệ các ngài, các ngài có thể an ủi họ trong mọi cơn thử thách, là những vị hướng dẫn cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn: từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi, luôn tiến bộ trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn và khi cần, các ngài sẵn sàng đi vào những con đường mục vụ mới mẻ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần tình yêu, Đấng thổi nơi nào Ngài muốn” (Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 13).
GP Bùi Chu
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng