Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Nguyễn Khắc Cẩn
Cha Giuse NGUYỄN KHẮC CẨN (1880 – 1971)
Chánh xứ Hội Am, Giáo phận Hải Phòng
Vui tươi trong thử thách
Cha già Giuse Nguyễn Khắc Cẩn là vị chánh xứ thứ 6 của xứ Hội Am. Ngài coi sóc xứ Hội Am trong suốt 22 năm và để lại trong lòng người dân Hội Am nhiều dấu ấn khó phai mờ.
Cha Giuse Cẩn được Đức Cha Gomez Lễ sai về xứ Hội Am ngày 15-01-1949 cùng với thầy Giuse Nguyễn Công Luận. Lúc đó ngài đã 69 tuổi. Trước đó ngài từng phụ trách giáo xứ Đại Lộ. Giáo xứ Đại Lộ có được ngôi thánh đường như ngày nay là nhờ công lao của ngài. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngài vẫn nhiệt tình chăm lo việc phần hồn cho giáo dân toàn xứ và phát triển riêng văn hoá cho giới trẻ. Ngài mở trường tiểu học, thu nhận cả trẻ em lương cũng như giáo. Ngài tìm những thầy cô dạy giỏi, tận tâm về giúp các em. Ngài còn nhận nhiều con cái thiêng liêng để hy vọng đào tạo ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Mỗi kỳ nghỉ hè có rất đông các thầy, các chú về nghỉ giúp ngài nhiều việc trong các xứ họ. Ngài cũng thành lập nhiều hội đoàn tông đồ và cầu nguyện như Hội thánh Giuse, Hội tràng hạt Mân côi…
Sau năm 1954, non nửa giáo dân Hội Am di cư vào Nam. Khi ấy đất nước lại vừa trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt, đời sống giáo dân ở lại có nhiều thiếu thốn và khó khăn. Cha già Cẩn đã thường xuyên đi thăm viếng an ủi động viên họ giữ lòng cậy trông mến Chúa.
Năm 1956 miền Bắc cải cách ruộng đất. Một số cán bộ đi quá đà, một vài giáo dân bị lôi cuốn đã có những lời lẽ và hành vi không tốt xúc phạm nặng nề đến ngài. Chính trong thời gian khốn khó này, Cha đã sống đời sống chứng tá của một vị chủ chăn tốt lành và thánh thiện. Ngài bị đem ra xét xử tại điếm phủ nhà xứ, ngay cuối nhà thờ Hội Am. Người ta vu khống cho ngài đủ mọi thứ tội lỗi, nhưng ngài vẫn nhẫn nhục, chịu đựng và tha thứ cho họ. Ở tuổi 84 tuổi mà bị chính những người thân của mình gây cớ làm khổ, ngài đau đớn cho mình thì ít mà xót xa cho người tố cáo mình thì nhiều. Noi gương Đức Kitô, ngài đã xin Thiên Chúa tha thứ cho những kẻ tố cáo mình.
Sau đó ngài còn nhiều lần bị cách ly hoàn toàn với giáo dân. Trong nhà xứ khi ấy chỉ còn lại thầy già Luận, bõ Ri mù, cô Sinh lo nhà bếp và cậu Hiển (bây giờ là linh mục Stêphanô Nguyễn Văn Hiển – nghĩa tử của cha già, thuộc giáo phận Hải Phòng).
Họ tố cáo ngài và chiếm đoạt tài sản nhà thờ: tịch thu ruộng đất; lục soát lấy sách vở tài liệu để thiêu đốt. Ngày nào họ cũng đưa ngài ra chốn công chúng để tố cáo, cứ từ sáng đến tối ròng rã suốt 3 tháng liền. Có điều kỳ lạ là ngài rất bình thản, không buồn rầu héo hắt mà cứ vui tươi cùng mọi người.
Chính trong suốt một năm vào sa mạc ăn chay cầu nguyện này, cha già đã được Chúa tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng và thể lý, để chuẩn bị cho giai đoạn phụ trách thêm 6 giáo xứ khác nữa.
Sau năm 1957, trong dịp Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo kinh lý tại giáo xứ Nam Am, nhiều giáo dân từng tham gia vào việc đấu tố các linh mục đã công khai thú tội và xin lỗi Giáo Hội. Sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường, một số ruộng đất được trả lại, giáo dân tự do lui tới nhà thờ, nhà xứ. Theo lệnh của Đức cha, cha già Cẩn phụ trách 5 xứ thuộc huyện Vĩnh Bảo và 2 xứ khác thuộc huyện Tứ Kỳ. Ngài luân phiên ở mỗi xứ một tuần lễ, mỗi họ lẻ 1-2 ngày để dâng lễ và cử hành các bí tích. Ngài thành lập Hội bác ái gồm các chị em nữ tu thường xuyên đi vào các làng lân cận không Công giáo để rửa tội cho các trẻ sơ sinh hấp hối mà chưa được chịu bí tích Thánh tẩy. Nếu các em không may qua đời thì các nữ tu này xin xác về để mai táng. Ngài còn lo trồng thuốc lào và cấy lúa tại ruộng của nhà xứ để có thêm ngân quỹ chi dùng và tu sửa nhà thờ.
Năm 1958, cha già Giuse tổ chức lễ Phục sinh quy tụ 7 giáo xứ về tại nhà thờ Nam Am. Năm 1962, ngài mua lại gỗ lim của một ngôi chùa bên Cao Dương – Thái Bình về thay hoành rui nhà xứ. Năm 1965, ngài tu bổ lại nhà thờ giáo xứ và giúp Họ Vạn Hoạch sửa lại mái nhà thờ. Năm 1963, do tuổi cao sức yếu, ngài chỉ còn phụ trách 5 xứ thuộc huyện Vĩnh Bảo.
Ngày 15-02-1971, cha già Giuse Nguyễn Khắc Cẩn được Chúa gọi về sau một cuộc đời dâng hiến phục vụ với biết bao gian nan thử thách. Hàng vạn giáo dân đã về Hội Am để đưa tiễn người cha khả kính. Dù trong hoàn cảnh thế nào đi nữa, cha Giuse luôn một lòng trung thành và trung kiên phục vụ Giáo Hội. Ngài đã an nghỉ tại giáo xứ Hội Am, như muốn nói lên sự gắn bó mãi mãi của vị mục tử với đoàn chiên mà Ngài đã dày công phục vụ.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng