Chân dung linh mục Việt Nam: cha Micae Trần Khắc Vinh

Chân dung linh mục Việt Nam: cha Micae Trần Khắc Vinh

Cha Micae TRẦN KHẮC VINH
Người lữ hành lặng lẽ

Trong dòng vận động thăng trầm của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, có biết bao tấm gương linh mục đã từng sống, từng cống hiến và nêu gương như những nhân chứng sống về tình yêu và niềm tin bất diệt vào chân lý của Đức Kitô. Giáo phận Thanh Hóa là nơi ươm mầm, phát triển cho nhiều nhân chứng như vậy, trong đó cho đến ngày nay, nhiều người còn nhắc nhớ đến cha Micae Trần Khắc Vinh như một điển hình của hành trình ấy. Có rất nhiều câu chuyện, nhiều sự tích về cuộc đời của cha Micae.

1. Đôi nét về cuộc đời cha Micae Trần Khắc Vinh

Cha Micae Trần Khắc Vinh tên thật là Nguyễn Văn Vinh sinh ngày 16-9-1911 (23 tháng 7 năm Tân Hợi) tại giáo họ Trị Sở, giáo xứ Phong Ý, thuộc giáo hạt Sông Mã, giáo phận Thanh Hóa (xóm Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Ông bà thân sinh là những người giáo hữu rất đạo đức, luôn lấy việc lành thánh thiện mà nêu gương sáng cho con cái. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống của cha Micae Trần Khắc Vinh – có thể nói gia đình chính là nơi khơi nguồn cho tình yêu và ước muốn dấn thân theo Đức Kitô của ngài.

Một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời dấn thân của cha Micae, đó là năm lên 11 tuổi (năm 1922) ngài được cha Phêrô Trần Khắc Cần nhận làm con thiêng liêng và linh hướng cho việc chuẩn bị vào Tiểu chủng viện. Vì thế, ngài đã quyết định lấy họ Trần của cha đỡ đầu thay cho họ Nguyễn, là họ của dòng tộc.

Ba năm sau, ngài được gửi vào học tại Tiểu chủng viện Ba Làng, Thanh Hóa. Theo học ở đây được 3 năm, đến năm 1927 ngài lại chuyển ra học tại Tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Phát Diệm. Từ năm 1933 đến 1936 cha dạy học ở trường Mission, Thanh Hóa. Năm 1936 cha được cử đi học chủng viện ở Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Sáu năm sau, mùa hè năm 1942 (ngày 6-6-1942) ngài được thụ phong linh mục tại nhà thờ chính tòa Thanh Hóa, do tay Đức cha Luy Hành (Couman), giám mục giáo phận Thanh Hóa. Kể từ đây cuộc đời của chàng thanh niên trẻ bắt đầu đi theo một hành trình đầy những chông gai, trắc trở. Nhưng với sức trẻ của tuổi thanh xuân, cái nhìn luôn lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào và niềm tin xác tín rằng Đức Kitô luôn sát cánh bên mình, ngài đã vượt thắng được mọi cám dỗ, thử thách của đời trần tục.

2. Cha Micae Trần Khắc Vinh - chứng nhân của niềm tin và niềm lạc quan không bao giờ tắt

Năm 1945, làm phó xứ Chính Toà, ngài được giao chăm sóc trại phong cùi Đại Độ (hiện nay thuộc phường Phú Sơn, Thành phố Thanh Hóa), tuy là linh mục trẻ mới ra trường song ngài không nề hà vất vả, dấn thân hết mình phục vụ những người phong cùi theo tinh thần Phúc âm. Cũng năm 1945 xảy ra nạn đói khủng khiếp, cha Micae suốt ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường với chiếc xe đạp cũ kỹ, vừa đi cử hành bí tích cho người hấp hối ở các ngả đường, gầm cầu, xó chợ, vừa đi quyên góp lương thực để trợ giúp những người đang bị nạn đói của năm Ất Dậu hoành hành.

Năm 1952, khi cha đang làm quản xứ giáo xứ Ngọc Lẫm (thuộc xã Trường Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa), thì xảy ra việc đấu tranh chính trị, ngài bị bắt dẫn vào làng Hồi Cù, là một làng cũng thuộc xã Trường Giang nhưng xa khu vực Công giáo. Cha bị trói lại treo ngược chân lên xà nhà, đầu quay xuống đất rồi người ta ra lệnh cho mọi người có mặt ở đó lấy roi gai kè đã được chuẩn bị sẵn từ trước, đánh tới tấp từ đầu tới chân một cách vô tội vạ, ai không đánh là đồng lõa với địch. Họ đánh ngài máu me đầm đìa, gai kè gẫy cắm sâu trong da thịt. Sau những trận mưa gai kè, người ta hạ ngài xuống, cho ngài vào một cái rọ lợn xô xuống ao rồi lại kéo lên tiếp tục những trận mưa đòn roi khác. Nhưng suốt đời sống với mầu nhiệm thập giá, ngài đã được sức mạnh phi thường của thập giá nâng đỡ, nên ngài đủ sức kiên cường chịu đựng không một lời ca thán. Họ đánh chán lại thả ngài xuống, chảy nhiều máu ngài kêu khát nước; thấy vậy, một người đàn bà trong phiên tòa đấu tố bày trò làm nhục ngài Sau cuộc đấu tố, người ta cho giáo dân khiêng ngài về nhà xứ Ngọc Lẫm, và tình hình căng thẳng dịu dần. Người ta cho đem ngài ra nhà thương của nhà Chung, do các xơ dòng Truyền giáo phụ trách. Các xơ đã mổ vết thương, gắp ra những cái gai kè bị gãy ngập sâu trong da thịt, nghe nói đến cả bát gai. Không một liệu pháp gây mê, không một lời ca thán, trái lại để động viên các xơ yên tâm mổ vết thương, ngài còn hài hước: Chúa Giêsu chỉ bị đội mão gai trên đầu, còn cha Micae được đội mão gai cả người, nhưng lại được các xơ mổ lấy gai ra cho, còn Chúa Giêsu thì không được may mắn như vậy…

Những tích truyện về cha Micae thì nhiều lắm như việc ngài cùng chung chia bắp ngô, củ khoai, củ sắn với bà con giáo dân những vùng nghèo khó, ngài yêu thương trẻ thơ hết lòng…

Cuộc đời linh mục của cha Micae luôn gắn chặt với Chúa Giêsu Thánh Thể: Ngài chuẩn bị Thánh lễ rất chu đáo (dọn mình trước khi cử hành Thánh lễ, cử hành Thánh lễ nghiêm trang, sốt sắng, bài giảng ngài dọn rất chu đáo). Sau mỗi Thánh lễ, ngài luôn cám ơn Chúa và Mẹ Maria đã đồng hành cùng ngài. Ngoài ra ngài còn siêng năng giải tội và cử hành các bí tích; đọc kinh Phụng vụ đúng giờ, tham gia đọc kinh với giáo dân. Một nét son mà ít linh mục làm được là ngài đã thường xuyên ghi nhật ký về việc cử hành Thánh lễ, nhất là số lễ đã cử hành, cử hành ở đâu, cho đến tận lễ cuối đời ngài. Sống trong hàng giáo sĩ, ngài luôn luôn kính trọng và vâng phục bề trên, tôn trọng anh em linh mục dù hơn tuổi hay ít tuổi với tất cả sự chân thành đơn sơ.

Đời linh mục của ngài là một đời linh mục trong thời gian giáo phận gặp nhiều gian nan, khốn khó, cá nhân ngài là người luôn bị xã hội gây khó khăn trong công việc mục vụ, song ngài luôn kiên cường, hy sinh bản thân mình để phục vụ dân Chúa và hoàn thành những trách nhiệm mà bề trên giáo phận giao cho. Ngài cần cù như một người thợ gặt lành nghề, đều đặn gom góp hương thơm quả ngọt đem về dâng Chúa. Đúng như lời Thánh thi ca ngợi: “Đây Linh mục, những con người thánh hiến/ Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên…/ Thắt đai lưng như đầy tớ chuyên cần/…Không mỏi mệt nhưng kiên trì tỉnh thức/ Suốt đêm trường hay mãi tới canh khuya” (Thánh Thi giờ Kinh sáng, lễ kính các Thánh Mục tử).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top